Thư Chung năm 1980 “Sống Phúc âm giữa lòng Dân Tộc” lại được xuất hiện vào những ngày mang dấu ấn quặn đau này cách 5 năm, sau ngày miền Nam bị sụp đổ năm 1975, tức ngày 01 tháng năm 1980, nay nhìn lại thì vừa tròn 31 năm. Ba mươi mốt năm trôi qua kể từ ngày Thư Chung này ra đời, đất nước và các Giáo Hội đã gánh lấy biết bao đau thương, và càng ngày càng đau thương hơn, bạo quyền càng lộng hành hơn. Hôm nay, đất nước Việt Nam cũng vừa tròn 36 năm khi toàn thể dân tộc Việt phải chịu sống dưới sự tung hoành ngang dọc của những người cộng sản Việt Nam khi họ nắm độc quyền cai trị đất nước. Thử nhìn lại 31 năm trôi qua để biết chuyện hư thực ra sao về bức Thư Chung này mà trong những năm gần đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại thường hay nhắc đến Thư chung năm 1980 mỗi khi đề cập các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo với điệp khúc ‘Sống phúc âm giữa lòng dân Tộc”.
Cụ thể, đầu năm 2011, trong dịp Bế Mạc Năm Thánh, kẻ vô thần được mời đến Thánh Địa La Vang trong ngày Bế Mạc Năm Thánh là ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đã lên tiếng nhắc lại câu chuyện về Thư Chung năm 1980 như một tâm đắc, chắc chắn không ngoài mục đích để cảnh báo và nhắc nhở các chức sắc của Giáo Hội Công giáo Việt Nam phải luôn lo mà hướng dẫn dân Chúa cùng đồng hành với đảng cộng sản Việt Nam, ông ta nói:”Sứ điệp của Đại hội dân Chúa vừa qua cũng nhắc lại tinh thần Chung thư 1980: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một t́ình cảm tự nhiên phải có mà c̣òn là một đọ̀i hỏi của Phúc âm. Đây là một sự khẳng định và nhấn mạnh trách nhiệm của người Công giáo đối với Đất nước và Giáo hội. ”
Lại nữa, ngày 9 tháng 7 năm 2010, Uỷ Ban phá Đạo cũng đã tổ chức mừng kỹ niệm 30 năm Thư Chung năm 1980 nhằm để bày tỏ sự trung thành hỗ trợ đảng vô thần một cách tích cực. Thật ra các thành viên quốc doanh trong Uỷ Ban phá đạo này là những vị đã cam tâm làm tay sai đắc lực cho đảng cộng sản từ khuya rồi, nên họ đã quảng cáo rùm beng trong dịp tổ chức mừng 30 Thư Chung qua sự phô trương trông khá ngồ ngộ với những lời lẻ được phổ biến như sau: “Ngày 9-7-2010 dưới sự chủ trì của Uỷ Ban Đoàn Kết Công giáo và viện Nghiên cứu tôn giáo Việt Nam, hàng chục các nhà khoa học, chức sắc tôn giáo Đạo Thiên Chúa và cán bộ phong trào từ cơ sở đã tụ họp tham gia toạ đàm “ 30 năm thư chung 1980 của HĐGMVN”. Uỷ Ban phá đạo khẳng định:”Kể từ năm 1975 đến nay HĐGM Việt Nam đã có hàng trăm thư chung, tuy nhiên Thư chung năm 1980 đã trở thành dấu son lịch sử đối với đời sống của cộng đồng người Công giáo Việt Nam. Thư chung này là kết quả của Đại hội Giám mục Việt Nam họp tại Tòa Tổng giám mục Hà Nội từ ngày 25-4 đến 1-5-1980.( trích nguyên văn)
Xin bấm vào đây để đọc bản tin của Uỷ Ban phá đạo mừng 30 năm Thư chung 1980-2010.
Kể từ khi miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay cộng sản năm 1975, thực sự, đất nước đã đi vào thời kỳ đen tối nhất khi cả dân tộc bị đảng cộng sản Việt Nam thống trị. Trong hoàn cảnh khó khăn và đầy phức tạp từ cả đời lẫn đạo, lúc bấy giờ vào năm 1980, các vị Giám mục trên toàn quốc mong muốn thiết lập một Hội đồng Giám mục thống nhất chung cho cả nước, để hướng dẫn dân Chúa sống trong bối cảnh đất nước khá ngặt nghèo này. Vì thế, Đại hội lần thứ nhất các Giám mục Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 tháng 4 cho đến ngày 1 tháng 5 năm 1980 với sự tham dự của 33 giám mục và Đại hội đã bầu Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thư Chung năm 1980 được ra đời trong phiên họp này và nằm trong bối cảnh lịch sử của đất nước mà người dân đang sống trong cảnh sống tận cùng của vực thẳm.
Thử nhìn lại thời điểm của giai đoạn đầy đen tối, trong đó người Công giáo nói riêng và toàn dân Việt Nam nói chung đã phải ngậm ngùi chịu trận, đặc biệt người dân miền Nam phải sống trong cảnh sống tận cùng của vực thẳm qua chủ trương của đảng sau khi chiếm được miền Nam, đảng đã nắm quyền sinh sát qua việc thực hiện ý đồ: vào vơ vét theo đúng nghĩa giải phóng để dân chúng miền Nam được giải phóng hết sạch mọi thứ, cụ thể nhà cầm quyền Hà Nội đã bày ra các vụ cướp có bảo chứng qua cách đổi tiền, qua các vụ trấn lột của người dân với cái gọi là cải tạo công thương nghiệp, thực hiện kế hoạch đày đoạ các gia đình thuộc chế độ cũ như bắt chồng đi cải tạo, vợ con ở nhà đưa đi vùng kinh tế mới. Người dân sống với những bữa ăn bằng bobo và khoai sắn được tính từng lạng cho từng người. Cũ mì tức cũ sắn lúc bấy giờ được viện nghiên cứu khoa học của đảng cộng sản phân tích và hô hào: Sắn là loại thực phẩm có chất dinh dưỡng cao, nên đảng đã hô hào đưa dân chúng lên rừng cuốc đất trồng sắn, rồi đem về cân đo đong đếm để bán lại cho dân dùng. Đây cũng là thời điểm mà làn sóng người dân Việt trong nước chạy trốn cộng sản khá rầm rộ đến độ câu nói khôi hài đã trở thành giá trị hiện thực:” trụ đèn mà đi được thì chúng cũng đi luôn”. Về phiá Giáo Hội Công giáo lại bị sao quả tạ vô thần chiếu cố một cách đặc biệt nhất là ở Huế, nên Đức Cha Điền tại Huế lúc bấy giờ đã phải mạnh mẽ lên tiếng trước Hội Nghị Mặt Trận Tổ Quốc VN Bình Trị Thiên vào tháng 4 năm 1977 :” Người Công giáo là công dân hạng hai”. Thời điểm này, người viết còn đang được đảng và bác quan tâm cho học tập, cải tạo(sic) để trở thành con người mới xã hội chủ nghiã. Hồi đó, trong trại tù, người viết có đọc tờ báo Nhân Dân và tờ Quân Đội Nhân Dân thấy có đoạn tin nói về linh mục Huỳnh Công Minh từ Sài Gòn bay ra Huế sau vụ Đức Cha Điền phát biểu tại Hội Nghị ở Huế. Linh mục Minh về Huế để triệu tập các giáo viên, công nhân viên Công giáo tại Huế, trong buổi hội họp này, ông linh mục Huỳnh Công Minh đã tuyên bố rằng : “ Việc làm của Đức Cha Điền khi tuyên bố tại Hội Nghị Mặt Trận Tổ Quốc vừa qua là hoàn toàn sai trái”,( ngài sai vì đã dám nói lên sự thật, không chịu cúi đầu, a tòng ) trong đó bản tin cũng có đưa tin là có vài giáo dân ( giáo gian) cũng đồng tình ủng hộ linh mục Minh để lên án vị Chủ chăn nữa. Gớm nhỉ, một linh mục từ Giáo Phận Sài Gòn lại được cái quyền về Huế để phê bình chỉ trích, lên án công khai một vị Chủ Chăn tại Huế, ghê thật, lúc đó tôi giật mình khi đọc đoạn tin này. Nhắc một chút như thế để thấy cái oai vệ của những vị đang được quyền lực của thế lực vô thần hổ trợ. Linh mục Huỳnh Công Minh là hình ảnh của những kẻ làm tôi hai chủ .
Trong phạm vi Giáo Hội Công giáo ở miền Nam lúc bấy giờ, thì không sao kể hết nào chuyện tài sản, nào đất đai của Giáo Hội bị tịch thu như bệnh viện, các cơ quan từ thiện, trường học, Dòng tu, nhà thờ, các Đại chủng viện bị đóng cửa và nhiều cơ sở khác bị chiếm đoạt. Tại Giáo Phận Huế, trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1979, Đức Tổng Điền đã kêu gọi toàn Giáo Phận để tang, và toàn thể dân Chúa trong Giáo Phận đã đón ngày đại lễ Chúa Giáng Sinh trong âm thầm và cầu nguyện vì Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện Huế năm đó bị nhà nước cưỡng chiếm. Tại Sài Gòn từ sau năm 1975 nhiều biến động khó hiểu như vụ Dòng Đồng Công, vụ nhà thờ Vinh Sơn đã tạo cho giáo dân một chuổi ngày đầy lo âu và mọi giáo dân luôn sống trong sợ hãi bởi những đe dọa thường trực qua sự theo dõi của công an, của mật vụ, của những tên chỉ điểm, tất cả đều bám sát người Công giáo.
Khi Thư Chung năm 1980 ra đời, người viết đang bước vào năm thứ sáu tại trường “Đại học Lao Động Khổ Sai”, thường được gọi là Trại học tập cải tạo(sic). Trong những năm tháng ở cái trường đại học này thì bài học hóc búa nhất mà người viết học hoài không thuộc, đó là bài học “con người mới xã hội chủ nghĩa”, nghĩa là phải tôi luyện làm sao để bản thân của mình phải biết sống với quyết tâm theo cái định luật quái gở : “Yêu nước là phải yêu chủ nghĩa xã hội”. Suốt 36 năm qua, chắc không ai tôi luyện được cái định luật quái gở này ( ngoại trừ những kẻ cam tâm làm tay sai VC) để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa và từ đó những ai không theo cái định luật quái gở này thì đều bị liệt vào những kẻ phản động, những kẻ chống đối nhà nước, những kẻ tuyên truyền chống nhà nước XHCN, những kẻ phá hoại sự đoàn kết dân tộc vân vân…
Nhìn lại một chút về bối cảnh khi đất nước hoàn toàn lọt vào tay cộng sản, nhất là thời điểm của năm 1980, năm Thư Chung ra đời, đây là thời kỳ toàn dân đang sống trong cảnh vô cùng tuyệt vọng từ đói rách đến sợ hãi. Chuyện bỏ nước ra đi, không phải chỉ có những người dân miền Nam muốn trốn chế độ cộng sản, đi tìm tự do, nhưng cả những người miền Bắc cũng ào ào vượt biên, có lẻ vì họ đói quá!. Bàn qua một chút như thế để hiểu được hoàn cảnh khi Thư Chung này ra đời. Chuyện tiếu lâm, có người cho rằng lúc đó HĐGMVN sợ giáo dân bỏ nước trốn đi hết, sợ nhà thờ bị bỏ trống thì vixi chiếm làm kho, nên các ngài đã đưa ra Thư Chung để kêu gọi giáo dân đừng chạy nữa, hãy ở lại với các ngài.
Xin bấm vào đây để đọc và suy nghĩ về Thư Chung năm 1980 có gì mà Uỷ Ban Phá đạo cho đây là dấu son lịch sử đối với đời sống của cộng đồng người Công giáo Việt Nam.
Phạm vi của bài viết này không nhằm mục đích phân tích về Thư Chung năm 1980 , nhưng nhân dịp này cũng nên lướt qua một chút về nội dung Thư Chung để biết thế sự như thế nào mà cả nhà nước VC cũng như Uỷ Ban phá đạo lại cất công ca tụng Thư Chung này.
Thư Chung năm 1980 dài 7 trang với khổ giấy 8.50 x11 gồm 15 tiết mục nhỏ được chia ra từng phần chính như mở đầu là phần : Thông tin về Đại hội Giám mục toàn Quốc-
Phần 2 là : Đường Hướng Mục vụ được nêu rõ hai nhiệm vụ chính gồm
A: Một Hội Thánh vì loài người.
B. Hội Thánh trong lòng Dân Tộc
Phần ba là Ngỏ lời với các thành phần dân Chúa gồm tiết 12 ngỏ lời với giáo dân- Tiết 13 Ngỏ lời với tu sĩ và Tiết 14 Ngỏ lời với linh mục. Kết thúc Thư Chung là phần Kết luận với tiết 15.
Nói đến Thư Chung năm 1980 thì cụm từ “Sống Phúc âm giữa lòng dân Tộc” thường được nhắc đến như chủ đề của Thư Chung vậy, cho nên khi đọc toàn bộ Thư Chung, tôi đã dừng lại ở đoạn có nội dung: “Hội Thánh trong lòng Dân Tộc”, để biết tại sao Thư Chung năm 1980 lại được vixi ca tụng? Mời đọc phần : “Hội Thánh trong lòng Dân Tộc” của Thư Chung từ tiết 8 đến tiết 11, xin trích nguyên văn tiết tiết 9 :
“9. Gắn bó với dân tộc và đất nước:
Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa. Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:
- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.
- Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.”
