VRNs (22.06.2011) – Úc Đại Lợi – Suy niệm lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu
“Linh hồn em vội vã, vẽ chân dung
bay vội vã, vào trong hồn mở cửa.”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Ga 6: 51-58
Vội hay không, thì anh và em nào vẽ được những chân dung. Của hồn mình. Chí ít, là khi vẽ xong, em cũng vội bay vào trong hồn mở cửa. Phải chăng, đó là tâm trạng của người đời? Còn nhà Đạo, nay vẽ gì khi mừng kính Mình Máu Chúa, rất Kitô?
Trình thuật hôm nay thánh Gioan cũng có ghi nhưng không vẽ. Thánh nhân ghi, là ghi về Thánh Thể, để kể về cuộc đời Chúa. Có tình yêu. Sự sống. Rất văn chương.
Cứ sự thường, người người bảo: ở văn chương thi tứ, bốn thể loại thấy rất rõ để diễn tả đời người và người đời, là: kịch tính, mỉa mai, hài hước, lãng mạn. Tình tiết này, ăn khớp với bốn mùa: thu, đông, xuân, hạ, rất nghe quen. Xét về kịch tính của cuộc đời, người người sẽ thấy thời khắc/tháng năm luôn thăng trầm, khó lẩn tránh. Chỉ có tình yêu, mới kiên định được nổi khó khăn, cần hy sinh. Tính mai mỉa ở người đời, ai cũng thấy mặt ngoài có vẻ dễ chịu, nhưng bản chất thật khó chịu. Trường hợp này, tình yêu là những ngày dài đầy khổ đau. Nhưng, với các vị tử đạo dù bị bức bách, vẫn không chịu đầu hàng.
Tính hài hước của cuộc đời, người người kỳ vọng sẽ thấy ngạc nhiên xảy đến, dù rất khó. Nhưng khi đó, tình yêu sẽ là những tháng ngày hoà lẫn giữa thích thú và chán buồn. Chỉ mong có được kết hậu, để vui hơn. Tính lãng mạn của cuộc đời, người người sẽ quên mất thực tại, chỉ giữ lại những mộng mơ, vào ngày cuối. Và khi ấy, tình yêu là thế giới tư riêng, không như ý. Xem như thế, đời người vẫn trải nghiệm những phấn đấu, xúc cảm, rồi buồn bã, và thức tỉnh.
Xét văn chương, ta thường bảo mọi chuyện đời đều chất chứa tính “cổ điển”. Và, một trong các đặc trưng của “cổ điển”, là sự chan hoà giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Từ đó, người người sẽ hiểu: đời mình là sự hoà tan rất nhiều thứ, cũng giống như tình yêu vốn đượm nhiều sắc thái nên vẫn khiến người từng trải rày sẽ bảo: đời là thế. Nào có khác tình yêu đâu! Đến đây, ta sẽ bảo: chuyện tình đời gia đình mình cũng mang tính cách cổ điển, hệt như thế.
Phúc âm ta đọc từ mùa Phục Sinh cho đến Lễ Ngũ Tuần, cũng đều mang tính cách “cổ điển”, như cuộc đời. Tức, cũng hoà trộn một cách nhuần nhuyễn giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Chương 11-12 Tin Mừng thánh Gioan là một ví dụ cụ thể về kịch tính, từ cái chết của Ladarô, đến các phản ứng Đức Kitô cho đến sự việc Ngài lên đường đi Giêrusalem, cũng thế. Chương 5-10, là thể loại trào phúng, rất mai mỉa. Trong đó, thánh sử ghi rõ Chúa là Vị Thẩm Phán rất đích thực. Ngài là Bánh Hằng Sống. Là Nước. Là, Ánh Sáng. Là, Đấng Chữa Lành và là Vị Mục Tử Chân Chính, rất đích thực. Chương 2, hiện rõ văn phong lãng mạn. Trữ tình. Có, thánh Gioan Tẩy Giả nói đến niềm vui của lang quân. Có truyện Đức Giêsu đối thoại với nữ phụ người Samari. Nói tóm lại, với Tin Mừng thánh Gioan, cuộc đời Chúa là sự chan hoà giữa bản chất đích thực của tình yêu và sự sống.
Cách đây ít năm, ở Úc, có trình chiếu bộ phim mang tên “Người vẫn cứ đi”. Phim, do tác giả người Nhật từng viết “Chẳng ai biết rõ” nay xây dựng trên kịch bản làm nền cho phim, để bàn về quan hệ của các thành viên trong gia đình. Trước nhất, là nhân vật chính thủ vai mẹ già rất truyền thống sống trong nhà. Cụ Bà luôn chuẩn bị của ăn thức uống, phụ giúp con gái ruột của mình, tức nhân vật thứ hai trong cốt truyện. Ở đoạn khác trong phim, lại có thêm nhân vật thứ ba, là gia chủ đang năn nỉ vợ (tức nhân vật thứ tư) nên về xin lỗi mẹ già, để rồi cùng hẹn sẽ đến thăm cụ dù chỉ trong thoáng chốc. Trên đường về, ông mải bận tâm lo lắng về chuyện họp mặt gia đình để bắt vợ mình phải đeo mang quà cáp, đồ đạc cũng rất nặng. Và rồi, cả hai cũng gặp mẹ. Hôm đó, có mặt cả người cha (tức nhân vật thứ 5), một bác sĩ về hưu, tai hơi lãng.
Nhân vật thứ sáu là người chị cả, cũng đã đến. Đi theo sau, là ông anh rể vui tính (nhân vật thứ 7) cùng với hai con. Thoạt xem phim, khán giả thấy đó như cuộc liên hoan đoàn tụ, của gia đình. Nhưng vẫn thiếu một thành viên nữa, tức nhân vật số 8, là người anh lớn đã tử nạn, cách đó đến 15 năm. Và, mẹ già hôm ấy lại vẫn muốn mời một người trong làng mà cụ cho là thủ phạm lỡ gây ra cái chết của con cụ (nhân vật số 9). Cụ nghĩ thế, nên anh ấy cũng chẳng thể nào quên được chuyện đau buồn từng xảy ra. Và cuối cùng, người con út còn nhỏ tuổi cũng đã đến. Tổng cộng, là 10 người. Mỗi người mỗi vẻ, làm nên tính chất rất đặc thù của đời người.
Chuyện đời người nói ở đây, cũng “bình thường”. Nhưng, khá phức tạp và tế nhị. Tế nhị nhất, là đoạn nói về năm tháng vẫn trôi qua, không ngần ngại. Do dự. Có im lặng là vàng. Có một chút đắng cay. Một chút hy vọng sẽ không bị kềm toả, bởi vật chất. Có cảm xúc rất bất chợt. Có người vắng mặt. Cũng có tình yêu tuy biểu lộ không nhiều. Có, niềm vui chung tuy gượng ép. Nhưng, tất cả đều đã chói sáng bằng lớp vỏ bọc ngoài. Và, sáng hơn cả vỏ bọc nữa. Đó chính để tỏ lòng lòng hiếu đễ với bậc tổ tiên. Cao niên.
Bối cảnh của phim trong tựa như khu vườn còn khép kín. Có, cửa đóng then cài. Có, cuộc sống nghịch thường. Có, đủ mọi tình tự lẫn đặc thù tưởng chừng như giả vờ làm thân cho đẹp lòng người mẹ rất cao niên. Nhưng bên dưới lớp vỏ bọc lịch sự/lễ phép ở bên ngoài, vẫn là những tâm tính chua cay. Hận thù. Khuất tất.
Nhân vật chính, là cụ bà cao niên ra như vẫn hằn in tâm trạng độc đoán. Cứng ngắc. Bởi, thực tế cuộc đời, là người ai mà chẳng độc đoán. Khó tính khó nết. Cái tính rất khó của cụ bà trong phim, là sự độc đoán/khó chịu ngày một gia tăng. Và, vẫn cứ bộc phát vào ngày con cháu tụ họp hằng năm, Để đến nỗi, người con út vốn tính thẳng thắn, bộc trực vẫn không chịu tham dự.
Tất cả mọi nhân vật trong phim đều như đang đối đầu với một chuyện. Đó là, sự thiếu vắng. Như hồn mà cứ ám ảnh người nhà. Tức, mọi người vẫn cứ phải sống mà không được phép lựa chọn hoặc trắng hoặc đen, chỉ một mầu. Hoặc ngọt ngào hoặc cay đắng, một cuộc đời.
Tuy nhiên, tựa đề của phim truyện vẫn còn ghi dấu “Người vẫn cứ đi”. Đi mãi không ngừng. Phải chăng là đi về với hòa giải. Hoà hợp. Chừng như có thứ gì đó không thể lẩn tránh. Thứ gì đó, rất bi ai.
Hôm nay, Hội thánh mừng kính Lễ Mình Máu Chúa Kitô, rất Thánh Thể. Lễ hội này, các gia đình đều đến nhà thờ để tham dự, và rước Mình Thánh Chúa. Cuộc sống hài hoà của các thành viên Hội thánh hoà lẫn với sự sống tràn đầy của Đức Kitô. Cuộc sống Ngài nuôi dưỡng thành viên, như gia đình. Có thăng, có trầm. Có hy vọng, có hạn chế. Nhưng Ngài vẫn trao ban quà tặng như mọi người trông ngóng trong quá khứ. Và, tương lai. Có, thứ gì đó đáng động mọi người, từ bên ngoài. Chính đó là ơn huệ. Để, ta cảm tạ.
Đón rước Mình Thánh Chúa vào buổi Tiệc Thánh Thể cũng là một chữa lành. Trên thế gian, không phải gia đình nào cũng rách nát như phim truyện. Nhưng, mỗi người vẫn duy trì những bí ẩn của đời mình, không thể hàn gắn. Chữa lành. Thế nên, hôm nay, mọi thành viên Hội thánh cùng với gia đình khác mình không quen cũng đến dự Tiệc Thánh để được chữa lành, từ Thánh Thể. Thánh Thể, chuyển biến tất cả thành người phàm có quan hệ mật thiết, với nhau. Có, hạnh phúc từ những phúc hạnh mà chính mình không tạo được cho mình. Hoặc, cho người nhà mình.
Tất cả đều trở về nhà mình và “vẫn cứ đi”, nhưng không biết. Biết rằng, chính mình là thành phần của Thân Mình rất Thánh, Đức Kitô.
Trong hân hoan cảm nhận, cũng nên về với lời thơ còn để ngỏ, ở bên trên, mà ngâm rằng:
“Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa.
Gặp hai hôm, thành nhị hỷ của tâm hồn.
Thơ học trò, anh chất lại thành non,
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.”
(Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)
Chất rượu nơi “đôi mắt ngất ngây”, vẫn là thần linh của Thân Mình rất Thánh, nay mừng Chúa. Vẫn mong rằng, chất rượu ấy sẽ luôn thành “nhị hỷ” của tâm hồn người anh, người chị trong Hội thánh. Hôm nay. Và mãi mãi.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh