Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Hà Nội ký sự 2: Truyền thông là như thế !

VRNs (30.06.2011) – Sài Gòn – Sách kỷ lục Guiness thế giới một ngày nào đó có thể sẽ ghi thế này: Hà nội là nơi đầu tiên có người hét lên đòi “giết giết giết” các bậc chân tu. Ngay trong thời kỳ bách đạo ngày xưa, chẳng vua chúa nào hét to như thế giữa khuya trước cổng nhà thờ. Guiness cũng sẽ ghi rằng Truyền Thông Công giáo đã nhanh nhạy chuyển lời “giết giết giết” ấy đi vòng quanh thế giới chỉ trong mấy phút đồng hồ.

Khi đặt chân đến Thái Hà, Hà nội, tôi còn nghiệm thấy nhiều điều đáng ghi vào Guiness nữa. Nhưng thôi, những việc dân Chúa làm chẳng cần được đời này ghi, dù là “Ghi… nét”. Có điều là lớp Truyền Thông Công giáo tại Hà nội cùng với bài giảng của Cha Bề Trên Matthêu trong Thánh Lễ bế giảng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Hà nội mùa hè nóng, nóng bức và bụi bặm. Một Hà nội cổ kính ngàn năm văn vật, một Hà thành văn minh nho nhã thời Tự Lực Văn Đoàn tôi không nhìn thấy rõ. Nhưng một Hà nội với những nhân sĩ và những tâm hồn thao thức trước các vấn nạn xã hội thì dễ nhận ra.

Để làm truyền thông, nhất là truyền thông Công giáo, cần nhiều điều kiện. Những điều kiện ấy Cha An Thanh đã trình bày trong các bài giảng của ngài. Và Giáo huấn Xã Hội Công giáo, bao gồm Sứ điệp của Đức Thánh Cha Benedict XVI nhân ngày Truyền Thông năm nay cũng đưa ra những chỉ nam thiết thực.

Nhưng truyền thông Công giáo không chỉ là những lý thuyết hay những lời khuyên. Vì Đức Kytô, Nhà Truyền Thông tuyệt hảo, vừa là tiêu điểm vừa là gương mẫu của truyền thông, cho nên truyền thông Công giáo là nói về Đức Kytô, về công lý của Người và về con người thời đại là đối tượng của ơn Cứu Chuộc. Và do vậy, truyền thông Công giáo phải đặt Sự Thật và Tình Yêu lên trên hết. Điều này hoàn toàn trái ngược với những loại truyền thông theo lề của xã hội hiện nay.

Như thế, người làm truyền thông Công giáo sẵn sàng lên đường với ý thức về sứ mạng của mình, để loan tin vui, tin bình an.

Có điều nhỏ nhưng cũng đáng nói là có ý kiến cho rằng muốn làm truyền thông phải được chứng nhận do cơ quan nhà nước. Nói nôm na là muốn viết phải có thẻ nhà báo. Tôi cho rằng ý kiến này còn “non nớt”. Việc truyền thông là việc của Hội Thánh với tư cách là Nhà Thừa Sai của Đức Giêsu. Lệnh truyền ngày Chúa lên trời và nói như Đức Tổng Giuse, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, đã là quá đủ cho những người làm truyền thông mà không cần bất cứ thế lực nào chứng nhận nữa.



Không đánh máy được thì viết tay



Chỉ có 5 ngày phải sẳn sàng trao đổi

Cách đây vài năm, một anh biên tập của một tờ báo ở Sàigòn nhờ chúng tôi cộng tác. Tôi hỏi tại sao trong số vài trăm sinh viên báo chí ra trường hàng năm anh không chọn một vài người làm việc hẳn cho báo. Anh trả lời rằng ra trường thì nhiều mà viết được thì khó kiếm. Học chính qui, có thẻ cũng chưa hẳn làm được điều mà xã hội con người cần đến.

