Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Paulus Lê Sơn - Các con Blogger Anh Ba Sài Gòn: “Bố con chỉ có một tội duy nhất là yêu nước”

VRNs (24.04.2011) – Sài Gòn – Được biết ngày 23/4/2011 thân nhân của blogger Anh Ba Sài Gòn tức là anh Phan Thanh Hải mới được gặp mặt lần đầu tiên sau hơn 6 tháng bị bắt giữ và giam cầm ông tại Sài Gòn.

Chúng tôi đến thăm nhà gia đình chị Nguyễn Thị Liên là vợ của anh Phan Thanh Hải trước ngày chị và các cháu được gặp mặt chồng, cha mình trong lao tù.



Tác giả và cháu Phan Khôi, con Anh Ba Saigon

Tất cả các thành viên trong gia đình đều khẳng định ông Phan Thanh Hải là một người yêu nước, không làm gì trái với pháp luật, ấy nhưng mà ông lại bị nhà nước XHCN bắt giam và có thể lại truy cho một tội danh như bao người yêu nước khác đã từng bị theo điều 88 BLHS nước XHCN Việt Nam “tuyên truyền chống phá nhà nước” ?.

Cháu Phan Ngọc Minh, con gái đầu của ông Phan Thanh Hải đã nói chuyện với chúng tôi một cách hết sức thân thiện, với sự hiểu biết của trẻ em về xã hội và về sự kiện của cha mình, cháu Minh tỏ ra là một người cảm nhận được xã hội và hiểu biết được xã hội rất sâu sắc. Nói về bố mình cháu Minh nói “bố cháu không làm gì sai hết, cháu cũng không nghĩ là bố cháu làm gì sai, bố cháu làm đúng, tội duy nhất mà bố cháu có là tội yêu nước. Họ bắt bao nhiêu tháng rồi mà họ không thể đưa ra tòa được vì không có chứng cứ, bố cháu có làm gì đâu mà có chứng cứ? Họ chỉ quy chụp, nói điêu thôi”.

Cháu Minh nói tiếp: “tụi cháu rất là nhớ bố, và tụi cháu tin bố không làm gì sai, họ không thể buộc tội một người không làm gì hết, bố cháu không có tội”.

Cháu Minh cũng chia sẻ nhiều hơn về các vấn đề xã hội mà theo cháu là những nhận biết do sự tìm tòi, học hỏi của mình trong nhiều môi trường khác nhau, và được đọc nhiều nguồn thông tin đa dạng nên cháu hiểu biết theo cách nghĩ của cháu. Cháu Minh nói về công an như sau: “có công an nào là trung tá mà đi giết người không? Công an là phải bảo vệ dân, bảo vệ quyền lợi của dân, còn công dân có trách nhiệm là công dân sẽ làm, còn công an có trách nhiệm là bảo vệ dân chứ không phải là đánh chết dân, dựa trên bất cứ điều luật nào thì công an vẫn sai. Chỉ đơn giản một điều là người dân chưa đủ ý chí đâm đơn kiện, chứ nếu người dân đủ ý chí đâm đơn kiện thì công an không nói gì được hết, bằng chứng quá rõ ràng nên họ (công an) không nói gì được hết”.

Về sự mong mỏi của những đứa con thơ phải xa cách bố, người chồng, người cha, trụ cột trong gia đình. Các cháu mong mỏi trong sự nhớ thương, cháu Minh chia sẻ: “cháu rất mong bố cháu trở về trong thời gian sớm nhất, chúng cháu vô cùng nhớ bố. Trong cái nhà này bây giờ không có người đàn ông trong gia đình, thật sự là buồn lắm, có những công việc chỉ có bàn tay của bố cháu, của người đàn ông mới làm được thôi. Còn đứa em cháu, thằng Hoàng, cháu cũng mong là bố về để dạy dỗ nó chứ, nó thường gọi ba ơi hoài mà thương lắm, cháu mong ba về lắm, nhưng mà biết làm sao, họ có thả bố cháu đâu, không biết là ngày mai lên có được gặp mặt bố cháu nữa không…?”

Phan Khôi, người con thứ ba của ông Phan Thanh Hải, được sinh khi anh mới bị bắt giam một thời gian ngắn, một trẻ thơ bụ bẫm và rất đẹp chỉ biết cười khi chúng tôi hỏi chuyện, sau đó cháu lăn ra ngủ thật ngoan hiền dễ thương. Đến khi nào cháu mới được gặp mặt bố đây? Cháu có nhận biết được giống như các anh chị mình về bố cháu không? Trong tương lai, những mầm sống này sẽ là nội lực giúp đất nước phát triển nếu như các cháu được giáo dục đào tạo trong môi trường xã hội tốt đẹp.

Với Phan Hoàng, con trai thứ của ông Phan Thanh Hải tâm sự những lời lẽ đẫm nước mắt: “công an thường đúng nghĩa là phải bảo vệ dân, giúp dân, nhưng bây giờ công an chỉ biết ăn hối lộ, đánh đập dân, bắn chết dân. Đối với ba cháu bị bắt, họ không có chứng cứ, nhưng họ vẫn giữ. Em cháu chưa thấy mặt ba không biết được khi mà nó lớn lên nó gặp ba nó có biết là ba nó không, hay là nó nghĩ là ba nó như những người lạ khác. Đối với công an thì cháu cũng chẳng muốn nói họ làm gì nhưng mà tòa án, với công an, nếu mà sửa đổi được thì họ nên sửa đổi ngay bây giờ không thì chính nhân dân sẽ hỏi tội ác của họ”.

Cháu Hoàng cũng nói về những kỉ niệm khi bố mình còn đang được ở nhà, và cháu cũng nói về những lời dạy của bố mình khi còn đang ở nhà. Về kỉ niệm của 2 cha con cháu nói: “cháu với ba cháu từng đi chơi với nhau rất nhiều, ba cháu đưa cháu đi rất nhiều nơi như lên Đà Lạt, hay xuống Vũng Tàu, nói chung là đi khắp nơi, rồi lại còn được qua nhà nhiều người bạn của ba cháu, mà toàn là những người bạn tốt, ai cũng làm điều tốt và ba cháu cũng vậy. Ba cháu thường hay dạy cháu làm những việc tốt, điều tốt ví như hãy nhẫn nhịn, yêu thương mọi người.”

Cháu Minh thì chia sẻ: “bố cháu thường dạy cháu thứ nhất là phải biết nghĩ đến mọi người xung quanh, đến bố mẹ, anh em gia đình và xã hội. Nhất là phải biết đấu tranh khi cần, khi nhịn được thì nhịn, khi cần thiết thì phải đấu tranh vì chúng ta không thể nhịn nhục mãi trước những điều bất công. Nếu mà có các vấn đề lớn, một mình không đủ sức thì hãy cậy nhờ đến nhiều người khác. Bố cháu còn dặn phải giúp đỡ mẹ và chăm em giùm bố nếu bố cháu có chuyện gì, có lẽ bố cháu biết họ sẽ không để bố cháu yên”.

Là những người con của nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, có lẽ các con của ông Hải cũng đã được thừa hưởng những lý tưởng, những suy nghĩ, hành động của cha mình. Thật bất ngờ khi được nghe các cháu nói đến các vấn đề thực tế xã hội và công cuộc, lý tưởng của cha mình cho dân chủ, nhân quyền. Hai cháu Minh và Hoàng tiếp tục câu chuyện khiến chúng tôi hết sức bất ngờ với tư duy, sự hiểu biết của các cháu. Minh, Hoàng nói: “chúng cháu xin được nói với tất cả mọi người một câu, hãy cùng nhau đấu tranh, một người không đủ thì hàng trăm, hàng ngàn người sẽ đủ, đừng lo sợ, cứ dũng cảm đấu tranh, chính nghĩa sẽ thắng. Nếu tiếp tục đấu tranh, thì cho dù họ có quyền lực, có gì đi nữa, thì đến lúc những người có chút quyền lực biết được điều sai trái của mình sẽ trở lại với người dân, với quê hương, dân tộc. Bây giờ có thể thấy, công an như thực dân Pháp xưa kia mà còn hơn thế nữa, họ đàn áp nhân dân không thua gì thực dân Pháp. Nhưng cái đó là người Pháp đàn áp người Việt, thì có thể nói sự đàn áp đó còn có thể chấp nhận được. Còn đây, người Việt lại đi đàn áp người Việt còn tàn ác hơn người Pháp thì không còn điều gì nói được nữa.”

Những suy tư, hiểu biết của những đứa trẻ đang trong độ tuổi ăn học, khôn lớn từng ngày về các vấn đề xã hội cho thấy rằng sự nhận thức này phải được nuôi dạy, đào tạo một cách căn bản chứ không phải là do sự “tự nhận thức bản năng” như một công an điều tra viên đã từng tranh luận khi nói về sự nhận thức của con người. Gia đình, môi trường xã hội là cái nôi hình thành nên nhân phẩm, cách sống, suy nghĩ của con người chứ không phải sự hình thành đó theo một cách hoang dã, rừng rú như điều tra viên công an đã đề cập.

Cuộc sống của gia đình ông Hải hiện tại rơi vào cảnh khá khó khăn, người đàn ông trụ cột trong gia đình thì bị bắt giữ, giam cầm, vợ ông thì mới sinh hạ bé trai, các con thơ đang tuổi ăn học, khôn lớn. Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Hải trong lúc nguy biến vẫn luôn tin tưởng vào chồng của mình, bà cho rằng “chồng tôi chỉ có một tội duy nhất đó là tội yêu nước thôi”.

Bà Liên cũng luôn tin tưởng vào những tư tưởng, hành động của chông mình đối với dân tộc, đất nước Việt Nam là hoàn toàn đẹp đẽ, chính đáng và là trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước này. Bà cũng mong rằng, những việc làm của chồng bà sẽ được nhân dân và dân tộc Việt Nam ghi nhớ dù là một góc nhỏ, mong rằng hết thảy những ai yêu sự tự do, công bình, sự thật, và tình thần dân tộc tự cường, tự kháng hãy lên tiếng và tiếp tục lên tiếng cho ông Hải, gia đình ông, cho xã hội, cho đất nước Việt Nam thân yêu của mỗi người.

Hãy thể hiện lòng yêu nước nồng nàn bằng những hành động cụ thể ngõ hầu kiến tạo một đất nước tự do, hòa bình, bác ái, công bằng, sự thật, và phát triển sánh vai với thế giới hoàn vũ.

Sài Gòn 23/04/2011
Paulus Lê Sơn VRNs