VRNs (29.04.2011) - Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh
Có phải ngẫu nhiên chăng khi mà Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh năm nào ta cũng nghe đọc bài Tin Mừng về chuyện “Tôma cứng lòng tin”. Hẳn chủ ý của Mẹ Hội Thánh là muốn nhấn mạnh đến vai trò của đức tin trong việc tiếp nhận mầu nhiệm Phục Sinh? Quả thật, “người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu” (Rm 3,22). Nghi thức cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho người lớn được khởi đầu như sau: Anh chị em xin gì cùng Hội Thánh? – Thưa con xin Đức Tin. Đức tin sinh ơn ích gì cho anh chị em? – Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời. Là Kitô hữu, chúng ta vốn chân nhận tầm quan trọng của đức tin. Tin không nguyên chỉ là nhìn nhận một sự gì đó, một ai đó mà còn dấn thân trọn vẹn cả cuộc sống theo điều mình nhận, theo người mình tin. Dù rằng đức tin là một sự đáp trả của mỗi người trong sự hiểu biết và sự tự do cá nhân, tuy nhiên đức tin còn có tính cách cộng đoàn vì ta đón nhận và sống đức tin nhờ cộng đoàn đồng thời ta còn có nhiệm vụ thông truyền đức tin cho mọi nguời (x.GLCG số 180-181).
VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐOÀN ĐỐI VỚI ĐỨC TIN
Nghe bài Tin Mừng kể chuyện về Tông Đồ Tôma ta dễ nghiêng chiều về tính cách cá nhân của đức tin là cần được kiểm chứng cách tự thân. Ai lại không thích tận mắt mình thấy, tận tay mình sờ chính Đấng Phục Sinh. Thế nhưng dẫu cho các Tông Đồ đã được cái diễm phúc ấy thì vai trò của đức tin vẫn còn đó. Sự xuất hiện của Chúa Phục Sinh luôn có cái ẩn tàng để các ngài phải vượt qua. Bởi chưng những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh không minh nhiên cách rõ ràng để các ngài được diện đối diện như sau này ở trên trời (x.1 Cr 13,12; 2 Cr 5,7). Hình dáng bên ngoài của Chúa Phục Sinh đã có đổi thay nào đó so với trước đây khiến cho Mađalêna, hai môn đệ đi làng Emmau cũng như các Tông Đồ khó nhận ra Chúa. Và rồi các Tông Đồ dù đãthấy một điều, nhưng mãi cần phải nhận một điều khác.
Tuy nhiên điều chúng ta muốn đề cập ở đây chính là tính cách cộng đoàn của đức tin. Trước hết chúng ta cần nhìn nhận rằng thái độ “cứng lòng tin” của Tôma vừa có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan thì có lẽ hành vi rời bỏ cộng đoàn của Tôma minh chứng cho điều này. Sau khi Chúa chịu khổ nạn thì các Tông Đồ đã tụ họp nhau lại ở nhà Tiệc Ly. Còn Tôma thì không biết ngài “đi đi mô?”. Cũng có thể vì sợ hãi, cũng có thể vì một lý do cá nhân nào đó, nhưng trong cái hoàn cảnh này, một hoàn cảnh xem ra bi đát, vô vọng của cả tập thể mà tự ý bỏ đi một mình thì xem ra không được ổn. Thật khó mà biện minh cho sự thiếu “đồng cam cộng khổ” của ngài “đi đi mô”.
