VRNs (01.08.2011) – Úc Đại Lợi – Chuyện phiếm Chúa Nhật 19 Thường niên năm A
“Lời Mẹ ru con đến những khu vườn
Ru con trưa nắng (í a) trong mộng, cười ngon.
Ru mộng con thơm, lời Mẹ ru con nghe ra nỗi niềm.
Ru con nghiêng nằm con ngủ giấc tròn, cho mẹ ngồi trông…”
(Trịnh Công Sơn – Lời Mẹ ru)
(Rm 3)
Có lẽ cũng phải nói ngay ở đây rằng: ru cho con ngủ, vẫn cứ là chức năng của người mẹ, mà thôi. Và hơn nữa, ru con ngủ đến độ “con ngủ giấc tròn, cho mẹ ngồi trông…” thì chừng như, đó vẫn là đặc trưng/đặc thù riêng của mẹ Việt Nam, mà thôi. Phải thế không bạn? Phải thế không tôi?
Thật ra thì, với tác giả họ Trịnh, lời Mẹ Việt Nam ru, còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa như:
“Thuở mẹ ru, mẹ ru con ngủ,
Con ngủ trên mây, con ngủ trên mây
Tiếng khóc ban đầu, ban đầu
còn đau, còn đau, còn đau…”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Thật sự thì, tiếng “khóc ban đầu, ban đầu”, “còn đau, còn đau”, chắc gì là tiếng của con trẻ, mà có khi còn là tiếng của bà mẹ nữa, chứ không chừng. Như truyện kể, ở ngay dưới:
“Có chú bé con, cứ lon ton chạy đến bên mẹ rồi lại hỏi:
- Mẹ ơi, sao mẹ lại cứ khóc hoài khóc mãi thế hả mẹ?
- Tại vì… ừ, tại vì Mẹ là phụ nữ.
- Con vẫn chưa hiểu ý Mẹ muốn nói gì. Là phụ nữ, sao mẹ lại cứ phải khóc như thế?
- Mẹ có nói nhiều, thì con cũng chẳng bao giờ hiểu được điều ấy đâu. Sự đời là thế đó…
Thời gian trôi nhanh. Người con dấu yêu vẫn không tìm ra được câu giải đáp, chú bé lại lon ton đến hỏi bố:
- Bố ơi, sao mẹ lại hay khóc thế hả bố?
- Phụ nữ là thế đấy con à. Khóc, là bản chất của phụ nữ mà!
Chú bé con nay lớn dần thành trai tráng, còn rất trẻ. Dù thế, chú vẫn hỏi mình và hỏi người: sao phụ nữ, lại cứ phải khóc nhỉ?
Cuối cùng, thì người trai trẻ chạy đến bèn nhà hiền triết, rất kinh nghiệm, thì được vị ấy cho biết: “Khi xưa Thượng Đế tạo nên đàn bà, Ngài đã ban cho họ nhiều cung cách đặc biệt, khác hẳn nam nhân. Ở đôi vai, Ngài ban cho họ đủ sức cứng cát, để họ có thể đùm bọc cả và thế giới. Với đôi tay, Ngài tạo cho họ đôi tay mềm mại tươi mát. để, họ vỗ về nhiều yêu thương. Nơi tâm can, Ngài còn ban cho họ sức mạnh tiềm ẩn, công thêm lòng kiên nhẫn vượt mức chịu đựng, để các bà có thể cưu mang dỗ dành cả đàn con đông đảo. Ngài cũng phú ban cho họ lòng dũng cảm khó sánh vì, để họ có thể chăm lo nuôi nấng gia đình nhỏ. Cũng rất khó.
Khó đây là ở chỗ: họ có thể đùm bọc và phục vụ bạn bè/người thân cả khi người đó có xuôi tay, ngã gục. Có điều tuyệt vời hơn nữa, là: dù nhọc nhằn, mệt mỏi mấy đi nữa, các bà các cô vẫn chẳng khi nào hé miệng để vãn than, nỗi nhục nhằn. Thượng Đế lại cũng ban cho người phụ nữ phụ một tình cảm tươi mát, dễ chịu để các bà có thể thương yêu đàn con đông đảo, ở mọi nơi. Suốt đời. Cả vào lúc, đàn con lớn nhỏ cứ hè nhau làm mẹ mình đau khổ.Thượng Đế vẫn ban cho các bà một sức mạnh vô song, để còn nâng đỡ chồng chỏi mọi khuất tất, mỗi khi người chồng của mình vấp ngã. Làm như thế, Thượng Đế tạo dựng phụ nữ từ xương thịt của người nam. Để bảo vệ con tim của họ.
Không những thế, Ngài còn ban cho các bà tính khôn ngoan, sáng suốt để biết rằng: người chồng tốt, là nguời chẳng bao giờ làm tổn thương danh dự phụ nữ. Không khi nào phụ rẫy vợ mình. Có thế, người người mới thông hiểu được sức chịu đựng vô song, của bất kỳ người nữ nào khác. Chỉ phụ nữ, mới có thể đứng cạnh và đứng sau chồng mình, tạo thuận lợi cho chồng thành công. Nhằm giúp tất cả nữ phụ hoàn thành chức năng, Ngài trao phó, Thượng Đế lại đã ban thêm cho phụ nữ nguồn nước mắt dôi dào, dễ rơi trào. Thế nên, mỗi khi ta thấy người phụ nữ khóc, hãy đem bình an đến với họ, tự thâm tâm. Hãy trân trọng giọt “nước mắt ngà, của phụ nữ…”
Khóc, vào khi ru con ngủ, các bà mẹ đều có thể khóc bằng tiếng ru vời vợi, như ở dưới:
“Lời mẹ ru đêm vắng ngón tay hồng
Ru con khôn lớn ( .í… … a) con Rồng
Rồng Tiên con ngủ cho yên.
Một đời ru con nên mắt ưu phiền
đôi khi cũng ưu phiền con ngủ giấc hiền
Mưa nhỏ ngoài đêm lá đổ ngoài sân
Lá đổ ngoài sân để ru mẹ ngủ…”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Khóc, khi nhớ con, mẹ nào mà chẳng khóc bằng nuớc mắt, cũng rất thật. Chí ít, là khi, người mẹ để mất đi đứa con, chưa gặp mặt. Hoặc, khi lòng mình nhiều hối hận, hơn một lần trót dại. Nghe xúi dại. Và, cứ tưởng Đạo mình sẽ dễ dãi, cũng bỏ qua.
Khóc, nhiều khi, không chỉ là chức năng của riêng người mẹ. Mà là, cung cách diễn tả nỗi niềm chua cay. Nghẹn ngào. Khó bộc lộ. Khóc, có lúc, là hối hận triền miên, do sai sót. Không nắm rõ tình tiết luật lệ, ở Đạo Chúa. Như, câu hỏi của độc giả nọ gửi về ban biên tập báo The Catholic Weekly ở Sydney, với lời lẽ đơn sơ. Thật thà. Và dễ cảm thông như sau:
“Tôi lấy làm lạ, sao có một số báo Công giáo lại cứ cho rằng: việc nạo giết thai nhi, theo luân lý, chẳng bao giờ được cho phép làm thế, trừ khi sự sống của người mẹ có nguy cơ không cứu nổi, nếu sanh con. Nay, xin mạn phép hỏi linh mục rằng: quyết đoán như thế có đúng không? Trường hợp này là thế nào?(Một giáo dân)
Với đức thày nhà Đạo ở Sydney vốn rất nghe quen và chuyên trị về thần học/giáo luật, thì câu hỏi đây, tuy đầy thắc mắc, nhưng cũng dễ. Dễ, là vì xưa nay có bao giờ Hội thánh lại ung dung cho phép những chuyện như thế xảy ra đâu. Thế nên, lời bàn của Đức thày, ở đây, vẫn thế này:
“Ông bạn ngạc nhiên là phải. Bởi, có khi nào chuyện nạo phá thai lại được cho phép thực hiện cách dễ dàng như thế đâu. Cả khi sự sống của người mẹ khó có cơ cứu vãn nữa. Nhưng, hãy để tôi có đôi lời giải thích, cho minh bạch. Ngọn ngành.
Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đề cập rất dài về vấn đề này, trong tông thư có tựa đề là Evangelium Vitae (tức “Lời Sự Sống”) ban hành năm 1995. Nhận thấy có sự mù mờ dễ lẫn lộn trong đầu óc của rất nhiều người về định nghĩa thế nào là phá thai, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa rất rõ như sau: “Nạo phá thai có suy tính đơn giản vẫn là hành động giết người, cách trực tiếp/có cân nhắc, dù dưới hình thức nào cũng thế. Giết người, ngay giai đoạn đầu bản thể vừa hiện hữu, cho đến khi cưu mang và sinh đẻ.” (x. Tông thư Phúc Âm của Sự Sống #58)
Sau khi tóm tắt các luận cứ từ luật tự nhiên, ngang qua Kinh thánh, Truyền thống và Giáo huấn của Hội thánh, Chân Phuớc Gioan Phaolô II đã khẳng định với quyền uy đầy đủ của vị Giáo hoàng đương đại bằng ngôn từ không mờ tối, ngài còn nói rất rõ: Hội thánh nghiêm cấm việc phá thai, như sau: “Với quyền uy được Chúa ủy thác cho thánh Phêrô và các vị kế nhiệm của ngài cùng hiệp thông với các Giám mục –là các vị từng lên án việc phá thai trong nhiều trường hợp có hội ý cẩn trọng được lan truyền nhiều nơi trên thế giới, các vị đã đồng chấp thuận về tín lý này- Tôi tuyên bố rằng việc trực tiếp phá thai, là việc nạo giết thai nhi có ý thức coi đó như mục đích hoặc phương tiện, cốt tạo sự bất ổn nặng về luân lý, bởi đây là hành động giết người có chủ tâm. Rõ rang là, giết chết đi hữu thể vô tội.” (x. Tông thư Lời của Sự Sống #62)
Và Chân Phước Gioan Phaolô II cũng lặp lại lời khẳng định rằng giáo huấn này không luật trừ: “Không một ai, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, bằng vào bất cứ mục đích gì, ngang qua luật pháp gì lại có thể biến hành động tự nó đã phi pháp, lại trở thành hợp lệ được. Bởi, điều ấy nghịch với Luật của Chúa viết trong tâm khảm mỗi người, được chính lý trí của mình dạy cho mình biết, và cũng được Hội thánh công bố, cách minh nhiên.” (x.Tông Thư Lời Sự Sống như đã dẫn #62)
Qua Giáo huấn không sai sót này, rõ ràng việc nạo giết thai nhi chẳng bao giờ được biện minh, cho phải lẽ. Dù, có để cứu vớt sự sống của người mẹ, đi chăng nữa. Cũng không thể chấp nhận được. Chính Đức Chân Phước Gioan Phaolô II từng nói rõ: “Không hoàn cảnh nào. Cũng chẳng vì mục đích gì hết…” lại có thể biến việc nạo giết thai nhi thành hành động hợp lệ, được hết. Dù cho có sử dụng việc đó như cái cớ để cứu vớt sự sống của người mẹ, nữa.
Nói khác đi, việc này cũng đơn giản như sử dụng nguyên tắc ai cũng biết là cứu cánh biện minh cho phương tiện được (x. Rm 3: 8). Trực tiếp nạo giết thai nhi, vốn là hành động bất hợp lấy sự sống của chính mình được.
Thánh nữ Gianna Beretha Molla còn chỉ dẫn nhiều điều về vấn đề này. Là một bác sĩ khoa nhi người Ý có ba con rất kinh nghiệm về sinh sản, thánh nữ lại được chẩn đoán là ngay vào tháng thứ hai bào thai em bé có xơ bướu ở tử cung. Bác sĩ đề nghị bà hoặc nạo phá, bào thai hoặc cắt khối u độc ấy mới tránh được mọi rắc rối về sau. Bà bèn chọn giải pháp sau. Quyết tâm cứu thai nhi, bằng mọi giá. Cũng may, là vụ giải phẫu thành công cứu được thai nhi dù nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ. Và 7 tháng sau, khi phải quyết định, một là sự sống của chính mình hoặc của đứa con, thì bà nói với bác sĩ giải phẫu rằng: “Nếu các ngài phải quyết định chọn lựa chính tôi hoặc đứa bé, thì hãy cứ chọn đứa trẻ, đừng do dự. Tôi nhắc lại, hãy cứu em bé.”
Vào tảng sáng ngày 21/4/1962, Gianna sinh con gái bèn đặt tên cho bé là Gianna Emanuela. Và, bác sĩ làm đủ mọi cách cũng không cứu sống được cả mẹ lẫn con, nên một tuần lễ sau đó, tức ngày 28/4/1962, trong cơn đau đến cùng cực, bà đã kêu tên cực trọng mà rằng: “Lạy Đức Giêsu, con yêu Chúa hết long. Lạy Đức Giêsu, con yêu Chúa hết lòng hết linh hồn con. Con phú hồn con trong tay Chúa.” Và, bà đã trút hơi thở cuối cùng, ngay sau đó. Hưởng dương 39 tuổi. Và, chính Chân Phước Gioan Phaolô II là người đã phong thánh cho Gianna Beretta Molla vào ngày 16/5/2004.
Trong đời mình, thánh nữ Gianna Beretta Molla đã sống đích thực lời dạy của Hội thánh trong việc bảo vệ sự sống của thai nhi, hy sinh chính cuộc đời mình hơn là giết chết chính con mình. Có lần thánh nữ từng quả quyết: “Với tư cách là y sĩ, không ai được phép can thiệp vào sự việc này. Quyền của con trẻ có ngang bằng quyền của người mẹ, phải được sống. Không một y sĩ nào lại có quyền quyết định những việc như thế. Giết bào thai trong bụng mẹ, tức là mang tội tày trời, với nhân thế.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 20/11/2008, tr. 10)
Tội tày trời, bao giờ chẳng là thế. Chí ít, là theo luật Đạo. Luật tự nhiên. Luật của lương tâm. Trách nhiệm. Có nhân quyền. Người nhà Đạo, không có gì phải chối cãi. Không giống như người đời, ở ngoài đời, vẫn cứ ru ời ợi, nhưng lời ru còn vang vọng rất nhiều đời. Nhiều kiếp người, như sau:
“Lời mẹ ru như tiếng hát trên trời
ru con ru mãi (i…i… a…)
Nên người mẹ vui
Ru bạc tóc thôi
Đời mẹ ru con mây kia cũng buồn
Nên mây xa đường trần
con ngủ giấc hồng
cho mẹ tròn lưng
Thuở mẹ ru
mẹ ru con ngủ
Con ngủ trên mây
con ngủ trên mây
Tiếng khóc ban đầu
ban đầu
còn đau
còn đau
còn đau…”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Cũng một lời lẽ rất tương tự, thánh nhân nhà Đa vẫn từng ru dân con trong Giáo hội, để rồi hỏi:
“Sao ta không cứ làm điều dữ đi,
để nhờ đó mà được điều lành? ”
như có những kẻ vu cho chúng tôi nói câu đó.
Họ có bị kết tội cũng là đích đáng.”
(Rm 3)
Cũng trong tình huống rất “ru ời ợi”, thánh nhân còn khẳng định thêm:
“Người Do-thái chúng tôi có hơn gì người khác không?
Không hơn gì cả!
Quả thế, chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do-thái cũng như Hy-lạp
đều bị tội lỗi thống trị.
Như có lời chép rằng:
Không ai là người công chính,
dẫu một người cũng không;
chẳng ai có lương tri,
chẳng ai kiếm tìm Thiên Chúa.
Người người đã lìa xa chính lộ,
chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi;
chẳng có một ai làm điều thiện,
dẫu một người cũng không.”
(Rm 3: 9-12)
“Chẳng một ai làm điều thiện”. Phải chăng đó là một nhận định, về cách hành sử của người đời. Xưa cũng như nay. Một hành xử, nhìn theo nhãn giới của nghệ sĩ ở đời, sẽ như sau:
“Rồi một mai con đã lớn khôn rồi
con thôi thơ ấu (… …a)
Mẹ rời thật mau
Mẹ rời chiêm bao
Đời mẹ ru con bao lâu mỏi mòn
Nên lâu cũng mỏi mòn
Bây giờ mẹ nằm
Lá đổ ngoài sân..”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Hẳn bạn cũng như tôi, sống ở đời, chẳng dám quyết đoán những lời như thế. Bản thân tôi, đâu là người lành thánh, nên càng không dám nói. Và, cũng chẳng dám ru. Lâu lâu, giỏi lắn cũng chỉ dám quay về với chuyện vui ngưởi đời kể lể, mà nhận ra được chân lý nào đó. Chí ít, là thứ chấn (tình rất có) lý, của cuộc đời, ở phía chân trời nào đó, có những truyện kể rất ngắn để suy tư, như câu truyện ở bên dưới, rất ư là ngắn. Không khó hiểu. Dễ lựa chọn:
“Truyện rằng:
Ở ngoà toà hôm ấy, vị quan toà chất vấn bị can, bằng ngôn ngữ không mấy khó hiểu, như câu hỏi:
- Có phải bà là vợ của nạn nhân không?
- Chính là thế, thưa toà.
- Thế tại sao bà lại dính vào chuyện thúc ép ông nhà tự vẫn?
- Không phải thế đâu, thưa Toà. Tôi nói nhỏ với ông ấy có vài câu rất đơn giản, răng: “Này, tôi bảo cho mà biết: đừng có hòng Mà tính chuyện ly hôn với chẳng ly dị. Giữa tôi và đầu xe lửa, ông cứ việc chọn”. Và thế là ông ấy chọn cái đầu tầu khỉ gió kia, đấy chứ…”
Vâng. Chính thế. Rút cuộc một đời, chuyện gì cũng chỉ là lựa chọn chọn. Lựa chọn sự sống, của riêng mình, hay của ai đó. Chí ít, là con mình. Còn ở trạng thái thai nhi. Chọn ai và chọn gì cũng đều kéo theo một hậu quả. Có khi là sơ xuất, đến chết người. Cuối cùng, cuộc sống nhà Đạo cũng thế. Tức, cũng tùy vào lựa chọn của mỗi người. Bởi thế nên, vấn đề đặt ra hôm nay, chính là: Tôi sẽ chọn thứ gì đây. Niềm vui. Sống ích kỷ. Hay, huấn truyền cùng Lời Vàng của Hội thánh, rất Kitô? Câu trả lời xin dành cho tôi. Cho bạn. Cho mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai
Chỉ dám chọn cho mình,
một quyết định
liên can đến chính mình mà thôi.
Chẳng dám khuyên,
cũng chẳng chọn
giùm ai.
Bao giờ…