Người ta đào tạo sinh viên báo chí bốn năm, bao nhiêu thời gian và công sức bỏ ra cho công việc viết lách, vậy mà “viết được thì khó kiếm”. Trong cái bối cảnh ấy, bạn có tin được là với khoá Truyền Thông cấp tốc năm ngày do Truyền Thông Chúa Cứu Thế tổ chức, các học viên sẽ nấu được cơm ngon từ những điều đã được chuẩn bị sẵn ấy không?

Khó tin phải không ạ? Chính tôi cũng bất ngờ khi nhốt mình trong phòng ở tu viện Thái Hà, Hà nội, đọc một lượt chín bài phóng sự của học viên Truyền Thông Hà nội với những chủ đề khác nhau, cách thể hiện khác nhau và cách lý giải vấn đề cũng phong phú. Như Cha giáo An Thanh nhận xét, nhiều bài vẫn còn thiếu nhiều chi tiết, thiếu tư liệu về bối cảnh hay toàn cảnh chẳng hạn. Điều đó dễ hiểu, vì thời gian Cha giáo cho quả là quá eo hẹp. Nhưng kết quả ấy của các học viên không phải là nhỏ bé.

Vậy cái gì đã giúp các bạn nấu được những nồi cơm chưa phải là tuyệt hảo nhưng cũng là những nồi cơm ngon? Cách nấu các bạn học theo phương pháp thực hành trong năm ngày, gạo là những chất liệu từ trong cuộc sống mà các bạn cũng được học cách sàng sảy để có gạo ngon, nồi cơm chính là sự lao nhọc, chịu khó của các bạn. Nhưng còn lửa, lửa ở đâu? Lửa nào mà làm cho cơm chín thơm lành đến thế?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể dựa vào những lời của Cha Bề Trên Matthêu Vũ Khởi Phụng trong bài giảng Lễ Bế Mạc Khoá. Ngài nói học truyền thông thì dễ vì có nhiều lớp, nhiều khoá. Chúng ta học ở đây là học Truyền Thông Công giáo, là để phục vụ Chúa và phục vụ con người. Chúng ta phải là những con người chìm sâu vào tinh thần của Tin Mừng. Ngài bảo nếu không có tinh thần Tin Mừng thì những điều ta viết, ta nói cũng không khác những âm thanh ồn ào và những màu sắc xanh đỏ mà chúng ta thấy trên các làn sóng truyền thông bây giờ.

Vậy lửa cho nồi cơm các bạn chín ngon lành ấy chính là Lời Thiên Chúa, là lòng sốt mến với Nước Chúa và sự quan tâm đến con người là đối tượng của ơn Cứu chuộc. Trên chuyến xe buýt số 2 ở Hà nội từ phố Trần Quang Khải về Thái Hà, có bạn sinh viên hỏi tôi rằng ở miền Nam người ta quan tâm đến cái gì. Tôi trả lời chúng tôi quan tâm đến con người và những vấn đề của con người. Bạn ấy bảo như thế là giống các nước tư bản. Tôi biết vô tình bạn ấy khen các nước tư bản, nhưng rõ ràng con người phải là đối tượng để chúng ta nói đến, chứ không phải vì cái gì khác nấp đàng sau. Quan tâm đến con người cũng là ngọn lửa cháy sáng.

Lửa ấy còn được Đức Tổng Giám Mục Giuse ở Châu Sơn nói thêm là sự hiệp thông yêu thương như mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta.

Như tôi vừa nói ở trên, tại Hà nội tôi gặp “những tâm hồn thao thức trước các vấn nạn xã hội”. Đó là chất xúc tác để lửa yêu mến từ Tin Mừng và từ Thánh Thần Thiên Chúa cháy bùng lên làm cho công cuộc Truyền Thông Công Giáo có kết quả tốt đẹp.

Phải chăng đấy là kỷ lục mà Truyền Thông Công giáo ghi được, và sẽ không bao giờ có ai phá nổi?

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs