Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Căn tính và phần vụ người tín hữu trong Giáo hội và giữa trần thế (3)

VRNs (15.05.2011) – Roma, Italia –



V – Thực thể.

Hai đặc tính quan trọng của người tín hữu giáo dân mà Công Đồng Vatican II đề cập đến, giáo hội tính và đặc tính trần thế, mà chúng ta đã có dịp nói lên lúc khởi đầu của loạt bài, không phải chỉ là lớp nước sơn bao phủ bên ngoài cho đẹp mắt, mà là những gì ảnh hưởng đến đời sống người tín hữu giáo dân trong nhiều bối cảnh sống:

- trong việc người tín hữu giáo dân tham dự vào đời sống nội tại của Giáo Hội để xây dựng Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô;

- trong việc người tín hữu giáo dân cộng tác để thực hiện sứ mạng cứu rổi và giải phóng của Giáo Hội giữă trần thế;

- trong việc xây dựng chính đời sống thiêng liêng của mình.

1 – Tham dự vào đời sống nội tại của Giáo Hội.

Các lời tuyên bố của Công Đồng Vatican II còn được gây nên tiếng dội trong Thông Điệp Christifideles laici thật quan trọng, không cần chúng ta phải bình giải thêm về tầm quan trọng của người tín hữu giáo dân trong đời sống Giáo Hội:

- ” Trong nội bộ Cộng Đồng Giáo Hội động tác của họ cần thiết đến nỗi, nếu không có các động tác đó, chính việc tông đồ của các vị chủ chăn không thể đạt được hiệu lực hoàn hảo ” ( Christifideles laici, n.27).

Như vậy, chúng ta chỉ cần tìm hiểu một vài đặc tính, thông thường cũng như cá biệt viêc tham dự đó của người tín hữu giáo dân:

- ” Trong mối thông hiệp với Giáo Hội, người tín hũu giáo dân là thành phần của dân Giao Ước, được kêu gọi sống hiệp nhứt với Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Ki Tô trong Chúa Thánh Thần. Và điều đó, có nghĩa là thông hiệp với tất cả mọi người nhận được Phép Rửa ” ( Gioan Phaolồ II, Omelia alla concelebrazione conclusa del Sinodo sui laici, 1987).

Cảm nhận sự thông hiệp được đặt nền tảng trên cảm nhận luơng tâm của Giáo Hội và như vậy đó cũng là chiều kích của chính lương tâm người tín hữu giáo dân.

Thông hiệp không có nghĩa là dững dưng để đó, đồng nhất rập khuôn, mà đúng hơn là đa diện trong hiệp nhứt và để hiệp nhứt.

Nền ” Giáo Hội học thông hiệp ” ( Ecclesiologia di comunione ) không phải là ” Giáo Hội học hổn loạn ” (Ecclesiologia di confusione ) và cần phải trở thành thông hiệp thực tế, được hiểu như là định chân giá trị và hoà hợp trong cả Giáo Hội, các ân sủng mà Chúa ban cho mỗi người.

Giáo Hội học và áp dụng thực tế về ” thông hiệp ” có liên hệ đến mối tương quan giữa các tín hữu giáo dân và các vị chủ chăn trong Giáo Hội, tính cách tự do liên kết của người tín hữu giáo dân và phận vụ của họ trong các cơ chế cấu trúc nội bộ của cộng đồng Giáo Hội.

a) Tương quan giữa tín hữu giáo dân và các mục tử.

Nhu cầu cần ý thức được tầm quan trọng của mối tương quan giữa người tín hữu giáo dân và các mục tử trong việc phát triển Giáo Hội không nằm trong tầm thức hàng ngang, càng bành trướng càng tốt, mà nằm trong một thực thể thần học.

Thực thể đó hàm chứa, đối với người tín hữu giáo dân cũng như đối các mục tử, ý thức về trách nhiệm của mình đối với sứ mạng được Chúa Ki Tô giao phó cho:
- kiến tạo cộng đồng các môn đệ
- và loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước.

