VRNs(22.06.2011) – Hà Nội – Truyền thông là phương tiện thiết thực và hữu hiệu trong truyền giáo, cũng như trong xây dựng Giáo hội và Xã hội. Có thể nói, trong thời đại thông tin bùng nổ, phát triển truyền thông chính là phát triển Xã hội. Truyền thông Công Giáo là đề tài được nhiều giới trong Giáo hội và Xã hội quan tâm, từ giáo dân đến các tu sỹ, linh mục, giám mục; từ tuổi trẻ đến công chức – tri thức.
Cha Antôn Lê Ngọc Thanh thường trực Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam (VRNs) cho biết, Viện truyền thông Chúa Cứu Thế đã đào tạo năm “khóa học kỹ năng truyền thông Công Giáo”, trong đó có hai khóa Online. Khóa online đầu tiên khai giảng 08/09/2010 và kết thúc vào Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08/12/2010, có 70 học viên tham gia nhưng theo đến cùng chỉ còn có 14 người đạt yêu cầu cấp chứng chỉ. Khóa online thứ 2 khai giảng cách nay ba tháng và sẽ kết thúc vào tháng 7 này, có 49 người ghi danh theo học, những chỉ có 24 người thực sự tham gia nghiên cứu, trong đó 10 người đạt kết quả tốt nghiệp, còn 14 người chưa đạt kết quả.
Ba khóa trực tiếp, khóa đầu tiên tổ chức tại Sài Gòn, có 50 người tham gia, khóa 2 ở Kontum có 150 học viên, khóa 3 tại Thái Hà – Hà Nội có khoảng 70 học viên diễn ra từ ngày 13/06/2011 – 17/06/2011.
KHÓA HỌC KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO TẠI THÁI HÀ – HÀ NỘI
Khóa học được khai giảng vào lúc 7h30 sáng ngày 13/06/2011 tại Giáo xứ Thái Hà (178 Nguyễn Lương Bằng – Quận Đống Đa – Hà Nội) với sự hiện diện của cha Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, trưởng ban truyền thông Dòng chúa Cứu Thế Việt Nam Mátthêu Vũ Khởi Phụng, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, thường trực truyền thông Chúa Cứu Thế là Giảng Viên chính trong khóa học này, cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, Chánh Xứ Thái Hà, cha Giuse Đinh Hữu Thoại Chánh Văn Phòng tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, luật sư Lê Quốc Quân, đại diện cộng đoàn Doanh Trí Công Giáo, blogger Người Buôn Gió, nhà hoạt động xã hội dân sự bác sỹ Phạm Hồng Sơn, cùng các nhà báo, nhà thơ, các giảng viên tại Sài Gòn và Hà Nội và hơn 50 tham dự viên đến từ nhiều Giáo Phận, các miền quê, thành thị khác nhau cùng tham gia khóa học.
Trong phát biểu khai mạc cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng đã nói lên tầm quan trọng lớn lao của Truyền Thông nói chung cách riêng là Truyền Thông Công Giáo trong Xã Hội ngày hôm nay.
TẦM NHÌN TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO
Là đề tài được cha Antôn Lê Ngọc Thanh trình bày một cách chi tiết đến các học viên khóa học, giúp các học viên nắm bắt được tầm quan trọng của truyền thông Công Giáo.
Các vấn đề của truyền thông từ nguyên sơ đến hiện đại được giảng viên mô tả phong phú giúp các học viên tiếp cận được quá trình phát triển của truyền thông.
Nói về tầm quan trọng của truyền thông Công giáo, cha Antôn Lê Ngọc Thanh khẳng định. “Truyền thông là sứ mạng của Chúa Yêsu trao cho Hội thánh xuất phát từ chính sứ mạng của Ngài, Ngài là nhà truyền thông cho muôn loài thụ tạo, và Ngài muốn mọi Kitô hữu hoàn thành sứ mạng đó …”
Các nguyên lý, các quy tắc về truyền thông Công Giáo được giảng viên khai thác triệt để trong quá trình lên lớp, để các học viên tìm ra bản chất của truyền thông, qua đó thông tin trung thực đến độc giả. Các quy tắc về truyền thông Công Giáo cũng được nhấn mạnh qua các chỉ dẫn của Giáo lý Công giáo như:
Truyền thông công giáo phải quân bình chính đáng giữa công ích và quyền lợi cá nhân (GLCG. 2492).
Xã hội có quyền được biết những thông tin dựa trên sự thật, tự do, công bằng và tình liên đới (GLCG. 2494).
Mọi người phải dùng truyền thông để truyền bá những gì lành mạnh (GLCG. 2495).
Tố giác các nhà nước độc tài xuyên tạc sự thật, thống trị dư luận bằng truyền thông kết án dân với lý do “trọng tội về tư tưởng” (GLCG. 2499).
Điều này cho thấy sự khác biệt giữa truyền thông Công giáo và các loại truyền thông khác. Truyền thông Công giáo nhắm tới việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người, tôn trọng các giá trị sự thật và công lý. Nên mục đích và tầm quan trọng của truyền thông Công giáo nhằm cải thiện đời sống con người và giúp con người ngày càng xích lại gần nhau. Trong khi đó truyền thông lề phải gần như đi ngược lại.
ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THÔNG
Cha Giuse Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ Thái Hà chia sẻ cho các học viên dựa trên nền tảng “ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THÔNG” của hội đồng Giáo Hoàng về truyền thông xã hội. Với nhiều kinh nghiệm, và nhiệt huyết, cha Giuse Nguyễn Văn Phượng đã giới thiệu khái quát cho các học viên nắm bắt về đạo đức trong truyền thông. Tính hai mặt của truyền thông được đề cập cụ thể qua các ví dụ và phân tích minh họa.
Truyền thông với mục đích Phục vụ con người. Nhiều ví dụ được giảng viên minh họa để chứng minh tính phục vụ của truyền thông cho con người qua nhiều lĩnh như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, cuộc sống. Ngược lại, truyền thông cũng có thể xâm phạm đến con người nếu người làm truyền thông không thấu hiểu hoặc thiếu đạo đức.
Những nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức trong truyền thông như: Tình liên đới, sự bổ trợ, công bằng – công lý, cân bằng lợi ích, tự do ngôn luận, bảo vệ lợi ích người được thông tin, phát ngôn nhân Giáo hội, chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình…
“Không gian dối” là điều được Giảng viên nhấn mạnh cho người hoạt đông truyền thông, nhất là người hoạt động truyền thông Công giáo.
KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG
Các đề tài bàn về kỹ năng: cấu trúc một bài báo, quay phim, chụp hình, thực hiện một cuộc phỏng vấn, viết tin, viết phóng sự ….
Có thể nói đây là một trong những kỹ năng được quan tâm nhất khi tham gia khóa học này, bởi nó liên quan đến vấn đề thực tiễn trong hoạt động truyền thông. Mỗi đề tài được các giảng viên giới thiệu chi tiết giúp các học viên nắm bắt được từng kỹ năng, từng bước.
Trong các kỹ năng truyền thông, kỹ năng được các học viên quan tâm nhất vẫn là cách viết một bài phóng sự. Bên cạnh đó những kiến thức về pháp luật cần cho một phóng viên, được luật sư Giuse Lê Quốc Quân trình bày khá tỷ mỉ và đầy đủ, những tình huống gay cấn mà mỗi khi đi tác nghiệp các học viên đều có thể gặp phải.
THÀNH QỦA ĐẠT ĐƯỢC
Phải nói rằng các khóa học kỹ năng truyền thông Công Giáo nói chung, khóa tại Thái Hà – Hà Nội nói riêng đã thu được những kết quả tốt.
Về mặt tổ chức: Cùng với sự giúp đỡ của cha Quản xứ Thái Hà, cha Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, ban tổ chức khóa học, các linh hoạt viên… đã tạo nên sự thành công của khóa học.
Về mặt giảng dạy: Với phương pháp vừa truyền đạt lý thuyết vừa kết hợp với thực hành các giảng viên đã thành công trong công tác đào tạo, đạt hiệu quả cao. Với bài tập thảo luận nhóm đã giúp học viên các nhóm tranh luận sôi nổi và có thêm kinh nghiệm trong các tình huống tác nghiệp.
Về kết quả thu được của các học viên: Để kiểm chứng thành quả đạt được, chúng tôi tiến hành phỏng vấn một số anh chị em học viên khóa này cũng như các anh chị cựu học viên ở các khóa khác, kính mời bạn đọc tham khảo :
Anh Tôma Nguyễn Thanh Nhân, sinh năm 1960, khi làm thơ thường ký bút hiệu là Tôma Thủy Nhân cho biết: “Khóa học rất thiết thực, bổ ích vì hiện nay vấn đề truyền thông đang bùng nổ nếu người Công Giáo chúng ta không được học Truyền Thông thì chúng ta sẽ tụt hậu. Truyền Thông Công Giáo khác hẳn các Truyền Thông khác, nó ràng buộc đạo đức trong Truyền Thông, đạo đức người Công Giáo. Nếu chúng ta không viết như thế thì nó sẽ lẫn lộn Truyền Thông Công Giáo với Truyền Thông Lề phải”. Khi được hỏi về nội dung nào trong khóa học làm cho người học thích nhất, anh Nhân cho biết: “Phóng sự là nội dung và là đề tài tôi thích nhất vì nó có nhiều sự kiện, nhiều khía cạnh, đem lại cho các học viên khi học có nhiều điều để khám phá.” Sự thích thú với sở học này được diễn tả ngay trên khuôn mặt của anh. Anh cho biết sau khóa học chưa nghĩ đến việc sẽ viết báo, nhưng anh quan tâm đến việc làm cho người khác biết được những tin tức đúng sự thật, công lý. Anh nói: “Tôi không mong muốn làm truyền thông chuyên nghiệp nhưng tôi có thể trở thành nhà truyền thông nghiệp dư để tự do nói lên tiếng nói của mình về tự do tín ngưỡng, quyền con người”.
Anh Phanxicô Xaviê Đặng Xuân Diệu, cựu học viên khóa kỹ năng truyền thông Công Giáo khóa 1 Online, hiện đang sống ở giáo xứ Xuân Mỹ, giáo phận Vinh, anh đang điều hành một doanh nghiệp về xây dựng. Anh cho biết bằng cách nào anh có thể tham gia và hoàn thành khóa online 1: “Nhờ theo dõi tin tức hàng ngày trên trang Web www.chuacuuthe.com, mình được biết các cha dòng Chúa Cứu Thế có tổ chức khóa học về truyền thông Công Giáo theo hình thức đào tạo Online tức là qua internet. Đây là một phương pháp giáo dục mới nhằm khắc phục khó khăn về thời gian cũng như không gian cho người tham dự”.
Anh Diệu kể lại kỷ niệm tiếp cận với VRNs tại Sài Gòn: “Ngày vào Sài Gòn (38 Kỳ Đồng) để tham dự lễ tốt nghiệp, nói thật với bạn là mình vui hơn ngày mình nhận bằng tốt nghiệp đại học. Vì không ngờ, một kỹ sư cầu đường, con nhà kỹ thuật như mình mà giờ lại học để làm truyền thông, điều mà chưa một lần mình suy nghĩ. Như vậy nếu không có sự dấn thân phục vụ của Dòng Chúa Cứu Thế, đặc biệt là Cha Anton Lê Ngọc Thanh thì làm sao mình có được điều này. Điều thứ hai mà mình cảm nhận là chất lượng đào tạo. Nói là học miễn phí, đào tạo ngắn ngày nhưng không khí làm việc rất nghiêm túc. Lúc vào nhận tốt nghiệp cũng như sau một thời gian sinh hoạt với gia đình Truyền thông Chúa Cứu Thế, mình thấy những người đã tốt nghiệp khóa của mình là những cây viết sắc sảo, uy tín không chỉ về đề tài tôn giáo, mà cả trong những vấn đề xã hội. Điều thứ ba mà mình nhận thấy rõ ràng là sau khi được cung cấp những kiên thức cơ bản, được chỉ dẫn thêm nhiều tài liệu tham khảo thì bản thân mình đã thấy tự tin hơn trong việc viết bài. Nhất là bài viết mình nếu gửi về trang nhà (www.vrmi.org) thì các cha sẽ chỉnh sửa cho mình những chỗ thiếu sót. Bên cạnh đó, những học viên khóa trước có thể làm “người đồng hành” cùng với những khóa sau, đây là cách để chúng ta tự ý thức trau dồi kiến thức thêm nữa. Mình cũng rất vinh dự là được làm “người đồng hành” với nhóm 3 trong khóa Online II. Cuối cùng và gần như là quan trọng nhất đó là sức mạnh kết nối. Khi chúng ta đã qua khóa huấn luyện này, chúng ta trở thành bạn học của nhau, chúng ta trò chuyện với nhau thân tình hơn, mến mộ nhau một cách cụ thể hơn… Tức là khóa học này trở thành bước tạo đà vô cùng quan trọng để những người yêu mến sự nghiệp truyền thông Công giáo, gắn bó với nhau suốt phần còn lại của cuộc đời.
Khi chúng tôi hỏi về sự khác biệt của Truyền thông Công giáo và các loại truyền thông khác, anh Diệu cho biết: “Xét theo nguyên tắc chung thì nó không có gì khác nhau. Trong khóa huấn luyện truyền thông, được học về đạo đức truyền thông, được tiếp cận với học thuyết xã hội của Công giáo… mình khẳng định với các bạn là hệ thống truyền thông của nhà nước Việt Nam, chỉ mới phục vụ con người được một khía cạnh rất nhỏ, trong khi đó lại xâm phạm con người cả về kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, tôn giáo. Trong đó sự xâm phạm nghiêm trọng, dã man nhất phải kể đến lĩnh vực Tôn giáo.”
Khoá học Kỹ năng truyền thông Công Giáo tổ chức tại Thái Hà – Hà Nội đã khép lại với nhiều mong muốn, khao khát mới từ các học viên cũng như từ các giảng viên, và ban tổ chức. Chia sẻ với chúng tôi, cha Antôn Lê Ngọc Thanh nói: “Tôi ước ao những người Công giáo sẽ trở thành những người làm truyền thông Công Giáo chuyên nghiệp, tức là mình đón một sứ điệp Lời Chúa trong chính Tin Mừng, trong chính sự giảng dạy của các cha sở và trong chính biến cố mình đang gặp rồi truyền thông điều đó cho mọi người. Riêng với truyền thông Công giáo nói hẹp như là hoạt động của các website, Tôi ước ao làm sao có được sự liên kết thành một cộng đồng mạng Công giáo VN, rồi Tôi cũng ước ao có một giải thưởng về truyền thông Công giáo để khuyến khích cho những người làm truyền thông Công giáo gặp gỡ, giao lưu và cách nào đó xác nhận những giá trị chúng ta đóng góp cho Giáo hội, cho dân Chúa và cho công cuộc truyền giáo hiện nay tại VN. Còn về vấn đề huấn luyện kỹ năng truyền thông Công giáo, nó vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các khóa học và mở rộng thêm các kỹ năng truyền thông trong thời gian tới”!
Truyền thông Công giáo đang là cơ hội cho tất cả những ai yêu mến sự thật và tình thần Tin Mừng Đức Kitô, đồng thời cũng đầy thách thức cam go cho tất cả chúng ta.
Phêrô Nguyễn Năng Tĩnh – Giuse Nguyễn Xuân Kim – Gioan Nguyễn Văn Hệ – Têrêxa Trần Thị Nga – Antôn Đậu Văn Dương