VRNs (18.08.2011) – Roma, Italia – Suy niệm Phúc Âm Mt 16, 13-20, Chúa nhật XXI Thường niên năm A, ngày 21.08.2011 (IV A 44)
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu muốn biết các môn đệ nghĩ thế nào về Ngài và về sứ mạng Ngài đang thực hiện, sau khi đã dạy dỗ các ông nhiều điều và cho các ông chứng kiến nhiều phép lạ.
Về con người của Chúa Giêsu và về sứ mạng của Ngài, trước kia Thánh Gioan Tẩy Giả cũng đã đặt câu hỏi:
- ” Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki Tô làm, liền sai các môn đệ đến hỏi Người: “ Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” ( Mt 11, 3 ).
Và Chúa Giêsu đã trả lời một cách gián tiếp về Ngài:
- ” Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kể điếc được nghe, người chết sống lại, kể nghèo được nghe Tin Mừng” ( Mt 11, 4-5).
Nhưng sau một thời gian sống chung với các môn đệ và thời gian Ngài sắp chịu khỗ hình cũng đến gần, ( Ngài sẽ tiên cáo cho các môn đệ biết cuộc thương khó của Ngài( Mt 11, 21-22) liền sau những gì Ngài hàn huyên với các môn đệ trong đoạn Phúc Âm hôm nay ( Mt 16, 13-20), chính Chúa Giêsu muốn biết các môn đệ nghĩ thế nào về Ngài, khi Ngài nghĩ đến việc các ông sẽ làm chứng về Ngài trong thời gian Ngài chịu khổ nạn và đến sứ mạng các ông phải chu toàn sau nầy.
Chúa Giêsu đặt câu hỏi về Ngài với các ông sau khi đã giảng dạy các ông bằng lời nói và bằng việc làm , từ đoạn Phúc Âm ( Mt 4, 17 ) đến ( Mt 16,20) kể cả những lời cảnh cáo.
Trong khoản các chương Phúc Âm vừa kể, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ:
– bài giảng trên núi hay về Tám Mối Phước Thật ( Mt 5, 1-12),
– bài giảng về truyền giáo ( Mt 10, 1-16),
– bài giảng bằng các dụ ngôn ( các chương 5-7; 10; 13).
– rất nhiều phép lạ Người làm để chữa các bệnh tật ( Mt 8, 13; 8,14; 8,16-17; 8,23-27; 8,28-33; 9,1-8; 9,18-26; 9,27-31; 9,32-34)
– và bao nhiêu lời giảng dạy khác cho đến 16,20.
Và những lời cảnh cáo về các lý thuyết và cách cư xử gương mù gương xấu của nhóm Pharisêu và Sadducêu:
– ” Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pharisêu và Sadducêu…Bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pharisêu và Sadducêu ” ( Mt 16, 5.12).
1 – Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?
Sau khi đã dạy dỗ và chuẩn bị mọi điều cho các môn đệ như vừa nói, Chúa Giêsu muốn biết những xác tín của các môn đệ đối với Ngài. Nhưng Ngài chưa đi thẳng vào vấn đề Ngài muốn biết, bằng cách đặt một câu hỏi xa xa:
– ” Người hỏi các môn đệ rằng: Người ta nói Con Người là ai?” ( Mt 16,13).
Có thể là một câu hỏi vô thưởng vô phạt, nên các ông không ngần nại trả lời:
– ” Các ông thưa: Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elia, có người lại cho là ông Geremia hay một trong các vị ngôn sứ ” ( Mt 13, 14).
Và rồi chiếc vòng vây được siết chặc,Chúa Giêsu đặt câu hỏi thẳng:
– ” Chúa Giêsu lại hỏi: Còn anh em, anh em bảo Thấy là ai? ” ( Mt 13, 15).
Với hai câu hỏi vừa kể, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu phân biệt ” người ta” với ” anh em “.
” Người ta” là những người ngoại cuộc, có lẽ họ đôi khi cũng có nghe những lời giảng dạy của Ngài và chứng kiến những phép lạ Người làm, nhưng họ không phải là ” anh em “, là những môn đệ đã từng chung sống với Người, đã chia xẻ với Người tình cảm, những lúc hạnh phúc cũng như những mối ưu tư. Và Ngưòi đã từng cắt nghĩa riêng cho các ông về ý nghĩa của các dụ ngôn:
” Các môn đệ đến gần hỏi Chúa Giêsu: ” Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? ” Người đáp: ” Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không…” ( Mt 13, 10-11).
– ” Các môn đệ lại gần Người mà thưa rằng: Xin Thấy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”( Mt 13, 36).
Qua câu trả lời của ” người ta”, mặc dầu ” người ta” chưa đươc biết xác thực về Chúa Ki Tô ( họ cho rằng Ngài là Gioan, Elia, Geremia hay một ngôn sứ nào đó sống lại), nhưng họ cũng biết Ngài là Đấng do Thiên Chúa sai đến như các ngôn sứ và Ngài đang thực hiện sứ mạng do Chúa giao phó.
Và đứng trước câu hỏi thẳng
– ” Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “,
chắc chắn các môn đệ đang ngập ngừng tìm ngôn ngữ tương xứng, thì đây một lần nữa Simon Phêrô thay mặt cho tất cả, bộc trực trả lời, bộc trực như tính tình của ông:
– ” Ông Simon Phêrô thưa: Thầy là Đấng Ki Tô , Con Thiên Chúa hằng sống” ( Mt 16,16).
So sánh câu trả lời của Thánh Phêrô trong Phúc Âm Thánh Matthêu và Thánh Marco, chúng ta thấy câu trả lời trong Matthêu súc tích hơn.
Trong Phúc Âm Thánh Marco, Simon Phêrô trả lời:
– ” Ông Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Ki Tô” ( Mc 8, 29).
Danh hiệu ” Con Thiên Chúa hằng sống” trong đoạn Phúc Âm liên hệ của Thánh Marco không được đề cập đến.
Tước hiệu ” Con Thiên Chúa” được đề cập ở một đoạn khác:
– ” Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu KiTô, Con Thiên Chúa” ( Mc 1,1).
Cũng vậy, chúng ta có thể thấy được tước hiệu ” Con Thiên Chúa ” trong Phúc Âm Thánh Gioan:
-” Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Ki Tô, con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”( Jn 20, 31).
Trở lại câu trả lời của Thánh Phêrô trong Phúc Âm Thánh Matthêu, cho chúng ta thấy rằng tước hiệu ” Con Thiên Chúa hằng sống” là tước hiệu được Thánh Phêrô dùng để định nghĩa rõ vai trò sứ mạng cứu rỗi của Đức Giêsu. Đới với Thánh Phêrô, Chúa Giêsu không những chỉ là ” Thầy là Đấng Ki Tô ” ( Christus: Đấng Được xức dầu), chứng tỏ Đức Giêsu là cao cả, thuộc dòng qúy tộc, là Con Thiên Chúa, được xức dầu vì thuộc hoàng tộc của Thiên Chúa.
Thêm vào danh từ ” Đấng Ki Tô ” , Thánh Phêrô dùng thêm tước hiệu ” Con Thiên Chúa hằng sống “, để chỉ sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu.
Ngài là ” Con Thiên Chúa hằng sống”, là Con Thiên Chúa, Đấng ban sự sống.
Như vậy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha ” ủy thác và sai đi ” để cứu con người khỏi sự chết của tội lỗi và đem lại cho chúng ta sự sống của Chúa Cha:
– ” Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy ( của Chúa Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Ngưòi đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” ( 2 Pt 1,4).
Như vậy xác định đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu là xác định niềm tin Chúa Giêsu là Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa và là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu rổi chúng ta: Con Thiên Chúa hằng sống.
2 – Trên Tảng Đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.
Trước lời tuyên xưng xác đáng của Phêrô đối với địa vị và chức vụ của mình, Chúa Giêsu khen ngợi ông Phêrô và đồng thời giao cho Phêrô trọng trách, như người La Tinh thường nói: ” Honor Onus ” ( Vinh dự đi liền với trách nhiệm nặng nề ):
– ” Nầy anh Simon con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy,Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi ” ( Mt 16, 17-18).
Câu trả lời khen ngợi vừa kể của Chúa Giêsu đối với Thánh Phêrô cho chúng ta biết rằng Thánh Phêrô ” thật là người có phúc” vì ông là người biết khiêm nhượng và khôn ngoan, đón nhận sự thật mạc khải từ Chúa Cha, chớ không phải vì ông là người thông minh tài ba lổi lạc, có kiến thức học lực thâm sâu.
Đức tin của chúng ta gồm có
– ơn Chúa ban cho
– và lòng tiếp nhận chân thành và tin cậy của chúng ta.
Trí óc khôn ngoan và sự nhẫn nại, học hỏi tìm kiếm là những yếu tố mở đường để chúng ta đi đến đức tin. Nhưng muốn có đức tin, chúng ta cần có ơn Chúa mạc khải và tâm hồn rộng mở đón nhận:
– ” …không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Đọc Phúc Âm Thánh Matthêu, chúng ta thấy Chúa Cha mạc khải Chúa Giêsu cho chúng ta ở một hoàn cảnh khác nữa, khi Chúa Giêsu được biến hình ra sáng láng:
– “ Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiêng từ đám mây phán rằng: Đây là Con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” ( Mt 15,5).
Hay lúc Chúa Cha mạc khải cho những kẻ bé mọn:
– ” Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn ” ( Mt 11, 25).
Và trong câu trả lời ngợi khen của Chúa Giêsu đối với Thánh Phêrô, nếu chú ý chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không bình luận về nội dung của niềm tin Phêrô đối với Ngài, vào chủ đề nói như chúng ta thường nói, Ngài không nói là Phêrô tin đúng hay sai, khi Phêrô trả lời rằng Chúa Giêsu là ” Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa hằng sống “.
Tất cả mọi sự chú ý của Ngài đều chuyển thẳng vào con người Thánh Phêrô, vào chủ thể, khi Ngài trả lời khen ngợiThánh Phêrô
– ” Này Simon, con ông Gioan, anh thật có phúc…”.
Dĩ nhiên là khi khen ngợi Thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã xác nhận là lòng tin của Phêrô xác đáng, bởi lẽ lòng tin đó do chính ” Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời ” mạc khải cho.
Nhưng Hội Thánh của Chúa không thể chỉ được đặt ở một câu quả quyết xác đáng về địa vị và sứ mạng của Chua Giêsu, mà là ở
– nơi con người có niềm tin sắt đá lãnh nhận sự mạc khải đó từ Chúa Cha
– và nổ lực khôn ngoan hướng dẫn cho Hội Thánh đó lớn mạnh, vượt qua những thử thách khó khăn.
Đó là ý nghĩa của lời ngợi khen đặt vào chủ thể, vào con người Thánh Phêrô
– ” Nầy anh Simon, con ông Gioan, anh thật có phúc”, vào đức tính bộc phát và sắt đá của ngài và liên quan đến việc trao quyền hướng dẫn Hội Thánh qua việc hứa sẽ trao chìa khóa Nước Trời để Ngài phục vụ anh em:
– ” Nầy anh Simon, con ông Gioan, anh thật có phúc…, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” ( Mt 16, 17-20).
3 – “Thấy sẽ trao chìa khóa Nước Trời”.
Chúa Giêsu liên tưởng đến lúc Ngài sẽ trao quyền cho Phêrô tiếp tục sứ mạng cứu rổi của Ngài, hướng dẫn Giáo Hội, sau khi Ngài sống lại và về cùng Chúa Cha.
Và sau khi trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời ( potestas clavium), theo ý nghĩa của các kinh sư trong Do Thái Giáo, có nghĩa là giao quyền cầm buộc hay cởi tha, quyền cấm đoán hay cho phép, để Phêrô phục vụ và hướng dẫn Giáo Hội.
Chúa Giêsu cũng giao cho các môn đệ khác để các Ngài cùng phục vụ cộng đồng dân Chúa như Phêrô:
– ” Thầy bảo thật anh em, dưới đất anh em cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc, dưới đất anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” ( Mt 18, 18).
– ” Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được khỏi, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ ” ( Jn 20, 23).
Như vậy Phêrô là vị lãnh đạo Giáo Hội được Chúa Giêsu giao cho mọi quyền cầm buộc hay tha thứ, cấm đoán hay cho phép để Ngài phục vụ dân Chúa. Phêrô là người đứng đầu giữa những người đồng hàng : ” Primus inter pares”, nói như người Latinh.
Phêrô
– có mọi quyền như các môn đệ khác ( inter pares),
– nhưng Phêrô là người lãnh đạo Giáo Hội ( primus ) , bởi vì trên con người của Phêrô ( trên chính chủ thể Phêrô) Chúa Giêsu thiệt lập Giáo Hội Ngài :
– “ Nầy anh Simon, con ông Gioan, anh thật có phúc…anhlà Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá nầy, Thầy sẻ xây Hội Thánh của Thầy…”.
Nhưng quyền hướng dẫn Giáo Hội của Phêrô, không chỉ được biểu thị bằng lời Chúa Giêsu khen ngợi, xem Phêrô là Tảng Đá nền tảng cho Giáo Hội, cùng với quyền dạy dỗ, cho phép hay cấm đoán của đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc hôm nay.
Chúng ta có thể đọc Phúc Âm Thánh Gioan chẳng hạn,Chúa Giêsu giao cho Phêrô chăn dắt cả chiên con và chiên mẹ của Ngài:
– ” Đức Giêsu hỏi ông Simon: Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em nầy không? – Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giêsu nói với ông: Hãy chăm sóc các chiên con (arnia) của Thầy”. ( Jn 21, 15).
