Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Mục tiêu giáo dục của bậc Giáo dục phổ thông cơ sở

VRNs (25.06.2011) – Hà Nội – Bậc giáo dục phổ thông cơ sở là bậc học quan trọng nhất của toàn bộ công cuộc giáo dục phổ thông. Trong lịch sử, bậc “tiểu học” này thường bị coi thường.



Ở các nước công nghiệp hóa sớm bên phương Tây, bậc tiểu học này được dành cho con em tầng lớp lao động, các cháu học ở đó và đến tuổi 14 thì ra trường và đi làm. Sản phẩm đào tạo ra ở cuối bậc tiểu học này tại phương Tây được gói trong Ba âm R (“Reading, Writing, Arithmetic), diễn nôm là biết đọc, biết viết, biết tính toán.

Ở Việt Nam, giáo viên tiểu học được đào tạo sơ sài hơn giáo viên các bậc học bên trên, sách giáo khoa cũng bị cố tình làm cho “dễ” đi (dưới khẩu hiệu “vừa sức”), và hễ có chỗ nào bị coi là “khó″ thì đều được hứa hẹn “sẽ dạy sau”, “lên lớp trên sẽ học cũng vừa”.

Nguy hại nhất là sự kém hiểu biết hoặc hiểu biết phiến diện về lứa trẻ em học sinh theo bậc học này, dẫn tới sự thiếu một đường lối rõ rệt đủ để xác định mục tiêu đào tạo ở bậc học này, ngoại trừ việc coi nó là “bậc tiểu học”.

Trong bậc tiểu học này, lớp Một lại là lớp học quan trong nhất của cả bậc học, và cũng là lớp học bị coi nhẹ hơn cả.

Thời Pháp thuộc, lớp Một được giao cho các hương sư chỉ cần có bằng sơ học yếu lược và hoàn toàn không được đào tạo sư phạm. Tên gọi các vị hương sư đó – instituteur auxiliaire hay “giáo viên phụ trợ” – đủ cho thấy con mắt nhìn tầng lớp giáo viên đó ra sao.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, lớp học này được giao cho các giáo viên vỡ lòng. Sách tiếng Việt một thời kéo dài được gọi là sách “Vỡ lòng” (khai tâm), rồi “Vần vỡ lòng”, rồi mới đến “Vần quốc ngữ” …

Chỉ từ sau cuộc CCGD năm 1955, lớp vỡ lòng mới được sát nhập vào bậc phổ thông, trở thành lớp Một của cấp Một (sau trở lại tên Tiểu học). Sự “quan tâm” thì có, nhưng tình hình cũng chẳng được cải thiện là bao nếu xét sự quan tâm về mặt khoa học đối với lớp Một. Chỉ cần nhìn các sách dạy “vần vỡ lòng” hoặc “i tờ” hoặc “o cờ” hoặc “e bờ”… là đủ. Đó là những bộ sách hoàn toàn không thể hiện sự am tường ngôn ngữ học tiếng Việt và càng không thể hiện sự kính trọng năng lực học của trẻ em lớp Một.

Từ cuối những năm 1980, cụ thể là từ năm học 1986-1987, tại Hội nghị Giáo dục toàn quốc ở Nha Trang, đã có tác giả phát đi lời kêu gọi Bộ Giáo dục hãy lưu ý tới vị trí vô cùng đặc biệt của “Lớp Một Cấp Một”. Nhưng xem ra lời nói vẫn như nước đổ tràn, và cho tới tận bây giờ, chỉ cần nhìn vào cách dạy học nhồi nhét bị coi là “quá tải” dẫn tới những đòi hỏi “giảm tải”, thì đủ thấy Lớp Một đã được coi trọng tới đâu, và đã có những việc làm căn bản gì hưởng ứng lời kêu gọi “Lớp Một Cấp Một” đưa ra từ một phần tư thế kỷ trước.

Vì thế, một cuộc CCGD thực sự, nhằm xây dựng một nền giáo dục hiện đại hóa cho đất nước, sẽ phải tạo ra trước hết cái nền tảng trí tuệ trẻ em ngay từ bậc học sẽ được gọi tên là bậc “cơ sở” này.

Tất cả những hiểu biết về cách học của trẻ em sẽ được huy động vào việc tổ chức lại công việc dạy lớp Một và bậc phổ thông cơ sở.

Trước hết, cần thống nhất một nhận thức như sau đối với vấn đề lớp Một và bậc giáo dục phổ thông cơ sở:

Muốn cho sản phẩm của giáo dục phổ thông có vóc dáng ra sao khi kết thúc những năm học “bắt buộc” ở trường phổ thông, cái hình mẫu đó phải được tạo ra ngay từ lớp học đầu tiên, ngay từ tiết học đầu tiên của lớp Một của bậc giáo dục phổ thông cơ sở.

Vậy, cái vóc dáng đó ra sao? Cái vóc dáng đó có hình hài như thế nào? Và làm cách gì để tạo ra những sản phẩm giáo dục mang vóc dáng đó?

Có thể trả lời chỉ bằng mấy chữ ngắn gọn cho dễ nhớ: Đó là vóc dáng của một con người làm việc có phương pháp – và ngay từ khi bắt đầu cuộc đời học tập trên ghế nhà trường, em bé đã phải được dạy dỗ để thành một con người biết học có phương pháp – mà cái phương pháp học cần trau giòi đó chính là phương pháp tự học.

Muốn cho một em bé ngay từ tiết học đầu tiên của lớp Một, ngay từ lớp học đầu tiên của bậc giáo dục phổ thông cơ sở, đã được đào luyện để có được những năng lực sống hài hòa với nền văn minh hiện đại về mọi phương diện, cuộc CCGD phải tập trung chú ý đến cách học của học sinh để tổ chức cách dạy học, một cách học căn bản dựa trên sự tự học, một nền giáo dục căn bản dựa trên sự tự giáo dục.

Vậy, cái vóc dáng của con người làm việc có phương pháp đó ra sao? Và làm thế nào để có được chương trình giáo dục tạo ra sản phẩm là con người có vóc dáng như thế?

Không có cách nào khác ngoài cách làm sao cho bản thân trường phổ thông cơ sở là một nhà trường của phương pháp.

Bậc giáo dục phổ thông cơ sở phải là bậc tổ chức cho trẻ em sở hữu phương pháp làm việc gửi trong phương pháp học.

Cái “tinh thần phương pháp” đó sẽ đi theo cùng các em học sinh – những thực thể tinh thần đó – đi suốt cuộc sống của mình, cả trong việc học tại các bậc học khác nhau cũng như trong công việc lao động kiếm cơm.

Vậy là, ngay từ lớp Một, và trong suốt bậc học phổ thông cơ sở, toàn bộ việc học của trẻ em sẽ phải được thay đổi. Và sự thay đổi cũng không cao xa, chỉ đơn giản thế này thôi: Thay cho “học” theo cách chấp nhận y nguyên những điều được các thầy giáo truyền đạt cho, học sinh phải tự tạo cho mình một kỹ năng và một tư duy tương ứng với kỹ năng đó.

Chúng ta sẽ dùng mấy thí dụ để chứng rõ điều vừa nói.

Việc học tiếng Việt sẽ diễn ra như thế nào? Như thế nào là học tiếng Việt “có phương pháp”? Đâu là kỹ năng tiếng Việt và tư duy tương ứng với kỹ năng đó là gì?

Ngay từ tiết đầu tiên của lớp Một, việc học tiếng Việt của các em sẽ phải diễn ra theo tinh thần ngôn ngữ học, theo cách khám phá tiếng Việt của một nhà nghiên cứu ngôn ngữ.

Kỹ năng tiếng Việt ở lớp Một sẽ không chỉ đơn giản là biết đọc – biết viết tiếng Việt, mà đó là biết cách ghi – cách đọc tiếng Việt. Cách học mới sẽ là học một phương pháp ngữ âm học để các em học sinh lớp Một cũng biết cách tự ghi được tiếng Việt và do đó tự đọc được tiếng Việt. Cái tư duy tương ứng với kỹ năng (biết cách ghi – cách đọc tiếng Việt) chính là tư duy phân tích ngữ âm học (xin vui lòng coi lại Thí dụ thứ tư trong phần nói về việc làm trong chươngt rình giáo dục).

