VRNs (02.07.2011) – Sài Gòn – Đất của DCCT tại Thái Hà, Hà nội đã bị chiếm gần hết. Nhà Dòng thì đã được nhà cầm quyền “mượn” làm bệnh viện Đống Đa mấy chục năm qua. Vì là cơ sở mượn, bệnh viện Đống Đa không được phép sửa chữa hay xây cất thêm. Một buổi trưa giữa tháng sáu vừa qua, sau giờ cơm, các Cha các Thầy nhìn sang bệnh viện, thấy một nhóm người nhốn nháo trên sân thượng, chỉ trỏ, đo đạc. Không biết họ có ý gì, nhưng nếu họ quyết định tự ý sửa chữa nhà, thì họ vi phạm nhiều điều, và chắc chắn sự việc sẽ không đơn giản.
Khi đứng trên lầu cao của tu viện Thái Hà nhìn bao quát tài sản của Nhà Dòng đã bị chiếm dụng, tôi cảm thấy nao lòng. Đành rằng Thiên Chúa không muốn con cái mình dính bén vào của cải trần gian, nhưng chắc chắn Ngài muốn họ sử dụng của cải chính đáng để làm vinh quang Ngài và làm cho anh em mình được hạnh phúc. Ngài cũng không muốn cho các tài sản ấy bị phân chia bất công. Và do vậy, việc thế gian chiếm dụng tài sản của con cái Chúa là điều đi ngược với ý định của Ngài và đi ngược mọi nguyên tắc luật pháp cũng như đạo đức.
Tôi chia sẻ với các Cha trong nhà Dòng hôm ấy về ý kiến của một vị nọ ở Sàigòn bảo rằng
“Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh không nói đến quyền tư hữu”. Vị ấy muốn bào chữa rằng việc đòi đất đai là không cần thiết. Ý kiến ấy hoàn toàn mang tính cá nhân, và chúng tôi cho rằng những người ủng hộ ý kiến ấy chưa thật sự đọc và hiểu Học Thuyết Xã Hội cho lắm.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không dùng từ “quyền tư hữu”. Nhưng Người nhiều lần nhắc nhở về đức công bằng, về việc không được chiếm đoạt tài sản người khác, phải trả lại cho người khác cái gì thuộc về họ.
Nếu chúng ta xem Thông Điệp Rerum Novarum của Đức Thánh Cha Leo XIII năm 1891 là mở đầu cho Học Thuyết Xã Hội một cách cụ thể, thì rõ ràng Học Thuyết Xã Hội bắt đầu bằng việc nhắc đến quyền tư hữu. Đức Thánh Cha không chấp nhận xã hội chủ nghĩa vì chủ nghĩa ấy bác bỏ quyền tư hữu của đại đa số dân chúng.
Trong bản tóm lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo do Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận khởi xướng và Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình tiếp tục thực hiện, đã nhắc đến quyền tư hữu ít là 30 lần. Khoản mục 178 nhấn mạnh: “Học thuyết Xã hội Công giáo kêu gọi nhìn nhận vai trò xã hội của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào”. Đây chính là lời dạy của Thánh Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes.
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dạy rằng “Truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm”, vì “mục tiêu phổ quát của của cải là một cách khẳng định chủ quyền vĩnh viễn và trọn vẹn của Thiên Chúa trên mọi thực tại và yêu cầu phải luôn đặt của cải phục vụ sự phát triển toàn diện con người và toàn thể nhân loại”.
Nhưng đồng thời Hội Thánh cũng xác quyết “coi định chế tư hữu, quyền có tư hữu và quyền sử dụng tư hữu cũng là một cách biểu hiện mối tương quan giữa lao động và tư bản”.
Vài minh chứng ấy cho thấy rằng với tư cách là Mẹ, Hội Thánh muốn con cái mình, và nhân loại nói chung, được quyền sử dụng những gì Thiên Chúa ban để sinh sống và để làm cho thế giới đẹp hơn mà không ai có quyền tước đoạt.
Cho đến bây giờ vẫn còn có người dùng lý luận “phải yêu thương” để sẵn sàng tuân phục cả những điều ngược lại với Giáo huấn của Hội Thánh. Câu hỏi “yêu nhưng mà yêu ai, yêu người giàu, người có quyền uy mà làm hại người nghèo thì có phải là tình yêu thật” vẫn được đặt ra và rất nhiều người không dám trả lời.
Cha Giuse Thoại DCCT chở tôi qua những con đường nhỏ và bụi bặm của Hà nội. Đi đâu cũng thấy những tài sản của Giáo Hội Việt Nam đã bị trưng dụng. Mới bị chiếm là cơ sở của Dòng Kín và Dòng Thánh Phaolô. Tôi bồi hồi khi đến Vườn Hoa Linh Địa Đức Bà Thái Hà và Vườn Hoa Toà Khâm Sứ Hà nội. Cũng may nhờ có những tiếng nói ngay thẳng và những buổi cầu nguyện mà những mảnh đất ấy biến thành vườn hoa. Nếu không thì bây giờ đất đã được chia năm sẻ bảy hết rồi.
Nghĩ cũng lạ. Người ta lấy của cải của Giáo Hội, lấy lý do làm công ích. Nhưng phải qua bao nhiêu gian truân thì “tư hữu” mới thành “công ích”. Không có những gian truân của dân Chúa tại Hà nội, “tư hữu” này đã biến thành “tư hữu” kia mất rồi.
Nhưng không chỉ ở Hà nội, mà đâu đâu trên đất nước này vẫn vang lên tiếng than van cho việc xâm phạm quyền tư hữu. Dân Cồn Dầu đang rên siết. Dân Thủ Thiêm vẫn kêu cứu. Các nhà dòng khắp nơi còn đang chờ tiếng nói công lý về các vấn đề tài sản. Người có quyền và có tiền vẫn cứ giàu lên. Tại sao thế? Ai lên tiếng cho công lý đây?
Một người có trách nhiệm bảo rằng cứ lo dạy cho con người về Học Thuyết Xã Hội trước đã, cứ lo chuyện Sida ma tuý trước đã. Vâng, cái gì cũng cần có ưu tiên. Nhưng nếu vì thế mà lãng tránh chuyện công lý ngay từ quyền tư hữu là điều đi ngược lại với giáo huấn của Hội Thánh.
Viết bài này từ những điều mắt thấy tai nghe ở đất ngàn năm văn vật, chúng tôi xin được nhắc lại rằng quyền tư hữu là điều được tôn trọng, dù cho ở những thời đại còn hoang sơ nhất. Cách đây hơn 3,800 năm, “Abraham từ giã quê cha đất tổ, đem theo vợ, cháu là ông Lót, và tài sản đi tới miền đất mới”. (Sách Sáng Thế chương 12).
Nếu có được điều ước, chắc nhiều người sẽ ước sống lại thời cổ đại ấy, để dù có ra đi, vẫn còn được mang theo tài sản của mình, còn hơn là sống thời đi đâu cũng nhìn thấy hai từ văn minh mà khi ở chính trên đất của mình, vẫn ngậm ngùi chưa biết lúc nào mới lấy lại được quyền sở hữu.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs