Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Rời quê – xa phố

VRNs (03.02.2012) – Long An – Năm Nhâm Thìn 2012 cũng thật đặc biệt, lần đầu tiên người công chức được nghỉ Tết Nguyên Đán 9 ngày liên tục. Nghe 9 ngày thì thật là dài nhưng về quê gói xong nồi bánh tét, lau dọn ba cái, cúng xong mâm cơm cho tổ tiên, mừng tuổi ông bà, thăm hỏi xóm giềng, có rảnh rỗi chơi vài ba ván lôtô, cờ các ngựa hoặc đôminô là phải lây huây chuẩn bị quay về Sài Gòn để đi làm. Hết Tết!

Đường xuôi về thành thị những ngày sau Tết cũng đông đúc xe máy, thỉnh thoảng có một hai chiếc xe khách đông nghẹt người ta trở về sài Gòn đi làm cho kịp ngày khai trương năm mới cho nên việc đón xe dọc đường thật khó khăn chọn được xe về nơi mình muốn, có tìm được chuyến thì giá vé cũng ở trên mây, trong khi tuyến đường về tỉnh thì xe chạy không mà đường cũng vắng hoe vắng ngắt. Về quê cộ bao nhiêu thì khi trở lại Sài Gòn cũng cộ lên không kém, nào là gạo, gà, vịt, nào là rượu thuốc, rau cải, bánh tét, trái cây miền sông nước.

Dọc đường liên tỉnh cứ cách vài ba chục cây số là có hai ba anh CSGT chặn xe thu ‘phí mãi lộ’. Thấy trạm là tài xế biểu lơ “mày nhét một trăm vô sổ [hồ sơ xe, đăng kiểm, các thứ] rồi đưa cho nó”, anh còn nói thêm “tụi này nó hay lắm, mình đưa nó rút siêu luôn, không để ý là không thấy nó lấy tiền ra”, chừng hai phút là xe chạy, không xe nào thoát trạm cả. Đoạn gần cầu Bình Điền xe dừng nộp “phí mãi lộ” nối đuôi nhau liên tục không dứt, lơ các xe phải đợi để “kính anh” CSGT. Dường như đây là quy định ngầm giữa giới bác tài và CS “đứng đường” rồi, cứ gặp là phải “chung” chứ chẳng hỏi tại sao gì cả.



Một anh tài xế xe khách Bến Tre còn trẻ thú nhận “chưa hiểu chuyện đời”, bị ngoắc vô, sau khi trình đủ giấy tờ thì đinh ninh mình được đi nên “chẳng chung chi” gì hết, nhưng cuối cùng bị phạt hai trăm ngàn vì “cái nùi giẻ lau xe dơ quá, làm sao lau kính sạch” mới đau. Bà H nhà ở Bình Thạnh cho biết bà đã khuyên cháu bà là CSGT nhiều lần đừng làm việc thất đức, đừng lấy tiền của người ta nhưng cháu bà trả lời rằng: “Cô có biết cháu tốn bao nhiêu mới được đứng cái chổ đó không ?”



Nhớ những ngày giáp tết, dọc những con đường quốc lộc 1A, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13,… những người con di dân xa xứ tay xách nách mang bia rượu, trà bánh nước ngọt, cái chăn bông, áo quần, và đủ các cái mang về quê nhà làm quà cho người thân đang ngóng chờ những chuyến xe đò còn chổ để về quê cho kịp giao thừa ‘rước ông bà’ trước Tết. Hễ xe nào về tỉnh ngang qua dừng lại là từng nhóm người vội vả chạy tới, í ới hỏi “đi đâu, đi đâu”. Có những người mừng rỡ dọn đồ nhảy vội lên xe sau khi thỏa thuận giá trên trời (bằng ba giá bến ngày thường) dù bị nhét bị nhồi như mắm trong keo, nhưng cũng có những người tiu ngỉu trở lại đóng đồ của mình vì không phải xe về nơi mình muốn. Có người đi ắc có người đến, cũng ngồi chờ dọc các con đường về tỉnh và sự việc này cứ lặp đi lặp lại cho đến chuyến cuối cùng xe xuất bến hoặc xe dù của ngày giáp Tết.

