Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Trung Hoa: Những Thánh Giá mới trong thế kỷ 21 (2)

VRNs (02.07.2011) – Hôm qua, chúng ta đã đọc phần đầu của khảo luận của Anthony E. Clark là một giáo sư chuyên ngành lịch sử Trung Hoa tại Đại học Whitworth University và là tác giả của cuốn sách Các Thánh của Trung Hoa: Cuộc tử đạo Công Giáo dưới Triều Thanh, 1644-1911. Hôm nay xin mời quý độc giả đọc tiếp phần còn lại.



Giám mục mới, chia rẽ mới

Mặc dù tranh chấp đang diễn ra giữa Vatican và chính phủ Trung Quốc về việc ai có quyền lựa chọn các linh mục để tấn phong giám mục – một quyền mà Đức Giáo Hoàng độc quyền dành riêng cho mình – Hiệp hội Công giáo Yêu nước của TQ lại kiên định trong việc lựa chọn và ép buộc các tấn phong các giáo sĩ mà họ tin rằng có thể tạo ảnh hưởng chính trị. Trong tháng 11 năm 2010, Cha Joseph Guo Jincai được tấn phong giám mục tại Thành Đức mà không có phép của giáo hoàng, và Vatican đã phản ứng y như đã từng làm khi Ma Yinglin được tấn phong, với một chỉ trích mạnh mẽ về sự can thiệp của Trung Quốc vào quyền tự do tôn giáo.

Vụ tấn phong này chẳng những không góp phần gì cho sự tốt đẹp của người Công giáo tại Thừa Đức, nhưng còn đặt họ vào trong một tình huống rất tế nhị và khó khăn, cũng từ quan điểm giáo luật, và nhục mạ họ, bởi vì nhà cầm quyền dân sự Trung Quốc muốn áp đặt trên họ một mục tử không có sự hiệp thông trọn vẹn, hoặc với Đức Thánh Cha hoặc với các giám mục khác trên toàn thế giới.

Gây rối rắm thêm cho vấn đề là tám giám mục khác, tất cả đều hiệp thông với Rôma, bị bắt buộc phải tham dự nghi lễ và đồng tế, điều mà Đức Hồng Y Zen mô tả là “thật đáng xấu hổ” và “bất hợp pháp”.

Về phía họ, Vụ quản lý Tôn gíao của Nhà nước Trung Quốc trả đũa các khiếu nại của Vatican bằng cách khẳng định, “Lập trường của Vatican đã được mọi người biết đến. Nó hoạt động để thúc đẩy những ý tưởng chính trị dưới tiền đề tín ngưỡng tôn giáo, là điều rất nguy hiểm và sẽ gây tai hại nghiêm trọng cho sự phát triển lành mạnh của Đạo Công giáo Trung Quốc tại nước Trung Quốc…”

“Gần đây nhất, nhà cầm quyền Trung Quốc đã vận động để đặt GM Fang Xingyao vào bánh lái của Hiệp hội Công giáo Yêu nước, làm tổn hại thêm nữa mối quan hệ Vatican-Trung Quốc.

Cuộc bách hại đổi mới

Chẳng có gì bí mật về việc Marx chống lại định chế tôn giáo. Trong công trình nghiên cứu của ông năm 1843 về triết học Hegel, Marx đã viết: Cuộc đấu tranh chống lại tôn giáo là cuộc đấu tranh gián tiếp chống lại cái thế giới mà hương hoa là tinh thần tôn giáo …. Đây là thuốc phiện của người dân. Việc xóa bỏ tôn giáo như là thứ hạnh phúc ảo tưởng của người dân chính là đòi hỏi cho niềm hạnh phúc thực sự của họ.

Nói cách khác, sự dính bén tôn giáo, theo Marx, là một phương pháp của chủ nghĩa thoát ly ra khỏi thực tế xã hội bất công và đau khổ. Trong khi ông thực sự cho thấy rằng mọi người nên được kêu gọi để từ bỏ “ảo tưởng” của tôn giáo, Marx không đòi hỏi việc bách hại tàn nhẫn chống tôn giáo, được hô hào bởi các chính quyền độc tài toàn trị. Trong trường hợp của Trung Quốc, Giáo Hội Công Giáo chịu đựng gian khổ vì bản chất tôn giáo của mình, nhưng thậm chí nghiêm trọng hơn, vì nhận thức của nhà nước, rằng người Công giáo là một mối đe dọa cho việc kiểm soát quốc gia; quan niệm có phần nhân đạo của Marx, dù lừa dối, nhìn nhận việc giải phóng con người ra khỏi tôn giáo sẽ làm rõ nhận thức của họ về bất công xã hội – đã bị bóp méo trong chính sách cư xử của Trung Quốc đối với người Công giáo.

