Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Đại phúc Cầu Bảo

VRNs (19.09.2011) – Ninh Thuận

Đoàn đại phúc

Chúng tôi rời Sài Gòn trên chuyến xe đêm, do cha xứ Cầu Bải sắp xếp, từ Sài Gòn đi Phan Rang – Tháp Chăm, từ 22:00, ngày 11 thì đến 05:00 AM, ngày 12.09.2011 có mặt. Giữa sân trước nhà thờ là tượng thánh nữ Têrêsa Hài đồng Yêsu, tiến sĩ Hội thánh, vị bổn mạng của giáo xứ.

Ngày đầu tiên dành cho những việc cần phải chuẩn bị, để đúng 18:00 PM, ngày 12.09.2011, chương trình Đại phúc bắt đầu.

Giáo xứ Cầu Bảo do cha là Gioan.B. Trần Minh Cương, làm chánh xứ và cha phó là Phêrô Nguyễn Minh Đảo. Hai cha đã đón đoàn thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế từ cửa nhà thờ, trao cho đoàn thừa sai thánh giá và dây stola, tượng trưng cho việc uỷ quyền mục vụ tại giáo xứ.



Cha GB. Nguyễn Minh Phương, trưởng đoàn Đại phúc Cầu Bảo

Đoàn đại phúc kỳ này có tất cả 7 thừa sai, với một đại thụ trong làng Đại phúc của Tỉnh Dòng, cha Antôn Phạm Văn Nam (sinh năm 1925), quý cha Giuse Hồ Đắc Tâm, bề trên nhà Sài Gòn, GB. Nguyễn Minh Phương, trưởng văn phòng tông đồ, Antôn Lê Ngọc Thanh, truyền thông Chúa Cứu Thế, GB. Hoàng Xô Băng, thành viên nhà Cửa Lò, Vinh Sơn Trần Trí Tuệ, phụ tá đệ tử Sài Gòn, và Anphong Trần Ngọc Hướng, phụ tá văn phòng Tỉnh.

Cha Antôn Nam tuy lớn tuổi, nhưng các bài đoản huấn và đại giảng vẫn rất đâu ra đó, nhất là phần đại phúc cho các linh hồn thì khó ai có thể làm tốt hơn ngài. Cha Hướng và cha Tuệ, tuy là linh mới (hai cha mới chịu chức cuối tháng 6.2011), nhưng các bài đại giảng cũng xứng đáng cho các cha anh cuối đầu bái phục.



Cha Antôn Phạm Văn Nam, một cây đại thụ của Đại Phúc Việt Nam

Cha Xô Băng, ngay ngày đầu tiên đã trở thành tâm điểm chủ ý của dân chúng. Ngày khai mạc, cũng là ngày tết Trung Thu, nên ngay sau thánh lễ, cha Băng đã trổ tài làm ảo thuật. Trước lúc biểu diễn các cha đã chọc ghẹo rằng cha Băng chỉ mới học làm ảo thuật từ tiền ra giấy thôi, còn từ giấy ra tiền chưa học, nên đừng ai đưa tiền thử nha, mất không đền được đâu. Thế mà từ bé đến lớn đều chết mê với các trò cắt dây, xé báo của cha. Dây đứt lại lành báo đã xét rách lại hoàn nguyên.

Kỳ đại phúc này do cha GB. Nguyễn Minh Phương làm bề trên, ngài đã trực tiếp làm tiền phúc, bạc bạc với cha chánh xứ, cha pho và Ban hành giáo để thiết kế chương trình cho phù hợp với nhu cầu của giáo xứ.



Cha Anphong Trần Ngọc Hướng đang hướng dẫn hành hương Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Theo đó, mỗi ngày từ 4:30 sáng bắt đầu đoản huấn, sau đó thánh lễ, rồi kinh sáng. Sau điểm tâm sáng, từ 7:30 AM, các thừa sai sẽ đi thăm gia đình giáo dân. Ở Cầu Bảo này, số gia đình Công giáo khoảng gần 200, nên các thừa sai đã hoàn tất trong ba ngày đầu. 13:30 trưa là giờ Kinh Chiều, lần hạt Mân Côi và chầu Thánh Thể. Sau đó tiếp tục thăm viếng. 17:00, tuỳ theo ngày mà có những nghi thức đặc biệt như làm phép và chúc lành cho các thai nhi, chúc lành cho trẻ em, đại phúc cho các linh hồn, … 16:00 chiều bắt đầu hành hương Đức Mẹ, kế đó là đoản huấn và vào thánh lễ.

Các đề tài chính trong suốt tuần Đại phúc theo thứ tự gồm: Hồng ân đại phúc (c. Phương), Thiên Chúa là Cha tốt lành (c. Thanh), Chúa Yêsu là Đấng cứu chuộc (c. Tâm), Chúa Thánh Thần (c. Băng), Lời Chúa sáng soi (c. Hướng) và Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu (c. Nam).

Phần chiếm nhiều thời gian và cũng là nét đặc trưng của Đại phúc là thăm viếng các gia đình. Kinh nghiệm của các thừa sai cho biết, việc họ đến thăm nhà chỉ là một tác động nhỏ bên ngoài, còn tác động chính mang tính dẫn dắt ơn cứu độ lại chính là cuộc viếng thăm của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến từng gia đình cho thời kỳ tiến phúc. Do đó các thừa sai hay bảo nhau khi đi nhớ mang theo cái gì để đựng ơn Chúa.

Tại giáo xứ Cầu Bảo, việc này cũng không ngoại lệ. Có người cho biết, đã 20 năm sống với một gia đình Công giáo ngay trước mặt mà không biết, cho đến khi Đức Mẹ đi qua thì mới ngỡ ra, họ cũng là Công giáo như mình.

Ở giáo xứ Cầu Bảo, các cháu thiếu nhi có lòng yêu mến Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đặc biệt. Các cháu thi nhau viết lời khấn cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, cho những người bạn chưa có đạo và cho chính mình. Các cháu xin những điều cụ thể đang xảy ra trong gia đình và trong giáo xứ. “Xin Đức Mẹ cho bác con khi say rươu đừng có chửi bà nội con”. “Xin Mẹ ban cho mẹ con có việc làm, cho gia đình đỡ cực”. “Xin cho con va ban con ngoại đạo được học giỏi”. Đặc biệt có lời nguyện thiết tha cho cha xứ, cha phó, cha phụ tá, sơ thầy phục vụ trong giáo xứ… v.v…

Để cảm hết về Đại phúc ở Cầu Bảo, chúng ta nên tìm hiểu thêm về chính giáo xứ này.

Nguồn gốc giáo xứ Cầu Bảo

Theo tư liệu của giáo phận Nha Trang thì họ Cầu Bảo, hay cầu Bà Bảo, nằm trên quốc lộ 27 cách Thị xã Phan rang 3,5 km và cách Ðà lạt khoảng 100 km, bên cạnh Ga xe lửa Tháp Chăm.

Họ khai sinh khoảng năm 1940 với một vài gia đình, trong đó có nữa gia đình ông Bang Tá Dõng. Cố Châu nhìn thấy cánh đồng truyền giáo rộng lớn nên cử bà phước Anna Cân, sau này là bà Nhất dòng Mến Thánh Giá Dinh Thuỷ, lên dạy giáo lý. Tối sáng trăng tiếng Dì phước nghe êm êm, nên lôi cuốn xóm giềng. Trước lạ sau quen, nhất là sau nghi lễ rửa tội cho người nhà ông Bang, bà con cũng nô nức tòng giáo. Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu được giao phó nhiệm vụ bảo trợ họ nhỏ này. Ngay năm 1940 giáo dân đã lên tới 50 người.



Nhà thờ Cầu Bảo hiện nay, tại thành phố Tháp Chăm - Phan Rang

Năm 1941 Cố Châu cho cất ngôi nhà gạch, gỗ, cửa hương, dài 16m, rộng 7m, nằm bên trái hướng Ðà lạt, cạnh quốc lộ 27, gần Cầu Bà Bảo. (quốc lộ 27 trước kia là quốc lộ 11). (Bà Bảo không rõ người Việt hay Chăm hay chỉ là huyền thoại. Ngày nay cây cầu không còn và tên tuổi ấy cũng đi vào quên lãng không mấy ai biết đến).

Năm 1944-1945 cha phó xứ Tấn Tài là Phaolô Trần Văn Thông, đến ở tại nhà vuông để tiện việc giảng dạy Tin mừng. Nhưng vì bệnh tật và nhất là loạn lạc nên sau 2 năm ngài phải về lại Tấn Tài.

Cố Châu đi, cố Valour về quản nhiệm Tấn Tài, Cầu Bảo được ngài chăm nom săn sóc. Người được nhắc nhiều đến cha Clause Hồng, một bạn hiền của tù nhân, người cha của dân nghèo, nhiều giáo dân Cầu Bảo ghi ơn ngài, tuy ngài chỉ là trợ tá của linh mục quản xứ Tấn Tài. Cầu Bảo cũng hân hạnh đón tiếp cha Gauthier Báu, với quyền quản xứ Tấn Tài một thời gian trong năm 1947. Tấn Tài đã sinh dưỡng Cầu Bảo cho tới ngày 22.02.1963, ngày đó Phan Rang được nâng lên hàng giáo xứ, theo luật “thứ nhất cận lân”, Phan Rang từ đó cũng nghiễm nhiên được “quyền huynh thế phụ” cai quản Cầu Bảo. Cha Giuse Ðinh Tường Huấn làm chánh xứ Phan Rang và coi họ Cầu Bảo. Trong thời gian này cũng như từ khi di cư năm 1954, các cha chủng viện Thái Bình tại Dinh Thuỷ thay nhau lên nâng đỡ Cầu Bảo, trong số đó có cha Ðào Thọ Sơn, cha Trần An Thịnh, cha Nguyễn Thế Thoại.

Cha Giuse Nguyễn Thế Thoại, trước sợ sau thân, đi lại miết một hồi, nghe con cái Cầu Bảo ca mấy câu vọng cổ nên đã bằng lòng nhận làm cố sở cho xứ mới này, từ ngày 03.10.1966. Cầu Bảo được nâng lên hàng chính xứ với một họ biệt lập Mỹ Đức. Mỹ Đức, họ cư xá, hầu hết là di cư được cha Sinh (Bùi Chu) và cha Hiển (Hà Nội) thiết lập. Về xứ với hai tay trắng, cha Thoại thuê nhà ở 06 tháng, sau góp tiền dạy học và dân giúp mới có căn nhà đất ba gian. Nhưng chỉ trong 03 năm bộ mặt Cầu Bảo khác hẳn. Nhà trường, nhà thờ mới mọc lên. Công việc đang tiến hành, ngài được thăng chức trao lại cho cha Mai Nghị Luận từ ngày 24.07.1970. Ðến 1974 cha Giuse Nguyễn Thăng Long làm chánh xứ đến 1975 thì cha Gioan B. Hoàng Kim Ðạt làm chánh xứ..

Giáo xứ Cầu Bảo, còn gọi là Phước Đức nhận thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu làm bổn mạng. Năm 1997 ở đây có 2.400 giáo dân, nhưng nay, 2011, số giáo dân chỉ còn hơn 1.000, ở rãi rác trên 16 km. Nhà Thờ Cầu Bảo toạ lạc tại thành phố Tháp Chăm – Phan Rang, Ninh Thuận. Giáo xứ Cầu Bảo có các giáo xóm: Giuse, La Vang, Fatima, Tử đạo, Bảo An, Đô Vinh, Đăc Nhơn do cha là Gioan.B. Trần Minh Cương, làm chánh xứ và cha phó là Phêrô Nguyễn Minh Đảo.

