Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Có lứa đôi yêu nhau rồi

VRNs (18.07.2011) - Úc Đại Lợi – Chuyện Phiếm Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên Năm A



Có lứa đôi yêu nhau rồi,
hẹn rằng còn mãi khôn nguôi.”

(Johann Strauss Jr/Phạm Duy: Khúc Hát Thanh Xuân)

(2Cr 13: 11)

“Yêu nhau rồi”, thì lứa đôi chắc chắn là sẽ “hẹn mãi khôn nguôi”, như lời dịch của lão gia ngành nhạc, rất họ Phạm. Thật tình mà nói, khi sáng tác nhạc bản này, danh tài Johann Strauss Jr co chọn đầu đề bên tiếng Em (ấy chết, bên tiếng Anh chứ!) là: “When We Were Young” (tức: “Khi ta còn trẻ”) hay không?

Trong khi bên tiếng mẹ đẻ ra bần đạo, thì bậc lão thành nghệ sĩ họ Phạm lại dịch, là: Khúc Hát Thanh Xuân”. Làm như thể, tuổi thanh xuân mới có khúc hát, rất như thế. Chỉ người trẻ mới nói được “nhớ tới câu thương yêu người”, mà thôi.

Bần đạo đây, xin nhân danh các vị cao niên hoặc đứng tuổi, và xin mạn phép bạn Ngọc Trần là người viết lên câu truyện ngăn ngắn ở bên dưới đây, để có lời phản đối, một tí chút. Phản để đối đáp, đối đầu cùng đối chiếu với bạn và với tôi, bằng câu truyện kể rất dễ nể, ở bên dưới mà rằng:

“Ngày đẹp trời nọ, cặp vợ chồng khoảng trên 60, đến văn phòng luật sư làm thủ tục ly hôn. Lúc đầu vị luật sư rất lấy làm ngạc nhiên. Nhưng sau khi nói chuyện với hai vợ chồng, ông cũng hiểu được lý do tại sao, lại có chuyện này…

Hơn 40 năm chung sống, hai vợ chồng luôn cãi nhau, suốt đời. Và, dường như họ chẳng bao giờ đi đến được quyết định đứng đắn nào cả. Họ vẫn chịu đựng nhau như vậy, mãi đến hôm nay là vì con cái. Con cái họ giờ đây đã khôn lớn, có gia đình. Nên, hai vợ chồng già không còn lo điều gì. Họ muốn được tự do sau những năm chung sống, không hạnh phúc. Cả hai đều đồng ý tiến đến ly hôn.

Hoàn tất thủ tục ly hôn cho vợ chồng này, đối với vị luật sư, không phải là chuyện dễ. Ông thực sự không hiểu vì sao, sau 40 năm chung sống, cả hai đã đến tuổi 60 rồi, mà vợ chồng vẫn muốn ly hôn. Đặt tay ký giấy tờ, người vợ bèn nói với chồng:

- Tôi thực sự yêu ông, nhưng không thể sống chung thêm được nữa. Tôi xin lỗi.

- Không sao. Tôi hiểu mà!

Nhìn cảnh này, vị luật sư bèn đề nghị là hai vợ chồng nên cùng nhau đi ăn tối một lần cuối, có luật sư mời. Người vợ nghĩ bụng: “Sao lại không? Ly hôn rồi, mình vẫn là bạn cơ mà…” Bên bàn ăn, là không khí im lặng đến ngộp thở. Món ăn đầu mang ra, là gà quay. Lập tức, người chồng cầm đũa gắp ngay miếng đùi gà trao cho vợ rồi nói:

- Bà ăn đi. Đây là món bà vẫn thích đấy

Nhìn cảnh hai vợ chồng tiếp thức ăn cho nhau, vị luật nghĩ bụng: “vẫn còn cơ hội!” Nhưng ngay sau đó, người vợ cau có nói:

- Vấn đề là ở đấy đấy. Ông luôn tự đề cao mình một cách quá đáng. Giờ này mà ông vẫn không hiểu được tâm tư của tôi. Ông không biết là tôi ghét đùi gà đến thế nào sao?

Có một điều mà người vợ không biết, là: bao năm qua, chồng bà luôn cố gắng để làm bà hài lòng. Bà không biết, đùi gà là món ông thích nhất, cũng như ông không biết là bà chưa bao giờ nghĩ là ông hiểu rõ bà hết. Ông không biết là bà thù ghét đùi gà vì bà không nói ra và ông thì chỉ muốn dành những miếng ngon nhất, những điều tốt nhất cho bà, mà thôi.

Đêm đó, cả hai vợ chồng đều không ngủ được. Sau nhiều giờ trằn trọc, ông chồng không thể chịu đựng được nữa, ông biết rằng ông vẫn còn yêu bà và không thể sống mà lại thiếu bà. Ông muốn bà quay trở lại với ông. Ông muốn nói tiếng “xin lỗi” và “tôi yêu bà”. Ông nhấc điện thoại lên bắt đầu bấm số của bà. Chuông điện thoại reo liên hồi, ông càng tiếp tục giữ máy. Ở đầu bên kia, người vợ cũng thấy buồn. Bà không hiểu điều gì xảy đến sau bao năm chung sống. Ông ấy vẫn không hiểu mình. Bà vẫn yêu ông nhưng không thể chịu đựng cuộc sống như vậy nữa.

Mặc cho chuông điện thoại reo liên hồi, bà không trả lời vì biết rằng người gọi cho bà chính là ông, chứ chẳng ai khác. Bà nghĩ: “Nói làm gì nữa, khi mọi chuyện đã hết. Chính mình đòi ly hôn mà! Đã lỡ ném lao thì phải theo lao, nếu không sẽ mất mặt lắm.” Chuông điện thoại vẫn reo. Nhưng bà quyết định dứt dây nối ra khỏi điện thoại. Bà đã quên một điều là ông từng bị đau tim.

Hôm sau, bà nhận được tin ông mất. Như người quẫn trí, bà chạy nhanh đến nhà của ông, nhìn xác ông nằm sõng xoài trên chiếc đi-văng, tay vẫn giữ chặt cần điện thoại. Ông bị nghẹt máu cơ tim trong khi cố gọi cho bà. Bà vô cùng đau đớn. Một cảm giác mất mát quá lớn phủ trùm lên cả tâm trí bà. Bà phải mau mau thanh toán tài sản của ông. Khi nhìn vào phía trong ngăn kéo, bất chợt bà thấy tờ hợp đồng bảo hiểm đã được lập từ ngày cưới, do ông làm.

Đính kèm tờ hợp đồng, là mẩu giấy có giòng chữ ghi rõ: “Gửi người vợ thân yêu nhất của tôi. Vào lúc bà đọc tờ này, chắc tôi không còn sống trên cõi đời này nữa. Tôi đã mua bảo hiểm cho bà. Chỉ mất có 100 đô thôi. Nhưng hy vọng nó có thể giúp tôi thực hiện lời hứa của mình khi lấy nhau. Tôi đã không thể ở cạnh bà được nữa. Nhưng tôi muốn số tiền này tiếp tục chăm sóc bà. Đó là cách mà tôi cũng sẽ làm nếu như tôi còn sống. Tôi muốn bà hiểu cho rằng tôi sẽ luôn ở cạnh bà. Yêu bà thật nhiều.”

Nước mắt người vợ già cứ thế tuôn rơi. Bà cảm thấy yêu ông hơn bao giờ hết. Bà muốn nói lời “xin lỗi”, và ba tiếng “tôi yêu ông.” Nhưng trễ rồi. Ông không còn nghe được tiếng bà nữa.” (trích điện thư do một người bạn chưa quen gửi hôm 09/06/2011)

Thế đấy. Chuyện ở trên, tuy không là bằng chứng cụ thể để nói lên điều mà bần đạo muốn nói. Ý bảo rằng: bậc cao niên hay đứng tuổi vẫn có thể nói tuy không thể hát được những lời này:

“Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi.”

(Johann Strauss Jr/Phạm Duy – bđd)

Đã “Yêu nhau rồi, mà lại hẹn: Còn mãi khôn nguôi!” , tức: sẽ không ngừng yêu nhau mãi mãi, dù đói/no, cay đắng/ngọt bùi, hoạ/phúc như lời thề trước Thượng Đế, ngày hợp hôn khi trước.Chính vì thế, người nghệ sĩ mới hứng thú có câu thơ, thêm vào bài hát. Cứ hát rằng

“Nhạc lắng hương xuân bồi hồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi.”

(Johann Strauss Jr/Phạm Duy – bđd)

“Còn mãi tươi môi”, hay tốt tươi cuộc đời người sao đó, cũng chẳng ai biết. Chỉ biết có mỗi điều, là: hễ nói về tình yêu tươi mát, lúc ban đầu, thì người người đều sẽ hiểu. Và dễ nhớ. Tuy nhiên, nói về tình yêu có tươi và mát như ba mươi/bốn mươi năm về trước hay không, vẫn là điều chẳng ai dám quyết đoán. Bởi, sau bấy nhiêu năm chung sống, mà còn hiểu nhau, còn đồng ý với nhau về rất nhiều chuyện, đó mới là vấn đề. Đó mới khó. Khó hiểu và khó nói, như lời phẩm bình của người trẻ nọ, về thơ văn/âm nhạc của người mình, như sau:

“Hôm rồi, tình cờ tôi được nghe cô ca sĩ ở Sydney hát một bài lại được người điều khiển chương trình giới thiệu rằng: bài hát ấy do nghệ sĩ Vũ Thành An sáng tác, đó là “Bài Không tên số 50”. Nghe cô hát, bản thân tôi, lúc ấy thấy ca từ của bài này cũng rất quen, nhưng không nhớ đuợc xuất xứ cùng tác giả lời tiếng Việt, mà chỉ mang máng nhớ mình có đọc một bản dịch từ tiếng Anh ở đâu đó, có ý nghĩa cũng tương tự.

Nay, tìm đọc trong các sách, tôi mới khám phá ra rằng: đây là bài thơ lừng danh của thi sĩ gốc người thiểu số xứ Armênia, từng sinh sống bên hồ Van thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, có tên là Silva Kaputikyan (1919-2006). Những năm về sau, bà chạy sang Nga xin tỵ nạn chính trị; và rồi có chân trong Hàn Lâm Viện Quốc gia của Nga. Bà cũng được Viện Đại Học Cambridge của Anh bình chọn là người phụ nữ tiêu biểu trong năm 1998. Vì bài thơ này quá hay, nên đã có không ít người ghi sai tên thực của tác giả, hoặc cho đó là bài thơ của thi sĩ người Nga nào khác như Olga Bergols, hay thậm chí như Evgueni Evtushenko, hoặc đại thi hào người Nga là Alexander Pushkin (1799-1837) nữa.

Chưa hết, ở Việt Nam có người còn viết rõ ngay trên báo hẳn hòi, cho rằng tác giả là thi sĩ người Đức tên là Heinrich Heine (1797-1856). Có biết đâu rằng, ông thi sĩ người Đức kia chỉ sáng tác bài thơ có tựa đề là “Anh và Em” với nội dung thật khác hẳn. Kể ra, thì trí nhớ của phận hèn bọn tôi cũng không đến nỗi tệ. Và để chứng minh điều lầm lẫn này, xin trích nguyên văn dưới đây ca từ của bài không tên số 50, để thấy đuợc rằng ca từ của người nghệ sĩ nổi tiếng thời hôm trước có xuất xứ từ đâu ra:

“Em bảo : Anh đi đi
Sao anh không đứng lại?
Em bảo : Anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay?
Lời nói thoảng gió bay
Ðôi mắt huyền đẫm lệ
Mà sao anh dại thế
Không nhìn vào mắt em
Mà sao anh dại thế
Không nhìn vào mắt em
Không nhìn vào mắt sầu
Không nhìn vào mắt sâu?
Những chuyện buồn qua đi
Xin anh không nhắc lại
Em ngu khờ vụng dại
Anh mơ mộng viễn vông
Ðời sống nghiệt ngã không
cho chúng mình ấm mộng
Thì thôi xin gửi sóng
Ðưa tình về cuối sông
Thì thôi xin gửi sóng
Ðưa tình về cuối sông
Ðưa tình về với mộng
Ðưa tinh vào cõi không.”


Có thể nói: ca từ của bài hát lần này nghe rất mượt mà, khác hẳn với ca từ ở những “bài không tên khác”, cũng do cùng một nghệ sĩ sáng tác. Có một điều mà nghệ sĩ nói ở đây đã quên sót, là không trích nốt câu thơ chót, vẫn chứa đầy ý tứ hơn. Ý tứ này đã được thi sĩ Xuân Diệu chuyển qua tiếng Việt, thì phải. Ngoài ra, cũng có nhiều bản dịch khác từ bài thơ này, như của Huyền Anh, Trần Đăng Khoa… Tựu trung, chỉ có bản của Xuân Diệu là lột tả được giọng điệu vừa trữ tình vừa nghe như lời thủ thỉ rất can trường, nhưng đầy nữ tính của nhà thơ:

“Em bảo: “Anh đi đi”
Sao anh không đứng lại?
Em bảo: “Anh đừng đợi”
Sao anh vội về ngay?

Lời nói thoảng gió bay
Đôi mắt huyền đẫm lệ
Mà sao anh dại thế
Không nhìn vào mắt em

Mà sao anh dại thế
Không nhìn vào mắt em
Không nhìn vào mắt sầu
Không nhìn vào mắt sâu?

Những chuyện buồn qua đi
Xin anh không nhắc lại
Em ngu khờ vụng dại
Anh mơ mộng viễn vông

Đời sống nghiệt ngã không
cho chúng mình ấm mộng
Thì thôi xin gửi sóng
Đưa tình về cuối sông

Thì thôi xin gửi sóng
Đưa tình về cuối sông
Đưa tình về với mộng
Đưa tình vào cõi không.

Em bảo: “Anh đi đi!
Sao anh không ở lại?
Em bảo: “Đợi chờ chi”!
Sao anh xa em mãi?

Lời em buông cứng cỏi,
Lệ em trào mắt đen.
Sao anh tin lời nói,
Mà không nhìn mắt em?”

(trích điện thư tâm tình của người trẻ mang tên Anthony Trần, ở Sydney 16.06.2011)


Trích dẫn nơi đây những tâm tình rất thẳng thắn của người trẻ thích nghiên cứu về lịch sử âm nhạc của Việt Nam, bần đạo chỉ dám trích để phiếm vội đôi hàng về lời thơ và ca từ trong nhạc bản, được chuyển ngữ. Trích và dẫn, để bà con mình có được đôi phút thư giãn và thả lỏng con người, sau những ngày bàn luận cũng khá căng về thần học, với học thần. Tức, học về những gì là thần thiêng, siêng chăm, cũng rất thánh.

Trần tình với bạn và với tôi như thế rồi, nay bần đạo xin mạn phép được nói thêm về một thứ trần tình hay tình trần của người phàm trần đã có dịp hát lên cuối của bài hát mang tên “Kúc Hát Thanh Xuân”, có những lời đuợc lập đi lập lại như sau:

“Rồi nắm tay cùng nói vui
Những câu êm êm không rời vai.
Rồi lả lơi, hình dáng ai
Khuất xa biến vào nẻo khơi.

Từ đó khi xuân tái hồi
Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ tới câu thương yêu người
Một ngày tuổi mới đôi mươi .”

(Johann Strauss Jr/Phạm Duy – bđd)

Nói đi thì lại nói lại, là nói những lời như trên, chỉ để kết hợp với lời nói làm bằng về những điều mà tác giả nọ vẫn cứ bảo “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu”, của các thánh ở nhà Đạo. Và, nói đi thì lại nói lại lần nữa, là nói thêm đôi điều của thánh nhân rất “cao cả” của Hội thánh, từng có những lời như sau:

“Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện.
Hãy khuyến khích nhau,
hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà.
Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an,
sẽ ở cùng anh em.

(2Cr 13: 11).

Và, một khi đã nắm chắc được như lời thánh nhân khẳng định, rằng: “Thiên Chúa là nguồn yêu thương, sẽ ở cùng anh chị em”, thì ta cứ tha hồ mà nói và hát. Miễn là lời nói và hát của tôi và của bạn, không làm phiền hà, một ai hết. Cũng không là “Cớ vấp phạm” cho ai hết, đích thật là điều vẫn nên nói, và nên hát. Chí ít, là hát và nói những “Khúc hát (rất) Thanh Xuân”.

Trần Ngọc Mười Hai
Ở tuổi này
chừng như vẫn còn tập nói và hát
những lời lẽ rất yêu đương,
của những người đương yêu
như bao giờ.