VRNs (23.10.2011) - Gia Lai – Hôm nay Chúa nhật thứ tư của tháng 10, Hội thánh cử hành Khánh nhật truyền giáo. Truyền giáo theo cách hiểu thông thường là loại trừ tôn giáo cũ thay bằng tôn giáo mới. Nhưng từ năm 1955, khi cha Jacques Dournes, thuộc Hội thừa sai ngoại quốc Paris (MEP) đến vùng Cheoreo thuộc tỉnh Phú Bổn xưa, thì quan niệm truyền giáo có phần thay đổi. Cha Jacques Dournes thấy rằng nơi dân tộc Jarai, cha được sai đến để truyền giáo, không hề mang một tôn giáo xa lạ với Thiên Chúa, nhưng họ có các diễn tả khác. Do đó, cha đã khám phá giá trị văn hóa tâm linh của họ, và chỉ ra cho họ biết Chúa đã thương và đến với họ từ ngàn đời. Đây không hề là một tư tưởng mới lạ, khiến nhiều người phải xét lại xem có đúng không, mà là điều mà thánh giáo phụ tử đạo Justin đã nói đến khi đền cập đến Hạt giống Lời.
Nhân Khánh nhật truyền giáo năm 2011, VRNs xin giới thiếu lại bài viết của linh mục An Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế, người vào năm 2005 đã đến tiếp quản vùng truyền giáo trước đay6 của cha Jacques Dournes, để giúp anh chị em có thểm tư liệu suy tư.
Tại Cheoreo, cha Jacques Dournes miệt mài nghiên cứu về tâm linh bản địa
1. TIỂU SỬ JACQUES DOURNES
Cha Jacques Dournes sinh ngày 27 tháng 5 năm 1922 ở Saint-Pol-sur-Ternoise (Pas-de-Calais) trong một gia đình Kitô giáo hổn hợp Tin Lành Calvin và Công Giáo. Cùng một Đức Kitô, nhưng hai tôn giáo lại nghịch chiều nhau đã gây những băn khoăn sâu xa trong tâm tư và cuộc đời của Dournes. Cha Jacques là một quan toà, em là chính trị gia. Còn Jacques đam mê mạo hiểm, nên Hội Truyền giáo ngoại quốc Paris là nơi phù hợp. Thầy Jacques học triết học và thần học ở Đại Chủng Viện Versailles. Thụ phong linh mục ngày 5 tháng 4 năm 1945, chính thức là thành viên MEP ngày 29 tháng 10 năm 1945, sau đó được sai đến phục vụ tại giáo phận Sàigòn, Việt Nam.
Trước khi trở thành nhà thừa sai Jarai ở Kontum, cha Jacques Dournes đã được sai đến nơi truyền giáo ở Kala gần Di Linh, nơi có nhiều người Srê, ngay từ đầu năm 1947 và ở đó đến năm 1954. Ngài bị hồi hương sau bảy năm ở Di Linh, vì lý do quá quan tâm nghiên cứu văn hoá bản địa, mà sao nhãng việc truyền đạo. Nhưng nhờ Đức Cha Paul Seitz (Kim), Giám Mục Kontum, cha Dournes đã trở lại Việt Nam đầu năm 1955, và ngày 01.08 năm đó ngài được sai đến với người Jarai ở Bon Ama Djơng, thuộc vùng Cheoreo, tỉnh Phú Bổn (nay là thị xã Ayunpa) thuộc địa phận Kontum.
Tại Cheoreo, cha Dournes nhận ra những giá trị tâm linh lạ lùng, có lúc tưởng làm ngài lung lay đức tin, nhưng sau đó, ngài nhận ra vai trò của mình là trở thành chứng nhân về chính cuộc sống của những người Jarai thay vì tìm cách hoán cải họ theo đạo như cách cổ điển. Cuộc truy tầm LOGOS SPERMATIKOS trong văn hoá bản địa là hành trình chính của cha Jacques Dournes. Đức giám mục Paul Seitz nhận ra những suy tư thần học xuất phát từ kinh nghiệm truyền giáo của cha Jacques Dournes nơi người Jarai xứng đáng đóng góp cho việc thay đổi cung cách truyền giáo cũ kỷ của Giáo Hội khi giới thiệu cha Jacques Dournes làm chuyên viên Công đồng Vatican II, để soạn ra văn kiện Ad Gentes và một vài văn kiện khác.