Tách rời tập thể, tách lìa cộng đoàn thường là một trong những nguyên nhân khiến đức tin của ta ra nguội lạnh và có khi hoá khô cằn. Thực tế cho chúng ta sự thật này. Một Kitô hữu, một gia đình con cái Chúa tự ý sống tách lìa với cộng đoàn, với giáo xứ của mình thì đời sống đạo khó mà giữ được sự nhiệt thành. Ở đây, chỉ dám nhận xét bên ngoài vì chỉ có Chúa mới thấu suốt mọi tâm can bí ẩn lòng người. Tuy nhiên, ta có thể căn cứ vào số thống kê để chân nhận điều này: trong số các thiếu nhi, thiếu niên xem ra “hư hỏng” thì đa phần là không tham gia vào các lớp giáo lý hay các sinh hoạt chung của cộng đoàn. Trong các gia đình có vẻ như “nguội lạnh” đức tin thì cũng đa phần là không có gắn bó với tập thể, nếu không muốn nói là tự ý sống cô lập một mình. Kinh nghiệm nơi cả hàng tu sĩ hay linh mục cũng thế. Một cá nhân nào đó sống khép kín, bỏ cộng đoàn thì dường như đã hay đang có vấn đề và dĩ nhiên là vấn đề không được hay, không được tốt. Chính vì thế, Mẹ Hội Thánh luôn đề cao tính cộng đoàn trong việc sống đức tin của đoàn con cái. Đó là tình huynh đệ của linh mục đoàn, tính cộng đoàn của các tập thể Dòng Tu, sự liên đới trong các giáo xứ. Mục vụ cho người “di dân”, cho những người rời quê hương vì sinh kế, vì chuyện học hành…đang là một trong những nổi băn khoăn lớn của Hội Thánh nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng.
Cộng đoàn có ảnh hưởng một cách nào đó trên đức tin của chúng ta. Mặc dù ta vẫn phải tuyên xưng với công thức “tôi tin” nghĩa là đức tin luôn là một quyết định có ý thức và tự do của bản thân, thế nhưng ta đừng quên đức tin của ta được hình thành, nuôi dưỡng và củng cố trong và nhờ cộng đoàn. Cộng đoàn có ảnh hưởng tích cực trên đức tin của ta và cũng có khi lại ảnh hưởng cách tiêu cực.
Thái độ cứng lòng tin của Tôma phải chăng có nguyên cớ nơi tập thể nhóm Tông Đồ, môn đệ? “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chúng tôi đã được thấy Chúa, thế mà tám ngày sau các ngài vẫn đóng kín các cửa căn phòng, dĩ nhiên là vì sợ người Do Thái (x.Ga 20,19-26). Một lời tuyên xưng từ miệng những người mà chân tay còn run cầm cập thì khả tín làm sao được! Cần thú nhận rằng sự nhát đảm, sợ sệt của các mục tử, nhất là của nhiều đấng kế vị các Tông đồ là một trong những nguyên cớ làm sụt giảm niềm tin của nhiều con chiên.
Thật khó trở nên dấu chỉ gợi mở lòng tin, thật khó trở thành nguồn củng cố đức tin cho một ai đó, khi mà cộng đoàn đức tin không thực sự phản ánh những gì được tin nhận. Chúng ta hẳn không quên trường hợp “vị thánh sống” của người Ấn Độ, Gandhi. Mặc dù rất cảm mến Tin Mừng nhưng ông đã không đón nhận đức tin trong Hội Thánh chỉ vì sự kỳ thị sắc tộc của một cộng đoàn bấy giờ. Mẹ Hội Thánh chúng ta cũng đã từng đấm ngực thú nhận rằng chính mình là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vô thần trên thế giới hiện nay. Phải, chính đời sống phản chứng, phản Tin Mừng của con cái Chúa đã làm nhiều người “cứng lòng tin” (x. MV số 19).
DẤU CHỈ KHẢ TÍN CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU TIÊN KHỞI:
“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy đem phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu” (Cv 4,32-35).
Những dòng Thánh Kinh thật đẹp, thật lý tưởng. Ngày nay ít có ai dám mơ tưởng chuyện như thế sẽ lại hiện thực. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những hình thức tồn tại thích hợp khác nhau. Chắc hẳn không thể bê nguyên cái hình thức của cái thưở ban đầu “đáng mơ” ấy để áp dụng cho thời đại hôm nay. Thế nhưng cái bầu khí, cái tinh thần khả tín ấy cần được thể hiện trong các cộng đoàn con cái Chúa mọi thời, mọi nơi.
