Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Họp mặt Bạn người phong Kontum

VRNs (12.05.2011) – GPKONTUM- Sáng nay, 10/05/2011 Đức Cha Micae đã đến nhà thờ Thăng Thiên, Gia Lai gặp gỡ và dâng thánh lễ với các thành viên đại diện của các trung tâm đang phục vụ bệnh nhân phong trong toàn Giáo phận Kontum.



Trong buổi gặp mặt, cha Đại diện Phêrô Nguyễn Vân Đông – Giám đốc Caritas – Bác Ái Xã Hội (BAXH) Kontum đã lên tiếng báo động về sự thiếu thốn nhân sự, phương tiện phục vụ cũng như thái độ đối xử thiếu tôn trọng của xã hội đối với các bệnh nhân phong.

Buổi họp mặt đã quy tụ gần 80 thành viên bao gồm các linh mục, nữ tu đến từ nhiều Dòng khác nhau, các bác sỹ, chuyên viên và nhân viên đang phục vụ cho các bệnh nhân phong. Nội dung chính của chương trình: Sau phần báo cáo tình hình phục vụ bệnh nhân phong của Giáo phận Kontum và những đề nghị cần thiết do cha Đại diện phụ trách, Đức Giám Mục gặp gỡ và trao đổi với anh chị em phục vụ bệnh nhân phong và cuối cùng là hướng dẫn của một bác sĩ về việc tiếp cận, giúp đỡ và chữa trị cho người bị bệnh phong.

Hiện nay, trong Giáo phận có một số linh mục, một số thầy dòng và quý xơ đến từ rất nhiều cộng đoàn hiện diện trên địa bàn hai tỉnh Kontum và Gia Lai để phục vụ cho bệnh nhân phong. Theo lời chia sẻ của vị bác sĩ này, một người không phải là công giáo, thì: “Nơi đâu có tu sĩ phục vụ, nơi đó bệnh nhân phong được chăm sóc chu đáo và thiết thực hơn”. Nói về các tu sĩ phục vụ ở đây, vị bác sĩ nhận xét: “Họ tuy khác nhau về những màu sắc của chiếc áo dòng, nhưng tấm lòng thì giống nhau”. Ngoài ra, Giáo phận còn có hàng trăm nhân viên và chuyên viên (chưa thống kê được chính xác số lượng) đang phục vụ khắp các trung tâm và các làng để chăm sóc người bị bệnh phong. Đây là bổn phận của xã hội phải lo cho người phong cùi, nhưng nếu họ không lo thì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm này. Tuy nhiên, với lực lượng nhân sự quá mỏng, phương tiện cứu chữa thiếu thốn quá nhiều, lại nguồn kinh phí khiêm tốn, liệu Ban BAXH – Caritas Kontum cùng anh chị em phục vụ có thực hiện được việc làm đầy thiện chí đó hay không, quả là còn nhờ rất nhiều vào ơn Chúa.

Báo cáo cho biết, thời gian gần đây, các nữ tu đã đến ở với người phong cùi tại nhiều nơi và cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất. Đường sá có thể cho phép xe hơi hoặc xe gắn máy vào tận nơi để giúp đỡ người phong cùi. Người dân tộc mắc bệnh cùi bắt đầu chịu nghe lời thuyết phục để đi chữa trị, người kinh dần dần cảm thương và phục vụ bệnh nhân phong nhiều hơn, các phương tiện chữa trị cũng bắt đầu phong phú và hiện đại hơn trước. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân phong quá đông, đòi hỏi rất nhiều những tấm lòng nhân ái cảm thông phục vụ. Những làng phong chủ yếu nằm cách xa thành phố, vào các vùng xa xôi hẻo lánh nhất, trình độ bệnh nhân phong dân tộc lại rất hạn chế, vì vậy rất cần đến những người nhẫn nại, chịu khó mới có thể phục vụ hiệu quả cho các bệnh nhân.





Sự cảnh báo không bao giờ thiếu đó là thái độ đối xử của mọi người đối với những anh chị em mắc bệnh phong. Bệnh nhân phong thường mặc cảm, đặc biệt các anh em dân tộc không dám đi bệnh viện khám chữa trị. Nếu có thêm căn bệnh khác, thì họ cũng ngại đi khám. Hơn nữa, họ thường bị đối xử bất công và thiếu bác ái tại các bệnh viện hoặc những nơi công cộng khác. Hàng hóa của người mắc bệnh phong bán ra, giá luôn bị ép thấp hơn hoặc có khi là rẻ mạt. Con em của các bệnh nhân phong bị mặc cảm tự ti và dễ bị bạn bè khinh khi ngược đãi. Chúng ta cần phải lên tiếng để xã hội cảm thông, để mọi người không đối xử bất công với những người bệnh nhân bất hạnh này.

Vị bác sĩ nhắn nhủ đến những người phục vụ bệnh nhân phong: cần được phát hiện sớm để có cách ngăn ngừa hiệu quả các mầm bệnh (kể cả bệnh phong cũng nhu các căn bệnh khác) và được chữa trị kịp thời. Cha đại diện khẳng định: “chính chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm ân nhân hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân phong và cố gắng trang bị tốt cho họ về mặt y tế sức khỏe, thẻ bảo hiểm y tế, cung cấp nguồn nước sạch, hệ thống vệ sinh và thậm chí là nhà ở nữa”. Nhờ đó, anh chị em bệnh phong được hưởng cuộc sống bình thường giống như bao người khác.

Đức Cha Micae cũng thừa nhận vùng Gia Lai có nhiều bệnh nhân phong nhất trong cả nước, nổi tiếng cả khu vực và châu lục. Mong ước của Đức Cha là có được một bản đồ về sự phân bố bệnh phong trong Giáo phận. Với bản đồ này, chúng ta có thể biết được tình hình bệnh phong một cách cụ thể, và hiện các nơi ấy ai là người chịu trách nhiệm chính để có thể liên lạc và hỗ trợ kịp thời.

Ban BAXH – Caritas Kontum sẽ hỗ trợ chính cho những nhu cầu phục vụ và chữa trị các bệnh nhân phong. Tuy nhiên, Caritas không thể tự mình lo được, mà phải cần đến tất cả các tấm lòng hảo tâm, các Mạnh Thường Quân trong và ngoài giáo phận cùng nhau “thương chút phận” người cùi. “Tinh thần chia sẻ theo Tin Mừng là quan trọng hơn đồng tiên”. “Người ta có thể cho mà không thương, nhưng người ta không thể thương mà không cho”. Chỗ khác: “Anh em đừng mang nợ gì nhau ngoài món nợ tình thương” (Rm 13,8).

Với tất cả tâm tình ấy, Ban BAXH mong muốn rằng: những người Công giáo trong giáo phận sẽ cùng nhau giúp đỡ người nghèo qua việc tham gia Hội viên caritas. Giáo phận Kontum có 250.000 giáo dân (160.000 dân tộc và 90.000 kinh). Ước mong sẽ có được 30.000 thành viên tham gia giúp đỡ người nghèo với sự đóng góp 1.000đ/ngày thôi, thì công việc giúp đỡ người nghèo và bệnh nhân phong của Giáo phận sẽ rất thuận tiện.

Xin Đấng Phục Sinh, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Măng-Đen sẽ giúp cho ước nguyện bé nhỏ nhưng đầy tâm huyết ấy được trọn vẹn trong tình yêu của Thiên Chúa.

Caritas Kontum
Ghi nhanh tại Gia Lai
Nguồn: www.gpkontum.wordpress.com