Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Giống – nghĩa là không phải

VRNs (15.07.2011) – Suy niệm Lời Chúa CN 16 TN A
“Nước Trời ví như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”. (Mt 13, 25-27)



Nối tiếp dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Trong khi “ông chủ ruộng” gieo giống lúa tốt trong ruộng mình, thì kẻ thù của ông, lại gieo cỏ lùng, với mục đích làm cho cây lúa kém sinh hoa kết hạt.

Để được Nước Trời, phải là cây lúa tốt, cây lúa trổ sinh muôn bông hạt. Nhưng trong ruộng đời, còn có những cây “giống cây lúa” nhưng không phải cây lúa. Giống, nghĩa là không phải. Tình yêu chân chính chỉ có một, nhưng giống như tình yêu thì có cả trăm ngàn. Chân lý chỉ có một, mà giống như chân lý thì dẫy đầy. Con đường dẫn đến hạnh phúc thật chỉ có một, nhưng còn muôn nẻo gian tà cũng tự đặt cho mình đích đến là hạnh phúc!

Cũng vậy, chen chúc bên cây lúa là những cây cỏ lùng giống cây lúa nhưng muôn đời không sinh hoa kết trái, mà suốt đời với ý gian tà là đột nhập vào ruộng Ông Chủ để làm hại những cây lúa mà thôi. Đó là âm mưu, là sách lược của ma quỷ, của thế gian, luôn chống lại Thiên Chúa và cản trở con người đến với Thiên Chúa, cản trở lối vào Nước Trời.

Nếu cỏ lùng, một loại cỏ giống hệt cây lúa từ lá đến thân thì cỏ lùng trong ruộng của Thiên Chúa là những:

- Con người tuyên xưng mình có đức tin công giáo mà sống cách kém tin, hèn tin hay không có đức tin.
- Con người yêu Chúa với những mưu lợi cho mình, mà không cho vinh danh Chúa hay mưu lợi cho Thiên Chúa.
- Con người ra vẻ, hay làm bộ đạo đức tốt lành, mà thực chất không đạo đức tốt lành.
- Con người dạy người ta giữ lề luật của Thiên Chúa mà chính mình lại luôn lỗi luật.
- Thời nay, trong xã hội này, lại còn có thể là con người tìm cách chen chân vào mảnh ruộng tôn giáo màu mỡ, tìm hiểu Giáo Hội, học biết Tin Mừng, nhưng đó là nghề của họ để mưu cầu sự sống cho mình mà sẵn sàng bóp nghẹt đức tin người khác.

Những con người kiểu ấy, có thể là bạn, có thể là tôi đang ngồi sát bên nhau trong nhà thờ này, trong các giờ cầu nguyện, trong cuộc tĩnh tâm tưởng như là sốt sắng lắm, hoặc ngay trong cuộc sống này, ngày ngày vẫn bên nhau trên mọi nẻo đường trần.

Ai dám biết ai đang là cỏ lùng trong ruộng đời của Thiên Chúa?

Thiết tưởng, mỗi người nên kiểm tra hai cách sống “cỏ lùng”, và “lúa tốt” trong một con người của chính mình, để thấy rõ, cỏ lùng đang um tùm trong tâm hồn mình. Cỏ lùng ấy là những điều nghịch với ý muốn của Thiên Chúa.

Chính mình, vẫn đang có thể:

- rất kiêu ngạo trong cái vỏ tuyệt đối khiêm nhường,
- rất vô độ trong cung cách đàng hoàng nghiêm túc trước mắt mọi người,
- rất yếu đuối, nhát sợ, dễ sa ngã vào cơn lốc của tiền tài, danh vọng, ngai vị, mà vẫn dõng dạc tuyên bố can đảm, anh hùng giữ luật Chúa,
- rất nhầm lẫn mà vẫn chủ quan rằng ta luôn đúng, luôn chuẩn, còn những đóng góp chí tình của kẻ khác thì xem nhẹ như bông,
- rất ích kỷ yêu mình, cho mình được ca tụng, được mãn nguyện, mà cứ tưởng là ta đang yêu người như đức bác ái dạy,

….

Thật buồn cười thay, chúng ta không thấy, và cũng không kết án loại cỏ lùng cao cấp đang tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, làm cho hạt giống lời Chúa trong chúng ta không sinh hoa kết quả.

Trong khi đó, còn đáng buồn cười hơn, chúng ta lại có thói quen thấy những khuyết điểm, những tật xấu, của anh em, hoặc còn hơn thế nữa, phê phán và kết án anh em là loại cỏ lùng tệ hại, lại còn đòi nhổ sạch anh em đi ra khỏi cuộc sống chung cần tương thân tương ái nầy.

Cách xử trí của Chúa Giêsu lại khác hẳn, vì Ngài là Thiên Chúa “Đấng thấu suốt tâm can” (Rom 8,27), và giàu lòng từ bi nhân hậu, kiên nhẫn đợi chờ con người xấu sớm nên tốt, nên Ngài bảo “Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”. Và đến mùa gặt, số phận lúa và cỏ lùng được Thiên Chúa phân xử công minh: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30).

Chúa không muốn chúng ta vượt quá giới hạn của mình vì “Chỉ Thiên Chúa dò thấu lòng dạ con người” (Tv 7,10; Kh 2,23). Và “Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, còn chúng ta là ai mà dám xét đoán người khác?” (Gc 4,12). Vì thế, “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1).

Vậy, ai sẽ chung số phận đáng tiếc của những bụi cỏ lùng trong mưu chước ma quỷ kia? Chính tôi, chính bạn, hay người rách rưới đang quì bên ta trong nhà thờ này, hay người thật thà có sao nói vậy thành mang tiếng là ngốc nghếch vẫn đồng hành bên ta trong cuộc đời? Ông hội trưởng Công Giáo Tiến Hành sốt sắng luôn quỳ hàng ghế đầu hay chàng lãng tử chuyên ngồi dưới gốc dừa hút thuốc vừa nghe cha giảng vừa ngắm khói mây lãng đãng bay?

Chúa Giêsu đang đòi hỏi chúng ta, hãy tự kiểm lại đời sống mình để luôn đề phòng âm mưu của ma quỷ, và để nên lành nên thánh tận căn bằng cách triệt để tuân giữ và thực thi Lời Chúa, trở nên cây lúa tốt để sinh hoa kết quả, và còn phải mặc lấy lòng khoan dung của Chúa mà ước mong cho người lầm lỗi trở về với ơn Chúa, trong đó có cả chính mình.

Thánh Phaolô giúp chúng ta phương thức tự kiểm để thăng tiến: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26,27)

Thêm vào dụ ngôn lúa và cỏ lùng, Chúa Giêsu còn đưa ra dụ ngôn “hạt cải”, với yêu cầu đời sống đức tin phải tiến tới tình trạng vững mạnh chắc chắn: “Nước Trời cũng giống như hạt cải người nọ gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”. (Mt 13,31-32).

Và hơn thế nữa, khi đã vững chắc trong đức tin, hãy trở nên nhân chứng đức tin trong cuộc đời, để mọi người cùng nhìn thấy cách sống đạo đức chân thật của chúng ta mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời: “Nước Trời cũng giống như men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,33).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết khẩn nài ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để chúng con có sức đề phòng những mưu chước tinh vi của ma quỷ trong thời đại hôm nay, hầu tránh xa những thói hư tật xấu mất lòng Chúa, và nhất là tuyệt đối tránh thói kiêu căng xét đoán và kết án anh em. A men.

PM. Cao Huy Hoàng
Huế 14-7-2011