VRNs (01.10.2011) – Sài Gòn – Người tín hữu giáo dân, đặc biệt giáo dân Sàigòn, tháng 9 vừa qua được đánh động bởi những bài giáo huấn, bài phát biểu của Đức Thánh Cha Benedictô khi ngài về quê hương là nước Đức.
Người tín hữu giáo dân cũng được hâm nóng lên khi các cha giảng lễ và các website mới đây nhắc lại Tông huấn “Kitô hữu giáo dân” (Christifideles Laici) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Cả hai vị giáo hoàng đều nhắc đến công lý và hoà bình, đến bổn phận Kytô hữu.
Đức Chân phúc Gioan Phaolô II đã viết:
“Chúng ta hãy nghĩ đến vô số xúc phạm đến phẩm giá của con người ngày nay. Một khi không được nhìn nhận và yêu mến theo phẩm giá là hình ảnh sống động của Thiên Chúa (x. St 1,26), thì con người bị biến thành công cụ, thành nô lệ, cho bạo quyền dưới muôn vàn hình thức sai lạc và bỉ ổi.”
Ngài cũng viết:
“Các tín hữu giáo dân không thể khoanh tay ngồi nhìn như kẻ bàng quan lười biếng trước những gì phá hoại hay tổn thương hoà bình, như vũ lực và chiến tranh, tra tấn hay khủng bố, trại tập trung…”
“Là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, Vua hoà bình, các tín hữu giáo dân phải nhận lãnh bổn phận làm người kiến hoà bình bằng cuộc sống trở về với Chúa và bằng các hoạt động vì sự thật, vì tự do, vì công bình, vì bác ái, đó là những nền tảng vững chắc của hoà bình”
Ngài còn viết nhiều về bổn phận lên tiếng cho công lý hoà bình.
Thánh Công đồng chung Vatican II đã dạy:
“Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này”.
Đức Benedictô XVI thì nói tại quê hương mình:
“Các nhà chính trị phải nỗ lực để mang lại công lý và do đó tạo ra các điều kiện tiên quyết cho hòa bình”
Ngài trích dẫn tư tưởng của Thánh Giám mục Augustinô của thế kỷ III: “Đánh mất nền công lý thì nhà nước còn lại điều gì, ngoài lũ trộm cướp” để dẫn giải vào ý tưởng trình bày của Ngài cho các chính trị gia Đức.
Với giới trẻ trong Đêm Canh thức tại Freiburg, Đức Thánh Cha nói:
“Ở thời điểm này, chúng ta không thể tiếp tục im lặng trước sự hiện hữu của sự dữ.”
Còn “Lời chủ chăn” của giáo phận Sàigòn thì lại viết: “nhiều người mang tâm trạng bất mãn, thối chí và khép lại trong bản năng tự vệ để sinh tồn, khiến tâm trí con người bị đình bộ, lập trường và thái độ bị đóng băng trong tư thế dễ gây hấn và chống đối.”
Trong lúc nhiều người đang lên tiếng để đề cao và cầu nguyện cho công lý và sự thật, những lời ấy làm cho giới trẻ có cảm giác những ai đi tìm công lý là bất mãn, khép lại hay chống đối.
Người trẻ biết nghe ai bây giờ, nghe lời các Đức Giáo Hoàng để sống cho công lý, sự thật, tình yêu, hay phải cúi đầu lặng lẽ bước đi, mặc người nghèo của Thiên Chúa sống chết ra sao tuỳ họ?
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs