Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Trẻ khuyết tật Việt Nam có thực sự được hòa nhập?

VRNs (15.05.2011) – Hà Nội – 20 năm giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật vẫn chỉ dừng lại ở bước mới khởi đầu !



Năm 2011 đánh dấu 20 năm chương trình giáo dục hòa nhập bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam. Cuối năm 2003, từ vốn của ngân hàng Thế giới, sự tài trợ của Australia, Canada, Na Uy, Vương quốc Anh, dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn (PEDC), trong đó có hòa nhập cho trẻ khuyết tật, đã được khởi động. Tổng kinh phí của dự án này là trên 250 triệu USD.

Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật học cùng với trẻ em bình thường, ngay trong trường phổ thông tại nơi trẻ em sinh sống. Tại Việt Nam, mô hình giáo dục hòa nhập được đưa vào thực hiện từ năm 1991. Tuy nhiên, cho đến nay, rất nhiều vấn đề thực tế làm cho mô hình hòa nhập tại viêt Nam có vẻ “chạy” kém hiệu quả.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi về tình hình thực tế tại các trường có học sinh khuyết tật, một số giáo sinh thực tập (tại các trường tiểu học N.A và N.T thuộc huyện Nam Trực – Nam Định) tỏ ra rất bức xúc. Họ cho rằng tất cả những gì được học hầu như không áp dụng trong thực tế, các nguyên tắc của giáo dục hòa nhập gần như bị vi phạm hòan toàn, dù biết rằng chắc chắn sẽ có những chênh lệch giữa lí luận và thực tiễn.

Theo các giáo sinh thực tập, giáo viên đứng lớp không hề điều chỉnh giáo án dạy học cho phù hợp với sự có mặt trẻ khuyết tật. Trẻ khuyết tật không được chú trọng về cung cấp kiên thức hay được rèn luyện về kĩ năng tiếp nhận thông tin từ giáo viên, cũng không có những hoạt động phù hợp cho trẻ. Tất cả chỉ mang tính “xếp chỗ”, có học sinh không có tên trong danh sách lớp. Như trường hợp em Tuấn Anh, 10 tuổi, học sinh lớp 1 trường tiểu học N.T (Nam Trực, Nam Định), bị khuyết tật vận động. Tuấn Anh không có tên trong danh sách lớp, gần như chỉ là ngồi nhờ. Những buổi có thao giảng, dự giờ, giáo viên cho Tuấn Anh nghỉ. Do vậy, không hề có sự điều chỉnh nào trong quá trình dạy học của giáo viên. Họ cũng cho biết, một số giáo viên “vô tư” nhận xét, bàn luận về học sinh khuyết tật ngay trước mặt các em. Điều này càng làm tăng thêm sự tự ti đã có.

Một trong những yêu cầu khá cơ bản là vị trí cho học sinh cần hòa nhập phải phù hợp, tốt nhất là ngồi gần học sinh giỏi, gần giáo viên hoặc tùy theo điều kiện của trẻ mà xếp chỗ nào cho thoải mái và giáo viên có thể dễ dàng nhất trong việc quan tâm đến trẻ. Tuy nhiên, có em bị xếp ngồi cuối lớp, cho dù em cũng nho nhỏ tầm các bạn khác.

Một đòi hỏi khác là giáo viên phải bằng mọi cách giúp học sinh tiếp thu và đạt được kết quả ở mức độ nhất định (tùy mức độ của trẻ). Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các trường ở các vùng quê hiện rất thiếu thốn. Hầu như không có những phương tiện trợ giúp hòa nhập.

Đi tìm nguyên nhân của vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải – một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục hòa nhập, trưởng khoa Sư phạm Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải: Thứ nhất, vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về chương trình đào tạo giáo viên chuyên ngành về khuyết tật tại Việt Nam. Những cử nhân sư phạm được đào tạo tại các trường đại học khi đi xin việc thường bị yêu cầu thêm một bằng khác về giáo dục tiểu học, vì nhà quản lí cho rằng những người này chỉ có thể dạy học sinh khuyết tật. Trong khi đó, những cử nhân này hoàn toàn dạy được cấp tiểu học.

Thứ hai, do không nhận các cử nhân chuyên ngành khuyết tật, giáo viên của các trường có học sinh hòa nhập là giáo viên tiểu học đơn thuần, không có chuyên môn, kinh nghiệm trong dạy học trẻ khuyết tật. Do vậy, không thể tránh khỏi những khó khăn, bất cập trong công tác giáo dục, nhất là trong vấn đề tuân thủ các nguyên tắc trong giáo dục hòa nhập. Theo thầy Nguyễn Xuân Hải khi tiến hành thực hiện hòa nhập, cần tuân thủ 6 nguyên tắc cơ bản: (1) Đảm bảo dựa trên quyền trẻ em (theo Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989); (2) dựa vào mục tiêu giáo dục của từng cấp học; (3) vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ; (4) đáp ứng được sự đa dạng của học sinh; (5) phát triển điểm mạnh của học sinh và (6) phải dựa vào cộng đồng.

Thứ ba, chưa thể thay đổi trong tâm lí và nhận thức của giáo viên cũng như cộng đồng trong cách nhìn đối với người khuyết tật. Vẫn còn đây đó cái nhìn kì thị, không tôn trọng; vẫn còn những thái độ, hành động trêu chọc của bạn bè. Ngay chính giáo viên đứng lớp cũng coi các em không bình thường so với các học sinh khác. Điều này hoàn toàn không phù hợp.

Một nguyên nhân không thể không nhắc đến, chính là cơ sở vật chất của các trường này và chính sách của nhà nước. Nhiều người viện lí do rằng nhà nước không đủ ngân sách để thực hiện thật đầy đủ chương trình hòa nhập, các trường không có đủ trang thiết bị cần thiết hỗ trợ cho việc dạy học hòa nhập. Quả thực, hầu hết việc thực hiện mô hình giáo dục hòa nhập tại Việt Nam chủ yếu là nhận sự viện trợ từ các tổ chức nước ngoài. Bộ Giáo dục có dùng ngân sách tổ chức thực hiện thí điểm chương trình này tại huyện Từ Liêm, nhưng chỉ làm được 2 năm rồi dừng lại, không làm nữa. Một câu hỏi đặt ra, việc bảo đảm các quyền lợi của người khuyết tật nói chung, đặc biệt của trẻ khuyết tật nói riêng đã được đến đâu?

Có lẽ không cần phải đưa ra giải pháp cho vấn đề này, vì nó đã nằm ở ngay trong các nguyên nhân đưa ra. Thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật sao cho có hiệu quả là một vấn đề rất khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được, điều quan trọng là phải có cái nhìn đúng đắn và toàn diện.

Đầu năm 2011, nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật người khuyết tật. Chưa biết đạo luật này và các văn bản liên quan có thể điều chỉnh gì, nhưng ít ra ở một mức độ nào đó cũng đã có những thay đổi. Cụ thể hơn, cần có chính sách phù hợp cho cả trẻ khuyết tật cũng như những người thực hiện chương trình này.

Quả thực, chỉ có thể giúp trẻ khuyết tật hòa nhập khi có sự chung tay của cộng đồng, nhưng không thể dừng lại ở lý thuyết chung chung mà cần phải có những con người cụ thể, những hành động cụ thể…

An Hà, VRNs