VRNs (30.01.2012) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 5 thường niên năm B 05.02.2012
“Tìm mãi trên thung lũng hồng, thương yêu ngạt ngào,
Người hỡi cho ta suốt đời, một mình lẻ loi.”
(Phạm Mạnh Cương – Thung Lũng Hồng)
(Cv 15: 29)
Buổi vui hôm ấy, ngày đầu niên biểu 2012, bần đạo cùng với hai thành viên trong gia đình nhỏ bé bất chợt ghé viếng “thung lũng hồng” nước bạn nọ tìm “hương yêu ngạt ngào”, nhưng không cùng cung điệu mà nghệ sĩ trên từng nhấn mạnh ở ca từ: “Cho ta suốt đời, một mình lẻ loi.”
Theo bần đạo, sở dĩ nghệ sĩ “mình” thấy lẻ loi/đơn côi là bởi khi viết nhạc ông chỉ viết cho giới ưa ca hát như bần đạo đây, để rồi lại cứ ê a đôi ba lời hát rất lê thê/câu nệ vẫn như sau:
“Gọi gió lên thung lũng hồng, mây trôi bềnh bồng.
Hạt nắng lung linh tím dần mênh mông thu vàng.
Còn đó, Em yêu dỗi hờn long lanh lệ buồn,
Còn đó, sương vây kín đầy cho tình ngất ngây.”
(Phạm Mạnh Cương – bđd)
Với bần đạo, khi gọi nơi nào là “thung lũng hồng”, thì dù thấy “lung linh tím dần, mênh mông thu vàng” đi chăng nữa cũng chẳng nên kêu: “Sương vây kín đầy, cho tình ngất ngây!” Bởi, nơi “thung lũng hồng” ấy nay toàn những “hương yêu ngạt ngào” của ngày vui. Rất hôm ấy.
Ngày vui hôm nay hay hôm ấy đến với bần đạo là câu vẩn vơ từ một đồng nghiệp ở Úc thích viết lách khi biết bần đạo ghé chốn “thung lũng hồng” rất lạ lùng nơi xa xôi, bèn có lời hỏi:
“Này bạn qua đó, có thấy món bê thui mềm mại mà dân vọng ngoại cứ bảo: bê/bò xứ Ác-Hen-Ti-Na là bò/bê ngon nhất thế giới không? Nếu có, đừng quên cho bọn tớ dăm ba ý kiến/ý cò để so sánh nhá!”
Nghe hỏi, bần đạo hơi hụt hẫng vì bỗng dưng bạn bè dành cho mình dịp thuận để chạy thoát tình thế “vẫn như thế”, nay “thế thời” của những viết lách chuyện tu đức với đạo hạnh, đã qua đi trong phút giây. Được lời như cởi tấm lòng, bần đạo thay vì trực chỉ câu trả lời rất ư thật tình mình vẫn nghĩ, chỉ trở về với ca từ nghệ sĩ cứ ê a ba câu nữa:
Tình xa trên thung lũng hồng,
Tình nhớ trên trên thung lũng hồng,
Ngàn sau rồi sẽ khóc thầm,
tình yêu vụt theo lời gió.”
(Phạm Mạnh Cương – bđd)
Quả thật nghe hỏi, bần đạo những muốn “khóc thầm” nhớ lại tình huống khi xưa rất mê “thung lũng hồng” với bê/bò mềm béo chốn cao nguyên nhiều “thung lũng”, nay vắng mặt. Đặt chân đến chốn miền nhiều “thung lũng (rất) hồng” ở xứ miền rất Nam Mỹ mà lại hỏi về bê/bò mềm mại có là thứ thịt ngon nhất thế giới không, khác nào hỏi ông răng rụng khá rung rinh, rằng: lúc này ông thưởng thức món sườn nướng, thấy làm sao?
Hỏi bần đạo những câu tương tự, khác nào hỏi “người mù đi xem voi”, bởi lâu lắm rồi, bần đạo đây tuy không tu chùa/tu Phật, nhưng đã bỏ thịt thà, nên mỗi lần nghe hỏi bần đạo đến là rùng mình phát khiếp. Thôi thì bạn bè đã hỏi, bần đạo cũng đành mượn ý kiến với lập trường của đức thày nhà Đạo tên tuổi rất John Flader ở Sydney để cùng bầu bạn tản mạn đôi ba giòng chảy rất quen quen.
Quen quen chuyện hôm rày và hôm nay, không nhất thiết phải là triết/thần rất cứng ngắc của người nhà Đạo, cho bằng chuyện lạo xạo trong đời, của người đời, những ăn và uống chung quanh “thung lũng hồng” ở đây đó như sau:
“Trả lời câu hỏi của anh/chị: người Công Giáo có được phép ăn thịt “Halal” của người Hồi giáo hay không, tôi nghĩ trước tiên cũng nên xác định rõ thế nào gọi là thịt “Halal” của anh chị em đạo Hồi. “Halal”, tiếng Ả Rập, chỉ có nghĩa là “phù hợp với lề luật” thôi, nên “Halal” là thứ thịt mà người theo đạo Hồi đuợc phép ăn mà không sợ trái luật đạo do đấng Mohhamed tạo ra. “Halal” khác với “Haraam” là thứ thực phẩm bị cấm ngặt.
Đạo Hồi cấm người đi đạo ăn thịt heo, uống máu súc vật, cùng loài thú từng bị xiết cổ hoặc đánh đập cho đến chết. Đạo còn cấm mọi người uống rượu hoặc ăn thịt gì không nấu/nướng theo cung cách rất “đặc sản” của bổn Đạo… Thành thử, muốn trở thành “Halal” thịt của súc vật ấy phải được xẻ theo cách riêng biệt. Tức, loài thú bị xẻ thịt phải được cắt tiết; và người giết khi thi hành việc sát sinh phải hướng về Mecca và kêu tên cực trọng hoặc Allah hoặc Thiên Chúa.
Lò sát sinh nào chứng minh được là mình theo khuôn thức của Đạo Hồi, sẽ được cấp phép giấy hành nghề do giới chức trong Đạo cấp phát chứng nhận lò ấy có thể giết thú xẻ thịt để làm món “Halal”, theo cung cách rất bài bản. Khi thực hiện, người đạo Hồi chỉ ăn thịt “Halal” nào có phép tắc hẳn hòi, thôi.
Còn, người Công giáo thì sao? Có được ăn thịt thà thuộc loại này hay không? Để trả lời, việc đầu tiên nên hỏi là: Trong Kinh thánh có chỗ nào nói về chuyện này không? Thật ra, cũng có. Sách Tông Đồ Công Vụ, cũng đề cập đến việc Công Đồng Giêrusalem các thánh tông đồ và các đấng bậc đã gặp nhau bàn định xem có nên áp buộc các tín hữu ngoài Đạo vừa trở lại với Hội thánh Antiôkia không.
Ngoài ra, các thánh cũng nhấn mạnh: các tín hữu ngoài Đạo vừa trở lại đều được bảo “Hãy biết tự chế đừng nên ăn những gì đã tế hiến ngẫu thần; và cũng đừng uống máu ăn thịt thú nào bị xiết cổ cho chết rồi mới xẻ thịt” (Cv 15: 29). Người Do thái cũng như các vị theo đạo Hồi vẫn coi máu thú vật là sự sống của loài thú; và máu mủ mọi loài thú đều phải đặt dưới quyền định đoạt duy nhất từ Đức Chúa mà thôi. Bởi thế nên, họ không ăn thịt loài thú nào bị xiết cổ để xẻ thịt, bởi thịt đó vẫn còn dính máu, tức ô uế.
Thế nhưng, tại sao các thánh Giáo hội tiên khởi vẫn theo tập tục của người Do thái, rất giống hệt? Để trả lời, cũng nên nhớ rằng: lúc ấy là thời khởi đầu của Đạo Chúa và đó cũng là thời kỳ mà các tín hữu Hội thánh tiên khởi vẫn còn sống. Phần đông các ngài là tín đồ Do thái giáo mới trở lại. Nên, nhiều vị vẫn thấy ghê mỗi khi nhớ lại thời kỳ mình còn kiêng cữ các loại thịt nào còn dính máu vẫn bị luật Do thái cấm đoán (x. Lv 17: 10tt.) Cũng có thể, các thánh vẫn cứ kiêng không ăn thịt heo hoặc thịt có dính máu trong thời gian dài, là bởi người Do thái chẳng khi nào nhúng môi vào thịt này.
Về thức ăn đã hiến tế ngẫu thần, thánh Phalô có lần viết:
“Vậy, về việc ăn thịt cúng, chúng ta biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất.” (1Cr 8: 4)
Dù sao, dân con Đạo Chúa thuở ban đầu vẫn còn yếu về đạo đức chức năng, nên cứ nghĩ nếu mình ăn thịt gì có dính máu như thế ắt hẳn là có tội. Có vị tuy đã đồng bàn nhưng lại cứ nghĩ mình nên ăn kiêng như trước để không gây cớ vấp phạm hoặc có hành động trái với lương tâm, đạo đức. Thế nên, thánh Phaolô đã phải thêm:
“Nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã..” (1Cr 8: 13)
Vì lý do này mà Công Đồng Giêrusalem đã cấm cản tín hữu ngoài Đạo vừa trở lại không được ăn thịt gì đại loại như thế. Và vì thế, thánh Phaolô mới tóm tắt như sau:
“Không phải của ăn làm ta gần Thiên Chúa. Không ăn những thứ đó, ta chẳng thiệt thòi gì; dù có ăn, cũng chẳng lợi.” (1Cr 8:
Ở chương sau, thánh Phaolô cũng gặp vấn nạn như anh/chị đặt ra hôm nay, tức vấn đề liên quan đến “Halal”, nên mới công bố như trước đó, rằng: chỉ ăn thịt ấy khi không thấy có vấn đề về lương tâm, thôi.
Vậy nên, để giúp tín hữu nên cẩn thận khi ra chợ mua thức ăn về mà không nắm chắc thịt ấy là thịt gì, chế biến thế nào, thánh Phaolô lại viết rõ ở đoạn khác:
“Tất cả những gì bán ngoài chợ, anh em cứ việc ăn, không cần phải đặt vấn đề lương tâm.” (1Cr 10: 25).
Và, để giúp dân con nhà Đạo biết phải làm gì khi được mời dự tiệc ở nhà người khác đạo, thánh nhân lại viết:
“Nếu có người ngoại nào mời anh em và anh em muốn đi, thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em, không cần phải đặt vấn đề lương tâm.” (1Cr 10: 27)
Xem như thế, cũng nên áp dụng vào với trường hợp hôm nay khi có người đạo Hồi mời đi ăn. Tóm lại, rõ ràng Sách Thánh không có chương/đoạn nào cấm tín hữu Đức Kitô ăn thịt “Halal” do người ngoài Đạo Chúa thết đãi hoặc chế biến để bán buôn. Cả vấn đề thức ăn đã cúng thần nào khác cũng không áp dụng ở đây, dù có thành vấn đề với một số người. Nói thế là bởi: “Halal” là thực phẩm dâng cúng lên Allah, là Đức Chúa mà người đạo Hồi, Do thái giáo lẫn Đạo Chúa vẫn phụng thờ.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 30/1/2011 tr. 11)
Như đã viết, hỏi chuyện ăn thịt súc vật ở đời mà lại hỏi đấng bậc chuyên tu trong Đạo, khác nào hỏi các vị khổ tu: có nên chăng ăn uống thả dàn, để “sống với đời”!
Và như bần đạo có trả lời bạn bè về bê/bò xứ miền rất Nam Mỹ: nếu cứ tìm thứ gì nhất hạng trong ăn uống, chắc cũng phải mất rất nhiều ngày, tiền bạc và công sức. Chi bằng, ta cứ thủng thỉnh như người nghệ sĩ vẫn ca và cứ hát những là “thung lũng hồng” ở đây đó, có ca từ vẫn hát như:
Còn nhớ, trên thung lũng này ru êm tình mềm.
Giọt nắng, cho mây trắng về, cho trôi câu thề.
Tìm mãi, trên thung lũng hồng hương yêu ngọt ngào.
Người hỡi, cho ta suốt đời, một mình lẻ loi.”
(Phạm Mạnh Cương – bđd)
Kể về đồ ăn hay thức uống rất hấp dẫn loại “nhất thế giới, nhì Đông Dương”, bần đạo xin kể thêm giai thoại về cái “tôi đáng ghét” như thế này: hôm ấy, lang thang nơi xứ miền cực Nam nước Chilê, rất đê mê bên thủ phủ mang tên Punta Arenas, bần đạo gặp quán nhỏ của người Nhật Bổn có bảng hiệu ghi rõ: “Too Much” (tức: “Quá trời nhiều!”). Bèn vào thử xem có gì gọi được là “nhiều đến thế”? Nhiều thịt, nhiều cá hay sao mà ghê gớm vậy. Vào rồi mới biết: thứ gì cũng được chủ quán mang ra có tí xíu, rất gọn nhẹ, thanh thanh như người lịch lãm vẫn ăn kiêng. Thế mới biết: “Too Much” có nghĩa cũng in ít, điệu nghệ.
Thế nên, mỗi lần nghĩ chuyện thịt thà/cá mắm, bần đạo đây luôn vẫn nhớ chuyện vui bên dưới để minh hoạ và minh chứng những lý luận “ăn cho lắm thịt thà mà làm gì”:
“Moskva vào những năm 1970. Mùa đông giá rét. Có tin đồn là ngày hôm sau cửa hàng bán thịt quốc doanh số 1 sẽ có thịt.
Ngay hôm đó, trước cửa hàng đã có hàng chục ngàn người với áo ấm, giày cao cổ, mang rượu và bàn cờ đứng thành hàng dài, không ngần ngại.
Đến 3 giờ chiều, người bán thịt đi ra và nói:
-Thưa các đồng chí,
Ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng: ta không đủ thịt bán cho tất cả mọi người vì vậy, xin đề nghị bàn dân Do Thái nên về nhà, mà xử lý.
Người Do Thái nghe thế, bèn nhẫn nhục ra khỏi hàng. Mọi người khác vẫn tiếp tục đợi.
7 giờ tối, người bán thịt lại bước ra và nói:
-Thưa các đồng chí, Ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng: hóa ra là không có thịt, vì vậy đề nghị bà con ta nên về nhà, mà lo tính.
Đám đông người mua bèn lố nhố ra về, vừa đi vừa lẩm bẩm/lầm bầm:
-Bọn Do Thái khốn nạn là thế mà sao lúc nào họ cũng gặp may!”
(x. Mười Chuyện tiếu lâm hay nhất thời Xô Viết, do báo The Times Anh Quốc bình chọn)
Sự thật về thịt, có thể không hẳn là như thế. Hoặc, sự thật về chuyện thịt “halal” hay “thịt còn dính máu” đối với người theo Đạo Hồi chắc chắn là như thế. Có như thế, hay không như thế cũng đâu là vấn đề để bạn và tôi, bà con mình cứ thế mà suy tư nghĩ ngợi.
Suy cho cùng, chỉ nên nói: gì gì đi nữa, thịt thà có “nhất thế giới nhì Đông Dương” hay không, hãy cứ thưởng thức đến khi nào không còn hưởng được nữa, mới thôi. Không hưởng và không ăn, nhất thứ vào Lễ Tro hoặc Thứ Sáu Tuần Thánh, rất ghi nhớ. Có ăn thịt hay không, dù thịt ấy là thịt bê mềm mại nhất thế giới hay “Halal” từ “thung lũng hồng” cũng còn tuỳ. Tuỳ chọn lựa của mỗi người. Có ăn hay không, dù thịt gì, cũng hãy làm để tôn vinh Chúa, trong mọi chuyện. Cả chuyện ăn và uống, rất hợp thời. Của con người.
Trần Ngọc Mười Hai
Lâu nay tuy không còn ăn thịt
dù thịt ấy có dính máu hay không
vẫn thấy vui.
Như bao giờ.