Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Cỏ lùng và hạt giống tốt

VRNs (14.07.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm Chúa nhật XVI Thường niên năm A – Mt 13, 24-43 – Nhằm ngày 17.07.2011



- “Đầy tờ mới đến thưa chủ nhà rằng: Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?…Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom lại không? Ông đáp: Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa…Đến ngày mùa tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt, còn lúa thì hãy thu vào lẫm cho tôi” ( Mt 13, 27.28.30).

Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa lập lại trên nói lên thái độ lo lắng của những người giúp việc thưa với chủ ruộng và thái độ cẩn thận khôn ngoan của chủ.

Thái độ lo lắng của những người giúp việc cũng là phản ứng dễ hiểu thông thường của phần đông chúng ta đối với những gì bất toàn của người khác, đối với những thành phần bất toàn trong cộng đồng tôn giáo, cũng như xã hội.

Nhiều lúc nhìn thấy những bất toàn của người khác cũng như những thành phần không hoàn hảo trong cộng đồng xã hội, tôn giáo, nhiêu người trong chúng ta có thái độ lo lắng, đôi khi cả bực dọc:
- ” Thưa ông, không phải ông đã gieo cỏ tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”( Mt 13, 27).

Và từ thái độ lo lắng lẫn bực dọc đó, phản ứng tự nhiên bộc phát là nhổ phắt cỏ lùng đi để giải quyết vấn đề một cách đơn sơ, mau chóng lẫn thái độ hằn học bực tức, trả đủa đương đầu với lối hành xử của kẻ gian manh, bất toàn, có ác ý:
-” Khi mọi ngưòi đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” ( Mt 13, 25).

Áp dụng vào cuộc sống thường nhật của chúng ta, đó là thái độ bực dọc , thẳng tay lên án ” theo nguyên tắc ” bất cứ những ai và những gì vi phạm, bất toàn, tạo ra lằn ranh giới bất lay chuyển giữa trọn hảo và bất toàn, giữa có lý và vô lý, giữa thánh thiện và tội lỗi.

Qua câu trả lời của người chủ ruộng, cũng là câu trả lời cho thái độ hành động theo lẽ phải Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta, chúng ta có thể ý thức được thực trạng trong cộng đồng xã hội và tôn giáo chúng ta đang sống:
- ” Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.”( Mt 13, 29-30).

Cộng đồng xã hội cũng như tôn giáo mà chúng ta đang sống là những cộng đồng gồm có những thành phần trọn hảo , thánh thiện cũng như những kẻ bất toàn, gian manh, tội lỗi.

Ngay cộng đồng Ki Tô giáo đầu tiên của mười hai môn đệ, chúng ta cũng đã có Simon Phêrô thề.
- ” Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”( Mt 26, 35),

thì chúng ta cũng có chính cho Simon Phêrô, được Chúa Giêsu dạy:
- ” Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” ( Mt 26, 34),

nếu chúng ta có Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến ( Jn 20, 2), thì chúng ta cũng có Giuda đứng ra nộp Thầy để lấy ba mươi đồng bạc ( Mt 26, 47-51).

a) Chúa Giêsu không lên án tội nhân

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa lời dạy của Đức Giêsu:
- ” Cứ để cả hai cùng lờn lên cho đến mùa gặt. Đến ngay mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi “( Mt 13, 29-30),

không có gì tốt hơn là chúng ta nên xem cách hành xử của Chúa Giêsu đối với cỏ lùng, đối với ngững người tội lỗi.

Trong tất cả các đoạn Phúc Âm thuật lại Đức Giêsu tiếp xúc với những người tội lỗi, chưa bao giờ chúng ta thấy Ngài lên án ai.

Người tội lỗi cuối cùng mà Ngài có dịp tiếp xúc, một tên cướp cùng bị đóng đinh với Ngài, được Ngài hứa ban phần thưởng Nước Trời, chỉ cần có một câu nói hối cải:
- ” Lạy Thầy, khi Thầy vào Nước Thầy, xin nhớ đến con…
- Ta bảo thật, hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng” ( Lc 23, 42-43).

Thánh Matthêu, một người tội lỗi, một kẻ bị người đời khinh thị là kẻ siết thuế, là người bóp cổ, siết họng người khác, được Đức Giêsu yêu thương kêu gọi làm môn đệ Ngài:
- ” Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thấy một ngưòi tên là Matthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông:” Anh hảy theo Ta. Ông đứng dậy đi theo Ngài” ( Mt 9, 9).

Và rồi những kẻ tội lỗi khác, đồng nghiệp và đồng hạng với Matthêu thấy lòng nhân từ và bênh vực của Đức Giêsu đối với họ, họ can đảm lên, phấn khởi kéo đến ngồi vào bàn ăn với Ngài:
- ” Khi Đức Giêsu đang dùng bửa tại nhà ông ấy, có nhiêu ngưòi thu thuế và kẻ tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ ” ( Mt 9, 10).

Chính Chúa Giêsu đứng ra bênh vực một cô gái điếm, cô Madalena, khi cô ăn năn ,
- ” lấy nước mắt mà tưới ướt chân, lấy tóc mình mà lau rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên “( Mt 7, 38),

Người tuyên bố cho mọi người biết:
- ” …tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bởi vì chị đã yêu mến nhiều” ( Mt 7, 47).

Một kẻ tội lỗi khác, ông Giakêu, làm ăn bất chính, làm giàu bằng lường gạt, thu thuế, siết cổ người khác, cũng được Đức Giêsu đến viếng và tha thứ:
- ” Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà nầy, bởi người nầy cũng là con cháu tổ phụ Abraham ” (Lc 19, 9).

Và trường hợp cuối cùng chúng ta muốn bàn đến liên quan với việc Đức Giêsu tiếp xúc với những người tội lỗi, đó là câu chuyện người phụ nữ ngoại tình. Câu cuối cùng Ngài nói với người thiếu phụ:
- ” Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con! Thôi con hảy ra về, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Jn 8, 11).

Nói tóm lại , qua những trường hợp chúng ta vừa nêu ra trong Phúc Âm,không có trường hợp nào Chúa Giêsu lên án tội nhân:
” Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con…”.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu hay người chủ ruộng cản, không cho các người giúp việc nhổ phắt cỏ lùng và vất đi:
- ” …Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt…”( Mt 13, 30).

Tại sao?

Tại vì sứ mạng của Ngài là đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho nhân loại, nhứt là tình yêu và ơn cứu rổi cho những kẻ bé mọn, tội lỗi:
- ” Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).

Nếu Chúa Giêsu có sứ mạng đem tình thương của Chúa Cha và ơn cứu rổi đến cho mọi người,
- ” …anh em hảy yêu thương kẻ thù và cầu nguyệncho những người ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở thành con cái Cha anh em, Đấng ngự trên trời,vì người cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như cho kẻ bất chính” ( Mt 5, 44-45),

thì câu Phúc Âm trích dẫn ở trên (Mt 9, 13) cho thấy Thiên Chúa dành tình thương ưu ái của Ngài đối với những kẻ yếu thế, những người tội lỗi.

Ngài ưu ái dành tình thương nhiêu hơn cho họ, không phải để họ cố chấp lặn ngụp trong tình trạng tội lỗi, yếu hèn của họ cho bằng tạo cho họ niềm tin vào lòng nhân hậu và nhẫn nại của Ngài đối với những ai lầm lỡ, Ngài đang mong đợi họ hối cải, trở lại sống tình Cha con với Ngài.

Với cử chỉ đó, Thiên Chúa muốn dạy tất cả chúng ta quảng đại, luôn luôn biết tha thứ cho người anh em yếu hèn sa ngã :
- “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con , thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo là bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21 - 22).

Bởi vì chính Ngài cũng dành lòng quảng đại đó cho chúng ta.

Với lòng quảng đại và nhẫn nại như Ngài dạy chúng ta, chúng ta đừng nên có thái độ bộc phát, lên án, ” vô sổ bìa đen “, xếp loại anh em lỗi phạm là thành phần bất hảo không có cách gì hoán chuyển:
- ” Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt…”( Mt 13,30).

Thái độ ” Ông có muốn cho chúng tôi ra đi gom lại không?”( Mt 13, 28) là thái độ sốt sắng, nóng nảy, muốn có kết quả tức khắc, có thể làm sai lạc đi hình ảnh của Thiên Chúa trong Phúc Âm, tự biến mình và biến chính Thiên Chúa thành nhân viên kế toán, chỉ nhìn thấy tội phước, thánh thiện và tội lỗi, tính sổ theo dấu tính cộng trừ để đem đến tổng kết thưởng phạt.

Thiên Chúa của Phúc Âm là Ngưòi Cha, biết được những bất toàn và những lần cố gắng chổi dậy của mỗi đứa con, cần được nâng đở và khuyến khích.

Đó là thái độ của người cha trong trong câu chuyện ” đứa con hoang đàng”, chỉ cần một câu nói, một cử chỉ. Người cha dang rộng cánh tay đón tiếp đứa con trở về:
- ” Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” ( Lc 15, 20).

” Vô sổ bìa đen”, xếp loại và cứng rắn bất khoan dung, tính theo kế toán đối với anh em là cử chỉ tự cao, quên đi những yếu hèn sai lỗi của mình, quên mất đi bao nhiêu lần người Cha đã bao dung tha thứ đối với chúng ta:
- ” Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để “.
- ” Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con, hảy ra về…” ( Jn 8, 11)
- ” Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong con mắt người anh em”( Lc 6, 42)

Hãy biết thương yêu anh em, hãy nâng đở anh em, tạo cho niềm tin vào tình thương bao la của Thiên Chúa, để cho anh em có thời gian hoán cải chổi dậy. Đó là ý nghĩa tại sao người chủ ruộng bảo các người giúp việc ông:
- “ Cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt…” ( Mt 13, 30).

b) Nhưng Ngài lên án tội lỗi

Trong câu trả lời cho các người giúp việc, người chủ ruộng cho chúng ta thấy ông không thể chấp nhận cỏ lùng vào kho lẫm của ông:
- ” Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt; còn lúa thi thu vào lẫm cho tôi” ( Mt 13, 30).

Trong dụ ngôn cỏ lùng, chúng ta không thấy được người chủ ruộng hay Chúa Giêsu phân biệt rõ giữa tội nhân ( người phạm tội) và tội lỗi rõ rệt như trong câu chuyện ” người phụ nữ ngoại tình” ( Jn 8, 1-11):
- ” Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con! Thôi con cứ ra về,và từ nay đừng phạm tội nữa” (Jn 8, 11).

Câu trả lời vừa kể của Chúa Giêsu cho người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu phân biệt hai tư tưởng rõ rệt: tội nhân và tội lỗi.

Ở phần đầu, đối với tội nhân đã lầm lỡ, Ngài là người Cha đối xử khoan dung và nhẫn nại như chúng ta vừa nói ở trên:
- ” Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con!”.

Con người có thể lầm lỡ, nhưng con người có thể hối cải, hoàn thiện.

Tội lỗi, ý thức hệ sai lạc, chế độ gian manh lừa lọc và phương cách hành xử bất chính, là những thực thể cần phải loại trừ không thương tiếc.

Do đó trong liên hệ với người khác chúng ta nên phân biệt giữa chủ thể ( con người, trọn hảo hay tội lỗi) và chủ đề ( tội lỗi, ý thức hệ , chế độ, phương thức hành xử đúng hay sai).

Đối với tội lỗi là điều xấu, ý thức hệ sai lạc nhằm đê tiện hóa con người, Ngài quyết liệt và khẳng định:
- ” và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Bởi vì tội là điều xấu, bởi vì ý thức hệ sai lạc, chế độ lường gạt, phương cách hành xử bất chính là điều xấu làm cho con người trở nên đê tiện hay nhằm hèn hạ hóa con người như súc vật, không tôn trọng con người , không cho phép con người sống xứng đáng với phẩm giá cao cả của mình.

Chúa Giêsu
- sẵn sàng tha thứ ” bảy mươi lần bảy” ( Mt 18, 22) đối với tội nhân( chủ thể),
- sẳn sàng nhẫn nhục ” cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa” ( Mt 13, 30) và ” Ta cũng vậy, Ta cũng không lên án con ..” đối với những ai sa lở vấp phạm,
- nhưng Ngài không tha thứ tội lỗi, ý thức hệ sai lạc , chế độ và phương thức hành xử bất chính làm đê tiện hóa con người( chủ đề):
- ” … và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Chính vì lối hành xử bất chính, lừa lọc gian xảo , sơn son phết phấn như mả tô vôi bên ngoài để lường gạt thiên hạ đó mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại vách mặt chỉ trán cách hành xử sai lỗi của người Pharisêu:

- ” Khốn cho các người, hởi các kinh sư và ngưòi Pharisêu giả hình! Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các ngươi đã không vào,mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không để họ vào” ( Mt 23, 13).

Và đây đối với những ý thức hệ lệch lạc:

- ” Khốn cho các người , những kẻ dẫn đường mù quáng…..” ( Mt 23, 16).

Còn đây là chế độ và cách hành xử lừa lọc gian dối:

- ” Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác ! ” ( Mt 23, 27-28)

Nói tóm lại:
- ” Cứ để cả hai lớn lên cho đến mùa gặt…… ” ( Mt 13, 20)
- và ” Ta cũng vậy, ta cũng không lên án con! Thôi con cứ ra về, và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Jn 8, 11)
là những lời dạy của Chúa Giêsu, là những tấm gương để chúng ta đối chiếu trong cuộc đời người tín hữu:
- khoan dung, nhẫn nại với chủ thể ( con người)
- và trực diện khước từ thẳng thắng với các chủ đề ( tội lỗi và những ý thức hệ sai lạc).

NGUYỄN HỌC TẬP