Công Đồng Vatican II nhìn nhận mối tương quan lưỡng diện đó như sau:

- ” Người tín hữu giáo dân có quyền được lãnh nhận đầy tràn từ các vị chủ chăn thánh thiện đáng kính những của cải thiêng liêng của Giáo Hội, nhứt là các trợ giúp bằng Lời Chúa; như vậy các tín hữu giáo dân hãy tỏ ra cho các vị các nhu cầu và ước vọng của mình với phẩm giá tự do và tin tưởng của con cái Chúa và anh em của Chúa Ki Tô. Với kiến thức khoa học, thẩm quyền chuyên môn và uy tín mà họ có, người tín hữu giáo dân có quyền, và khi cần thiết có cả bổn phận phải tỏ ra cho biết ý kiến của họ liên quan đến các sự việc có liên hệ đến lợi ích của Giáo Hội ” ( Lumen gentium, n. 37).

Như vậy mối tương quan thông hiệp giữa tín hữu giáo dân và hàng giáo phẩm được thể hiện trong ơn gọi chung của mọi người trở nên thánh thiện. Đó là mối liên hệ trao đổi nhau giữa tín hữu giáo dân và mục tử.

Đối với các mục tử, người tín hữu giáo dân ” có quyền ” gặp được nơi các vị ” sư phụ vững chắc ” biết khám phá và phát huy các ân sủng hiện diện trong Cộng Đồng Dân Chúa và là những “ vị biết diễn giải khôn ngoan ” “ kho tồn giữ đức tin ” ( depositum fidei ) là gia sản của cả Giáo Hội.

Cũng từ các lời tuyên bố của Công Đồng Vatican II chúng ta có thể khám phá ra được một phương diện quan trọng khác của mối tương quan đối thoại và hướng dẫn vừa đề cập.

Quan niệm Giáo Hội – thông hiệp, được đặt trên nèn tảng lắng nghe và đồng trách nhiệm của cả Cộng Đồng Dân Chúa đối với những vấn đề hệ trọng cấp thiết của xã hội hiện đại nơi nhiều phần đất khác nhau trên thế giới.

Hiểu như vậy,

- ngoài ra quyền phải được lắng nghe và được hỏi ý kiến,
- cũng như bổn phận phải bày tỏ ra qua điểm của mình,

người tín hữu giáo dân phải giúp cho các mục tử, để cho các việc lựa chọn, lớn hay nhỏ cũng vậy đối với công việc truyền giáo , làm thế nào để thực sự đáp ứng lại các nhu cầu của con người trong bối cảnh xã hội, văn hoá và ngôn ngữ xác định nào đó, khiến cho việc rao giảng Phúc Âm thực sự có thể hiểu được đối với những ai mà Giáo Hội muốn loan báo cho.

b) Tư do hiệp hội.

Quyền và bổn phận thành lập và gia nhập hiệp hội là những gì thể hiện câu trả lời và thực hiện trước tiên trên thực tế về tính cách thông hiệp của căn tính và phận vụ tác động của người môn đệ Chúa Ki Tô.

Nếu Chúa Giêsu nhập thể làm người để ” hai dân tộc trở thành một ” và nhờ máu của Người trở thành Một Dân Tộc mới được thiết lập nơi Người,

- ” Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên thành một, dân Do thái và dân ngoại “.

– ” Người đã hy sinh mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ và gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành môt người mới duy nhứt nơi chính bản thân Người ” ( Eph 2, 14-15),

thì đó cũng là điều mà người tín hữu giáo dân nên tạo được kinh nghiệm liên hiệp đó nơi mình, trước khi đi loan báo cho thế gian, chính bằng khả năng thiết lập hội và nhập hội của mình, để quy tựu anh em cùng sống chung nhau, cùng cộng tác làm việc với nhau.