Ấy là nói đến những người ở miền xa trên hai ba trăm cây số mà không mua được vé trong bến vì nhiều lý do, nhưng cũng có người tự mình về quê trên con ngựa sắt hàng ngày cùng mình vất vả đi cày kiếm ba bữa cháo rau với đoạn đường dài đằng đẵng như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vị Thanh, Phụng Hiệp, Đồng Tháp, Bến Tre,…..

Từ sau ngày hăm ba ‘đưa ông Táo’ về trời là có những gia đình chuẩn bị lần lượt về quê sớm để có nhiều thời gian ở bên ông bà, cha mẹ, người thân của mình sau năm dài xa vắng, cũng là để chung tay gói bánh tét, bánh chưng, kho thịt, làm củ kiệu, dưa món, giặt giũ mùng màng, lau chùi bàn thờ tổ tiên, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa.

Đường về miền Tây rộn ràng, tấp nập, nhộp nhịn, tưng bừng với bao nhiêu là xe máy chất đầy nhóc nào là người lớn, trẻ con, nào là quà Tết đủ các cái trên đời mang từ Sài thành về làm quà, dâng cúng tổ tiên. Tiếng nói cười hớn hở của các người con xa xứ có thể nghe rõ mồm một nếu đi gần hoặc khi xe dừng lại tại các giao lộ đèn giao thông về ông bà ở quê, về nồi bánh tét sắp gói với gia đình, về con cái học hành,… kể cả chuyện lì xì ngày tết. Chốc chốc, có xe dừng lại tại các lò bánh mì ven đường quốc lộ, xa lộ để mua thêm bánh mì, giò chả, thịt quay hoặc tại các tiệm tạp hóa lớn để mua thùng bia, thùng nước ngọt, hộp bánh, ký mứt,… chất cho đến khi xe không còn thể chất. Có vậy mới thấy được tấm lòng hiếu thảo của những người con dân quê làm ăn xa xứ đi làm vất vả, khốn đốn ở Sài thành nhưng mong mỏi đem được về quê cho ông bà, cha mẹ, anh em chút quà Tết đủ đầy cho đỡ tủi khi nhìn người thân bấy lâu xa cách.



Ngày Tết ở quê đơn sơ, chân chất, thân thiện lạ thường. Bà con tới chúc Tết nhà này lại rủ thêm người trong nhà đi chúc tết nhà khác, đi đến nhà cuối cùng trong xóm thì gần như có mặt cả làng, đông vui hết sức. Nhà có gì thì dọn hết ra mời khách, cuộc trò chuyện, chúc nhau, nhắc nhớ những việc vui buồn ngày qua trong năm thật rôm rã, đầy ắp tiếng cười. Ngày trước sống ở quê cứ ngong ngóng ai đi làm xa kéo bà con ở quê lên thành làm cho đỡ khổ. Ấy vậy mà khi đã ở thành rồi mới thấm thía nổi khổ của kẻ chân quê sống ở thị thành với thân phận là kẻ làm công, nhịn nhục, chịu đựng từng lời ăn tiếng nói, tới đồng lương ba cắc một đồng cũng chẳng bằng ai nhưng việc cứ đổ lên đầu lên cổ. Về lại quê mới thấy được tình người sâu đậm trong từng cái bắt tay, chào hỏi thăm nhau chuyện riêng chung xa xứ, mới thấy được mình lại là mình trong vòng tay của mẹ, được hiu hiu giấc trưa trong võng dưới bóng cây trong vườn, được thưởng thức những món ăn thành thị không có là thịt gà thịt vịt rắn chắn, dẻo dai, ngọt lành từng sớ thịt mà bà mẹ già nuôi bằng thóc từ hơn nửa năm qua, cho gà ăn, dội sân, tưới cây mỗi sáng. Ánh lửa bếp củi cháy bập bùng, lửa đỏ liếm quanh nồi tiếng reo tí tách thật vui tai.

Buồn thay, việc xe cộ về quê ăn Tết cùng ông bà cha mẹ người thân lại trở thành gánh nặng cho người xa xứ hai bận đi về dẫu họ chỉ là những người cùng đinh trong xã hội hôm nay.

MINH QUÂN, VRNs