VRNs (18.08.2011) – Madrid, Tây Ban Nha – lúc 20 giờ chiều tối ngày thứ ba, 16.08.2011 tại Quảng trường Cibeles ở thủ đô Madrid, trước sự hiện diện của lối 300 ngàn bạn trẻ, ĐHY Antonio Maria Rouco Varela, TGM Madrid, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha, đã chủ sự thánh lễ, cùng với 800 HY, GM, 8 ngàn linh mục đến từ các nước khai mạc Ngày giới trẻ thế giới (WYD) lần thứ 26.
Được biết đoàn giới trẻ Công giáo Italia sẽ sang Madrid với kỷ lục 110 ngàn người, chỉ đông sau nước chủ nhà tây Ban Nha tại WYD Madrid 2011 này.
Phút giây khai mạc
Tuy đã 8 giờ tối, nhưng mặt trời còn sáng và chiếu thẳng vào lễ đài, nên một số nhân viên đã phải che dù tránh nắng cho ĐHY chủ tế và một số vị khác. Văn bản phụng vụ được chọn cho thánh lễ là lễ kính Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, cũng là 1 trong 10 vị thánh Bổn mạng của Ngày giới trẻ thế giới năm nay.
Trong bài giảng thánh lễ, sau khi nồng nhiệt chào thăm mọi người đến Tây Ban Nha, ĐHY Antonio Rouco Varela nhắc đến mỗi liên hệ chặt chẽ trong một phần tư thế kỷ giữa Ngày giới trẻ thế giới với của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “người mà chúng ta cử hành thánh lễ kính tại Quảng trường Cibeles này ở Madrid, rất gần nơi mà chính Đức Cố Giáo Hoàng đã chủ sự 3 đại lễ vào năm 1982, 1993 và 2003.”
ĐHY nói tiếp: “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu quí là vị Giáo Hoàng của giới trẻ! Với Đức Gioan Phaolô II, một giai đoạn mới trong lịch sử đã bắt đầu, một giai đoạn chưa từng có trong quan hệ của Người Kế Vị Thánh Phêrô với giới trẻ, và do đó, có một quan hệ chưa từng được biết đến giữa Giáo Hội với giới trẻ: một quan hệ trực tiếp, kề cận, lòng với lòng, thấm đậm niềm tin nơi Chúa Yêsu Kitô, hăng say, hy vọng, vui tươi và lan tỏa cho tha nhân. Từ Ngày Quốc Tế giới trẻ đầu tiên ở Roma năm 1985 đến Ngày giới trẻ thế giới tại Madrid này, đã diễn ra một lịch sử thật đẹp về niềm tin, cậy, mến trong 3 thế hệ giới trẻ Công Giáo và không Công Giáo, họ thấy cuộc sống của mình được biến đổi trong Chúa Kitô và từ nơi họ nảy sinh vô số ơn gọi sống đời linh mục, đời sống tu trì thánh hiến, hôn nhân Kitô giáo và tông đồ”.
ĐHY chuyển các bạn trẻ đang hướng nhìn về D0ức chân phước Gioan Phaolô II sang Vị kế nhiệm thánh Phêrô đương nhiệm – Bênêđictô XVI, ĐHY Antonio Rouco Varela nói: “Hỡi các bạn trẻ đang hiện diện tại đây, và nhiều người khác, tuy muốn tham dự Ngày này ở Madrid, nhưng không đến được hoặc không muốn, các bạn là thế hệ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Thế hệ này không giống như thế hệ trẻ của Đức Gioan Phaolô II. Niềm khao khát của các bạn trong cuộc sống có những sắc thái đặc biệt. Các vấn đề và những hoàn cảnh sống của các bạn đã thay đổi. Sự hoàn cầu hóa, những kỹ thuật truyền thông mới mẻ, cuộc khủng hoảng kinh tế, v.v.. tạo nên những ảnh hưởng nơi các bạn, ảnh hưởng tốt cũng như ảnh hưởng xấu. Giới trẻ ngày nay, với những căn cội cuộc sống bị suy yếu vì trào lưu duy tương đối về tinh thần và luân lý lan tràn, ‘họ bị quyền lực thống trị bao vây’ (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày giới trẻ thế giới 2011,1), và không có những nền tảng vững chắc cho cuộc sống của các bạn trong nền văn hóa và trong xã hội hiện nay, và nhiều khi cả trong gia đình nữa… Chúng mạnh mẽ toan tính làm cho các bạn bị mất hướng trong hành trình cuộc sống: Làm sao đức tin của các bạn nhiều khi chẳng bị lung lay? Hơn những thế hệ trước đây, giới trẻ thế kỷ XXI đang cần gặp Chúa là con đường duy nhất hữu hiệu về đường tâm linh: con đường của người lữ hành khiêm tốn và đơn sơ tìm kiếm nhan thánh Chúa. Người trẻ ngày nay đang cần thấy Chúa Yêsu Kitô khi Ngài đến qua Lời Chúa, trong các bí tích, và đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Thống Hối, nơi người nghèo và đau yếu, nơi những anh chị em gặp khó khăn và đang cần được cứu giúp” (Bênêđictô XVI, sứ điệp, 4). Cần nhìn thấy và đối thoại thân mật với Chúa, Đấng yêu mến người trẻ và không đòi họ điều gì ngoài việc đáp lại tình thương của Chúa. Chủ ý của ĐTC Bênêđictô XVI, vốn yêu thương các bạn rất nhiều, cũng đi theo chiều hướng đó: Ngài mong ước cho các bạn cảm nghiệm trong tình hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo chân thật và sự cấp thiết cần biến cuộc sống của các bạn thành chủ đề Ngày giới trẻ thế giới năm nay, đó là ‘bén rễ và được xây dựng trong Chúa Kitô, kiên vững trong đức tin’ (Xc Cl 2,7)”.
Chuyến xe buyt nối mạng trước ngày khai mạc
Điều khác biệt của WYD Madrid với các lần trước là lần đầu tiên WYD được kết nối hoàn toàn với các mạng xã hội. Nên các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới với Facebook, Twitter … có thể lắng nghe, hiệp thông và phản hồi hay đối thoại trực tiếp với Ban tổ chức cũng như các tham dự viên WYD này. Hiện nay các trang mạng xã hội này đã được phổ biến bằng 20 thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt.
Gần 80 quản trị viên mạng xã hội, đến từ khắp năm châu, cố gắng tác nghiệp để không bị bỏ lỡ một chi tiết nào về những gì sẽ xảy ra từ ngày 16-21 tháng Tám nhằm mang đến cho tất cả các bạn trẻ những thông tin về cuộc hội ngộ Đức Tin này. Hiện có gần 350.000 người theo dõi trên các mạng xã hội khác nhau của WYD Madrid 2011.
Anh Pierre-Louis Reymond, quản trị viên trang Facebook tiếng Ả Rập và với hơn 2.200 người đang chia sẻ thong tin. Anh từng tham dự kỳ WYD Paris. Ở WYD Madrid này anh tình nguyện phụ trách việc đưa thông tin đến với người Ả Rập. “Tôi nghĩ rằng đây là một cách tốt để giúp đỡ những bạn trẻ và nói với thế giới về sự hiện diện của Đức Tin Kitô giáo ngay trong thế giới Ả Rập”.
Cô Kristina Poviliunaite cũng vậy. Người gốc Latvia, cô đã đến Madrid từ tháng Giêng 2011, để bắt đầu cuộc phiêu lưu thú vị là làm quản trị viên tiếng Lithuania cho WYD Madrid. “Tôi hài lòng với những gì tôi đang làm, bởi vì người dân đất nước tôi có thể tìm hiểu tất cả về WYD và đồng thời tôi muốn chia sẻ cuộc hội ngộ quốc tế lớn lao này với đắt nước Lithuania».
Theo dự kiến, ngày 19 tháng Tám lúc 14:00 tại Palacio de los Deportes de Madrid, tất cả những ai đã tham gia mạng xã hội trong những tháng qua được mới gọi đến với iCat. Điều này nhằm tạo ra một điểm hội ngộ về những trải nghiệm cá nhân và hy vọng sẽ mở một cuộc thảo luận về sự tham gia của họ trên mạng lưới.
Sở dĩ có sự đẩy mạnh về sự nối kết thông tin trên internet thế này là vì nhân ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2010, ĐGH Bênêđictô XVI đã mời gọi: “Các công nghệ kỹ thuật số tân kỳ đang làm biến đổi các mẫu hình truyền thông và quan hệ công chúng. Chúng có tiềm năng phi thường một khi được sử dụng để mang lại lợi ích cho sự hiểu biết và đoàn kết của con người. Chúng là một món quà thực sự cho nhân loại, và vì lý do này, chúng ta nên đảm bảo rằng hãy mang đến những lợi ích như thế cho tất cả mọi người và tất cả các cộng đồng, đặc biệt là người nghèo khổ và dễ bị tổn thương nhất. Chúng cũng đã khai mở con đường đối thoại giữa những người thuộc các quốc gia, các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau”.
Thuỵ Minh, VRNs
Tổng hợp