Chính sự kiện dự thảo cho mình đồ án loan báo Phúc Âm, bằng cách sống một cuộc sống thông hiệp, đã có nghĩa là quy hướng mình theo phương thức của Thiên Chúa trong Mạc Khải, tác động trong lịch sử bằng kinh nghiệm thông hiệp, kinh nghiệm cộng đồng Dân Chúa, tức là Giáo Hội, mà Người giao cho sứ mạng đem lại lợi ích cho cả nhân loại.

Như vậy người tín hữu giáo dân hội nhập thành hiệp hội, đoàn thể, điều đó không có gì khác hơn là tỏ ra sức mạnh hiệp thông mà Chúa Giêsu đã giao phó cho. Khi Người sai các môn đệ đi rao giảng sứ mạng Phúc Âm, chính Người đã dùng động từ ở số nhiều để nói với các môn đệ:

- ” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo ” ( Mc 16, 15).

- ” Sự thông hiệp trong Giáo Hội, đã hiện hữu và tác động trong động tác của mỗi người, được thể hiện một cách đặc biệt trong động tác hiệp hội của người tín hữu giáo dân, hay trong động tác liên đới mà họ thực hiện trong việc tham dự một cách có trách nhiệm vào đời sống và vào sứ mạng của Giáo Hội ” ( Christifideles laici, n. 29).

Dĩ nhiên là các hiệp hội đó không nên trở thành một ” giáo hội song song ” với Giáo Hội và tự động làm các điều của mình – hội nhập và hành động song song trong bối cảnh cá biệt của Giáo Hội địa phương và với các thực thể cá biệt của các họ đạo -, bởi lẽ ” Giáo Hội tính ” của mỗi tín hữu giáo dân cũng như của các hiệp hội liên hệ cũng đã được Thông Điệp Christifideles laici, n. 30 đề cập đến, khi nói về

- quyền ưu tiên dành cho ơn gọi nên thánh của mỗi tín hữu Chúa Ki Tô,
- trách nhiệm tuyên xưng đức tin Ki tô giáo,
- bổn phận phải nhân chứng một đức tin vững mạnh và xác tín,
- việc thích hợp và tham dự vào mục đích tông đồ của Giáo Hội
- và việc chuyên cần dấn thân hiện diện trong xã hội con người.

Việc thông hiệp trong lòng Giáo Hội là tài sản tiên khởi mà tất cả, chủ chăn và người tín hữu giáo dân đều có bổn phận gìn giữ và phát triển, mặc dầu trong động tác và trong nhiều phương thức thực hiện khác nhau, mà mỗi hiệp hội có quyền có được để hoạt động.

Ưu tiên của sự thông hiệp là điều kiện tiên quyết phải có để nói lên tính cách khả tín của việc rao giảng Phúc Âm, phải được thực hiện trong Chúa Ki Tô:

- ” …để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con ” ( Jn 17, 21).

c) Phận vụ người tín hữu giáo dân tham dự vào các cơ quan của Giáo Hội.

Quyền và bổn phận lo lắng cho công việc được trôi chảy tốt đẹp đối với các chuyên cần dấn thân truyền bá Phúc Âm và liên đới hỗ tương của Giáo Hội, cho thầy người tín hữu giáo dân không phải chỉ thuộc về Giáo Hội, mà còn là những người có trách nhiệm xây dựng cộng Đồng Dân Chúa.

Sống trưởng thành trách nhiệm nầy có nghĩa đối với người tín hữu giáo dân là đáp ứng lại tình yêu của Chúa, làm cho đời sống mình hoà hợp với các giới răn Phúc Âm và hiến dâng động tác của mình, làm cho cộng đồng Ki Tô giáo, nhờ vào những cố gắng và lời khuyên bảo của họ, phát triển lên trong tiến trình truyền giáo, trong thông hiệp trong Giáo Hội và có giá trị thiết thực hơn trong thực tại phức tạp xã hội-văn hoá của con người hiện đại.

Như vậy, người tín hữu giáo dân hiến tặng cộng tác của mình vào các cấu trúc mục vụ của Cộng Đồng Giáo Hội.

Ngưòi tín hữu giáo dân trước tiên phải muốn thực hiện điều đó như là những con người cảm nhận mình cần phải tha thiết sống ước vọng ưu tiên hướng về Chúa, qua cuộc sống kết hợp với Chúa Ki Tô, kiến tạo nên một bầu không khí thông hiệp và thân hữu Ki tô giáo,

– biết tương trợ nhau trong những lúc cần thiết ( Apostolicam actuositatem, n.4),
- biết ban bố cho nhau những lời khuyên nhủ, như là động tác phục vụ Nước Thiên Chúa ( Chrisrifideles laici, 25),
- tham dự vào đời sống Giáo Hội dưói hình thức cá nhân ( Christifideles laici, n. 28),
- hay tham dự dưới hình thức hiệp hội ( Christifideles laici, n. 29).

Tưởng cũng nên nhớ rằng đặc tính “ Giáo Hội hiệp thông ” không phải chỉ có ý nghĩa liên hệ nội bộ.

Một họ đạo, với sự hiệp thông của các tín hữu giáo dân là một ” địa điểm ” giữa trần thể hiệp thông của các tín hữu đồng thời cũng là “ dấu chỉ ” và ” bí tích ” của ơn kêu gọi mọi người hiệp thông, câu trả lời có ý nghĩa cho con người trong thời đại chúng ta, nhiều khi lạc loài, mất định hướng.

Ý nghĩa và lương tâm hiệp thông được đâm gốc rễ vào Giáo Hội, và họ đạo là Giáo Hội hiện thực trước mắt mọi người.

Người tín hữu giáo dân yêu thương họ đạo mình trong hoàn cảnh hân hoan và đau khổ; với các linh mục, tu sĩ nam nữ và với các người tín hữu giáo dân khác.

Trong kinh nghiệm thực tế về sự hiệp thông trong Giáo Hội, người tín hữu giáo dân xử dụng đặc tính trần thế của mình, bằng vị trí, hiểu biết và kinh nghiệm của mình, tham dự vào đời sống Giáo Hội. trong tư tưởng đó, người tín hữu giáo dân làm cho Giáo Hội càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn về con người.

Đem vào trong Giáo Hội, thiết thực trực tiếp vào trong họ đạo, các kinh nghiệm về các lãnh vực cá biệt mà mình đang sống, người tín hữu giáo dân làm cho gia đình, việc làm, văn hoá, phương tiện truyền thông, bệnh tật, giáo dục, chính trị…không còn là những lãnh vực xa lạ đối với đời sống và sứ mạng loan báo Phúc Âm của Giáo Hội.

Hành động như vừa kể, người tín hữu giáo dân cộng tác xây dựng Giáo Hội bằng cách giúp cho Giáo Hội gặp được nơi con người là con đường của Giáo Hội để thực hiện mục vụ:

- qua những lúc cùng chung nhau trong họ đạo suy niệm, tìm hiểu sâu đậm hơn Lời Chúa, khiến cho người tín hữu giáo dân trở thành những cộng tác viên cho việc hội nhập văn hoá sứ điệp Chúa Ki Tô;

- qua những lúc đối thoại và đối chiếu, phát thảo dự án và đề nghị chương trình với nhau trong các cuộc gặp gỡ trong họ đạo. Đó là những động tác của Ủy Ban Cố Vấn và Hội Đồng Mục Vụ ở tầm mức giáo phận, thị xã cũng như ở từng họ đạo.

Dĩ nhiên điều quan trọng là người tín hữu giáo dân phải được huấn luyện và ý thức rằng mình là thành phần của Giáo Hội, bởi đó chính họ phải là những người duy nhứt và không thể thay thế để định chuẩn những gì phải thực hiện cho gia đình nhân loại và Giáo Hội.

Nhưng đó

- không phải chỉ đơn sơ được giáo huấn về giáo lý chỉ thuộc lãnh vực “ depositum fidei ” ( kho tàng tích trử đức tin ),

- nhưng là được giáo dục sâu đậm về sự hiện diện chính đáng của Giáo Hội, tức là Giáo Hội như là sự hiện diện Ki Tô giáo đang hướng về chân lý và bác ái mà ai cũng nhận thấy được.

Chỉ có như vậy, người tín hữu giáo dân mới là người đầy tớ không thể thay thế được của Chúa Ki Tô trong Giáo Hội và giữa trần thế.

Như vậy Giáo Hội, trong đời sống nội tại của mình, phải hành xử theo cả hai phương diện,

- tổ chức cấu trúc nội bộ
- và huấn luyện người tín hữu giáo dân theo tinh thần vừa kể.

d) Khám phá ra trách nhiệm của mọi người được nhận Phép Rửa.

Cần phải làm thế nào để cho cả Cộng Đồng Dân Chúa đều hiện diện trong việc soạn thảo và trong sứ mạng đem lại lợi ích cho mỗi con người.

Trong viễn ảnh đó, người tín hữu giáo dân được coi là những người thực hiện, trong các tiến trình khác nhau của lịch sử, ý nghĩa và kết quả của biến cố Nhập Thể của Chúa Ki Tô.

Sự kiện vừa kể mặc nhiên làm sáng tỏ và nhấn mạnh trách nhiệm mà người tín hữu giáo dân có để cộng tác cho lợi ích của cả Giáo Hội, bằng cách đem ra thực hiện ân sủng của họ, được Chúa Thánh Thần ban cho, để đáp ứng lại các dấu chỉ thời đại của chương trình cứu rổi.

Điều vừa kể giúp chúng ta vượt thắng được quan niệm cho rằng hoạt động tông đồ của người tín hữu giáo dân chỉ đơn thuần là cộng tác vào việc tông đồ của hàng giáo phẩm.

Mỗi tín hữu Chúa Ki Tô đều có địa vị và được ân sủng Chúa ban cho để cùng nhau cộng tác theo hoàn cảnh và khả năng của mình vào sứ mạng tông đồ của Giáo Hội.

e) Vượt thắng mối nghi ngờ đối với thực trạng trần thế.

Dựa trên sự kiện là mọi thực thể lịch sử và của mọi thời đại sẽ được quy hướng vào Chúa Ki Tô:

- ” Đó là đưa thời gian tới thời viên mãn, là nơi quy tựu muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Chúa Ki Tô ” ( Eph 1, 10).

Bởi vì không có Người, không có gì được hiện hữu:

- ” Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành ” ( Jn 1, 3),

chúng ta có thể diễn dịch rằng trong chiều kích lịch sử không có thể xảy ra những trạng huống đối nghịch, như giữa thiên thánh và thế tục, tách rời nhau và chống đối nhau, nhưng đúng hơn là chỉ có một thực thể phức tạp đó là thực thể trong lịch sử, mà trong đó người tín hữu Chúa Ki Tô đang được Chúa đặt để, để cho mình

- trong khi kính trọng lãnh vực tự lập của các thực thể trần thế,

- họ dấn thân chuyên cần làm cho nhập thể và khỏi đầu Vương Quốc của Chúa.

Đó là điều lưu ý quan trọng mà người tín hữu giáo dân có thể đem lại cho cách rao giảng Phúc Âm và sự hiện diện của Cộng Đồng Dân Chúa trong dòng lịch sử.

Cần phải xoá bỏ đi mọi mối nghi ngờ và định chuẩn giá trị một cách tích cực hiện trạng trong cuộc sống của mỗi người.

Thái độ vừa kể cho phép Giáo Hội trút bỏ đi các mối sợ sệt và không đóng khung mình trong động tác luôn luôn phòng thủ, khiến cho mình mất đi một trong những đặc tính thiết yếu của mình. Đó là đặc tính truyền giáo.

NGUYỄN HỌC TẬP