Kỹ năng tiếng Việt dĩ nhiên không chỉ dừng lại ở năng lực đọc và viết tiếng Việt. Do đó, ở bậc phổ thông cơ sở, trẻ em sẽ được học tiếp về từ pháp, cú pháp, và văn bản học để các em sẽ hoàn toàn chủ động trong cách dùng từ tiếng Việt, trong cách nói và cách viết câu văn, đoạn văn và bài văn.

Việc học Toán ở bậc phổ thông cơ sở sẽ diễn ra như thế nào? Như thế nào là học Toán “có phương pháp”? Đâu là ký năng Toán và tư duy tương ứng với kỹ năng đó là gì?

Có thể thấy sự khác biệt ngay từ tên gọi môn học. Trước đây, đó là môn Học Tính, dạy cho học sinh “những phép tính toán” cụ thể, mà “đỉnh cao” là bảng cửu chương và những bài toán đố. Bây giờ, đó đã thành môn Toán học, là nơi ngay từ lớp Một, thậm chí ngay từ tiết đầu của lớp Một, đã dùng các thao tác tư duy bằng hệ tiên đề, lôgich và lý thuyết tập hợp để giúp trẻ em nghiên cứu các quan hệ số hoặc hình.

Năng lực của học sinh, gồm cả kỹ năng lẫn tư duy tương ứng, được hình thành theo ba chuẩn:

• Sở hữu một công cụ toán học nằm trong khái niệm về số, các mối quan hệ số, các khái niệm về quan hệ không gian.
• Hình thành công cụ toán học đó song song với việc rèn luyện tư duy lôgic mà trung tâm là thao tác phân tích.
• Sử dụng công cụ và tư duy toán học đó làm công cụ huấn luyện những khả năng cần thiết trong đời sống như đo đạc, ước lượng, tính toán, lập biểu đồ, thống kê, những năng lực đòi hỏi rèn luyện tính chính xác chặt chẽ khi xem xét những sự vật khách quan.

Việc học Văn ở bậc phổ thông cơ sở sẽ diễn ra như thế nào? Như thế nào là học Văn “có phương pháp”? Đâu là kỹ năng Văn và tư duy tương ứng với kỹ năng đó là gì?

Việc học Văn ở bậc phổ thông cơ sở theo đề án CCGD này sẽ phải hoàn toàn khác với mọi hình thức dạy văn và học văn đã có.

Cách học Văn cũ là học sinh nhại lại những cảm thụ của giáo viên. Ai nhại lại khéo, biến những cảm thụ cũ thành những cảm thụ mới của riêng mình, thì được coi là có năng lực Văn.

Việc học Văn theo cách của đề án CCGD này sẽ khác, dựa cơ sở trên sự phân tích cái năng lực Văn cần phải có của học sinh. Năng lực Văn đó sẽ gồm có phần cứng là những kỹ năng thể hiện một năng lực giải mã tác phẩm dựa trên một ngữ pháp nghệ thuật; bên cạnh đó còn một mặt thứ hai của sản phẩm, tạo thành một sản phẩm kép trong tâm lý học sinh: năng lực mỹ cảm, năng lực rung động trước cái đẹp nghệ thuật, năng lực khóc cười với tác phẩm nghệ thuật.

Vậy ngữ pháp nghệ thuật là gì?

Ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên thông thường gồm có ngữ âm học, từ vựng học, cú pháp học, và văn bản học. Ngữ âm lấy đơn vị nghiên cứu là tiếng. Từ vựng lấy đơn vị nghiên cứu là từ và ngữ. Cú pháp có đơn vị nghiên cứu là câu. Còn văn bản có đơn vị nghiên cứu là đọan và bài.

Ngữ pháp nghệ thuật cũng gồm có các bộ phận cấu thành của nó. Đó là tưởng tượng gửi trong đơn vị nghiên cứu là một hình tượng. Tiếp theo, đó là liên tưởng gửi trong đơn vị nghiên cứu là một ý tương tự như một “nghĩa bóng” trong ngôn ngữ học. Sau đó là học sắp đặt gửi trong đơn vị nghiên cứu là một cấu trúc tác phẩm mà từ đó con người tạo ra một chủ đề.

