VRNs (01.10.2011) – Chúa Nhật 27 Thường niên – năm A
Mt 21,33-43
Tiếp nối bài Tin Mừng tuần trước, bài Tin Mừng hôm nay (Mt 21,33-43) nằm trong chuỗi ba dụ ngôn nói về số phận của hàng ngũ lãnh đạo Do Thái và của dân Do Thái bất trung với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đây là dụ ngôn thứ hai trong loạt ba dụ ngôn được nói cách đặc biệt trước hết cho hàng lãnh đạo Do Thái giáo. Điểm thú vị của dụ ngôn này chính yếu nằm ở tính chất ngôn sứ khi nói về cái chết của người con trai ông chủ vườn nho, ở chủ đề về án phạt dành cho Israel, và ở quan niệm về việc “chuyển giao” Vương Quốc cho một dân khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng gián tiếp trả lời cho các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đang chất vấn Ngài về thẩm quyền của Ngài. Trong câu trả lời này, Ngài kín đáo cho họ thấy mối tương quan đặc biệt của Ngài với Thiên Chúa, sứ mạng Thiên Chúa trao phó cho Ngài và số phận đang chờ đợi Ngài.
Chúa Giêsu nói: “Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa” (c.33). Chúa Giêsu sử dụng các hình ảnh của Is 5,1tt để miêu tả các hành động của ông chủ vườn nho. Vườn nho này thuộc về ông chủ, và ông có toàn quyền trên nó. Chính ông tạo ra nó từ đầu. Chính ông chăm sóc nó, bảo vệ nó và yêu thương nó. Chính ông chờ đợi hoa lợi của nó. Ông trao cho các tá điền nhiệm vụ chăm sóc nó.
Vườn nho ở đây có thể hiểu là dân Israel, hay vương quốc Thiên Chúa, hay những đặc quyền ưu tuyển của Israel. Bởi vì Chúa Giêsu đã sử dụng các hình ảnh của Is 5,1tt nên có thể hiểu theo Is 5,7: “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh chính là nhà Israel”. Tuy nhiên, đến cuối bài Tin Mừng, vườn nho lại được hiểu là Nước Thiên Chúa (c.43). Dù sao đi nữa, ông chủ vườn nho ở đây chính là Thiên Chúa, còn các tá điền chính là hình ảnh của các nhà lãnh đạo Do Thái. Thiên Chúa trao phó cho họ nhiệm vụ chăm sóc vườn nho của Người.
“Gần đến mùa hái nho, ông chủ sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi” (c.34). Dịch sát là “Khi mùa hái nho đã đến gần…”. Kiểu nói “đã đến gần” này được tác giả Mt sử dụng để nói về sự đến gần của Nước Thiên Chúa trong 3,2; 4,17; 10,7. Phía sau hình ảnh “mùa hái nho đã đến gần” có lẽ là sự ám chỉ mùa gặt cánh chung (x. 13,30). Những đầy tớ được ông chủ sai đến chính là hình ảnh của các ngôn sứ mà nhờ họ, Thiên Chúa ngỏ lời với dân Người. Ngôn sứ Giêrêmia quả quyết: “ĐỨC CHÚA đã không ngừng phái đến với anh em tất cả các tôi tớ của Người là các ngôn sứ, nhưng anh em đã chẳng thèm nghe, cũng chẳng thèm lưu ý” (25,4; x. 7,25; Am 3,7).
“Bọn tá điền bắt các đầy tớ của ông chủ: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy” (cc.35-36). Một số người nghĩ rằng hai nhóm đầy tớ được sai đến trong dụ ngôn là hình ảnh của các ngôn sứ trước và các ngôn sứ sau. Một số người khác lại hiểu đó là hai nhóm các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến trước cuộc lưu đày và sau cuộc lưu đày. Nhưng có lẽ các cách hiểu này đã đi quá xa những gì dụ ngôn muốn nói. Điều đáng chú ý ở đây là số phận bi thảm của các đầy tớ và mối tương quan càng ngày càng xấu đi giữa dân với Thiên Chúa. Bọn tá điền bắt, đánh, giết, ném đá các đầy tớ mà ông chủ sai đến. Cách hành xử xấu xa của bọn tá điền được mô tả theo một trình tự càng ngày càng tăng, tức là tương quan giữa ông chủ với các tá điền càng ngày càng xấu đi. Và mức độ cuối cùng là các ngôn sứ bị ném đá, vốn là một chủ đề quen thuộc trong Do Thái giáo và Kitô giáo tiên khởi (x. 2Sbn 24,21; Mt 23,37). Một yếu tố đáng chú ý khác là nhóm các đầy tớ thứ hai đông hơn nhóm thứ nhất. Nhưng rồi nhóm này cũng vẫn phải chịu cùng một số phận bi đát như nhóm trước. Lịch sử của vườn nho từ ngày được trao cho các tá điền, như thế, là lịch sử dài được kết dệt bằng những sự bất trung bất tín ngày càng nặng nề hơn, nhưng đồng thời cũng là lịch sử của sự thể hiện ngày càng lớn lao hơn của sự kiên nhẫn và lòng bao dung mà Thiên Chúa dành cho dân Người.
“Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta” (c.37). Cách nói “sau cùng” ám chỉ đây là cơ hội cuối cùng dành cho các tá điền để họ có thể còn được ở trong thân nghĩa với ông chủ vườn nho. Ông chủ quyết định sai chính con trai mình đến. Cậu có những đặc điểm chung với các đầy tớ: cậu cũng là kẻ được sai đến, cậu cũng có nhiệm vụ thu hoa lợi, và cuối cùng, cậu cũng sẽ bị giết chết bởi những hành động bạo lực tàn ác của đám tá điền xấu xa. Tuy nhiên, mối tương quan cá nhân của cậu với ông chủ thì lại hoàn toàn khác với mối tương quan của các đầy tớ với ông: cậu là con trai của ông. Chỉ một mình cậu là con ông chủ, còn những người được sai đến trước đều chỉ là các đầy tớ. Ông chủ chắc chắn rằng người con trai của mình sẽ được các tá điền kính trọng.
“Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” (c.38). Bọn tá điền lập tức nhận ra người con, tức là người thừa kế của ông chủ. Chúng lập tức quyết định giết chết cậu để đoạt lấy cơ nghiệp của ông chủ. Hành động gian ác của chúng không phát xuất từ một sự vô minh tội nghiệp, mà từ những toan tính có ý thức, từ những hiểu biết và cân nhắc đàng hoàng, và từ một lòng tham rất tỉnh táo. Chúng hoàn toàn ý thức đầy đủ về sự trầm trọng của hành động mà chúng thực hiện. Đám tá điền nhất quyết khẳng định rằng người con trai ông chủ không đáng được sống, và rằng anh ta cũng không đáng được chết trong cơ nghiệp của ông chủ. Vườn nho không còn thuộc về anh ta nữa. Họ giết anh ta, và đó là hành động cuối cùng, hành động chung cục. Đám tá điền, như vậy, muốn là những ông chủ duy nhất của vườn nho.
“Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi” (c.39). Rõ ràng dụ ngôn trực tiếp ám chỉ những nhà lãnh đạo Israel, và hình ảnh người con trai ông chủ trong dụ ngôn rõ ràng quy chiếu về chính Chúa Giêsu (x. 2,15; 3,17; 4,3; 8,29; 14,33; 16,16; 26,63; 27,43-54). “Quăng ra bên ngoài vườn nho” tức là loại trừ khỏi xã hội Do Thái. Đó là mưu đồ và hành động đen tối mà hàng lãnh đạo Do Thái nhắm vào Chúa Giêsu. Mặt khác, chi tiết này cũng có thể được hiểu theo nghĩa ám chỉ việc Chúa Giêsu bị giết chết bên ngoài tường thành Giêrusalem.
Người Do Thái vốn rất quen với hình ảnh vườn nho như là hình ảnh chỉ về dân được tuyển chọn của Thiên Chúa (x. Hs 10,1; Gr 2,21; Ed 15,1tt; 19,10tt; Tv 80,9tt). Vì thế, họ không mấy khó khăn để hiểu ý nghĩa của các hình ảnh biểu tượng xuất hiện trong dụ ngôn này: ông chủ vườn nho là Thiên Chúa; vườn nho, như chúng ta đã nói trên kia, là Israel; những hành động trồng nho, rào giậu, khoét bồn, xây tháp canh của ông chủ diễn tả tình yêu thương trìu mến và sự ân cần chăm sóc của Thiên Chúa dành cho dân của Người; các tá điền được trao phó nhiệm vụ canh tác vườn nho là hình ảnh của các nhà lãnh đạo dân Chúa; hoa lợi, đọc song song với Is 5,7, là tình yêu đối với tha nhân, tức là sự công bình và sự chính trực; các đầy tớ được Thiên Chúa sai đến chính là các ngôn sứ; sự kiện Thiên Chúa nhiều lần sai các vị đó đến cho thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa trong việc mời gọi người ta hoán cải; người con và là người thừa kế của ông chủ chính là hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng Mêsia.
Hơn hẳn các ngôn sứ, Ngài là Con Thiên Chúa được sai đến với dân Chúa. Nhưng số phận đang chờ đợi Ngài quả thực là rất bi đát và khốc liệt. Ngài không chỉ bị giết chết như các ngôn sứ. Dân Do Thái còn đối xử với Ngài một cách độc ác hơn rất nhiều, so với cách đối xử mà họ dành cho các ngôn sứ. Họ không chỉ bắt Ngài mà giết đi, như đã từng làm đối với các ngôn sứ từ trước đến giờ. Họ còn quẳng Ngài ra bên ngoài vườn nho và xử Ngài theo một cách thức ô nhục nhất. Họ đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá.
Để kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi các nhà lãnh đạo Do Thái: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông” (cc.40-41). Câu hỏi của Chúa Giêsu gợi nhớ câu hỏi trong Is 5,3: “Vậy bây giờ, dân Giêrusalem và người Giuđa hỡi, xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho của tôi”. Nhưng câu hỏi của Chúa Giêsu mang thêm một sắc thái mới: sắc thái cánh chung. Và giá trị tu từ của bản văn được tăng mạnh khi tác giả đặt trên miệng của chính những nhà lãnh đạo Do Thái lời kết án nghiêm khắc đối với hành động của đám tá điền xấu xa.
Rồi “Đức Giêsu bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c.42). Đức Giêsu trích dẫn lời Tv 118,22-23. Hình ảnh biểu tượng chuyển từ ẩn dụ vườn nho sang ẩn dụ công trình xây dựng, và không chỉ nói về sự chết của Đức Giêsu mà còn quy chiếu về sự phục sinh của Người. Tảng đá bị loại bỏ được đồng hóa với người con ông chủ vườn nho, vốn đã bị các tá điền gian ác quẳng ra ngoài và giết đi. Việc các nhà lãnh đạo Do Thái loại trừ Đức Giêsu và sát hại Người được coi tương ứng như việc những người thợ xây loại bỏ tảng đá. Nhưng chính tảng đá bị loại bỏ đó lại là nền tảng của công trình mới mẻ và vĩ đại của Thiên Chúa, tức là dân mới của Thiên Chúa. Đó không phải là sáng kiến của Đức Giêsu, mà là của chính Thiên Chúa, và do đó, diễn tả một thực tại hoàn toàn chắc chắn, khác hẳn những giá trị đã được các nhà lãnh đạo Do Thái thiết định trong xã hội Israel khi họ chọn những tảng đá theo tiêu chí của họ và loại bỏ những tảng đá thực sự giá trị theo tiêu chí của Thiên Chúa. Người hành động theo một cách thức hoàn toàn bất ngờ khi Người chọn chính tảng đá đã bị dân Israel loại bỏ để làm nền tảng cho công trình mới mẻ của Người.
Lời tối hậu và chung cục về số phận của Con Thiên Chúa, như thế, không phải là lời của hàng lãnh đạo Do Thái như họ tưởng. Lời tối hậu đó là của chính Thiên Chúa. Số phận của Đức Giêsu rõ ràng không phải là do những người đang nắm quyền bính trong dân Israel quyết định. Đến đây, Đức Giêsu đã hoàn toàn trả lời, tuy với một cách thức kín đáo, cho câu chất vấn của hàng lãnh đạo Do Thái về chính Người: Người là Con Thiên Chúa, sứ mạng của Người là mang về cho Thiên Chúa một dân chính trực và công minh (x. Is 5,7) – tức là dân được cứu độ, số phận của Người sẽ là số phận bị hàng lãnh đạo Do Thái loại trừ và giết đi, nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.
Sau đó, Đức Giêsu dùng lại chính giải pháp mà hàng ngũ lãnh đạo Do Thái đã nêu lên trong câu trả lời của họ ở c.41 để nói về số phận của họ và của dân Do Thái nói chung. Người nói: “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (c.43). Lúc này, Thiên Chúa được nêu tên một cách tường minh, và ẩn dụ vườn nho được hiểu là Nước Thiên Chúa, còn ẩn dụ tá điền là toàn khối dân Do Thái đã từ khước Đức Giêsu. Nước Thiên Chúa sẽ được ban cho một dân khác (số ít), tức là dân Mêsia đích thực, trong đó quy tụ mọi dân nước trần gian. Dân ấy gắn bó với Đức Giêsu, “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (16,16), làm nên công trình kỳ diệu của Thiên Chúa.
Hàng lãnh đạo Do Thái, và cùng với họ là toàn dân, đã từ khước Đức Giêsu. Họ đã “quẳng Ngài ra bên ngoài vườn nho và giết đi”. Vì thế, Thiên Chúa sẽ trao Nước Thiên Chúa cho một dân khác; dân này sẽ cứ đúng mùa sinh hoa trái yêu thương, chính trực và công bình như Thiên Chúa mong chờ. Dân mới này chính là Hội Thánh, công trình kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện trên nền tảng là chính Đức Giêsu Kitô, tảng đá đã bị các thợ xây loại bỏ.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
1. Các nhà lãnh đạo Israel hành động trong tư cách đại diện Israel. Sự kiện họ từ chối Chúa Kitô và sứ điệp của Ngài cũng đồng thời là sự kiện họ từ khước các đặc quyền của Israel trong tư cách là dân Thiên Chúa. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa giờ đây hướng đến một dân mới, tức là Hội Thánh, bao gồm cả người Do Thái lẫn dân ngoại. Chương trình đó không bị thất bại bởi sự từ khước của dân Do Thái, nhưng mở ra cho toàn thể nhân loại, làm nên một nhân loại mới. Thiên Chúa không bao giờ thất bại trong ý định cứu độ nhân loại, cho dù vẫn có đó sự kiện người ta từ khước tình yêu và lòng nhân lành của Người.
2. Đối với các độc giả Kitô hữu gốc Do Thái của Mt, dụ ngôn này vừa giúp giải thích sự “bị vượt quá” của Do Thái giáo và của hội đường Do Thái đương thời, lại vừa giúp hiểu sự xuất hiện một thực tại mới mẻ, ngày càng rộng lớn, bao gồm cả sự tham gia của Dân ngoại, tức là Hội Thánh. Tất cả tùy thuộc trước hết vào câu trả lời của người ta đối với Người Con được Chúa Cha sai đến. Người Con ấy chính là viên đá góc tường làm nên một thực tại hoàn toàn mới mẻ là Hội Thánh, Israel mới. Sự từ khước Người Con cũng đồng thời là sự từ khước vị thế được ưu đãi và là sự tự rước vào mình án phạt (c.44); đang khi đó, những ai đón nhận Người Con sẽ đón nhận, cùng với Người Con, thực tại ân phúc của việc khai mở Nước Thiên Chúa. Như thế, mối liên hệ với Chúa Giêsu chính là yếu tố mang tính quyết định. Ngày nay cũng vậy. Vấn đề chính yếu của thế giới chúng ta đang sống vẫn là sự đón nhận hay từ khước Đức Giêsu Kitô.
3. Hành động gian ác của các tá điền xuất phát từ tham vọng muốn chiếm đoạt vườn nho. Họ giết các đầy tớ và nhất là giết người con của ông chủ là để họ trở thành những chủ nhân ông duy nhất của vườn nho. Mỗi lần chúng ta hành xử như thể Nước Thiên Chúa là của riêng chúng ta, mỗi lần chúng ta muốn chiếm lấy các thực tại thánh làm của riêng mình như thể mình mới là chủ nhân ông của các thực tại đó và có quyền phân phát cho ai tùy ý, mỗi lần chúng ta hành xử trong Hội Thánh với tâm tưởng coi mình là quan trọng và tìm cách tạo ảnh hưởng… là chúng ta đang cố chiếm đoạt vườn nho của Thiên Chúa. Thánh Phaolô sẽ hành xử khác hẳn: “Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1Cr 3,9).
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.