Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Bi kịch giáo dục: Trẻ được khen khi ăn cắp tiền bố mẹ góp quỹ

VRNs (04.10.2011) – Sài Gòn – Nhân chi sơ tính bản thiện. Khi mới sinh ra, con người luôn có bản tính thiện trong con người mình. Cùng năm tháng, với sự khôn lớn phát triển thân thể và trí óc, con người bắt đầu hấp thu thêm nhiều tính khác như tham lam, si mê, sân giận, độc ác, nham hiểm … tất cả đều từ sự dữ mà ra. Tính tham lam luôn tiềm ẩn ở mỗi con người, nó như một phần máu thịt nhưng nếu tính thiện của con người mạnh hơn sẽ lấn át và khống chế được cái tham. Song, không phải ai cũng có thể tự kiềm chế trước sự ham muốn vật chất phồn hoa, đặc biệt là con trẻ.



Ông bà xưa thường nói cái tốt học lâu, cái xấu không học cũng biết. Việc con trẻ khổ sở hai buổi sáng chiều học ở trường, học ở nhà, nay còn phải học thêm nhưng đâu phải học nhiều là trẻ có thể giỏi giang ngay được. Còn bao nhiêu cái xấu luôn luôn rình rập, dòm ngó và đang nhe nanh muốn nuốt chửng con trẻ như game bạo hành online, chửi tục, đánh bài, trốn học, nói xấu, vu oan cho bạn bè, quay cóp, ăn cắp, …

Thời nay, trẻ con đến trường không như thời trước. Ngày nay, trẻ con đi học đều được phụ huynh chăm bẫm thật chu đáo: đón đưa hai lượt, lo thức ăn sáng tận răng, ngoài nước uống tinh khiết còn có thêm sữa, nước ngọt, bánh trái, thậm chí còn dúi ít tiền vào tay con trẻ như sợ nếu không có tiền trẻ sẽ thiếu thốn, không bằng bạn bè. Phụ huynh thật hào phóng khi cho trẻ quá nhiều vật chất mà quên việc phải cho con mình một nền đạo đức tốt là bệ phóng vững chắc để trẻ bước vào đời.

Trẻ con chỉ biết có sẵn tiền thì sài, chúng chẳng quan tâm ở đâu ba mẹ chúng có tiền và phải sài như thế nào cho hợp lý. Tại khu vực căn tin nhà trường có vô số thức ăn, nước uống, bánh kẹo linh tinh, phần lớn là màu mè bắt mắt nhưng không chất lượng. Bên cạnh đó là các quầy đồ chơi trẻ con muôn màu muôn vẻ, đủ loại từ mắc đến rẻ, thượng vàng hạ cám, giống chi cũng có. Phần nhiều là đồ chơi có xuất sứ Trung Quốc. Bạn có nhiều tiền mua cái đắc, bạn có ít tiền cũng có thể mua cái rẻ, điều cốt yếu là căn tin bán được hàng.

Trẻ con ăn quen, nhịn không quen. Những lúc được ba mẹ cho tiền sài thì cứ sài theo ý mình, không có ý thức tiết kiệm, để dành và cũng không có kiến thức sài như thế nào là hợp lý. Đến lúc cần tiền cho nhu cầu mua sắm đồ chơi mắc mỏ thì trẻ con ít khi xin cha mẹ vì sợ bị la rầy nên chúng sinh ra ăn cắp. Trẻ con ăn cắp tiền, ăn cắp đồ dùng học tập của bạn bè, ăn cắp đồ vặt vãnh của người xung quanh cách kín đáo. Trong tiềm thức trẻ biết mình phạm tội, nhưng chúng đã từng thấy, từng nghe người lớn làm như thế – người lớn ở đây có khi là cha mẹ – mà còn tự hào rằng đã lấy được của “chùa” hay ai đó phải tự nguyện “cống nạp”, nên chúng nghĩ hành vi ăn cắp của mình chắc không phải là tội. Nhất là khi việc ăn cắp lại được che đậy bằng lời khen “ăn cắp để góp quỹ giúp bạn nghèo”.

Tháng 08.2011, nhân gặp cô Đặng Quốc Bảo Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp Hai Ba trường Tân Hương, quận Tân Phú, dạy hè, tôi đã hỏi cô về việc học sinh trong lớp cô ăn cắp tiền để xác nhận thông tin của một em kể lại và được cô cho biết:

“Trong lớp, các bé thường đùa nghịch lấy đồ của nhau nhưng sau đó thì trả lại. Có một trường hợp cá biệt là có lần bé H lấy tiền của ba mẹ đi mua đồ chơi ở căn tin và để tiền dư trong hộc bàn bị mất. Bé H có hỏi các bạn xung quanh nhưng không ai nhận nên méc tôi. Tôi hỏi (dĩ nhiên là cũng hăm dọa nếu bạn nào không trả lại mà cô biết thì sẽ phạt) thì bé B đem tiền trả lại. Tôi hỏi do đâu mà bé H có nhiều tiền như vậy, thì bé H khai là lấy của ba mẹ bốn trăm ngàn đồng, mua đồ chơi ở căn tin một trăm ngàn, còn lại ba trăm ngàn để trong hộc bàn. Tôi buộc H đem tiền về trả lại cho ba mẹ và gọi điện báo cho phụ huynh của H biết, lúc đó phụ huynh mới biết mất tiền. Tôi đã làm (la) cho tụi nhỏ một trận, chúng hứa không ăn cắp nữa”.

Trong trường, giáo viên không phải lúc nào cũng kè kè để ý hết được học sinh của mình. Những lúc ra chơi, con trẻ thường lân la đến căn tin. Đứa có tiền thì mua, đứa không tiền thì nhìn. Nhưng việc con trẻ không ngừng lại ở mức độ chỉ nhìn bạn mua, bạn chơi đồ chơi cho đỡ thèm mà chúng cũng giả đò là trẻ đi mua, cũng lựa và lén lấy cắp một hai món khi người bán hàng sơ ý lúc chen chúc đông đúc. Q – học sinh lớp Hai ba trường Tân Hương kể:

“Ở lớp con có bạn P, lúc ra chơi bạn P thường xuống căn tin. Bạn P làm bộ lựa lựa đồ chơi, đưa lên xem. Lúc không ai để ý là bạn đút nhanh vô túi quần rồi đi ra ngoài chạy ra sân chơi. Nhà bạn P đâu có nghèo, ngày nào đi học bạn P cũng được mẹ cho tiền. Bạn P dùng tiền để mua đồ ăn, còn đi ăn cắp đồ chơi của các cô chú ở căn tin.

Lúc sắp Tết năm rồi, cô bán vé giá hai ngàn đồng để chơi Hội Mùa Xuân, vậy mà cũng có bạn B ăn cắp vé của các bạn trong lớp. Nhưng các bạn thấy bạn B ăn cắp nên lấy lại được”.

Có những lúc, những việc bác ái, quyên góp giúp bạn của nhà trường không được giáo viên giải thích rõ ràng với con trẻ, mà thường hô hào cho con trẻ bỏ càng nhiều tiền vào thùng, vào con heo đất càng tốt. Chính những lời hô hào làm cho con trẻ cứ tưởng là mình càng bỏ thật nhiều tiền vô heo, vô thùng thì càng được thầy cô vinh danh tại lớp. Sướng nhỉ ! Đây là một trường hợp đau lòng mà trẻ phạm tội ăn cắp mà không nhận ra hành vi lấy cắp tiền là hành vi xấu. Tại buổi họp PHHS thường niên giữa năm học 2009-2010, chị T đưa ra ý kiến với cô HN – giáo viên chủ nhiệm lớp Một ba trường Tân Hương:

“Tôi mong rằng khi nhà trường có những đợt quyên góp để giúp đỡ các trẻ em nghèo hoặc làm gì đó, thì nên có thông báo với gia đình để chúng tôi tùy theo sức của mình mà đóng góp. Chúng tôi không muốn con em mình phạm tội ăn cắp khi muốn giúp đỡ người khác. Điển hình là đầu năm học này, con tôi có xin tiền tôi để bỏ vào con heo đất ở lớp nhưng tôi không cho bé. Tôi nói là khi nào có giấy của nhà trường yêu cầu giúp đỡ thì mẹ cho, vả lại nhà mình còn nghèo lắm, mình phải ở trọ thì đâu có dư tiền mà giúp người khác. Con tôi không xin nữa mà hằng ngày nó âm thầm lấy một đồng xu 5.000 đồng trong chai nhỏ tôi để dành sắm đồ tết cho bé, để bỏ vào con heo đất của lớp trong lúc tôi đi tắm. Đến một ngày nọ, tôi bắt gặp đồng xu 5.000 đồng rơi ra từ người bé thì tôi hỏi nó, hăm dọa nó mới khai thiệt là con lấy tiền để bỏ vô con heo đất ở lớp vì ai cũng bỏ con không bỏ kỳ lắm. Việc giúp người nghèo là việc làm tốt nhưng việc ăn cắp tiền nhà để bỏ vô con heo đất nhà trường là vô tình làm cho trẻ con trở thành kẻ cắp mà bản thân nó không ý thức hành vi ăn cắp và cứ lặp lại hành vi này mỗi ngày là điều chúng ta phải quan tâm”.

Cô HN đã giải thích ý kiến của chị T: “Con heo đất đó là của Phòng giáo dục đưa xuống, GV chỉ kêu gọi các bé nhịn bớt quà sáng mà giúp đỡ các bạn nghèo. Tôi không tham gia vào việc quản lý cũng như đốc thúc các em bỏ tiền vô heo đất. Sau một tháng phát động thì Phòng giáo dục xuống gom heo đất đi. Trước đây, khi cần quyên góp gì thì nhà trường cũng có làm thông báo gửi về cho phụ huynh, nhưng phụ huynh nói là không cần giấy tờ gì hết, thông báo miệng thì được rồi nên nhà trường bỏ không làm thông báo nữa”.

Nghĩ cũng lạ, xã hội ngày nay cái gì hay và đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước thì báo chí cứ đăng ỳ xèo dù nội dung như khuôn đúc, nhưng cái gì tệ dù có gửi thư, đánh tiếng trực tiếp cũng không có lời giải thích thoả đáng. Phải chăng, đây chính là tiền lệ của một guồng máy xã hội đã ăn sâu vào máu thịt của con người Việt Nam nên cứ thế mà làm từ trên xuống dưới. Môi trường sư phạm cũng không ngoại lệ.

Nguyễn Quân TT