Ba bộ phận tưởng tượng, liên tưởng, sắp đặt vận hành trong môn văn với những vật liệu là ngôn ngữ nói hoặc viết. Ba bộ phận đó cũng vận hành trong âm nhạc với vật liệu là âm thanh, trong hội họa với vật liệu là mầu, trong múa với vật liệu là thân xác… Nhà trường không cần dạy âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh… nhưng các thiếu niên và thanh niên đào tạo từ nhà trường phổ thông thì lại có năng lực tự đến với những bộ môn nghệ thuật kia một cách phổ thông, và những em nào muốn đi vào mấy con đường đó một cách chuyên nghiệp thì sẽ tự chọn các trường chuyên nghiệp đó mà tự đào tạo mình tiếp.

Bây giờ đến việc học tiếng nước ngoài.

Việc học tiếng nước ngoài ở bậc phổ thông cơ sở sẽ diễn ra như thế nào? Như thế nào là học tiếng nước ngoài “có phương pháp”? Đâu là kỹ năng tiếng nước ngoài và tư duy tương ứng với kỹ năng đó là gì?

Môn Tiếng Anh bậc tiểu học giúp học sinh sở hữu một cách học một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, qua đó giúp học sinh chiếm lĩnh được một công cụ ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ để lấy đó làm phương tiện hội nhập vào với một nền văn hóa khác.

Cách học ngoại ngữ tiếng Anh theo đề án CCGD này sẽ tránh không được sao chép những đường lối dạy tiếng Anh gọi bằng “giao tiếp” hiện thời. Đường lối gọi bằng “giao tiếp” đó mang ba đặc điểm rõ nét như sau:

• Lẫn lộn giữa đối tượng người học là trẻ em với đối tượng người lớn tuổi (những di dân đi tìm việc làm ở môi trường ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ);
• Trong phần “trẻ em”, cách dạy “giao tiếp” lại thiên về cách học gọi là “chơi mà học” trong khi tuổi học sinh phổ thông phải bắt đầu là tuổi học có ý thức;
• Nó cũng thả nổi cách dạy cho cái gọi là “sáng tạo” của cá nhân giáo viên, không đưa ra được một hệ thống dạy học ngoại ngữ phù hợp với đặc điểm học sinh Việt Nam.
Chương trình tiếng Anh của trường phổ thông cơ sở theo đề án CCGD này và sách giáo khoa thể hiện chương trình đó có mục tiêu sau:

1./ Giúp trẻ em có một cách học khác dựa trên cơ sở nhận thức rõ tiếng Anh khác hoàn toàn với tiếng mẹ đẻ (phát âm khác, cách ghi khác, cách sử dụng khác); người học muốn sở hữu được ngoại ngữ đó, cần thay đổi hoàn toàn cách học.

2./ Trên cơ sở một cách học khác, một cách sở hữu khác đối với ngoại ngữ (tiếng Anh), người học sẽ thay đổi tư duy của mình để trên cơ sở đó tiếp nhận một nền văn hóa khác mang một tư duy khác.

3./ Năng lực ngoại ngữ đó sẽ là công cụ để người học đi tiếp trên con đường hội nhập với loài người (tiếp tục học lên cao theo hai định hướng khác nhau ở trường phổ thông hướng nghiệp và trường phổ thông chuyên khoa, và tiếp thu văn hóa, khoa học, kỹ thuật-công nghệ mới.

Cuối cùng, ở bậc phổ thông cơ sở, môn Giáo dục lối sống sẽ diễn ra như thế nào? Phương pháp học môn học đó có gì khác với các môn học khác? Và cuối cùng, sản phẩm hình thành trong con người học sinh sẽ thể hiện ra như thế nào?

Đề án CCGD này xin được lý giải như sau.

Nói rộng ra, trẻ em đi học ở trường phổ thông là học cách sống để có một cái đầu lôgich, một trái tim nhân ái và một lối sống hòa thuận được với kẻ khác. Điều ta cần nhấn mạnh ở đây là: học cách sống.

Cách sống đó cần được học, và phải được dạy đúng cách, chứ không thể học theo lối tùy tiện, luộm thuộm, tiểu nông, học theo lối bắt chước và nhại lại. Vậy là, việc học cách sống đó cho “đúng phương pháp” nằm trong việc học cách học.