Giả như các gia đình khá giả tự nguyện đem những gì không phải là “hằng ngày dùng đủ” đặt dưới chân ông cha xứ để chia sẻ cho những gia đình đang không có “cái dùng đủ hằng ngày” thì thật đáng ước mơ. Thật đẹp thay khi các giáo xứ tương đối có “của tiêu của dùng” bớt đi chút tiêu và chút dùng cho tổ chức này nọ và đem đặt dưới chân Giám mục để ngài chia cho các xứ chưa có nơi thờ tự hoặc dân chúng ở đó đang sống ngang hay dưới mức nghèo khó. Thật lý tưởng khi các linh mục hàng tháng đem đặt dưới chân Giám mục một phần thu nhập để ngài phân phối lại cho những vị đáng được đỡ nâng. Thật đáng ước mơ khi mà Hội Dòng này không chỉ nâng đỡ Hội Dòng kia về linh đạo, về nhân sự mà còn cả về nguồn lực vật chất. Nhiều, nhiều cái thật lý tưởng và đáng ước mơ tương tự nếu được hiện thực thì sẽ là một trong những dấu chỉ khả tín có sức khơi gợi niềm tin nơi nhiều người. “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2,42-47).
Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã khẳng định bản chất của Hội Thánh được thể hiện qua ba tác vụ: Rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria), cử hành các Bí tích (leiturgia) và phục vụ bác ái (diakonia). Ba tác vụ này không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái không phải là một hoạt động phụ thêm nhưng là một phần của bản chất của Hội Thánh (x.số 25). Công đồng Vatican II dạy ta rằng một trong những phương thuốc đặc hiệu chữa trị tình trạng vô thần đó là “đức ái huynh đệ của các tín hữu” (MV số 21).
MỘT VÀI CÂU HỎI TỰ KIỂM
Vì đâu tinh thần liên đới của các Kitô hữu sơ khai bị mai một dần? Có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh đổi thay chăng? Hay là do lòng người hôm nay quá ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ cá nhân và đoàn tín hữu Kitô cũng đang ở trong vòng lốc xoáy ấy? Dẫu sao đi nữa thì ta cũng khó lòng biện minh cho việc hàng giáo sĩ quá lo cho tương lai, lo cho tuổi già về hưu. Thử hỏi đã có mấy linh mục hay giám mục chết vì thiếu thốn các điều kiện vật chất hay là ngược lại như thực tế đã cho ta thấy?
Vì đâu mà thuyết Mác-xít muốn nỗ lực xây dựng một thế giới đại đồng huynh đệ dựa trên việc tái lập đức công bằng mặc dù có nhiều điểm sai lệch, đặc biệt nơi biện pháp thực thi? (x. TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 26). Phải chăng chúng ta, cộng đoàn tín hữu Kitô một nơi nào đó, một giai đoạn nào đó đã từng khép kín lòng mình trước người anh em đồng loại? Ngay hôm nay, bản thân tôi cũng dễ bị cám dỗ sống “hai phần ba” bản chất của Hội Thánh. Thú thực, là linh mục, dường như tôi tự hài lòng với việc rao giảng Lời Chúa và cử hành các Bí tích. Hai phần ba xem ra là khá lắm rồi chứ. Thế nhưng khi thiếu cái phần ba còn lại thì chẳng có gì cả. Không có đức ái thì tất cả chỉ là “phèng la, não bạt”(x.1Cor 13). Và chắc chắn đời sống của tôi đang thiếu tính khả tín.
Vì đâu mà cộng đoàn tín hữu thời sơ khai sống được đức ái cách triệt để như thế? Dĩ nhiên trên hết là nhờ ơn Chúa. Và chắc chắn có sự khả tín nơi đời sống các Tông Đồ, các môn đệ, những người đang hướng dẫn họ. Giả như các Tông Đồ sống thiếu tình bác ái hoặc các ngài sử dụng của cải không phân minh thì có lẽ tình hình Hội Thánh sơ khai khó bề được như vậy. Phận người bất toàn khó tránh được thiếu sót, sai lầm. Các ngài đã nhận ra điều này nên đã chọn thêm bảy phó tế để phụ giúp (x Cv 6,1-6). “Mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Câu nói của người xưa hẳn có phần đúng và đáng cho ta phải xét mình.
Để cộng đoàn chúng ta trở thành dấu chỉ khơi gợi đức tin, trở thành nơi xây dựng đức tin, củng cố và làm tăng trưởng đức tin, có nhiều phương thế nhưng trên hết, trước hết chúng ta phải là một cộng đoàn khả tín bằng tình bác ái huynh đệ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột