VRNs (14.07.2011) – Từ quận 1 Sài Gòn, đến bến Bạch Đằng có tượng Đức Thánh Trần nổi tiếng để qua phà Thủ Thiêm rồi rẽ phải vào đường Nhà Thờ (phường Thủ Thiêm, quận 2) chừng 200m là đến Giáo xứ Thủ Thiêm. Giáo họ Thủ Thiêm ra đời khoảng giữa thế kỷ 19, trước khi có cha sở tiên khởi Gabriel Nguyễn Khắc Thành chính thức về coi sóc họ đạo Thủ Thiêm (1859).
Nhà thờ Thủ Thiêm được xây dựng và khánh thành năm 1865. Năm 1921, Họ đạo được chính thức công nhận là Giáo xứ Thủ Thiêm. Trải qua 11 đời Cha Sở coi sóc Giáo xứ, Cha Sở hiện nay là Linh mục Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm.
Sáng ngày 13/7, gần 10 giờ trưa mà bầu trời vẫn âm u mây xám ngắt, không một tia nắng vàng chói chang quen thuộc rơi xuống đất, chúng tôi đứng trên chiếc phà nhỏ chạy xình xịch sang sông Sài Gòn, nhìn từ xa, Giáo xứ Thủ Thiêm mờ ảo như chìm trong màn sương khói, báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đến. Tuy thời tiết xấu, nhưng giáo dân đến nhà thờ cứ đông dần lên, đến 11 giờ trưa thì phía trong thánh đường các dãy ghế ngồi đã chật kín người quỳ đọc kinh Mân Côi trầm trầm ấm áp.
Hôm nay không phải ngày lễ trọng, nhưng là ngày lễ Đồng Hương Thủ Thiêm được Cha Sở tổ chức vào ngày 13 hàng tháng từ khi giáo dân Giáo xứ Thủ Thiêm phải chấp hành lệnh thu hồi đất của nhà nước để thực hiện “dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm”, giáo dân mỗi người ra đi mỗi ngã dù trong lòng họ không hề mong muốn.
Theo lời cha GB Lê Đăng Niêm, giáo xứ ngài coi sóc trước đây có hơn 5.000 giáo dân. Kể từ năm 2008, khi nhà nước giải tỏa dân Thủ Thiêm quanh nhà thờ đi nơi khác thì giáo dân dần dần buộc phải dở nhà đi hết. Hiện nay còn ở lại chừng 200 người, nhưng trong tương lai chắc còn khoảng 100 người. Không những dân mất đất, mà nhà thờ cũng mất đất, trước đây đất xung quanh nhà thờ có hơn 100 mẫu, nay chỉ còn tum húm các công trình xây dựng và một ít cây xanh trên diện tích khoảng 2.000m2. Sân nhà thờ chỉ đủ chỗ để hơn 200 chiếc xe máy, nếu giáo dân đi lễ đông thì không có nơi giữ xe. Nếu tháng nào ngày 13 trùng với ngày Chúa Nhật thì số người dự thánh lễ lên đến hàng ngàn.
Dự án “Khu đô thị mới Thủ Thiêm” nhưng không phải dành cho giáo dân Thủ Thiêm cư trú, sinh sống, mà dành cho những ai có nhiều tiền.
Anh GB Nguyễn Văn Tâm, giáo dân cố cựu của Giáo xứ nói: “Trước đây nhà tôi ở phường Thủ Thiêm, cách nhà thờ Thủ Thiêm có 500m. Nay tôi phải mua nhà ở phường Bình Trưng Tây, cách nhà thờ Thủ Thiêm 7km, ở đó có nhà thờ Giáo xứ Công Thành nhưng gia đình tôi 3 đời sinh sống ở mảnh đất này, đi lễ ở nhà thờ này. Đây là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn của gia đình tôi nên dù xa xôi hàng tuần ngày Chúa Nhật tôi vẫn đưa gia đình về đây dự thánh lễ, con cháu tôi vẫn về đây học giáo lý. Bản thân tôi vẫn đến nhà thờ làm công việc phục vụ giáo xứ như lúc tôi còn ở Thủ Thiêm. Tôi quen rồi, đi lễ chỗ khác cảm thấy nó trống trải, hụt hẫng lắm”. Anh Tâm nói tiếp: “Gặp lúc mưa gió cũng là điều trở ngại, tốn thêm tiền xăng xe máy. Tôi cố gắng đi lễ ở đây còn vì hài cốt ông bà, cha mẹ tôi đang ở trong nhà thờ này, tôi phải thăm viếng thường xuyên. Trước đây, nhà nước hứa tái định cư giáo dân chúng tôi được ở gần nhà thờ. Nhưng khi đồng ý nhận tiền đi rồi thì dân chúng tôi bị chia nhỏ ra, không được ở gần nhau, không được ở gần nhà thờ. Tôi biết có nhiều người giờ phải ở tận Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương, Đồng Nai nữa”.
Bà Maria Phạm Thị Cảnh là một trong số mười mấy chị em phụ nữ tình nguyện xung phong vào tổ phục vụ cơm nước cho cộng đoàn trong ngày lễ Đồng Hương Thủ Thiêm. Bà Cảnh tâm sự trước đây nhà bà ở xã An Khánh, quận 2, quê hương bản quán gia đình mấy đời gắn bó với nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm. Sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa, gia đình bà bị “trôi dạt” đến Bình Hòa, Bình Dương. Nơi ở mới của bà không có nhà thờ. Nhà thờ gần nhà bà nhất là nhà thờ Bình Chiểu (Thủ Đức) cũng cách xa 4km. Bà Cảnh nhớ quê hương, nhớ nhà thờ, nhớ chị em bạn trong giáo xứ Thủ Thiêm. Thôi đã lỡ xa rồi thì đi xa luôn, mỗi tuần bà Cảnh lặn lội đi 2 chặng xe buýt (hơn 20km, mất từ 1-2 giờ) trở về nhà thờ Thủ Thiêm dự thánh lễ.
Bà Cảnh còn giới thiệu cho chúng tôi làm quen trong tổ nấu cơm có chị Cecilia Bùi Thị Bạch Yến, chị Veronica Nguyễn Thị Phấn (hiện ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) có cùng tâm trạng “một kiểng hai quê” giống như bà.
11 giờ rưỡi, xong phần đọc kinh Mân Côi thì Cha Sở chính thức dâng thánh lễ trong không khí trang nghiêm, xúc động và chân tình. Đến 12 giờ rưỡi thì tan lễ, người nào có xe máy và nhà ở trong khoảng 10km thì đều lấy xe ra về. Một số người vào phòng hài cốt thắp nhang viếng người thân của mình. Những người còn lại ra khu vực phía sau nhà thờ ăn cơm trưa.
Bà Maria Nguyễn Thị Thanh, 62 tuổi cho biết nhà bà trước đây ở ngã 4 đường Trần Não, quận 2. Nay di dời đi ở Cát Lái, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Nhà thờ ở nơi ở mới của bà cũng cách nhà đến 8km, còn từ nhà mới đến nhà thờ Thủ Thiêm hơn 20km. Đang trò chuyện với chúng tôi mà nước mắt bà Thanh chảy dài trên đôi gò má sạm nâu: “Tuần nào tôi cũng về đây dự thánh lễ Chúa Nhật và thắp nhang cho chồng tôi vừa qua đời một năm nay. Mỗi lần đi về tốn tiền xe máy 130 ngàn đồng, một tháng mất 520 ngàn đồng, tốn thêm tiền bạc, thời gian nhưng tôi không thể bỏ ổng được”.
Bữa cơm trưa do Cha Sở chiêu đãi giáo dân miễn phí mỗi suất khoảng 12 ngàn đồng, đơn giản chỉ có cơm trắng, thịt heo muối chiên, trứng chiên và chén canh bầu, uống trà đá mà đông đúc, vui vẻ. Hôm nay nhằm ngày thứ tư, nhà bếp chuẩn bị 250 suất cơm nhưng vẫn thiếu cơm vì giáo dân ở xa đến dự lễ đông ngoài dự kiến. Thiếu cơm nhưng không có chuyện tranh giành, mà người này san sẻ chút cơm, chút thức ăn cho người kia, để người ở xa (mà thiếu tiền) được yên bụng trong chặng đường trở về xa ngái.
Cơn mưa mùa hè sầm sập đổ xuống, gió cùng mưa quật phành phạch lên những hàng cây trong sân nhà thờ như muốn giữ chân người ở lại, khi mà quanh nhà thờ Thủ Thiêm giờ đây không có giáo dân.
Bây giờ, người ta không bỏ tù linh mục, bỏ tù giáo dân để buộc người dân bỏ đạo như thời thập niên 50-60 ngoài miền Bắc, nhưng giáo dân cần nhà thờ để giải quyết nhu cầu thờ Chúa thì bị đẩy ra xa nhà thờ. Linh mục cũng cần có giáo dân, không có giáo dân linh mục biết “chăn dắt” ai đây? Mai này nhà thờ Giáo xứ Thủ Thiêm có còn tồn tại, hay là người nhà nước lại viện lý do không có giáo dân để hợp pháp hóa việc phá bỏ nhà thờ? Phải chăng đây là một kiểu “tôn trọng tự do tôn giáo” dối trá, nói cách khác, một hình thức phá hoại tôn giáo biến tướng ngày càng tinh vi hơn ở Việt Nam?
Gia đình Truyền thông Chúa Cứu Thế và Bằng hữu