Những ưu tư của giáo dân Cầu Bảo



Bà cụ bên bàn thờ Chúa và Mẹ ở một xóm lao động nghèo thuộc Cầu Bảo

Trong ngày áp cuối của kỳ đại phúc, các thừa sai có một buổi tối gặp gỡ giáo dân các giới trong giáo xứ để trao đổi và cùng học hỏi.

Khở đầu, mọi người cùng hát câu điệp khúc từ một sáng tác của cha Hoàng Phúc, CSsR: “Cha ơi cha ơi, con thật quý giá trước mắt Cha. Cha ơi cha ơi, anh chị em con thật quý giá. Cha ơi cha ơi, con thật quý giá trước mắt Cha. Cha ơi cha ơi, xin tạ ơn Cha đến muôn đời”. Đây là câu hát đã được cả cộng đoàn cùng với cha giảng thuyết của đề tài Thiên Chúa là Cha hát trong vài ngày trước đó, nên khi hạt mọi người cảm thấy vui và thật thoải mái để bắt đầu vào buổi trao đổi.

Câu hỏi đầu tiên xuất phát từ một sự kiện vừa xảy ra tại giáo phận Nhà Trang, là Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI vừa đạt cha Giuse Nguyễn Thế Thoại, cha sở tiên khởi của xứ Cầu Bảo, đương kim tổng đại diện làm Đức ông. Vậy Đức ông và các phẩm trật trong Hội thánh như thế nào?

Cha bề trên nhà Sài Gòn đã giải thích trong Giáo hội có ba bậc chức thánh, cáo nhất là giám mục, kế đến là linh mục và cuối cùng là phó tế. Ở chức thánh giám mục có tước vị Hồng y và Giáo hoàng. Riêng hồng y thì có ba đẳng. Hồng y giám mục, hồng y linh mục và hồng y phó tế. Các Hồng y là những “trụ cột” của Hội thánh. Từng vị Hồng y là cố vấ hoặc thuộc một ban cố vấn nào đó của Đức giáo hoàng. Ở chức thánh linh mục có tước vị Đức ông. Đức ông là tước vị ban cho các linh mục đảm nhiệm một số trọng trách trong giáo triều Roma và địa phương, để giúp các ngài có thể cống hiến đắc lực hơn cho công cuộc của Chúa trong trần gian.

Liền sau đó, một người mẹ trong gia đình hỏi về cách sắp đặt bàn thờ sao cho xứng đáng, và đúng với ưu tiên?

Cha bề trên đại phúc đưa ra nguyên tắc: Chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, Mẹ Maria và các thánh chúng ta kính mến mà thôi. Do đó, Chúa phải cao nhất và ở vị trí quan trọng nhất trên bàn thờ, dưới đó hoặc thấp hơn là Đức Mẹ và các thánh, rồi thấp hơn là ông bà cha mẹ đã qua đời.

Người hỏi chưa yên tâm với nguyên tắc này, vì trong hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng có Chúa hay trong bộ tượng Ba Đấng cũng có Chúa, vậy thì sao?

Cha Minh Phương đã phải nói rõ về nguồn gốc bức ảnh thời danh Đức mẹ Hằng Cứu Giúp và kết luân. Mỗi ảnh có một trung tâm. Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có trung tâm là tay Đức Mẹ chỉ về Chúa Yêsu, nên ảnh đó là ành Mẹ chứ không phải ảnh Chúa, mặc dù có Chúa.

Liền sau đó, một chị em khác lại thắc mắc một vấn đề thuộc về giáo luật và bí tích, đó là hôm nhânh Công giáo bất khả phân ly, tại sao gần đây có chuyện tháo gỡ hôn phối?

