Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Ký ức Hoàng Sa (1)

VRNs (15.07.2011) – Sài Gòn – Anh Đào Văn Thọ là một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã có mặt trong cuộc chiến bị Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Ký ức Hoàng Sa không phải là một áng văn chương sang trọng, nhưng là nước mắt và máu hàng đêm vẫn chảy trong lòng anh. Ký ức Hoàng Sa được viết ra bởi một người lính, một nhân chứng, tuy không văn chương, nhưng là chính tư liệu mà chúng tôi đang tìm kiếm.

Xin chân thành cám ơn anh Đào Văn Thọ đã chia sẻ với quý độc giả một phần của cuộc đời anh. Xin cám ơn anh Trung Trực đã giới thiệu bản thảo này với VRNs. Xin cám ơn chị Kim Loan đã đánh máy văn bản này.

Anh Đào Văn Thọ hiện phụ trách khâu thông tin trong họ đạo Cao Đài Chợ Lớn, năm nay 60 tuổi, đã có vợ ba con gồm hai trai nhỏ, một gái lớn đã có chồng đang ở chung với hai vợ chồng anh Thọ. Riêng hai cháu trai cũng đã đi làm. Chị vợ là người Công giáo gốc ở nhà Thờ Nam Hòa, sau đó dọn về NT Tân Chí Linh. Chị vợ cách nay hơn 10 năm có một lần bị tai biến não và liệt nửa người, sau 10 năm điều trị hiện nay bình phục nhưng hai tay vẫn bị run chưa làm được việc gì ngoài việc coi đứa cháu nội. Gia đình anh hiện nay cũng hơi khó khăn về kinh tế.

Giờ đây xin mời quý độc giả cùng chia sẻ phần 1 với anh Đào Văn Thọ.



Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5

KÝ ỨC HOÀNG SA (1)

Một buổi chiều, trong tiết trời mát mẻ những ngày đầu Xuân 2009, tôi gặp người đồng đội cũ sau bao năm xa cách. Hai đứa rủ nhau ra một quán cóc trong khuôn viên của một chung cư gần Đầm Sen. Người bạn sau khi hớp ngụm cafe, hắn đưa điếu thuốc lên môi rít luôn một hơi thuốc dài. Đôi mắt nhắm lại thả làn khói trắng thành một vòng tròn, những sợi khói lẩn quẩn trong cái vòng tròn một khoảng khắc rồi nhạt nhòa, tan biến vào không gian.

Hắn chậm rãi nói:

- Này Tùng, mày thấy gì không?
- Khói thuốc mày thổi thành vòng tròn.
- Đố mày đọc được ý nghĩ tao trong lúc này.
- Chịu, có thánh cũng không biết được.
- Mày nhớ gì không?
- Không. À, sao bữa nay mày lòng vòng chi vậy.
- À, tao có một chuyện quan trọng nên tao phải lòng vòng với mày.
- Thì nói đi.

Hắn lấy trong túi xách ra mấy tệp giấy photo.

- Tao lấy trên mạng đó, nhiều lắm, nhưng tao chỉ lấy vài cái hay hay thôi.

Xem lướt qua một vài trang chữ và hình ảnh, lòng tôi bồi hồi xúc động, bạn tôi nói tiếp:

- Hôm nay ngày 19-1-2009. Đúng 35 năm rồi hả Tùng.

Vâng, đúng 35 năm trước, chúng tôi đã tham dự một trận hải chiến ác liệt oai hùng trong lịch sử giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và hải quân Trung Cộng. Một trận chiến không cân sức. Nhưng nó được đánh dấu và gióng lên một tiếng vang lớn cho thế giới biết rằng. Hải quân VNCH đã anh dũng đánh trả để bảo toàn lãnh hải quốc gia.

Bạn tôi nói tiếp:

- Mày là thằng chứng kiến diễn biến trận đánh và nhận đầy đủ mệnh lệnh cấp trên. Tao nghĩ mày lại có trí nhớ tốt. Hồi đó tao biết mày viết nhật ký hải hành cũng không tồi, đọc mấy tài liệu kia trên mạng tao thấy không đầy đủ, tao nghĩ mày nên viết.
- Ok. Lần này tôi cố gắng viết.

Những ngày đó trong những ngày cuối năm, cũng có những chiều với cái thời tiết dịu dàng mát mẻ ấy, nhân thế, cùng với đất trời. Thủy thủ đoàn tàu tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ5 trong những ngày tháng tuần dương và nghỉ bến ở Vũng Tàu.

Trong vài ngày nghỉ bến đó, con cá khổng lồ được tiếp nhiên liệu, nước ngọt và thực phẩm cho chuyến ra khơi tiếp. Anh em thủy thủ đoàn được chia thành ba chi đội, một chi đội trực, hai chi đội đi bờ (đi chơi trên phố).

Hôm nay chi đội tôi trực đầu giờ chiều ngày 15/1/1974. Chiến hạm tiếp nhận một công điện khẩn với nội dung yêu cầu tập hợp đầy đủ quân số để đi công tác vùng 1 khẩn (Đà Nẵng) ngay trong tối hôm nay.

Thế là chúng tôi mỗi người một nhiệm vụ thông báo gấp cho Hạm trưởng, hạm phó, các sĩ quan cùng toàn bộ nhân viên phải có mặt đầy đủ. Số người không liên lạc được, vắng mặt phải báo cáo chính xác.

Lệnh trên triển khai nhanh chóng, đến 16g00 chiều con tàu đã đón nhận 80% quân số, và chiều nay tôi theo xuồng ra vào Vũng Tàu để đón nhận nhân viên, luôn tiện tôi mua thêm một ít thực phẩm dùng thêm cho chuyến đi như mì gói, trứng, chuối, thuốc lá.

Đúng 18 giờ con tàu chúng tôi nhổ neo, băng mình vào sóng nước trong đêm. Nhiệm sở vận chuyển ở Vũng Tàu khá nhanh chỉ mất hơn nửa tiếng. Tôi tiếp nhận Quart 18h00- 20h00. Đi khoảng hơn 1h30 hải hành tôi làm point lần cuối và ghi vào sổ hải hành, bàn giao quart lại cho người bạn.

Hơn một tiếng rưỡi trên Đài chỉ huy, từ hạm trưởng, sĩ quan quart, chúng tôi vẫn chưa biết gì về chuyến công tác khẩn ra vùng 1. Vì theo lẽ thông thường, tàu chúng tôi vừa ở vùng 1 về chưa được một tháng và lịch trình chúng tôi trong mùa tết này sẽ là công tác ở vùng 3 (Vũng Tàu). Vậy mà đùng một cái đã gần tết đến chúng tôi lại phải ra vùng 1, cái vùng mà biển trời mùa xuân sẽ là mùa biển động dữ dội nên ai nấy cũng ngao ngán.

Tuy nhiên, riêng tôi trong lòng đã dấy lên một chút nao nao, rạo rực và mùa xuân này tôi lại có em bên cạnh, cho dù đó chỉ là trong giây lát (tôi có người yêu ở Đà nẵng, và tôi đã lập tức gọi lấy tên em. Đời thuỷ thủ là thế. Bỏ lại thành đô, bỏ lại người thân trong những ngày giáp tết cổ truyền với nỗi buồn cũng có mà vui cũng có

Như đọc được tâm sự của tôi, ông thượng sĩ già giám lộ, người anh của tôi trêu chọc

- Chỉ thấy mày vui
- Ai nói ông tôi vui?
- Chứ gặp lại em không vui sao được
- Vâng, cũng vui chút chút, mà cũng buồn chút chút. Buồn vì hứa với gia đình tết này sẽ về ăn tết với gia đình dù chỉ một ngày.

Nhưng đời lính là thế, nào ai biết được ngày mai…

Rời đài chỉ huy bước xuống phòng ngủ, đi ngang qua phòng ăn gặp mấy anh em đang tụm năm tụm ba tán chuyện. Thành gọi tôi lại:

- Tùng, mày có biết gì về chuyến công tác khẩn này không ?
_Ôi ! ba cái chuyện thay đổi công tác là bình thường chứ có gì, tàu mình là tàu xịn nên hay bị đì đó thôi.
_Đì gì, mấy năm rồi ăn tết ngoài vùng 1 không à, năm nay mới được cho vào vùng 3 ăn tết chưa ở được 1 năm Vũng Tàu lại không xong.

Thằng Kiệt trên phòng thám sát xuống, gương mặt tỏ vẻ nghiêm trọng.

_Có tin ra Hoàng Sa thay cho HQ10 vì hỏng một máy chánh gì đó!
_Sao không cho hộ tống hạm vào mà thay HQ10 nhỉ?

Nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa được rõ ràng. Lúc này con tàu lắc lư mạnh vì sóng mạnh đập vào. Đốt thêm một điếu thuốc tôi bước vào phòng ngủ. Đọc mấy trang sách gối đầu giường tôi vào giấc ngủ hồi nào không biết. Đêm khuya, gió lớn, con tàu chòng chành lắc lư mạnh vì chạy ngược sóng. Chợt tỉnh, nhìn đồng hồ trên tay đã hơn 3 giờ sáng, chưa tới giờ thay ca nằm nướng thêm một chút gần 4 giờ tôi dậy vệ sinh cá nhân xong, mặc thêm chiếc áo khoác để chuẩn bị nhận quart 04h00-06h00. Vào vội phòng căn tin tìm ly café, thấy tôi Minh hỏi:

_Uống gì?
-Ly café đá, hai điếu Capstan
-Chừng nào tới Đà Nẵng?
-Khoảng 4-5 giờ chiều vì tàu chạy 2 máy full
-Kỳ này đi bao lâu?
-Không biết nữa, công tác đột xuất mà.
-Chắc không về trước tết?
- Không đâu, đã ra ngoài này thì ít nhất cũng hơn một tháng

Minh đặt ly café xuống bàn cho tôi. Nhấp ngụm café cùng điếu thuốc đã đỏ trên môi cảm giác thật dễ chịu, sảng khoái. Thượng đế ơi, giả như có một thiên sứ nào dù là trai hoặc gái hiện ra hỏi tôi trong lúc này. Anh thấy gì với ngụm café và hơi thuốc vừa qua.

-Dạ thưa quá đã.

Thật vậy-một ngụm café, một hơi thuốc Capstan thần diệu ấy đã mang lại một sự sảng khoái đến khó tả. Mồi thêm điếu thuốc thứ hai trên tay tôi bước lên đài chỉ huy, đưa mắt nhìn rảo chung quanh. Những dãy núi trùng điệp phía bên phải chiến hạm cho tôi biết được tàu đang đi qua khỏi Nha Trang. Nhận bàn giao quart từ bạn đồng nghiệp. Tôi đo và lof vào chart point đầu giờ, ghi chép vào sổ nhật ký hải hành. Tính lại vận tốc tàu và xem độ lệch tàu bao nhiêu và ghi vào sổ đầy đủ. Công việc ổn định, tôi lấy ống nhòm ra quan sát vùng phía trước. Tàu chúng tôi đi cận duyên, chỉ cách đất liền khoảng 100 km nên ghe tàu đánh cá gặp rất nhiều. Tôi phải thường xuyên theo dõi đường đi để tránh và báo cáo với các đài khiển báo bên trong.

Sáng nay, biển trời vùng trung, trung bộ ướm lạnh, sương mù dày dặc, trời nhiều mây, tầm nhìn xa bị giới hạn. Công việc nhiều không cho phép tôi thả hồn theo sóng nước. Xa xa bên trong dãy núi Hòn vọng phu vẫn sừng sững ôm con ngàn năm mỏi mòn nhìn về biển cả. Một câu truyện thần tiên có từ ngàn năm đã để lại cảm xúc của bao nhiên văn nhân, thi sĩ ……….

Cứ thế, sai vài quart hải hành nữa, chiều nay con tàu đã cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Tâm hồn tôi cảm thấy nao nao khi nghĩ sẽ gặp được Diệp.

Giờ phút cập tàu cũng đến, đúng 4 giờ chiều, tôi bước vội xuống cầu tàu đi thẳng vào Câu Lạc Bộ Tiên Sa gọi điện cho em.

-Anh đã ra lại Đà Nẵng, em đến gấp nhé, có thể tối nay anh lại phải đi tiếp.

Diệp hoảng hốt nói:

-Sao gấp thế, không biết em có ra kịp không!
-Em cứ đi đi, thế nào rồi con tàu cũng đợi em.

Trở lại con tàu, giữa sân boong tôi thấy đầy những anh người nhái và hải kích, ngồi tụm năm tụm ba chơi bài tây. Tôi hiểu họ, trước giờ ra đi là đối mặt với sinh tử nên nhậu nhẹt, bài bạc với họ là chuyện thường tình.

Vẫn chưa biết chuyện gì sắp xảy ra nhưng linh tính cho tôi biết sắp có chuyện gì nghiêm trọng.

Tiếng loa phóng thanh trên tàu vang lên.

- Mời Giám lộ Tùng lên cầu tàu gặp người nhà.

Tôi ba chân, bốn cẳng chạy vội lên cầu tàu trong niềm vui rực rỡ. Tay nắm tay, đỡ em lên cầu tàu và đỡ gói quà trên tay em.

-Em mang gì mà nhiều thế.
-Nghe anh nói vậy em mang ít quà tết, dối mẹ mang cho anh ấy mà
-Thế em đi ba má có biết không?
-Không.

Sợ tối không kịp phà, tôi tranh thủ cầm xấp vải mà tôi đã mua ở Vũng Tàu để tặng em may áo tết.

-Màu xanh này em sẽ thích.

Diệp cười khẽ dạ

-Em đưa họ may gấp nhé.
-Dạ
-Nếu tết này không có anh, em cứ mặc vào vui tết cùng anh.
-Dạ- nàng bỗng đăm đăm nhìn tôi, không chừng nàng đã hiểu được điều gì. Nhìn khóe mắt nàng tôi nhận ra lăn tăn nhưng cơn sóng nhỏ và biển mặn …

-Anh đi Hoàng Sa hả?
-Ừa. .
-Tin tức mấy hôm nay đài, báo nói nghe dữ quá.
-Ừa.
-Chừng nào về báo cho em biết liền nha.
-Ừa.

Tôi cầm lấy tay em nắm chặt lại và thầm trách mình đã gieo rắc nỗi buồn vào tâm hồn Diệp, dẫn em ra cầu tàu tôi nói:

-Thôi, em về đi kẻo không kịp phà, tàu anh cũng sắp chạy rồi.

Nắng chiều đầu xuân yếu ớt, tôi thầm vái trời mong sao khi em về đến nhà những giọt nắng còn giữ nguyên để ba má nàng không biết.

Bước xuống phòng ăn nuốt vội chén cơm, tiếng loa máy lại vọng lên.

Mời tất cả khối hành quân lên phòng CIC (rada) họp. Tôi buông ly nước đi vội lên phòng. Mấy vị sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên khối hành quân đã có mặt gần đầy đủ.

-Nghiêm. Một người nào đó đã hô lớn –Hạm trưởng bước vào phòng.

Ông bước vào với trang phục của người đi tuần, không lon lá, không mang giày.

Hạm trưởng tàu HQ5 là một vị sĩ quan tốt nghiệp khóa 13. Hải quân Trung tá Phạm Trọng Quỳnh, người quê Bùi Chu. Dáng to khỏe, gương mặt tròn điềm đạm, người nhận lãnh Hạm trưởng hơn 1 năm nay. Ông bảo tôi:

Cậu vào phòng soạn tất cả các tài liệu về nhận dạng máy bay địch (máy bay Liên xô Mig 19, Mig 21) và tàu của Trung Cộng, cùng với hải đồ quần đảo Hoàng Sa). 15 phút sau trên tàu đã đầy đủ tài liệu. Sau khi mở các tài liệu máy bay và tàu địch ông bảo chúng tôi xem kỹ và cố nhớ…

Ông chậm rãi thọc tay vào túi quần đứng lên nhìn anh em một loạt và nói:

-Anh em thân mến! Anh em chúng ta là những quân nhân –Chúng ta chỉ biết tuân hành quân lịnh. Hôm nay, có lẽ đất nước rất cần những con người chúng ta và cũng có thể đây sẽ là dịp chúng ta trả nợ cho đất nước… rồi ông lặng đi trong chốt lát. Theo lệnh ông tôi mở tất cả hải đồ, hải trình đi Hoàng Sa, tôi đưa cho ông cây thước crass. Đặt thước vào tấm chart ông vẽ đường trực chỉ hải trình Đà Nẵng –Hoàng Sa 176 hải lý (gần 340 km).

10 phút sau nhiệm sổ vận chuyển vang lên. Mọi người nhanh chóng ghi vào nhiệm sổ. Đồng hồ trên tay tôi chỉ đúng 18 giờ.

Một lần nữa con tàu lại vội vã rúc lên máy tiếng còi dài báo hiệu sẵn sàng nhổ neo rời bến. Chiều Đà Nẵng vào những ngày cuối năm xuống sớm, bóng hoàng hôn mấy chốc đã bao trùm cửa biển, phía trước bên phải ngọn cù lao Tràm nổi trên mặt nước sừng sững hiên ngang như sẵn sàng che chở phong ba, bão táp cho vùng biển cửa Đại, Hội An. Phía sau là ngọn hải đăng Tiên Sa cũng đã thắp sáng, xa xa nhìn về Đà Nẵng cũng đã lên đèn, tôi thầm hỏi:

-chắc giờ này Diệp đã về nhà, và một lần nữa tôi thầm cầu chúc em về bình an, không bị ba má hay biết.

Tôi bàn giao quart cho người bạn kế tiếp và xuống phòng nằm nghỉ. Đầu óc tôi lại bắt đầu suy nghĩ cho chuyến hải hành.

HOÀNG SA MỘT PHẦN LÃNH THỔ VIỆT NAM CỘNG HÒA

Quần đảo Hoang Sa là một quần đảo nằm thẳng ra phía đông, cách Quảng Nam, Đà Nẵng khoảng 340 km. Tất cả những cù lao của quần đảo được chia làm hai nhóm: Nhóm Tuyên dức nằm ở phía bắc gồm có 9 đảo chính, nhóm Nguyệt thềm nằm ở phía nam gồm có 7 đảo chính.

Hoàng Sa (Pattle) nằm trong nhóm Nguyệt thềm ở phía nam có các đảo –Duy mộng –Quang hòa –Vĩnh lạc – Bách quy –Tri tôn và một số đảo nhỏ, những ghềnh đá san hô, đảo cát nằm san sát bên nhau, nổi chìm trên mặt nước không tên không tuổi.

Hoàng Sa là đảo lớn nhất nằm trong nhóm Nguyệt thềm, được tạo nên bởi những rặng khối san hô và cát. Diện tích đảo khoảng chừng 3 km2, nhưng chỉ có 1.5 km nổi trên mặt nước. Đảo chỗ cao nhất cũng chỉ khoảng 6m so với mặt nước biển. Trên đảo chỉ có cây cỏ, bụi rậm và những tảng đá nhỏ.

Hơn hai năm về trước. Hồi tôi còn ở hộ tống hạm Vạn kiếp HQ14, tôi đã có dịp đi Hoàng Sa rồi. Hồi đó tàu ra công tác chỉ chỏ mấy người nhân viên Nha khí Tượng Đà Nẵng để đổi nhóm nhân viên trước về nghỉ. Trên đảo có một cột cờ được xây bằng gạch với cimente cốt thép. Bốn mặt cột đắp hàng chữ VIỆT NAM CỘNG HÒA, đảo có một đài khí tượng. Nguồn lợi đặc thù của đảo Hoàng Sa và các đảo trong nhóm được khai thác có lẽ là phosphate (phân chim). Theo các tài liệu trước đó các đảo có thể khai thác trên dưới hàng triệu tấn.

Nhưng việc chính của vị thế quần đảo nhìn từ góc độ quân sự, chính trị thì quần đảo được xem như một tiền đồn để canh giữ và bảo vệ biên cương vùng lãnh hải của tổ quốc.

Đó là những gì tôi nhớ lại, hình dung trong chuyến công tác cách đây hai năm, trong chuyến đi lần đó tôi cũng chỉ là một thủy thủ mới ra trường được hơn một năm, lòng đầy nhiệt huyết với bao mong muốn hiểu biết đó đây, với khát khao được dệt mộng hải hồ. Chuyến đi đó đã cho tôi một bài thơ đầu tiên của đời thủy thủ:

Một lần rẽ sóng

Lùi xa tàu rẽ nước đi
Trời xanh, nước thẳm tàu thì nhấp nhô
Hoàng hôn trĩu xuống mơ hồ
Buồn theo mây tím, nhạt nhòa mờ xa
Ngày vui theo ánh dương tà
Cuốn theo dòng nước Hoàng sa một chiều
Tàu nghiêng nước rẽ buồn hiu
Gió chiều quyện thổi lạnh nhiều về đêm
Hoàng Sa trước mặt là thềm
Tàu vừa neo lại êm đềm chim bay
Rủ nhau bay vội về tây
Chim ơi cho gởi tấm lòng này đây
Sương đêm rơi nhẹ vai gầy
Như làn sóng đục như mây xây thành
Lô nhô sóng bạc vây quanh
Cây xanh, cát trắng như tranh họa đồ
Đảo hoang vu, sỏi đã khô
Lòng nghe ray rứt tái tê nỗi niềm
Hoàng hôn buông xuống im lìm
Thì thầm sóng vỗ, buồn chìm đêm thâu
Nhớ ai, ai nhớ trăng sầu
Sầu ai, ai đợi, ai sầu lấy ai
Ra đi một chuyến miệt mài
Ngày mai ai đợi, ngày mai ai chờ?

Còn bây giờ, đêm nay với chuyến đi này trên một chiến hạm to lớn hơn, oai hùng hơn, hỏa lực mạnh hơn. Đó là tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ5 (HQ5 có chiều dài 103m, ngang 24m, chiều cao tính từ sân cột cờ tới mặt nước khoảng 17m. Quân số đầy đủ 120 người gồm Hạm Trưởng cấp bậc từ Trung tá, Hạm phó, khoảng 30 sĩ quan từ cấp tá đến thiếu úy. Còn lại là hạ sĩ quan, thủy thủ.

ĐÀO VĂN THỌ
(Còn tiếp)