VRNs (30.07.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm (IV A 40), ngày 31.07.2011, Chúa nhật XVIII Thường niên Năm A: Mt 14, 13-21
1) Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay tường thuật lại Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều
Bốn sách Phúc Âm kể lại cho chúng ta đến sáu lần Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông theo Ngài nghe giảng về Nước Trời:Mt 14, 13-21; 15,32-39; Mc 6,30-44; 8, 1-9; Lc 9,10-17; Jn 6, 1-15).
Các phép lạ biến nước thành rượu, hóa bánh và cá ra nhiều, chữa trị các bệnh tật, nếu chúng ta xếp đặt lại, chúng ta sẽ thấy rằng các bài tường thuật trên chiếm đến hơn 1/3 toàn bộ Phúc Âm. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể, Ngài là Thiên Chúa hội nhập vào cuộc sống nhân loại của chúng ta, mặc lấy thân xác như chúng ta, kinh nghiệm hạnh phúc, lo âu và đau khổ cuộc sống của chúng ta, giảng dạy về Nước Trời để định hướng con đường chúng ta phải đi theo tìm đến thiên Chúa nguồn hạnh phúc bất diệt và trực tiếp can thiệp, chữa trị và cung cấp thức ăn để làm vơi bớt những những nỗi bất hạnh của con người.
Đám đông đi theo nên Người phải can thiệp.
Nếu đọc đoạn Phúc Âm trước bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta sẽ thấy rằng Chúa Giêsu can thiệp hóa bánh và cá ra nhiều, dường như Ngài bị đặt trong tình trạng bắt buộc phải can thiệp.
Sau khi có tin vua Erode chém đầu ông Gioan để làm vừa lòng cô vữ nữ , con gái bà Herodia, Chúa Giêsu ra đi, lui về trú ngụ ở một nơi hoang vắng:
– “Nghe tin ấy (vụ chém đầu ông Gioan), Đức Giêsu lành khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chổ hoang vắng riêng biệt”( Mt 14, 13).
Đây không phải là lần đầu tiên trong Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa Giêsu lánh ra đi vào nơi hoang vắng để tránh cho Ngài và cho các môn đệ tình trạng căng thẳng và cũng để tĩnh tâm yên lặng cầu nguyện với Cha Ngài về những khó khăn xảy ra cho sứ mạng đang thực hiện:
– ” Còn anh em khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cữa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suôt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em” ( Mt 6, 6).
Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta nhiều lần khác nữa, cứ mỗi lần Đức Giêsu lánh ra đi vào nơi hoang vắng, thì đoàn lũ đông đảo dân chúng kéo đến tìm Ngài. Và mỗi lần gặp dân chúng là công cuộc ” ẩn dật tĩnh tâm” bất thành: Ngài đứng ra can thiệp để làm vơi bớt những lo âu, bất hạnh của họ.
Khi nghe tin ông Gioan bị bắt:
– “Chúa Giêsu nghe ông Gioan bị nộp, Người lánh qua miền Galilea. Rồi Người bỏ Nazareth đến Capharnaum, một thành ven biển hồ Galilea, thuộc địa hạt Zabulon và Neftali…Ở đó chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: anh em hảy sám hối, vì Nước trời đã đến gần” (Mt 4, 12.17).
Cũng vậy sau khi chữa khỏi người bại tay trong ngày sabat,
– ” …nhóm pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Chúa Giêsu. Biết vậy chúa Giêsu lánh ra khỏi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và người chữa lành hết ” (Mt 12, 14-1
Còn nữa:
– “Ra khỏi đó Chúa Giêsu lui về miền Tiro và Sidone, thì này có một người phụ nữ Canaan ở miền ấy đi ra kêu lên rằng: Lạy Ngài là con vua David, xin dũ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị qủy ám khổ sở lắm!… Bấy giờ Chúa Giêsu đáp: Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy. Từ giờ đó con gái bà được khỏi” (Mt 15, 21.28).
Một trường hợp khác:
– “Chúa Giêsu ra khỏi miền ấy, đến ven hồ Galilea. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Isarael ” ( Mt 15, 29-31).
Qua những đoạn Phúc Âm vừa trích dẫn, chúng ta đã thấy được lòng thương của Thiên Chúa đối với đám đông, đối với mỗi người trong chúng ta.
Lời cầu nguyện của đám đông, “họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành”, sự hiện diện của họ, sự hiện diện của chúng ta trước mặt Ngài, đã làm cho Thiên Chúa ” đổi chương trình”: thay vì tìm nơi vắng vẻ để ở yên lặng một mình, Đức Giêsu “phải ra mặt” để đáp ứng lại ước vọng của con cái Ngài:
– “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” ( Mt 14, 14).
– ” Nầy bà, lòng tin của bà thật mạnh, bà muốn sao thì sẽ được vậy. Từ giờ con gái của bà được khỏi” ( Mt 15, 28).
– ” Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành…, kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù được thấy…”( Mt 15, 31).
Tình Cha con của Chúa đối với chúng ta là vậy:
– “Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương…, vì họ lầm thang vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36).
– “Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cân gì, trước khi anh em cầu xin ” (Mt 6, 7-8).
Ngay cả lúc chúng ta sa lỡ xúc phạm đến Ngài, tình thương bao dung của Ngài dành cho chúng ta cũng không có gì thay đổi, chỉ cần một cử chỉ tối thiểu phục thiện là Ngài sẵn sàng ôm chầm chúng ta vào lòng để tha thứ:
– “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để ” ( Lc 15, 20).
2 ) Hai phép lạ hóa bánh ra nhiều
Đoạn Phúc Âm của phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều Chúa Nhật hôm nay là phép lạ thứ nhất được Thánh Matthêu thuật lại (Mt 14, 13-21).
Cách không xa mấy, Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh lần thứ hai để nuôi đoàn người đi theo Ngài nghe giảng về Nước Trời.
Cũng vậy, lý do thúc đẩy Ngài làm phép lạ lần thứ hai hoá bánh ra nhiều cũng chính là lý do của những lần làm phép lạ hóa bánh và chữa bệnh tật khác:
– “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn.Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15, 32).
Nhưng lần làm phép lạ nầy, Chúa Giêsu thực hiện ở vùng ven biển hồ Galilea, vùng gần thành phố Tiro và Sidone, vùng đất của dân ngoại (so với dân Do Thái).
Điều đó cho thấy rằng Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và can thiệp, nâng đỡ con người khỏi những bất hạnh của họ không phải chỉ nhằm cho người Do Thái, mà cho cả dân ngoại đạo, cho tất cả mọi người:
– “Chúa Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven biển hố Galilea. Người lên núi và ngồi đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân và Người chữa lành” (Mt 15, 29-30).
Trong Phúc Âm của Thánh Matthêu, những lời tường thuật của Ngài chứa đầy ý nghĩa tượng trưng cho tư tưởng thần học.
Trước hết các động từ được dùng để chỉ tác động của Đức Giêsu khi Ngài làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều cũng là những động từ Đức Giêsu dùng khi lập phép Thánh Thể:
– “…Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ.” (Mt 15, 19)
Như vậy, phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều là tác động Đức Giêsu tiên báo cho phép Thánh Thể , Ngài sẽ lập sau nầy để tiếp tục ở giữa chúng ta và nâng đỡ chúng ta trong lo âu, nhu cầu và bất hạnh của chúng ta:
– “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Kế đến Chúa Giêsu giao bánh của phép lạ cho các môn đệ, để các ngài phân phát cho dân chúng. Điều đó cho thấy vai trò của cộng đồng Kitô giáo trong việc tiếp tục công cuộc rao giảng Nước Trời và ân sủng của Chúa Giêsu cho anh em Kitô hữu, cũng như cho mọi người:
– “Và môn đệ trao cho dân chúng” ( Mt 14, 19b).
Đám đông đi theo chúa Giêsu được ăn đầy đủ, thoả mãn:
– “Ai nấy đều ăn và được no nê” (Mt 14, 20),
mà các môn đệ không phải bương bã lo lắng, mua sắm chạy đôn chạy đáo:
– “Nơi dây hoang vắng và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về , để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn. Chúa Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 15-16).
Câu trả lời vừa kể của Chúa Giêsu cho các môn đệ, ngoài ra ý nghĩa thông thường, đừng quá lo lắng về vật chất, còn hàm chứa ý nghĩa: con người chỉ có thể no nê, hài lòng, hoàn toàn hạnh phúc, không phải đối với những gì do con người cung cấp, mà những gì Chúa ban cho: “Họ không phải đi đâu cả”, bởi vì ở đâu có Chúa là có tất cả.
Chúa là nguồn hạnh phúc hoàn hảo và bất diệt.
Trong công việc truyền giáo, rao giảng Nước Trời, không phải hành động theo tiêu chuẩn hiệu năng, kết quả rầm rộ là tất cả. Kết quả quan trọng không thể thiếu là tâm hồn con người có được “no nê” Chúa hay không. Những kết qủa khác có giá trị của nó, nhưng là những kết qủa phụ thuộc.
Việc thu góp những miếng bánh còn thừa được mười hai giỏ đầy cũng nói lên một ý nghĩa quan trọng. Mười hai giỏ đầy bánh tượng trưng cho những thúng bánh cho mười hai họ tộc Israel.
Việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều có được giới pharisêu, các kinh sư và kỳ mục tiếp đón nồng hậu không?
Có lẽ điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là Chúa Giêsu cũng dành tin mừng Nước Trời cho các họ tộc Israel. Phần dành cho họ vẫn còn đó, mười hai giỏ đầy, muốn vào Nước Trời, họ chỉ cần đến lấy, chỉ cần tham dự, nhập cuộc với đám đông dân chúng đang nghe Người giảng dạy. Họ cũng sẽ no nê như đám người theo Đức Giêsu .
Một ý nghĩa khác cũng phát xuất “mười hai giỏ đầy” bánh. Phần bánh còn lại được thu lượm để vào giỏ, dành cho những người đến sau, Do Thái hay không Do Thái cũng vậy. Mỗi người chúng ta là những đứa con, có phần trong trái tim Thiên Chúa. Ai trong chúng ta cũng có quyền gọi Chúa là Cha:
– “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” ( Mt 6, 9).
Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân và hoá bánh ra nhiều.
So sánh hai đoạn Phúc Âm tường thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều theo Thánh Marco và theo Thánh Matthêu, chúng ta thấy rằng sau khi ra khỏi thuyền Chúa Giêsu thấy đám đông, thì Ngài bắt đầu dạy họ:
– “Ra khỏi thuyền Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và người bắt đầu dạy họ nhiều điều…” (Mc 6, 34).
Trong khi đó thì Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Matthêu:
– “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ…” ( Mt 14, 14).
Và rồi cả hai Thánh sử Marco và Matthêu đều thuật lại cho chúng ta phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng được no nê.
Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, mặt lấy thân xác loài người như chúng ta, nhập cuộc vào cuộc sống nhân loại chúng ta, để can thiệp bằng lời nói
– “và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều”,
hay bằng hành động
– “và chữa lành các bệnh nhân của họ”,
– “Người cầm lấy bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho các môn đệ “.
Bằng lời nói và hành động Chúa Giêsu can thiệp vào cuộc sống của dân chúng trong thời buổi của Ngài, để nâng đỡ họ khỏi những lo âu và khốn cùng của họ.
Cách hành xử đó, Ngài ủy thác lại cho các môn đệ và cho chúng ta, con cái của các môn đệ và của những tín hữu Ki Tô giáo đầu tiên, ủy thác bằng sứ mệnh:
– “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Jn 20, 21),
– “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ , làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyên cho anh em” (Mt 28, 20),
và bằng động tác:
– “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho các môn đệ. Và các môn đệ trao cho dân chúng ” (Mt 14, 19).
Người môn đệ Chúa Kitô không những có phận sự
– “dạy họ tuân giữ mọi điều Thấy đã truyền dạy cho anh em”,
– mà còn “…trao cho dân chúng” những gì cần thiết cho cuộc sống, hay “họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hảy cho họ ăn”.
Chúng ta là ngưòi Kitô hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân, là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta đang làm gì trước đoàn thể đông đảo đồng bào chúng ta?
Chúng ta đã “dạy bảo” những gì và đã ra sức hành động gì trước cảnh đất nước chúng ta hàng năm có trên nửa triệu người tăng thêm bị truyền nhiễm bệnh Aids?
Hàng mấy trăm ngàn đứa bè gái 12, 13 tuổi và phụ nữ phải bán mình cho du khách tìm tình dục, để nuôi thân?
Hàng mấy trăm ngàn phụ nữ bị đày làm công nhân nô lệ và nô lệ tình dục cho những nước giàu có láng giềng?
Trên một triệu vụ phá thai chính thức mà Liên Hiệp Quốc có tài liệu và không biết bao nhiêu bán chính thức hay âm thầm?
Hàng mấy trăm ngàn đồng bào chúng ta đang bị đưa đi “lao động nước ngoài”, “xuất khẩu lao đông” làm việc với những điều kiện làm việc nghiệt ngã, bị bóc lột không thua gì nô lệ?
Chúng ta đã lên tiếng nói gì và đã có hành động gì trước những đau khổ đó của đồng bào ruột thịt chúng ta?
Giá Chúa Giêsu
– “trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành bệnh nhân của họ”
và Chúa Giêsu
– “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ. Và các môn đệ trao cho dân chúng “,
giá Chúa Giêsu hiện diện bây giờ ở giữa chúng ta, chúng ta có dám hãnh diện nhìn Ngài về cách hành xử chúng ta đang có không?
Hay chúng ta “nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe, không hiểu” (Mt 13, 13) ?
Hỏi để mỗi người chúng ta trả lời với Ngài.
NGUYỄN HỌC TẬP