Và cách thế chính phủ diễn giải lại quan điểm chống tôn giáo của Marx đã biểu hiện như thế nào trên cộng đồng Công giáo tại Trung Quốc? Nó dẫn đến việc giết người và phá hủy gần như toàn bộ, tịch thu các tài sản Công giáo trong thời kỳ Mao (1949-1976). Ngay sau khởi đầu của năm 2011, người Công giáo tại Hà Bắc, là tỉnh xung quanh thủ đô của Trung Quốc, đã cho biết việc bắt giữ đột ngột và không có lời giải thích cha Peter Zhang Guangjun.

Vào ngày 13 tháng 01 năm 2011, công an gõ cửa nhà một gia đình Công giáo nơi cha Zhang đang đến thăm, và bắt cóc ngài, ngài đã từng chăm sóc mục vụ cho người Công giáo hầm trú trong vùng. Các nguồn tin ở Hà Bắc cho rằng chính phủ trấn áp các linh mục không mang “thẻ căn cước linh mục”, với hy vọng ép buộc hàng giáo sĩ Công giáo phải hoạt động dưới sự bảo trợ, giám sát của Hiệp hội Yêu nước. Khi bài tường trình này đang được viết thì tung tích của cha Zhang vẫn còn chưa được biết.

Ngoài ra, nhà cầm quyền Trung Quốc còn bắt giữ Đức Giám mục Joseph Li Liangui của Cangzhou (Xianxian) trong tháng 12 năm 2010 khi ngài từ chối tham dự Đại hội đại biểu Công Giáo toàn quốc do nhà nước tổ chức. Đức Giám Mục Li bị buộc phải đến dự các “buổi học tập”, và bị đe dọa bằng việc loại bỏ khỏi chức giám mục Cangzhou nếu ngài không “hối cải”. Các giám mục đã tham dự đai hội – tất cả, ngoại trừ GM Joseph Li – đã gặp một trong các quan chức cấp cao của đảng CS Trung Quốc, Giả Khánh Lâm, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thiên An Môn. Giả Khánh Lâm đã nhắc lại quyết tâm của chính phủ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài (nghĩa là, ảnh hưởng của giáo hoàng) trong các vấn đề của Trung Quốc, và một số các giám mục tham dự hội nghị đã từ chối giơ tay của họ trong quá trình bỏ phiếu. Các bàn tay không giơ lên của họ, tuy nhiên, vẫn được tính là phiếu bầu thuận bởi các quan chức nhà nước có mặt tại quá trình bầu bán đó. Đức Giám Mục Li từ sau đó đã được trả về lại cho nhà thờ của mình, nhưng tánh ngoan cố của ngài không thể không gây chú ý, và một số đã dự kiến là ngài phải được thay thế một khi chính phủ có thể kiếm được một vị ứng viên “chấp nhận được” để điền vào ghế của ngài.

Các vết thương cũ và những chữa lành mới

Cũng giống như Janus, một vị thần trong huyền thoại Hy Lạp, Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa vẫn có hai mặt, dường như cứ với mỗi thảm kịch và sự cố chia rẽ thì cũng lại có một chiến thắng và cơ hội để chữa lành. Ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục bất chấp lời yêu cầu của Vatican để ngăn chặn việc ép buộc tấn phong các giám mục TQ mà không có phép của giáo hoàng, và khi các linh mục và giám mục đang bị nhà nước bách hại, thì chính phủ lại chìa nhánh ô liu đến các giám mục Công giáo tại Đài Loan.

Tổng thư ký của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, Liu Yuanlong, đã dẫn đầu một phái đoàn Đại lục vào đầu tháng 1 năm 2011 để thảo luận về cách làm thế nào để cải thiện mối quan hệ giữa người Công Giáo Hoa lục và những người Công giáo ở Đài Loan. Liu xác định mục đích ông ghé thăm Đài Loan là nhằm “tăng cường sự hiểu biết, hòa hợp và hòa bình thông qua các loại trao đổi, và cuối cùng đi đến hướng thống nhất”. Vị đại diện của Hiệp hội Yêu nước không nói rõ liệu mong muốn của Đại lục về “thống nhất” liên quan đến Giáo Hội được công nhận của Trung Quốc và Vatican, hay đơn giản là sự thống nhất của đại lục với những người Công giáo tại Đài Loan. Dù cho bất kỳ động lực gì đã mang các quan chức Trung Quốc đến Đài Loan, nó có thể được xem như là một bước đi tích cực hướng tới việc bình thường hóa tình hình Giáo Hội tại Trung Quốc.