Hành trình thừa sai của cha Jacques Dournes mãi mãi là món quà của Thiên trao cho Giáo hội Việt Nam qua bàn tay của MEP. Những thao thức tìm kiếm, chứng nghiệm và làm chứng của cha Dournes tiếp tục mời gọi những nhà thừa sai dấn thân trọn vẹn hơn cho ơn cứu chuộc, bởi lẽ tâm hồn thừa sai của ngài, dẫu đã quá nữa thế kỷ, vẫn đang làm cho lòng dân rực lửa đức tin và cung cách truyền giáo của ngài vẫn làm chúng ta phải bận tâm khám phá.
2. TÂM HỒN THỪA SAI
Đức cha Paul Seitz đã đưa cha Jacques Dournes đến lòng chảo Cheoreo của Tây Nguyên, và dặn cha hãy ở lại sống với người Jarai, chứ đừng bỏ về Toà giám mục, rồi sau đó giám mục ra về. Chính cha Dournes đã mô tả lại những giây phút đầu tiên đến với dân tộc thiểu số Jarai như sau :
“Hôm ấy là ngày mồng một tháng 8 năm 1955 vào lúc 6 giờ chiều. Màu xám xịt của khung trời ngột ngạt tạo cảnh não lòng cho làng Cheoreo, lúc chiếc xe của Đức Giám Mục tới, đem một vị thừa sai đến nhiệm sở mới. Ở đây không ai chờ đợi ngài. Hơn nữa, không ai muốn dung nạp ngài. Cho đến thời ấy, cư dân vùng này chưa bao giờ nghe giảng Tin Mừng, vì họ từ chối. Nhưng Đức Giám Mục lại muốn rao giảng Tin Mừng cho họ. Ngài để vị thừa sai và rương hòm trên mảnh đất khô cằn trước những chiếc nhà sàn đóng kín.
Chiều lại, những người thượng Indiêng-Jarai từ nương rẫy về nhìn thoáng qua cách lãnh đạm những con người xa lạ ấy; màu da sậm đen như màu áo, họ chui vào túp nhà sàn tranh tối tăm. Qua một người thông ngôn, vị giáo sĩ xin một chỗ tạm trú trong bon.
- Ông không biết sao ?! Không một người ngoại quốc nào có thể sống ở đây. Trời rất nóng nực.
- Đầy muỗi và chuột chạy khắp nơi.!
- Và đàng khác, chúng tôi không có gì để ăn !
(…) Bà lớn tuổi trong bon (làng) trung thành với truyền thống hiếu khách của dân tộc, trước kia vốn dân du canh du cư, nói:
- Kìa đã tối, không thể để người ngoại quốc này ở ngoài nhà, vì như vậy là bỏ họ cho cọp rình rập. Cho ông ấy vào đây, nội đêm nay !”
Chỉ lên nhà sàng một đêm, nhưng thực tế cha Jacques Dournes đã ở với họ 10 năm với những thách đố phải vượt qua. Từ là một người ngoại quốc, mắt xanh tóc vàng xa lạ đến đến một ông cha dân tộc, đóng khố suốt ngày hơn cả dân tộc; từ một người với đầy ấp tri thức tôn giáo Tây Phương đến người thầy nói cho dân về Thiên Chúa bằng chính những biểu tượng tâm linh của họ. Để làm được như thế, ngài đã không ngừng trăn trở, dằn vặt tìm kiếm, nhận diện, để rồi nhận ra Chúa đã thương người Thượng và đã ở với người Thượng từ trước rồi.
Dân Jarai ở Cheoreo còn giữ nhiều kỹ niệm với ngài. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngài đặt chân đến vùng Cheoreo, trong tập sách ghi nhớ có tựa đề là “50 năm Cha lên rãy”, có ghi lại một số nhận xét của d6n về ngài như sau:
Ông R]om Pơ (Ơi Hao) dân vùng Cheoreo nói: “Chúng tôi đi đâu , ngài cũng đi theo. Vai mang gùi, đi ra rẩy lúa, rẩy bắp, rẩy đậu, ngài đi theo khắp nơi khắp chốn. Khi tôi đi học thì ngài ở nhà một mình”. Ơi Sự, nhà sát ngay chổ ở của cha Dournes thì nhận xét: “Bản tính ngài nóng nảy nhưng vị tha bao dung và yêu thương người, nhất là đối với người nghèo khổ, người bị áp bức, đặc biệt là chú ý đến những người bị mắc bệnh cùi. Ngài đến với họ không một chút e ngại. Ngài phân thuốc men, âu yếm ôm hôn, an ủi, chăm sóc họ như những người thân ruột thịt của ngài. Khi ngài không đến được với họ, ngài cắt cử giáo dân đến, cụ thể như Ksor Lơng (Ama H’Ju), Ksor Man (Ama H’Ring)…” Ngài ở với dân như một người dân. Nhưng ngài cũng say mê sưu tầm các phong tục tập quán của họ. Ơi H’ Oan, một thư ký người Jarai của ngài kể lại: “Từ sáng tới trưa, tôi đánh máy chữ với ngài. Chiều làm việc tay chân: cưa gỗ cưa ván, bào ván với ngài, hoặc nhổ cỏ. Chúng tôi đi ghi âm các chuyện cổ, đi tới bon (làng) này bon kia. Về tới nhà tôi còn phải đánh máy ghi lại vào giấy nữa, rồi giao lại cho ngài để ngài giữ lại”. Có nhiều người cho rằng, vì quá say mê nghiên cứu văn hoá truyền khẩu, mà cha Jacques Dournes quên đi sứ vụ chính của mình là truyền giáo, nhưng người dân bảo không phải thế. Ama H’ Ring kể lại giấy phút đầu tiên được tiếp xúc với đạo qua cha Dournes như sau: “Tôi đây là người từ đầu Chẳng ra sao cả. Hôm ấy Chúa gửi cha Dournes và Ama Sim đến chơi nhà tôi, tôi mở ghè ruợu và thui một con gà tiếp hai người. Rồi Ama Sim nói với tôi:
- Anh cũng sẽ đi theo chúng tôi chứ?
- Đi đâu?
- Đi theo Đạo. Anh nhập nhóm những người đến nghe.
- Đến nghe ở đâu?
- Tại nhà Ama Sôn đằng kia kìa.
Những người đến nghe như tôi cũng đông. Chiều tối nào cũng đến nghe. Rồi cha Dournes nói với tôi:
- Anh hãy đến ở với tôi tại Cheoreo – Nhờ đó, tôi gặp Ama Yôn và Ama Sim”.
Hơn ai hết, chính cha Jacques Dournes xác tín: “Người Jarai sẽ biết về Chúa Giêsu chỉ qua những gì tôi nói với họ và qua tôi”.
Những người Kinh già hiện còn sống ở vùng Cheoreo kể, đã từng thấy một ông Tây đóng khố, mang ớt ra chợ ngồi bán, mà người dân tộc gọi là ama (cha). Nghe nói, khi đã về Pháp, trong một vài hội nghị khoa học lớn, cha Dournes cũng đã đóng khố đứng diễn thuyết trước rất nhiều cử toạ uyên bác.
Ở với dân, dân ăn gì, ngài ăn nấy. Dân đi đâu ngài nối gót theo. Dân nói gì kể gì, ngài nghe và ghi chép lại. Ngài trở thành cái tai của dân khi ở giai đoạn “tui sem” (tìm kiếm), Đị Rơnhan (lên nhà sàng), Mut sang (vào nhà), tức là tầm đạo Jarai, nhưng khi đã chín muồi ngôn ngữ, ngài đã là cái loa phát lại cho dân những gì tổ tiên họ đã nói, và nói cho họ biết Thiên Chúa, Đấng mà tổ tiên họ cũng đã khao khát tìm kiếm.
Trong khi tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong nền văn hoá bản địa phong phú này, cha Jacques Dournes cũng nhận ra tiếng Chúa đã mời gọi dân trong chính nền văn hoá của họ, và họ cũng có cách đến với Chúa đặc biệt, mà ngài gọi là tiến trình Dự tòng. Không biết đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là những đóng góp của ngài cho Giáo hội, mà sau Công đồng Vatican II, Thánh bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích đã ấn hành “Nghi thức gia nhập Kito6 giáo” cũng diễn ra từng bước, từng giai đoạn như cách trình bày của cha Jacques Dournes.
Thầy sáu Leonard Hồ Văn Quân chúc lành cho thiếu nhi
3. NHỮNG VẤN ĐỀ CẬN LINH
Đọc tác phẩm Dieu Aime les Paiens của cha Jacques Dournes chúng ta không chỉ nhận ra đây là một quyển hồi ký hay bút ký về truyền giáo, nói theo kiểu cha Henri de Lubac, Sj trong lời giới thiệu của tác phẩm, mà còn là tác phẩm liên quan đến các vấn đề nhân chủng học, văn hoá học, ngôn ngữ học, truyền kỳ học và xã hội học tôn giáo. Trong phạm vi hạn hẹp, chúng ta chỉ nêu ra đây vắn tắt bốn vấn đề thật quan trọng mà thôi.
Truyền thống đến từ lổ tai
Người Jarai bảo, người khôn ngoan là người làm theo lổ tai chứ không làm theo con tim, tức là làm theo sự khôn ngoan khách quan, chứ đừng cứ chủ quan mà làm. Như vậy việc lắng nghe nhau là quan trọng, nên hệ quả tất yếu là họ ít xé lẻ, mà ngược lại rất gắn bó với nhau. “Họ không liều lĩnh dấn thân cá nhân, nhưng tin chắc vào sức mạnh của tập thể nâng đỡ. Đàng khác không thiếu những giá trị tích cực: người Thượng giúp nhau và không bỏ rơi một người họ hàng nào, trong xã hội có tổ chức tốt này, họ không cần nhà mồ côi và nhà tế bần.”
Cộng đồng vừa là nơi ẩn nấu an toàn, vừa là mối dây ràng buộc, lệ thuộc: “Ra khỏi tập thể, người Jrai cũng yếu đuối giống như mạ non chờ cấy, họ chỉ có thể gia nhập một tập thể khác, nhưng cuối cùng, tập thể cũ vẫn có sức lôi cuốn lướt thắng những lực lượng khác. Những học sinh Jrai, được rửa tội ở thành phố nơi chúng theo học, lúc trở về làng không giữ đạo mới nữa, chúng lấy cớ “ở trong làng chúng tôi phải làm như MỌI NGƯỜI”. Như vậy yếu tố cộng đồng có phần gây khó khăn cho công cuộc truyền giáo. Trong điều kiện đó, cha Jacques Dournes đã tìm ra chìa khoá mở cách cửa này là mang Chúa đến cho những cộng đồng nhỏ và cơ bản là gia đình. “Một đàng, lưu ý đến sức mạnh tập thể này và thay thế tập thể truyền thống bằng một xã hội mới, hay tốt hơn, đổi mới tính tập thể ngay trong Giáo Hội địa phương. Một ít thanh niên Jrai tỏ ý muốn trở nên Kitô hữu, tôi tách riêng và cho họ vào khoá dự tòng. Kể từ khi họ bỏ tất cả, thì họ không thể chống lại áp lực xã hội. Vì vậy tôi chờ đợi toàn thể gia đình cùng trở lại, đó điều tối thiểu tôi ước mong, tôi hiểu rằng họ đã cùng đi sai đường , thì nay cũng cùng từ bỏ quá khứ để cùng quay về với Giáo Hội; những người đó thật bền đỗ”. Nếu người đầu tiên trong gia đình theo đạo là một người đàn ông thì cơ may cả gia đình tòng giáo rất thấp, vì người đàn ông khi chưa được cưới chỉ ở tạm nhà cha mẹ mình, còn khi được vợ cưới, anh ta trở nên rể của gia đình chứ không phải là gia chủ, bởi đó là lối sống theo mẫu hệ. Nhưng nếu người đầu tiên trong nhà theo đạo là phụ nữ thì cả gia đình dễ dàng theo đạo hơn.
Người Jarai nghe và làm theo nhau, từ đó tạo ra truyền thống. Từ nguyên tắc này, cha Dournes đã thấy việc loan báo Tin Mừng phải được lập đi lập lại nhiều lần mới làm người ta thấm và sáng tỏ.
Người Jarai sống quá khứ trong hiện tại, họ lặp lại quá khứ trong hiện tại của mình. Họ chỉ ý thức ngày hôm nay. Thế mà, không có gì là tạm thời hơn hiện tại. Người Jarai gọi là hơdip jang jai (sống tạm). Điều này giúp họ dễ đón nhận đức tin, không bám vào thực tại trần thế quá sức, nhưng cũng dễ thay đổi đức tin, vì không tin có thực tại vững chắc bền lâu. Kinh nghiệm sống mách bảo họ mọi sự là tạm. Nhà trẻ dễ sập, rãy bỏ hoang ít năm thành rừng, mồ mã đến pơthi pơsat (lễ bỏ mã) là xong. Từ đó, cha Dournes xác tín: “Việc phụng thờ Thần Linh của người Jarai cũng không bền vững. Thiên Chúa cho phép và có khi chấp nhận như vậy trong khi chờ đợi Mạc Khải đến với họ. Trong dân Israel cũng vậy, sự thờ phượng theo luật Môisen cũng chỉ có giá trị tạm thời thôi. Giống người Do Thái trong sa mạc, người Jarai luôn sẵn sàng ra đi, nhưng họ lại bám lấy cái tạm thời”.