Đến trường, đâu phải chỉ nhằm “kiếm dăm ba chữ”? Đâu có phải là để “năng nhặt chặt bị” thu gom các tri thức nhân loại? Mà nếu có thu gom, thì đó là học cách thu gom sao cho tiết kiệm nhất, và do đó mà giàu có nhất, vì biết cách “thu gom” trong một thời hạn khiêm tốn nhất – chỉ mươi năm thôi, mươi năm trong cả một đời người. Phương pháp “thu gom” đó được giao cho các môn khoa học và nghệ thuật.

Còn với môn Giáo dục lối sống, hơn ở đâu hết, nó tạo ra tác động trực diện đến mục đích học cách sống của trẻ em. Những môn khoa học hoặc nghệ thuật cũng dạy trẻ em học cách sống, nhưng là sống thông qua các đối tượng khoa học hoặc nghệ thuật.

Còn riêng với môn Giáo dục Lối sống, trường phổ thông cơ sở trực tiếp rèn luyện cách sống cho các em ngay từ đoạn đầu đời sống học đường, giai đoạn này trong đời các em là tối hảo để hạt giống đạo đức nảy mầm và mọc lên thành cây rồi ra hoa kết trái.

Cái sản phẩm phải hình thành trong nhân cách các em là một lối sống theo tinh thần đồng thuận. Không phải hễ cứ bỏ phiếu đồng ý với mọi điều là có tinh thần đồng thuận. Mà đồng thuận là một cuộc tìm tòi chân lý để mọi người trong cộng đồng vượt qua xung đột để đi tới thống nhất tình cảm và ý chí cùng làm việc lớn. Đồng thuận cũng là biết phát hiện xung đột khi xung đột đang nung ủ trong đời sống cộng đồng và tìm cách xử lý xung đột một cách văn minh, đàng hoàng, trong nhân phẩm.

Tinh thần đồng thuận đó sẽ được rèn luyện ngay từ tiết học đầu tiên của lớp Một. Tinh thần đồng thuận đó sẽ phải được lặp đi lặp lại cho tới khi trở thành nền nếp, thành thói quen, để rồi nền nếp và thói quen đó sẽ phải đi vào tiềm thức con người, khiến cho lối sống mới trở thành tự nhiên như hơi thở của con người.

Sau bậc phổ thông cơ sở, học sinh sẽ mang theo thói quen mới đó lên bậc phổ thông hướng nghịêp để tập sống đồng thuận với những thanh niên học nghề khác, trở thành những con người dễ dàng hiệp tác với những công nhân khác trong bất kỳ tập thể lao động nào.

Sau bậc phổ thông cơ sở, học sinh sẽ mang theo thói quen mới đó lên bậc phổ thông chuyên khoa là bậc tập nghiên cứu chuẩn bị cho bậc học lấy công việc nghiên cứu khoa học làm lẽ tồn tại; và tại đây, tinh thần đồng thuận cũng phải được phát huy trong bất kỳ tập thể nghiên cứu khoa học nào.

Chương trình giáo dục ở bậc phổ thông cơ sở theo đề án CCGD này sẽ chỉ có 5 môn học: Ngôn ngữ học (tiếng mẹ đẻ), Ngữ pháp nghệ thuật (Văn), Toán học, Tiếng nước ngoài, Lối sống.

Cách thực hiện năm môn học đó sẽ giúp học sinh sau khi học xong tám năm học sẽ đủ sức vào đời. Các em có đủ trình độ về các mặt ngôn ngữ, ngoại ngữ, thẩm mỹ, toán học và đạo đức để theo học trường phổ thông hướng nghiệp, chuẩn bị bước vào trường học nghề. Cũng với trình độ đó, nếu không đi vào bậc hướng nghiệp, nếu chọn con đường chuẩn bị vào đại học hoặc viện nghiên cứu, các em sẽ có thể bước đầu tập nghiên cứu lý thuyết ở bậc phổ thông chuyên khoa.

Và tới đây, đã tới lúc tìm hiểu vào hai bậc học tiếp theo bậc phổ thông cơ sở.

PHẠM TOÀN
Tác giả đồng ý cho VRNs phổ biến