Đây là một vấn đề, theo cha Phương thì hỏi ngắn, nhưng phải trả lời dài, vì có nhiều vấn đề nhiêu khê. Diều quan trọng trước tiên là không có chuyện tháo hôn phối, mà trong thực tế có những người sau khi cử hành hôn phối nhưng hôn phối đó chưa thành, nên Toà án hôn phối tuyên bố họ chưa có hôn phối xảy ra, và như vậy họ được sống với nhau như vợ chồng nữa. Vioe65c này căn cứ trên ba yếu tố: 1/ tính hợp luật của hôn phối (có 12 trường hợp ngă trở, có kết hôn cũng không thành vợ chồng), 2/ việc ứng thuận có tự do và trưởng thành không? Và 3/ có hợp với thể thức không, tức là có do cha chánh xứ hay do người được thừa uỷ quyền của cha chánh xứ cử hành hôn phố không?

Một vấn đề rất tế nhị cũng được nêu lên, đó là làm sao để xác định được ranh giới các tôn giáo? Những người Tin Lành có được cứu độ không?

Cha Tâm đã nhẹ nhàng nhắc mọi người nhớ lại kinh nghiệm được Thiên Chúa yêu thương, rồi từ đó xác nhận Thiên Chúa có cách cứu độ mọi người theo cách riêng mà Người đã chuẩn bị cho họ, vì cuối cùng “mọi đường đều dẫn đến Lamã”, cuối cùng mọi người đều thuộc về Thiên Chúa. Tuy nhiên đối với người Công giáo thì xác tín như thánh Phêrô nói trước Thượng hội đồng Do Thái là dưới gầm trời này không có một danh nào khác được ban cho để nhờ đó chúng ta được cứu độ ngào Chúa yêsu Kitô.

Các ưu tư của dân Cầu Bảo còn nhiều, mà giờ thì hết, nên buổi gặp gỡ tạm kết thúc. Hy vọng những điều chưa thông của dân Chúa sẽ tiếp tục được cha xứ giúp trong thời gian tới.

Chiều thứ bảy, sau giờ kinh và chầu Thánh Thể, 55 hội viên Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã dâng mình, trở thành nhóm nòng cốt đầu tiên của Hội tại giáo xứ Cầu Bảo dưới sự dẫn dắt của cha xứ.

Tối thứ bảy là tối kết thúc Kỳ đại phúc. Thánh giá đại phúc được dựng ngay đường vào nhà thờ, ngang hàng với vị trí đặt tượng thánh quan thầy Têrêsa Hà đồng Yêsu.

Sáu ngày Đại phúc quá ngắn so với mong đợi của dân. Ai cũng muốn dài hơn, nhưng ban đầu, khi thiết kế chương trình, Ban tổ chức lại cứ ngại sẽ không có người tham gia, nên cố gắng tổ chức thật ngắn, thật gọn. Qua đây mới thấy ơn Chúa. Khi sức người làm không nổi thì chính sức Chúa thực hiện. Trong lời cám ơn, ông đại diện cộng đoàn dân Chúa đã xác nhận đây là biến cố quan trọng nhất của Giáo xứ nhiều chục năm qua. Chỉ riêng suốt 6 ngày thường, mà ngày nào dân chúng cũng quy tụ đông đảo như ngày Chúa nhất đã là một phép lạ.

Giáo phận Nha Trang có địa giới gồm hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, được Đức giám mục Giuse Võ Đức Minh cai quản. Tòa giám mục 22 Trần Phú, Nha Trang Trực thuộc Giáo tỉnh Huế. Nhà thờ chính tòa mang tước hiện Chúa Kitô Vua, khách du lịch thường gọi là Nhà thờ Núi. Giám mục tiên khởi là Đức cha Paul-Raymond-Marie-Marcel Piquet (Piquet Lợi), kế đó là Đấng đáng kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, và Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa. Giáo phận có hơn 170 linh mục chăm lo cho 84 giáo xứ.

Riêng giáo hạt Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) có diện tích 2.427.100 km2. Với 4 đơn vị hành chính cấp Huyện gồm : Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Sơn và Ninh Phước. Dân số toàn tỉnh có 507.499 người, trong đó giáo dân có 67.287 người, chiếm 10.2% dân số.

An Thanh, CSsR