Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Cầu nguyện cho công lý và hòa bình

VRNs (01.08.2011) – Sài Gòn
Vận nạn của dân tộc phải thắp nến cầu nguyện



Trong tháng ngày qua là những vận nạn của dân tộc Việt Nam phải gánh chịu. Trước tình trạng của những nạn nhân bất công, của sự đàn áp ngày càng tăng, trước nguy cơ đất nước bị xâm lăng, rất nhiều người dân yêu nước đã đứng lên đòi quyền tự do dân tộc và chống xâm lược. Tại Giáo xứ Đức mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ đồng, DCCT Sài gòn tổ chức thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân như cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, 2/8 tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ sẽ xử phúc thẩm, 10/8 giáo sư Phạm Minh Hoàng sẽ bị xử sơ thẩm, và những con dân Việt Nam yêu nước vào tối CN ngày 31/7/2011. Đây cũng là thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

Thánh lễ diễn ra long trọng sốt mến và đầy cung kính. Ai đến tham gia dự lễ cũng hiểu được tầm quan trọng của việc cầu nguyện, sự cung kính ấy được dẫn dắt bởi các cha đồng tế hiệp nhất DCCT và giáo dân. Thánh lễ thật sự đi vào lòng người và làm cho nhiều người phải thao thức suy nghĩ, nhất là khi linh mục chia sẻ lời Chúa. Ngoài ra những ngọn nến lung linh, huyền diệu cùng với lời nguyện cầu như dẫn đường soi sáng tâm trí của con người để tìm cho mình một lối thoát, khát vọng và tự do đích thực.

Anh Thanh Tùng tham gia thánh lễ cầu nguyện cho biết: “Sự kiện thắp nến cầu nguyện cũng như các thánh lễ do Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tổ chức cầu nguyện cho dân oan, cầu nguyện cho những người con dân đất Việt vì yêu nước thương nòi đã anh dũng thể hiện tinh thần của mình nhưng lại bị chính nhà cầm quyền rắp tâm hãm hại. Những sự kiện này không chỉ thu hút được đồng bào trong nước mà còn thu hút được sự chú ý của đồng bào hải ngoại ở khắp năm châu cùng hiệp thông, cùng nhau hướng về đất nước Việt Nam để cất lên lời kinh nguyện cho đồng bào, cho tổ quốc đang lâm nguy, cho những người vì yêu nước mà đang phải ngồi tù. Cụ thể là các diễn đàn, các cơ quan ngôn luận quốc tế đã tìm mọi cách để tiếp cận, truyền âm, truyền hình trực tiếp nhằm truyền tải thông tin và cùng nhau hiệp thông, chia sẽ nổi đau của dân tộc”.

Hành động thắp nến, đốt đèn được nhiều tôn giáo trong nước chú trọng, hướng về tâm linh, về Đấng mà họ thờ phượng để cầu nguyện nhằm khai thông khát vọng. Với những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những người yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam. Trong những ngày qua họ cố tìm một lối thoát khát vọng “tự do, đấu tranh cho quyền lợi và bảo vệ dân tộc”, tất cả những lối thoát ấy bị một lớp sương khói mù quáng dày đặc của nhà lãnh đạo được gọi là đảng cộng sản che lấp. Vì mù, nên họ không bao giờ thấy rất nhiều người dân của chính đất nước mình đã và đang phải sống khổ sở, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ốm đau không có tiền mua thuốc, xã hội xuống cấp về tất cả mọi mặt, đạo đức suy đồi, nhân dân lầm than khốn khổ, nước sắp mất, nhà nhà sắp tan rã.

Bên cạnh mù đôi mắt, nhà chức trách còn giả vờ điếc đôi tai, để rồi dân chúng gồng mình la lớn mà họ không bao giờ nghe thấy tiếng kêu xin, van nài, không bao giờ nghe tiếng kêu la rên siết của giới công nhân, lao động. Những người mà đời sống đang bị hành hạ hàng ngày vì vật giá leo thang, với đồng lương chết đói. Những nông dân trực tiếp làm ra của cải lúa gạo, nhưng đang bị đe dọa chết đói vì không có ruộng để cày, bởi đất đã trở thành sân gôn, khu nghỉ mát. Cũng vì câm, nên trước những đe dọa xâm lăng của Trung Quốc, họ không thể hay không dám lên tiếng chống cự mà chỉ dám “yêu cầu” và van xin để được yên thân như một thuộc địa nô lệ (!)

Tham gia thánh lễ còn có nhiều anh chị em lương dân



Tham dự thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho vận mệnh dân tộc Việt Nam, cho những người yêu nước bị bách hại, không chỉ có người Công giáo mà cả những anh chị em khác tôn giáo, và có cả những anh công an chìm được giao nhiệm vụ.

Khi được hỏi về cảm nghĩ sau khi tham dự thánh lễ, chị Thanh hiện đang sống ớ quận 1 cho biết, chị không phải là người theo đạo nhưng cũng hay đi lễ ở Dòng Chúa Cứu Thế với một người bạn. Chị nói: “Thánh lễ ngày hôm nay có nhiều chiều sâu hơn những thánh lễ xa quê chị từng tham dự”. Bài giảng của Cha hôm nay nói về tình liên đới, cảm thông, chia sẻ nó hơn hẳn những hô hào làm rùm beng nhưng không có hiệu qủa. Khi hỏi chị đi lễ ở nhà thờ lâu chưa? Chị trả lời là đi từ Tết đến giờ.

Anh Nguyễn Đình Trung đang sống ở quận Bình Thạnh cho biết: “Bài hướng dẫn thánh lễ của cha Quang Uy hôm nay rất đúng, rất sâu sắc, phản ánh đúng bản chất xã hội Việt Nam hiện nay”. Khi hỏi anh về vụ việc của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ (CHHV), như khơi đúng vào nguồn, anh nói ông CHHV rất giỏi, dám nói lên sự thật, anh cũng rất hay xem tin tức về vụ việc này, anh còn nói thêm: “Ông CHHV còn chưa nói đúng hết về cái xã hội này, ông chỉ mới nói có một phần nào đó thôi, anh mới đi công tác từ huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng về đến nơi và ghé vào tham dự thánh lễ luôn. Nếu em muốn biết thêm về cái xã hội này, chẳng cần đi đâu xa chỉ cần lên xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thì sẽ thấy rõ, đường đất đỏ vào mùa mưa bùn sình, trơn trượt đến nỗi phải quấn xích vào bánh xe để đi, đi có 7 cây số mà mất hơn tiếng đồng hồ. Tiền của chính phủ, của người dân ngoài đóng góp để mở đường bị chính quyền địa phương ăn chặn, chia trên chia dưới hết, và người dân bây giờ vẫn phải chịu cảnh mùa mưa lầy lội, đường xá trơn trượt, đi lại rất khó khăn”.

Một phụ nữ cho biết chị hiện đang là giáo viên môn Sinh của một trường cấp 3, chị cũng mới chuyển từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn. Theo chị, ngay chính trong môi trường giáo dục cũng đầy rẫy những bất công, bóc lột và chèn ép. Điều khiến chị day dứt nhất là chị vẫn chưa dám lên tiếng, chưa dám đấu tranh để nói lên những cái xấu xa, những cái bất công trong ngành giáo dục. Chị nói: “Nhiều người nghĩ chuyện học thêm là chuyện bình thường nên cái xấu vẫn tồn tại, nó là bóng đen và một ngày nào đó sẽ bao trùm tất cả. Học sinh bây giờ phải đi học thêm, phải đóng tiền, phải ngồi nghe những điều chúng không muốn nghe, không biết giáo viên giảng hay hay dở nhưng chúng vẫn cứ phải nhồi nhét vào đầu chúng những thứ chúng không muốn, những thứ chúng không hiểu”.

Chia sẻ với chúng tôi về một vài phát biểu bị xem là bằng chứng kết tội của một số anh chị em đang dấn thân cho công ích xã hội, anh Nguyễn Yên Dân nói: Yêu dân phải biết thương dân phải biết gắn mình với cuộc sống của dân, thông cảm chia sẻ những hạnh phúc những đau khổ, mất mát mà người dân phải chịu đựng, dù người dân có xúc phạm tới mình như thế nào đi chăng nữa, nhưng phải xét những xúc phạm đó nó nhằm mục đích gì? Nó có kéo danh dự của Đất nước đi lùi lại không?

Cũng theo ghi nhận của nhóm phóng viên có mặt tại nơi tổ chức cầu nguyện tối ngày 31/07/2011, thánh lễ thắp nến cầu nguyện cho Công Lý, Hòa Bình, cho những người con nước Việt vì yêu nước mà đang phải ngồi tù, một số bạn trẻ đã sử dụng laptop với USB 3G đã truyền âm, truyền hình trực tiếp thánh lễ cho những người không thể đến nhà thờ Kỳ Đồng cùng hiệp thông, trong đó có nhiều anh chị em ở hải ngoại.

Nhóm truyền thông Offline IV