Trong tiết 9 này được tóm gọn hai điểm chính khá đặc biệt với nội dung : “tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc và xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thông dân tộc”. Thư Chung được soạn khá cẩn thận nên đã phân tích rõ ràng về 2 điểm chính này được viết thành tiết 10 và tiết 11. Trích nguyên văn tiết 10 nói rõ về nhiệm vụ cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc như sau:
“10. Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc: Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Công đồng nhắc nhở: “Các người Kitô giáo từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội Thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thật sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước” (TG 15).
Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.
Trong công cuộc phục vụ quê hương, Phúc Âm cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh để khắc phục các khó khăn và các xu hướng cá nhân ích kỷ, nêu cao tinh thần phục vụ của bác ái phổ quát, hướng tới cảnh “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1), trong đó tất cả đều hoà hợp hạnh phúc. Và khi phải phấn đấu xoá bỏ những điều tiêu cực, chúng ta có ơn của Chúa Kitô Phục Sinh để mặc lấy con người mới công chính và thánh thiện”.
Trên thực tế, nếu thực hiện đúng theo tinh thần Thư Chung ở điểm vừa nêu trên thì thật là quý hóa vô cùng. Thật vậy, khi những phần đất của tổ quốc bị Tàu cộng chiếm lấy, khi những phần đất của đất nước bị đảng cộng sản hiệp thương với Trung cộng để chia cắt, để nhượng đất, nhượng biển, Giáo Hội lập tức tích cực cùng đồng bào cả nước lên tiếng phản đối Trung cộng xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa để bảo vệ tổ quốc thì còn gì tuyệt vời hơn, vì đó là việc thể hiện việc bảo vệ tổ quốc một cách hữu lý, xin nói với nhau cho rõ: “bảo vệ Tổ quốc chứ đừng bảo vệ đảng cộng sản VN”
Khi đề cập đến vấn đề “yêu tổ quốc, hay yêu nước” thì có lẻ HĐGMVN chưa học thuộc bài học tiên khởi mà các nhà đỉnh cao trí tuệ đã vạch ra và bắt buộc toàn dân Việt Nam phải tuân giữ qua cái định luật quái gở mà người viết vừa nêu ở phần trên tức là người “yêu tổ quốc hay yêu nước” thì phải “yêu chủ nghĩa xã hội”, vì thế ông Nguyễn Thiện Nhân khi đến Linh điạ LaVang cũng đã nhắc đến Thư chung năm 1980 một cách mạnh mẽ và còn nhấn mạnh đến đoạn : “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một t́ình cảm tự nhiên phải có mà c̣òn là một đọ̀i hỏi của Phúc âm. Đây là một sự khẳng định và nhấn mạnh trách nhiệm của người Công giáo đối với Đất nước và Giáo hội. ”. Qua những nhận định vừa nêu, nếu Giáo Hội muốn mọi việc đều được yên hàn vô sự, mà lại được nhà nước và Uỷ Ban phá đạo ca tụng thì điều kiện tiên quyết là HĐGMVN phải đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa: nghĩa là phải chăn dắt đàn chiên khi muốn thể hiện lòng yêu nước thì phải quyết tâm “yêu chủ nghĩa xã hội”. Có như thế thì mọi việc đều tốt đời đẹp đạo.
Thư Chung nhấn mạnh: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa. (....) Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.”
Đọc qua đoạn nêu trên, quả thật Thư Chung đáng được ca ngợi vì đã nói lên tinh thần trách nhiệm của người Kitô đối với Quốc Gia Dân Tộc: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta phải quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước…”.
Đúng vậy, Giáo Hội phải gắn bó với vận mạng quê hương cho nên Giáo hội không có quyền chạy theo thời thế để củng cố Giáo Hội mình bằng những lễ hội hoành tráng, mà phải thật sự sống với những kẻ nghèo khó, lên tiếng bênh vực những người đang bị áp bức, đang bị đàn áp, đang bị cướp bóc, dân oan, giáo oan đang bị hành hạ đủ mọi hình thức. Giáo Hội phải gắn bó với những than2h phần đau khổ này. Giáo Hội không thể làm ngơ trước những bất công, trước nạn tham nhũng, nạn buôn người, nạn phá thai công khai do nhà nước hô hào và chủ trương vân vân và vân vân.
Để kết luận, xin hãy cùng nhau tái xác quyết một cách minh bạch, và rõ ràng rằng: Đồng hành với dân tộc chứ không phải đồng hành với đảng cộng sản Việt Nam. Gắn bó với vận mạng quê hương Việt Nam chứ không phải gắn bó với chủ nghĩa xã hội.
Phong trào Cầu nguyện cho Công lý là thể hiện đúng tinh thần gắn bó với vận mạng quê hương, tại sao lại lẫn tránh?
Seattle, Tưởng niệm tháng tư đen 1975-2011.
Nguyễn An Quý