VRNs (19.09.2011) – Kontum – Đức Mẹ Măng Đen không đẹp như Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Mễ Du, Đức Mẹ Lộ Đức. Khuôn mặt Mẹ giống như Bà Quan Thế Âm Bồ Tát. Mắt Mẹ sâu tỏ ra sợ hãi, trán Mẹ có nhiều vết nhăn, đặc biệt là Mẹ cụt hai tay. Thế nhưng điều này làm cho Mẹ trở nên linh thiêng, gần gũi với những con người bị bỏ rơi, bị lãng quên trong xã hội.
Pho tượng Đức Mẹ Măng Đen được xây dựng tại huyện Kon Phông, tỉnh Kontum vào năm 1971. Năm 1974, chiến tranh xảy ra làm pho tượng Mẹ không còn nguyên vẹn như ban đầu.
Sáng ngày 10.09.2011 Đức Sứ Thần Leopoldo Girelli làm lễ tại Nhà thờ Chánh Tòa Kontum xong, sau đó, ngài và phái đoàn đi hành hương viếng Đức Mẹ Măng Đen.
Đường đi lên Đức Mẹ rất ngoằn nghèo, quanh co như hình chữ Z. Một bên là dãy núi cao, bên còn lại là vùng đồng bằng nơi những người đồng bào định cư, xa hơn một chút là những bộ lạc chưa có cơ hội được biết Chúa. Càng lên cao sương mù càng dày đặc, cộng với không khí se se lạnh tạo nên không gian âm u và hiu quạnh. Những con đường mà đoàn đi qua đều đã được trải nhựa đường, chỉ đoạn đường ngắn còn lại khoảng 200 mét để đến với Mẹ thì vẫn hoàn toàn là đất.
Con đường lên với Mẹ thật vất vả, gian lao nhưng không cản được dòng người đến với Mẹ. Hàng ngàn người trong đó có cả người già và con trẻ đến từ nhiều buôn làng khác nhau, các tu sĩ nam nữ, các linh mục tụ họp nơi đây cùng hiệp thông với Đức Sứ Thần và Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh dâng lên mẹ những lời kinh khẩn nguyện. Cùng chiêm ngắm năm sự thương khó của Chúa Giêsu, đồng thời nhìn ngắm sự đau khổ tột cùng nơi Mẹ Maria.
Lời nguyện của Đức Sứ Thần vừa chấm dứt thì cơn mưa bay đến bất ngờ, mọi người lo lắng tìm cách tránh mưa, Đức Cha Oanh lên tiếng an ủi: “Anh chị em thân mến, mưa cũng là một hồng ân của Chúa nên anh chị em đừng lo lắng.” Đứng bên cạnh tôi là hai chị em gái độ khoảng 7 hoặc 8 tuổi, khi trời bắt đầu mưa người chị đã giơ bàn tay nhỏ xíu để che mưa cho em. Đột nhiên, người chị lấy mũ mình đang đội trên đầu, đội vào cho em nhỏ và chấp nhận đứng hứng mưa. Hồng ân của Chúa đã thể hiện nơi những em nhỏ bé này.
Trong không khí trang nghiêm, thinh lặng, lời kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phước…” được thốt lên thật to, thật sốt sắng đã xóa tan đi sự phân biệt người có đạo hay người bên lương, xóa tan đi sự phân biệt chủng tộc và giàu nghèo, không còn cách biệt về ngôn ngữ vì tình yêu của Chúa và Mẹ tuôn đổ đầy tràn nơi đây.
Đức Tổng chia sẻ: “Cánh tay của chúng ta là cánh tay của Mẹ khi chúng ta biết yêu mến trẻ em và thai nhi.” Trong xã hội ViệtNam, với lối sống thực dụng, hưởng thụ, sống thử…, đã giết đi biết bao tiếng khóc của trẻ thơ, cướp đi tuổi thơ của nhiều em nhỏ, nhiều em bị cha mẹ bỏ rơi chỉ vì lợi ích cá nhân của người lớn.
Có nhiều gia đình khao khát được nghe tiếng khóc của con nít. Nhiều cặp vợ chồng mất nhiều tiền chữa trị để được ẵm bế con mình trên tay. Anh Phêrô Hồ An, giáo xứ Châu Khê, giáo hạt Măng Yang, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: “Ngày xưa, tôi rất ăn chơi, quậy phá nên mắc một chứng bệnh ảnh hưởng đến việc sinh con. Vợ chồng tôi cưới nhau được 5 năm nhưng không có con, nên vợ chồng tôi đã khấn Đức Mẹ. Bây giờ, tôi có một đứa con trai 10 tuổi và một cô con gái 3 tuổi. Các con tôi đều khỏe mạnh.” Lòng khao khát được làm mẹ, làm bố đã được Đức Mẹ ban ơn. Hoa trái của Thiên Chúa được triển nở.
Xung quanh Đức Mẹ có rất nhiều những tấm bia và ghế đá khắc ghi “gia đình chúng con cám ơn Mẹ” và nhiều gia đình lên viếng Đức Mẹ Măng Đen để cảm tạ những ơn lành Mẹ ban. Chị Maria Lê Thị Thanh Vân, giáo xứ Mỹ Thạch, nói: “Con trai tôi là Giuse Phan Lê Nhật Anh mắc bệnh còi xương bẩm sinh nên cháu ốm liên tục. Lúc 2 tuổi cháu không biết đi, biết nói. Tôi lên Đức Mẹ, khấn xin Mẹ phù hộ che chở cho con tôi. Bây giờ, cháu đã được 7 tuổi rất khỏe mạnh, học giỏi và thông minh nữa.” Niềm vui của chị không dừng ở lại đây, mà còn được nhân lên khi nghe tiếng gọi ríu rít của bé Nhật Anh: “Mẹ ơi, mẹ ơi mẹ con mới gửi thư cho Đức Mẹ rồi.” Dáng vẻ bề ngoài bé nhỏ con con, gầy so với các bạn đồng trang lứa nhưng lại lanh lẹn, luồn lách qua nhóm người để được trở về bên bố mẹ.
Mẹ ban rất nhiều ơn cho những người không có đạo. Mẹ khao khát chia sẻ nỗi đau cho những ai tin tưởng nơi Mẹ. Chị Võ Thị Tuyết Đồng, người lương giáo, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, tâm sự: “Tôi đã nghe nhiều tin tốt từ Mẹ nên hôm nay tôi đến xin khấn Đức Mẹ. Tôi có con trai năm nay 4 tuổi chưa biết nói và nhiều chuyện buồn xảy ra trong gia đình.” Chị không kìm được cảm xúc, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt cơ cực và buồn khổ của chị. Đứa con trai ngồi đối diện với chị, chỉ biết ú ớ những câu không có nghĩa, chỉ biết khua tay vào người mẹ, rồi ngả vào lòng mẹ.
Sau khi mọi người được Đức Cha Oanh cho phép chụp hình với Đức Tổng theo sự hướng dẫn của Ngài. Đoàn hành hương ra về nhưng nhiều người vẫn ở lại để dâng lên Mẹ những lời cảm tạ, dâng lên Mẹ những khổ cực khó khăn trong cuộc sống, và bệnh tật về thể xác lẫn tinh thần.
Huyền Trang