Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Ký ức Hoàng Sa (4)

VRNs (18.07.2011) – Sài Gòn - Tôi tin tưởng trong đoàn người áo trắng ấy có Diệp. Giây phút này lẫn lộn cả 2 niềm kiêu hãnh anh hùng, cùng hòa lẫn trong nhịp đập của trái tim đang bừng bừng hạnh phúc.



Và con tàu cũng đã cập bến hẳn hoi. Công việc đầu tiên là đưa các thương binh rời tàu, để sơ chuyển về bệnh viện Đà Nẵng, rồi đến các anh hy sinh lên cầu tàu để tẩn liệm. Chúng tôi đứng hàng dọc trên sân giữa, giơ tay vẫy chào và tiễn biệt các anh lần cuối. Buổi lễ sáng hôm ấy, trời Đà Nẵng trở lạnh, với cái nắng nhạt nhòa đã không sao làm cho chúng tôi ấm lại… Chúng tôi vẫn dõi mắt nhìn từng thi hài các anh được đặt vào các cỗ áo quan và đậy nắp; sau đó, tất cả được phủ lên 1 lá cờ tổ quốc.

Ôi! Lá cờ tổ quốc thiêng liêng đang phủ lên, ôm ấp những đứa con thân yêu đã mãi mãi ra đi. Một phút mặc niệm, một phút chạnh lòng, tôi thầm hỏi:

- Không biết cô bạn nữ sinh của anh Hảo có mặt ở đây không? Và đã biết tin chưa?
- Điều gì sẽ xảy ra cho cô, sau khi nhận được tin này?

Và còn bao nhiêu câu hỏi tương tự nữa…

Khi tất cả các chiến sĩ hy sinh đã liệm xong đâu đó, các bộ phận quân lễ, quân nhạc thổi lên khúc ca hào hùng tiễn biệt. Các anh được đưa lên trên những chiếc xe GMC phủ đầy vòng hoa, rời cầu cảng Tiên Sa để đi thẳng ra phi cảng Đà Nẵng, về Saigon.

Còn phía bên trong sân cờ, Bộ Tư lệnh vùng 1 duyên hải đã diễn ra 1 buổi lễ mít tinh trọng thể, ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến hạm tham chiến, và lên án Hải quân Trung quốc ngang nhiên lấn chiếm, vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Buổi lễ kết thúc ngay buổi sáng hôm đó. Chúng tôi vẫn chưa được lệnh rời khỏi chiến hạm, và như vậy, Diệp vẫn chưa biết gì về tôi, hẳn em rất lo lắng… Tôi mong sao lệnh trên sớm được hủy bỏ.

Tôi trở lên phòng dụng cụ giám lộ nằm ở cuối sân, giữa chiến hạm – phòng mà tôi và Cảnh sử dụng như chỗ nghỉ ngơi trong những chuyến hải hành. Nơi đó, tôi cũng để một ít thực phẩm khô, 1 cái phích điện đun nước và một số áo quần sạch đẹp, ngay ngắn được móc trên đó, để đun nước định nấu mì ăn. Trên giá mọc áo quần, một cánh tay của chiếc áo jean còn mới đã ướt sũng, còn dính một phần thòng lơ lửng bởi một mảnh đạn bay vào cắt xén. Tôi đỡ chiếc áo xuống, nhìn nó trâng trâng…

Chiếc áo này, tôi đã mua nó tận bên Guam, trong chuyến đi lãnh chiến hạm này. Nó rất đẹp và vừa vặn, nên tôi giữ kỹ như là kỷ niệm của lần xuất ngoại ấy. Bây giờ, chiếc áo này bị một mảnh đạn nào đó cắt xén cánh tay sắp lìa ra. Như vậy, một lần nữa, nó càng là một kỷ niệm thật khó quên…

Trong đầu tôi đã lóe lên một ý định là khi nào về Saigon, sẽ mang chiếc áo này đến một tiệm nào đó, cho họ sang sợi lại cánh tay áo sắp đứt ấy, và mãi mãi, tôi sẽ giữ nó như là một nhân chứng của trận hải chiến lịch sử ấy.

Ngay buổi chiều hôm đó, các toán thợ chuyên môn của Hải quân công xưởng cũng đã bay từ Saigon ra, khẩn trương hàn vá các lỗ thủng của con tàu, và sửa chữa, kiểm tra các bộ phận khác.

Việc đầu tiên là liên lạc với gia đình để báo tin, vì chắc chắn, những người thân của chúng tôi, trong những ngày này, đang sốt ruột muốn biết được tin tức của chúng tôi hơn lúc nào hết, và đã có một số người thân ra tận Đà Nẵng để nghe ngóng tình hình nữa. Vì các thông tin về cuộc chiến đã được các báo đài loan đi loan lại nhiều quá mà!

Tôi nghĩ đến mẹ và các em tôi, nhất là lúc này, vào những ngày cận tết Nguyên đán nữa…

Mãi đến gần 16h00, chúng tôi mới được cấp phép đi bờ (đi chơi phố). Theo giấy phép ghi rõ, giờ về 22h00 và chi đội tôi cũng vừa hết giờ trực, nên tôi và các bạn rời chiến hạm.

Sau khi uống vội ly café với mấy đứa bạn, tôi bước lên xích lô đi về phía nhà Diệp. Rất may, chiều nay không có ba má Diệp ở nhà. Nàng bước ra mừng rỡ:

- Sao anh, có sao không? Mấy hôm nay, em lo quá!
- Anh cứ tưởng mình sẽ không còn gặp nhau nữa chứ!

Mắt nàng lại gợn sóng:

- Đêm nào, em cũng cầu nguyện cho anh được bình an.
- Cám ơn em. Anh cũng vậy.
- Chiều nay không có nhiều thời gian. Anh đợi em nửa giờ sau, ở một quán nước cuối đường nghe!
- Dạ.

Buổi chiều những ngày cuối năm, quán vắng khách. Tôi tìm chỗ ngồi ở một góc sân khá kín và móc thuốc ngồi đợi. Khói thuốc tỏa mênh mông, làm cho tôi chăm chú nhìn, và quên đi sự chờ đợi. Người con gái bước đến hỏi tôi:

- Ông uống gì?
- Cho cái café đá và nửa gói Capstan.
- Ông như đang chờ ai?
- Vâng.
- Bạn trai hay bạn gái?
- Hỏi chi vậy?
- Để em biết và có thể ngồi tiếp chuyện cùng ông.
- Sao em gọi tôi bằng “ông” lận?
- Dạ, tụi em quen thế!
- Em phải gọi bằng “anh”, thì anh mới cho ngồi…

Một chút niềm vui nho nhỏ nào đó đến với tôi trong lúc này quả thật là không nên. Tôi đánh trống lãng:

- Nói vui thôi, chứ anh không dám…

Vừa lúc đó thì Diệp đến. Em đến với chiếc váy màu xanh thủy. Gặp em là đã vui rồi! Thấy em mặc áo đẹp mà mình mua tặng, lại càng thấy vui hơn.

- Ai bày em mặc chiếc váy này đến với anh thế?
- Chứ bộ anh không bảo trước, lúc anh mang ra tặng em đó sao?
- À, anh quên mất. Mà tiệm nào may nhanh và vừa vặn thế?
- Một tiệm quen, chị của đứa bạn.

Tôi thầm cảm ơn em, cảm ơn cái tiệm may, cảm ơn tất cả đã cho tôi một buổi chiều hạnh phúc tràn đầy. Tôi gọi thêm cho em một ly sữa dâu, và bắt đầu câu chuyện của những ngày qua. Cuối cùng, giọng tôi lạc hẳn khi kể về 3 người bạn đã hy sinh. Tôi nói với Diệp:

- Em còn nhớ chuyện anh kể về ông Hảo trên tàu của anh với cô nữ sinh cũng của trường em không?
- Dạ nhớ.
- Ông ấy chết rồi! Ông ấy chết ngay tại phòng điện tử. Ông là người hy sinh sau cùng, sau hơn 1 tiếng giao tranh, khi con tàu đã sắp sửa rời vùng chiến cuộc.

Và tôi cho Diệp biết, anh Hảo ít nói chuyện đời tư của mình ra lắm! Ngoại trừ gần đây, vì sắp đến ngày 2 người chuẩn bị kết hôn, anh mới nói cho anh em biết. Diệp chỉ ngồi nghe, em không hỏi gì thêm. Nhìn vào đôi mắt nàng, tôi đã thấy xôn xao những gợn sóng.

Vâng, những gợn sóng đã làm cho tôi bao lần đắm chìm trong đó. Nó như 1 thứ vũ khí lợi hai vô cùng, làm chùng tay đường gươm bạc; và thật vậy, nếu không khóc, thì nước mắt để làm gì nữa đây? Và chiều nay, buổi chiều hạnh ngộ này, tôi đã không dỗ dành nàng như trước kia nữa.

Phía cuối góc quán, dãy bàn đối diện cũng có 2 người: 1 thiếu phụ trên đầu với vành khăn tang trắng, trong bộ áo đen, với em bé trai bên cạnh, ngồi thẫn thờ đếm thời gian chờ đợi thông tin ra nhận xác chồng. Hình ảnh thường gặp ở vùng 1 chiến thuật là như thế!

Cũng trong chiều nay, tôi không nói được gì nhiều với Diệp. Tôi cầm lấy tay em, nắm chặt lại, và giữ lấy rất lâu.

- Diệp ơi! Anh không nói được gì cả, em biết không?

Hình ảnh các bạn tôi vừa nằm xuống, chiều nay bay về Saigon không 1 ai đưa tiễn; và trước mặt tôi, người vợ trẻ ra nhận xác chồng, bên cạnh đứa con trai…

Giờ này, em ngồi bên tôi, tay em, tôi giữ chặt như cố giữ ghì tình em mãi mãi. Không, chỉ còn 2, 3 tiếng đồng hồ nữa thôi, tôi và em sẽ chia tay, và đời lính thì không biết được điều gì sẽ đến…

Diệp không nói, nàng nhìn tôi nửa như hờn trách, nửa như giận dỗi. Em có biết đâu rằng, trong giây phút này đây, tất cả những diễn biến trong mấy ngày qua đang quay về với tôi, đã làm cho tâm hồn tôi lịm đi, và tôi không thể nói được gì. Nhưng anh yêu quý em vô cùng, Diệp, em biết thế không? Anh cho em tất cả mà không so đo, tha thiết mà không gạn lọc, mong em hiểu cho anh!…

Thời gian lặng lẽ qua nhanh, buổi chiều cuối đông cũng qua nhanh. Tôi và Diệp bước ra khỏi quán thì phố cũng đã lên đèn, ánh đèn mờ nhạt, hắt hiu đã tô vẽ cho đôi tình nhân thêm phần lãng mạng. Tôi kéo em sát vào hơn mà cũng không đủ làm cho em ấm lại. Tôi bảo:

- Mình đi ăn nhé! Tối nay, anh đãi em.
- Dạ.
- Em thích ăn gì?
- Bún bò.
- Ở đâu?
- Gần chợ Hàn. Mấy giờ anh về?
- Ăn xong, đưa em về, rồi anh về, khoảng 8g tối.
- Mai anh có ra được nữa không?
- Không biết được, em ạ!
- Nếu còn ở Đà Nẵng thì anh cố ra nhé!
- Vâng, chắc chắn là thế! Em thấy lạnh không?
- Không. Bên anh, em không thấy lạnh.

Tôi hỏi lại:

- Thật hả?
- Dạ.

Đoạn đường đến chợ Hàn khá xa mà sao tôi và em đi thấy mau thế! Chúng tôi bước vào quán, bên cạnh nồi bún bò thơm ngát và nóng hổi. Chúng tôi vừa ăn, vừa trò chuyện. Xong, tôi đưa Diệp 1 đoạn đường về nhà và chia tay tại bến đò sông Hàn qua Sơn Trà. Một lần nữa, tôi siết chặt lấy bàn tay bé bỏng của nàng. Chiếc phà từ từ tháo dây, tôi buông tay nàng và khẽ nói:

- Chúc em vui, khỏe, đẹp trong mùa xuân này.

Diệp không nói lại, nàng quay mặt và đứng im cho đến lúc chiếc phà rời bến. Bấy giờ, tôi mới đưa mắt nhìn sang mọi người. Phà buổi tối đông nghịt người, với đủ mọi thành phần. Trên gương mặt ai ai cũng có vẻ mệt nhọc sau 1 ngày làm việc; họ mong mỏi sớm quay về với gia đình. Còn tôi, có lẽ riêng tôi là người viễn khách đáng thương nhất… Tôi trở về tàu với tâm hồn của kẻ ở miền xa, trong đêm buồn tỉnh lẻ…

Rồi tôi cũng biết đường về tới tàu. Mấy đứa bạn tôi chắc cũng vừa về đến. Tụi nó chưa chịu lên tàu, vẫn đứng nán ở cầu tàu trò chuyện. Gặp tôi về, Thành bảo:

- Ủa, mày cũng biết đường về tàu à? Tụi tao cứ ngỡ đêm nay, mày sẽ bị bắt cóc chứ!

Thằng Kiệt xen vào:

- Sao lại gọi là “bắt cóc”? Phải nói là đi lạc chứ!

Tôi cười. Sao cũng được, tranh luận làm gì?

Nhìn lên trên con tàu, những anh thợ Hải quân công xưởng vẫn đang miệt mài làm việc trong đêm. Tiếng búa gõ khua vang, những ánh lửa hàn túa ra xòen xoẹt và khét lẹt. Tôi bước lên chân cầu tàu, trả giấy phép đi bờ, rồi cùng mấy bạn lên câu lạc bộ Tiên Sa.

Gọi thêm mấy chai bia cùng con khô mực, tụi tôi lai ra cho đến 23g mới trở về tàu. Thông tin đầu tiên là Tuấn gặp tôi, hắn bảo:

- Nghe nói hàn suốt đêm nay, và ngày mai, mình lại phải ra vùng lân cận Hoàng Sa, để tìm kiếm vớt số anh em đào thoát trên các bè và phao đó!

Tuấn nói tiếp:

- Vì chỉ còn có tàu mình máy vẫn còn tốt, nên phải đi tiếp; vì vậy, được ưu tiên hàn sửa gấp.

Tôi nghe thế mà cũng chẳng biết nói gì hơn, vì đó là bạn bè và đồng nghiệp của mình mà… Họ rất cần được chia sẻ và bảo vệ nữa chứ! Tôi trở về phòng và nằm xuống, giấc ngủ đến với tôi dễ dàng, vì đã quá mỏi mệt.

Buổi sáng hôm sau, tôi thức dậy muộn hơn bình thường. Tôi vội vã đi làm vệ sinh và nhanh chóng bước ra sân sau chào cờ buổi sáng, vì đã đúng 7 giờ. Sau buổi lễ chào cờ, vị sĩ quan nội vụ bước ra đọc thông báo của hạm trưởng.

Nội dung thông báo cho tất cả nhân viên, trong ngày hôm nay cắm trại 100% chờ lệnh mới. Như vậy, có nghĩa là chuẩn bị công tác và tôi sẽ không được gặp em nữa rồi. Bên bữa ăn sáng cùng các bạn, thì thông tin nhận từ Tuấn tối qua là chính xác. Nhiệm vụ là đúng, nhưng tôi cũng không sao tránh khỏi lo âu… Liệu rằng từ hơn 1 ngày qua, sau khi các chiến hạm chúng ta đánh và gây tổn thất cho phía Trung quốc, rồi rút lui như vậy, liệu thông tin từ các radar của Đệ thất hạm đội Mỹ ghi nhận 1 số phóng lôi hạm và chiến đấu cơ MIG 21 từ Hải Nam tiến về Hoàng Sa là có thật hay không. Và cho dù có thật đi nữa, thì lần đi này, chúng tôi không tránh khỏi lo lắng. Rồi cũng tin tức từ buổi ăn sáng này là đã có vài nhân viên trên chiến hạm, tối qua đã không về tàu, và cả sáng nay cũng vắng mặt. Riêng tôi, 1 lần nữa lại im lặng và thầm phó mặc cho số phận…

Cũng trong buổi sáng hôm đó, 1 tin giật gân đã làm cho toàn bộ nhân viên HQ 5 Trần Bình Trọng sửng sốt: công điện từ Bộ Tư lệnh Hành quân được HQ 16 Lý Thường Kiệt báo cáo rằng, có 1 đầu đạn 127 ly rơi ở phòng ăn Đoàn viên nhưng không nổ, đang chờ điều tra, kèm theo những lời chỉ trích của hạm trưởng HQ 4, Trung tá Vũ Hữu San. Ông ta đã báo cáo không trung thực trong trận hải chiến. Điều đó đã làm cho anh em chúng tôi tức giận.

Về vụ việc 1 đầu đạn 127 ly bay vào phòng ăn không nổ, thì không chối cãi được, vì chỉ có 2 chiến hạm HQ 5 và HQ 16 có đại bác 127 ly thôi, còn 2 chiến hạm kia không có. Tuy nhiên, như tôi đã nói phần trước, khi giao tranh hơn nửa tiếng đồng hồ, thì HQ 10 báo cáo chìm và đã đào thoát, còn HQ 16 trong nhóm phía bắc đảo cũng đã bị thương nặng, rất cần ứng cứu. Nhưng giữa 2 lực lượng ta và địch quá gần, nên khi có lệnh bắn hỗ trợ cho HQ 16, thì HQ 5 đã bắn lạc, và không may – mà cũng hên – cho ta là viên đạn lạc đó đã không nổ. Còn việc HQ 5 bỏ chạy trước, tôi bảo đảm là không có. Có 2 bằng chứng:

Một là tất cả các khẩu lệnh của sếp trên, tôi đều ghi vào sổ nhật ký hải hành cùng với vị trí con tàu và cả giờ khắc…

Hai là ngoài hạm tưởng, trên HQ 5 còn có Đại tá Hồ Văn Ngạc, tư lệnh đặc nhiệm chỉ huy chiến trường, nên việc HQ 5 rời bỏ nhiệm sở vùng chiến cuộc trước là hoàn toàn sai. Điều đó, sau này truy cứu và đối chiếu trong lời ghi của quyển Nhật ký Hải hành, mà tôi là người trực tiếp ghi chú.

Chính những bút tích rõ ràng và đầy đủ trong Nhật ký Hải hành đó đã minh oan cho lời tố cáo của hạm trưởng HQ 4 và các cơ quan an ninh quân đội làm việc được dễ dàng, cùng việc minh oan cho Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5.

ĐÀO VĂN THỌ
(Còn tiếp)