– ” Người lại hỏi: Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? – Ông đáp: Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Người nói: Hãy chăn dắt các chiên của Thầy” ( Jn 21, 16).
– ” Người hỏi lần thứ ba: Này anh Simon , con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?…Ông đáp: Thưa Thầy , Thầy biết rỏ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giêsu bảo: Hảy chăm sóc các chiên mẹ (propatà) của Thầy” ( Jn 21, 17).
Còn nữa, khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, ông Phêrô như đại diện của nhóm môn đệ đang ở trên thuyền, cất tiếng hỏi Chúa Giêsu:
– ” Ông Phêrô liền thưa với Người: ” Thưa Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy” ( Mt 14, 28).
Trong Phúc Âm Thánh Luca, chính Đức Giêsu cầu nguyện cho Thánh Phêrô, để củng cố đức tin của Ngài như là đức tin của vị thủ lãnh, để một khi được vững tin Phêrô củng cố đức tin của các môn đệ khác:
– ” Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” ( Lc 22, 32).
Và trong Phúc Âm Thánh Gioan, cách hành xử kính cẩn của Gioan, người môn đệ được Chúa thương, đối với Phêrô cho thấy các môn đệ đều xem Phêrô là vị thủ lãnh của họ:
– ” Ông Phêrô và môn đệ kia liền chạy đến mộ…Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước.Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào…Ông Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó…Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin ” ( Jn 20, 3-8).
4 – Đối với chúng ta, Đức Giêsu là ai?
Câu trả lời Chúa Giêsu là ai của Thánh Phêrô chúng ta đã đọc và ai trong chúng ta cũng biết.
Nhưng có lẽ chúng ta đọc như một câu trả lời trong sách sử và có ý nghĩa ” Chúa Giêsu đã là ai?” trong lịch sử, hơn là ” Đức Giêsu là ai trong hiện tại “, đối với chúng ta.
Câu trả lời của Thánh Phêrô: Chúa Giêsu là
– ” Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa hằng sống”
đã qua rồi từ trên dưới 2000 năm nay, nhưng Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta:
– ” Nầy đây, trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel , nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ( Mt 1, 23).
– ” Và đây Thầy ở cùng anh em mỗi ngày cho đến tận thế ” ( Mt 28, 20).
Nếu Chúa Giêsu đã ngợi khen Thánh Phêrô, vì Phêrô biết và tin tưởng ở câu trả lời Đức Giêsu là ” Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì liệu chúng ta trong cuộc sống hiện tại có trả lời khẳng định như Phêrô không? Hay chúng ta trả lời ” nghe nói rằng, người ta cho rằng…” và chúng ta dễ dàng chấp nhận ý kiến, ý thức hệ, cách hành xử của người khác, dầu cho là ý thức hệ chối bỏ Đức Giêsu, ” Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa hằng sống” và chối bỏ con người với địa vị cao cả của mình là con Thiên Chúa?
Tệ hơn nữa, trong cuộc sống hiện tại
– chúng ta có xác quyết và hành động phù hợp với niềm tin ” Lạy Thầy, Thầy là Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa hằng sống”,
hay chúng ta mặc dầu có niềm tin trong nội tại, nhưng trước nghịch cảnh, trước quyền lực, địa vị và ân huệ, chúng ta im thin thít, án binh bất động, sống khoanh vỏ ốc để được an toàn, mặc cho ” men của bọn Pharisêu và Sadduccêu ” đang đem đến nhiều hậu quả trầm trọng cho dân tộc và quê hương?
Hay chúng ta đã biến chất, vì đã bị men của bọn Pharisêu và Sadduccêu dậy lên trong chúng ta?
Nếu Chúa Giêsu hiện diện ngay bây giờ trước mặt chúng ta, chắc chắn Ngài cũng sẽ không hài lòng với câu hỏi thứ nhứt Ngài đặt ra cho Phêrô:
– ” Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16, 13)
Chắc chắn Ngài sẽ đặt với chúng ta câu hỏi thứ hai, mà Ngài đã hỏi các môn đệ:
– ” Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” ( Mt 16, 15).
Chúng ta có dám thẳng thắng trả lời như Phêrô điều mình tin và chấp nhận mọi thử thách để hành động phù hợp với niềm tin không?
Hỏi để chúng ta tự trả lời trong lương tâm mình, trước mặt Chúa Giêsu.
NGUYỄN HỌC TẬP