Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011
Chương trình Giáo dục
Hẳn là tới đây chúng ta đã có thể đồng thuận rằng một cuộc CCGD phải có một tư tưởng đặc trưng cho nó. Tư tưởng đặc trưng của cuộc CCGD đầu thế kỷ 21 này sẽ phải mang tư tưởng hiện đại hóa.
Có một tư tưởng là cần, nhưng chưa đủ. Còn phải có giải pháp thực thi công cuộc CCGD hiện đại hóa đó. Hạt nhân của giải pháp thực thi cuộc CCGD hiện đại hóa này là các bản thiết kế để thầy và trò cùng thi công.
Các bản thiết kế-thi công để thực hiện cuộc CCGD hiện đại hóa đó sẽ nằm trong chương trình giáo dục.
Có thể ví chương trình giáo dục như “phần xác” (hoặc phần cứng) và tư tưởng về một nền giáo dục hiện đại hóa là “phần hồn” (hoặc phần mềm).
Cũng có thể gọi chương trình giáo dục là cái cốt lõi vật chất bảo đảm cho ngôi nhà tinh thần là nền giáo dục hiện đại hóa.
Một bên là ước vọng hiện đại hóa, và một bên là hệ thống phương tiện vật chất thực hiện ước vọng.
Như vậy chúng ta thấy ngay là cần có một định nghĩa cho khái niệm chương trình giáo dục.
Cũng cần lưu ý luôn là có nhiều cách định nghĩa cho khái niệm chương trình giáo dục, nhưng bản đề án này sẽ chọn cách định nghĩa thể hiện rõ hơn cả cái tinh thần CCGD được hoạch định trong bản đề án.
Lần lại theo nhiều định nghĩa, rồi sẽ thấy định nghĩa của người Hy Lạp cổ đại cho khái niệm curriculum (“chương trình giáo dục”) hình như là khá đầy đủ, lại có tính hình tượng, lại còn gây được cảm hứng cho người dùng nữa.
Người Hy Lạp cổ đại định nghĩa đại ý thế này: Curriculum là chương trình đề ra những việc phải làm để một trang thiếu niên thực hiện từng chặng một trên các loại đường đua, cho tới khi em đó đạt tới trình độ trưởng thành.
Cách định nghĩa chương trình giáo dục của người Hy Lạp xưa xem ra lại rất hiện đại: Nó tập trung vào những việc làm; và tập trung vào việc làm của học trò; và mọi việc làm diễn ra theo một chuỗi kế tiếp; toàn bộ các việc làm lại luôn luôn nhằm vào chỉ một mục tiêu: con đường từ một em bé đến một người trưởng thành đủ sức tiếp tục sống trong cuộc đua mà em liên tục tham gia.
Một nhà trường của chuỗi việc làm nhắm tới mục tiêu như vậy sẽ được hiểu như là một cuộc sống thực, được hiểu như là bản thân cuộc đời thực, thay vì nhà trường là sự “chuẩn bị” trẻ em cho một cuộc đời trong một tương lai mơ hồ nào đó.
Nhà trường hiện đại hóa không phải là chương trình “chuẩn bị” cho “tương lai con em chúng ta”, mà tương lai ấy nằm ngay trong những việc làm ngay ngày hôm nay của trẻ em khi các em đang sống cuộc đời học đường.
Chương trình giáo dục do đó sẽ gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau: một mặt là quy định các em học những gì? và mặt kia là cách thức học những điều đó như thế nào?
Nhà trường hiện đại hóa không tách rời thành “những điều cần học” bây giờ để sau này sẽ “đem dùng cho một tương lai tươi sáng”. Nhà trường hiện đại hóa quan niệm như sau: cách học ngay lúc này cũng chính là cái thái độ sống cần phải được rèn luyện cho từng học sinh ngay từ tiết học đầu tiên của năm học đầu tiên các em bước chân vào trường phổ thông.
Nói một cách bóng bẩy, cái cây tre bánh tẻ lực lưỡng đã phải là cây tre ngay từ khi nó là cái măng. Ngay từ khi chưa chui ra khỏi mặt đất, nó đã là cây tre, nó đã có những đốt cứng cáp rồi: vị xuất thổ thời tiên hữu tiết. Những phẩm chất của cây tre trong cái măng có tới đâu thì cây tre luôn luôn có tới đó. Gửi giấy lộn vào Ngân hàng thì không rút ra được tiền thật “trong tương lai”.
Cái cách học cần phải có “ngay từ lúc này” được các nhà sư phạm chủ trì cuộc CCGD chuẩn bị tạo ra có cốt lõi là hệ thống việc làm.
Hệ thống việc làm, đó là gì vậy?
PHẠM TOÀN
Tác giả đồng ý cho VRNs phổ biến