VRNs (13.05.2011) – Hà Nội – Lúc 19 giờ ngày 7 tháng 5 tại đền Thánh Giêrađô – Giáo xứ Thái Hà, Cộng đoàn Phaolô – một Cộng đoàn trực thuộc Cộng đoàn Giáo Phận Vinh tại Hà Nội, đã long trọng mừng lễ Kính Thánh Phaolô Thánh quan thầy bổn mạng của Cộng đoàn.
Lễ quan thầy Thánh Phaolô chính thức vào ngày 25 tháng 1 nhưng vì nhiều lý do nên hàng năm Cộng đoàn đã dời lại sau lễ phục sinh.
Lễ quan thầy năm nay được xây dựng theo chủ đề “những bước chân rao giảng tin mừng” với ba ý nghĩa đúng như phương hướng của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội: Tâm linh – Tri thức – Kết nối.
Về mặt tâm linh: Trước Thánh lễ có giờ cầu nguyện và suy niệm về Thánh Phaolô để qua đó mọi người chiêm ngắm gương của Thánh nhân, biết nhiệt thành loan báo Tin mừng Chúa đến cho mọi người.
Sau giờ cầu nguyện, suy niệm Thánh lễ được long trọng cử hành do Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh – Cha Linh hướng Của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội.
Nhiều ân nhân trong ngoài Cộng đoàn Vinh và đông đảo các Thành viên của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tai Hà Nội đã tới Tham dự.
Thánh lễ diễn ra sốt sắng, long trọng đúc kết trong từng bài Thánh ca tuyệt vời, trong từng lời giảng của Cha Linh hướng.
Theo bài giảng của Cha, Thánh lễ kính Thánh Phaolô trở lại được Giáo hội mừng kính vào cuối tháng 1, nhưng việc tổ chức Thánh lễ sau lễ Phục sinh có một ý nghĩa rất đặc biệt. Vì chỉ khi Chúa Giêsu phục sinh Thánh Phao – lô mới nhận ra được Đấng Kitô, chỉ sau Chúa Giêsu phục sinh Thánh Phao-lô mới được Chúa mời gọi lên đường rao giảng tin mừng. Chiêm ngắm gương Thánh nhân, chúng ta rút ra được rất nhiều giá trị tâm linh quý giá, Ở con người Thánh nhân vừa mang chiều kích tâm linh sâu sắc lại mang tính tri thức trổi vượt.
Chỉ ở biến cố ngã ngựa, biến cố Chúa biến đổi Thánh nhân ta cũng rút ra được nhiều suy ngẫm, Cha Linh hướng đã gói gọn trong ba chiều kích:
Điều thứ nhất : Thánh Phaolô là một con người rất nhiệt thành, Ngài nhiệt thành trong niềm tin của mình vào Thiên Chúa, chính vì vậy mà trước khi chưa được mặc khải, Ngài đã “nhiệt thành” bắt bớ, thậm chí giết hại những tín hữu theo Chúa Giêsu. Như vậy, khi ta đứng trước một vấn đề, đặc biệt nhất là đức tin và các dấu chỉ mầu nhiệm, chúng ta phải xem xét, suy ngẫm xem điều đó có đúng với ý Chúa không! Nếu bạn nhiệt thành nhưng theo con đường nhận thức sai trái, điều đó sẽ tai hại vô cùng!
Điều thứ 2 : Chúa mời gọi Phaolô, ở biến cố này ta thấy Chúa đã tỏ mình ra cho Phaolô bằng phép lạ và một câu nói của Chúa như hỏi cả và nhân loại “ Saun, Saun tại sao ngươi bắt bớ ta?”. Chỉ một câu hỏi trách cứ nhưng đầy sự tha thiết, trìu mến Chúa đã tỏ mình ra cho Ngài “ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”. Chúa đã mời gọi Phaolô và cũng mời gọi chúng ta hằng ngày, hằng giờ, hằng khắc. Nếu chúng ta cứ phạm tội tức là Chúa lại phải lần nữa bị bắt bớ, đổ máu ra cho chúng ta. Nếu một người mất linh hồn thì không những khốn nạn cho người đó mà Chúa cũng rất buồn vì Ngài đã đổ máu ra một cách vô ích trên người đó. Bạn có bao giờ lắng nghe tiếng Chúa vẫn thiết tha gọi bạn chưa? Sống trong thân phận loài người để nghe được tiếng gọi thiêng liêng quả là khó vô cùng, đặc biệt sống trong xã hội mà tư tưởng vô thần đang tìm mọi cách nhồi nhét vào mỗi chúng ta, việc lắng nghe tiếng Chúa gọi còn khó hơn nhiều!
Điều thứ 3 : Thánh Phaolô đáp lại tiếng Chúa gọi mời: “ Lạy Chúa! Con phải làm gì?” câu hỏi ngắn gọn nhưng chứa rất nhiều điều đáng suy tư, khi nhận ra được Chúa, Thánh nhân đã mạnh dạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và Ngài đã phó thác trọn vẹn đời mình cho Chúa “con phải làm gì?” khi hỏi câu này thường thì người hỏi đã sẵn sàng làm theo bất cứ những gì người trả lời chỉ dạy. Như vậy Thánh Phao lô nghe tiếng Chúa và sẵn sàng để Chúa biến đổi, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời của Ngài cho danh Chúa được tỏa sáng, cho cả nhân loại được biết đến tin mừng. Chúng ta có làm được như Thánh nhân không? Chúng ta đã bao giờ suy tư xem mình đã làm gì để rao giảng tin mừng chưa?.
Về mặt tri thức: Cộng đoàn Phaolô đã tổ chức làm chuyên san tập thứ 3 chủ đề: “những bước chân rao giảng tin mừng”. cùng các tác phẩm do các thành viên trong Cộng đoàn sáng tác tổng hợp thành một bộ sưu tập “ góc nhỏ – tầm nhìn lớn” đây như một nét văn hóa Kito giáo mà Cộng đoàn muốn giới thiệu đến mọi người những trăn trở suy tư của người trẻ Công giáo “tại sao chúng ta không đưa đức tin Kitô Giáo thành như nét văn hóa chủ đạo của Việt Nam – đất nước mà tư tưởng vô thần đã làm hư mất các giá trị của văn hóa đúng nghĩa?
Về mặt kết nối: Sau Thánh lễ Cộng đoàn tổ chức cuộc thi “áo dài trong Thánh lễ” thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ trong cũng như ngoài Cộng đoàn Vinh, và nhiều người ngoài tôn giáo. Cuộc thi nhắc nhở mọi người ăn mặc lịch sự khi tham dự Thánh lễ, cũng như nhấn mạnh một nét văn hóa tốt đẹp mà người Công giáo nên thực hiện mỗi khi đến Thánh đường – đến với Chúa! Đó cũng là một cách để mang mọi người về với Chúa
Thánh lễ đã diễn ra rất tốt đẹp những giá trị được nhấn mạnh,nhắc nhở, khiến người tham dự có nhiều biến đổi và suy tư!
9/5/2011
Giuse Trần Cương