Khi đến thăm Vương cung Thánh Đường CG lộng lẫy tại Quý Dương, gần nơi các vị tử đạo đã đổ máu của mình, tôi đã hỏi cha Liu Xianjun, một linh mục Giáo Hội công khai, là điều gì mà người Công giáo Trung Hoa mong muốn nhất. “Điều chúng tôi muốn trên tất cả mọi thứ là Đức Giáo Hoàng có thể được tự do đi lại trên đất nước Trung Hoa,” cha Liu nói. Lịch sử của Giáo Hội tại Trung Hoa không phải là không giống như lịch sử của Giáo Hội tại Rôma. Cũng giống như các Kitô hữu Rôma, các Kitô hữu tiên khởi tại Trung Hoa bị đàn áp khắc nghiệt và tử đạo, từ máu của các vị tử đạo Giáo Hội đã tăng trưởng, và ngày nay Trung Hoa tự hào có các vị thánh của riêng mình để kính nhớ trong Thánh Lễ. Nhưng vẫn còn có một sự khác biệt bi thảm dai dẳng: chưa từng có một Vị Giáo Hoàng nào đến thăm được Trung Vương quốc (Middle Kingdom). Chính trung tâm của sự hiệp nhất Kitô giáo đã bị cấm cản khỏi đoàn chiên của mình tại quốc gia lớn nhất thế giới, và bầu khí chính trị của Trung Quốc hiện nay, vẫn nằm dưới cái bóng của Mao, không có dấu hiệu gì cho thấy việc mở cửa bức Vạn Lý Trường Thành để đón vị giám mục thành Roma.

Trong thực tế, các căng thẳng giữa Trung Quốc và Vatican đã đạt đến đỉnh mới, đặc biệt là sau lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI tại Thánh Lễ Nửa đêm 2010, rằng thông điệp tinh thần của Giáng sinh “sẽ tăng cường tinh thần đức tin, sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm cho các tín hữu của Giáo Hội tại Trung Quốc”, tấn công mạnh vào chính phủ Trung Quốc trong việc áp đặt các hạn chế trên “tự do tôn giáo và lương tâm. Đức Giáo Hoàng sau đó đã kêu gọi Giáo Hội tại Trung Quốc chịu đựng sự “phân biệt đối xử và ngược đãi” áp đặt lên GH tại đây. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tái khẳng định chiến tuyến cũ giữa họ và Vatican. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao chính phủ tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng phía Vatican có thể đối mặt với những sự thật về nền tự do tôn giáo của Trung Quốc và sự phát triển của đạo Công giáo, và tạo điều kiện thuận lợi cho sự cải thiện mối quan hệ Trung Quốc-Vatican thông qua những hành động cụ thể”. Trong khi các hiệp ước cấp thấp đã phát triển giữa Hiệp hội Yêu nước TQ và các giám mục Công giáo của Đài Loan, các đối kháng cấp cao cũng đã gia tăng giữa Đảng CS Trung Quốc và Vatican.

Trong cuốn sách của James Meyers về Giáo Hội dưới chế độ cộng sản, có viết: “Số phận của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc trong những năm qua kể từ năm 1949 đã gắn liền với những biến chuyển khúc khuỷu trong việc nội trị của nền chính trị Trung Quốc”. Ngày nay chính sách nội trị đã dứt khoát chuyển hướng tới một chủ nghĩa biệt lập mới dựa trên cơ sở truy tầm sự thống trị nền kinh tế thế giới của TQ, được xây dựng trên chủ nghĩa dân tộc cao độ. Bằng việc xác định rõ ràng vị thế của mình đối với các nước ngoại quốc-Trung Quốc chống lại tất cả mọi nước khác, thậm chí các nhóm tôn giáo của nó cũng phải độc lập như thế. Do đó, đạo Công Giáo La Mã là vấn đề khúc mắc tại Trung Quốc ngày nay chính vì nó được xem là thiên nhiều về “La Mã” hơn là “Trung Quốc”. Các “hoàng đế” mới của Trung Hoa cũng nghi ngờ tôn giáo nước ngoài như những hoàng đế cũ của nó, và khi mà hàng giáo phẩm của Giáo Hội bị kèm gần với móng vuốt của hoàng long, họ sẽ vẫn sợ hãi để lên tiếng và thi hành chức năng trong sự tự do.

Anthony E. Clark, PhD
Phạm Hương Sơn chuyển ngữ

(*) ĐHY Phạm Minh Mẫn là phẩm chức cao cấp nhất của GHCG đã cấp thời đến viếng thăm Ma Yinglin trước tiên, ngay sau khi Ma được tấn phong bất hợp pháp và vừa bị Tòa Thánh phạt vạ tuyệt thông. Chuyến viếng thăm kéo dài từ ngày 24 đến 29 tháng 9, 2007 theo lời mời của Vụ Quản lý Tôn giáo TQ, được ĐHY Phạm Minh Mẫn mô tả là “ấm cúng và thân thiện đầy tình anh em”. Ngoài GM Ma, ĐHY Mẫn cũng hội kiến với Ngài Anthony Lưu Bách Niên, Phó chủ tịch CCPA cùng các quan chức Đảng và Nhà nước khác của TQ. Chuyến viếng thăm của ĐHY Phạm Minh Mẫn đã tạo ra rất nhiều oán than và đau khổ từ các tín hữu trong cộng đồng CG hầm trú tại Côn minh.