Một lối sống không rõ ràng, như tấm màng chòn che, chỉ mở ra khi có gió rồi lại trở về như cũ. Aáy vậy mà khi tương quan với con người, người Jarai lại tỏ ra có phần chắc chắn lạ thường. Đây cũng là một cơ hội để nhận ra giá trị đích thực của cộng đồng này, một cộng đồng đã được chính Chúa dựng nên.
Cha Trần Sĩ Tín dạy giáo lý tại nhà dân lúc tờ mờ sáng, vì ban ngày, công an sẽ bắt
Logos Spermatikos
Hạt giống Lời được thánh giáo phụ Justinô tử đạo sử dụng để diễn tả ý định cứu độ của Thiên Chúa đã được gieo vãi trong các dân tộc, cho đến khi những sứ giả loan báo Tin Mừng đến, những hạt đó sẽ nẩy mầm và Lời thành tụ. Nơi cách người Jarai hành xử với nhau như kết nghĩa, tẩy uế, ma chay làm cho nhà thừa sai của chúng ta nhận ra dấu hiệu của Logos tiềm ẩn đó.
Chúng tôi xin trích một đoạn mô tả và nhận định của chính cha Dournes:
“Tôi dâng Thánh Lễ. Vài em học sinh thỉnh thoảng đến dự lễ; chúng nói tiếng Jarai và biết chút ít tiếng Kinh. Tôi nói với chúng bằng tiếng latinh. Riêng tôi, tôi đau lòng vì không khai mở được lãnh vực thiêng liêng mà Chúa mời chúng vào; khi không nghe được tiếng của thông ngôn, thì làm thế nào chúngï biết được Chúa kêu gọi chúng? Trong 30 phút, chúng bị gò bó vì đơn độc và im lặng; Lễ xong, chúng ngạc nhiên vì nghi lễ này không ăn nhập gì với chúng và không có vẻ là một cuộc cúng tế. Tất cả những việc này có vẻ không thật nghiêm túc đối với người Jarai, vì người Jarai không chi li với phí tổn của việc thờ cúng. Không thể có cầu kinh mà lại không có cúng tế và mọi cúng tế đều tốn kém. Mỗi nghi lễ là một lễ hội và gần như cả làng đều tham gia.
Trong gian giữa nhà sàn của gia đình, người ta đặt những ghè rượu và những dĩa đựng thịt con vật được sát tế. Dân làng vào đầy nhà sàn của Am^ H`er, tràn cả ra thềm, và ngồi vây quanh của lễ. Những người cử hành mặc áo lễ. Phía bắc, các bà vợ bận rộn với việc bếp núc; phía nam, các ông chồng của họ tranh luận, nhắc lại lý do buổi lễ và các cuộc cúng tế đã qua. Những chàng thanh niên mình trần tận tâm phục vụ nghi lễ, họ luôn mang đến thêm nào nước nào thịt. Sau khi cầu khẩn mời các Yang đến nhập tiệc, mỗi người được uống và ăn, không trừ một ai, kể cả người nhỏ nhất cũng được chia phần buổi tiệc. Chiêng trống được gióng lên làm cho người ta say sưa như say rượu bắp vậy. Đám đông và tiếng ồn đó là tất cả những gì phải có để một người Jarai cảm thấy là lễ hội. Các lễ hội cổ truyền muốn được hiệu nghiệm và hữu ích thì phải có ghè rượu, nắm cơm, thịt béo và gia vị. Người Jarai biết cách làm cho các Yang hài lòng để các ngài ban cho cái cần thiết.
Mục đích của tôi ở đây không phải là đưa ra một sự so sánh thô thiển giữa hai cử hành – nếu không phải trong tâm thức của người Jarai – nhưng là đặt một vấn đề; vì lẽ gì lại ngạc nhiên vì người Jarai quá theo truyền thống khi dường như chúng ta mới đụng đến những kiến trúc thượng tầng thứ yếu? Vì lẽ gì lại không hiểu rằng họ sẽ không đến với một tôn giáo chẳng có ý nghĩa gì với họ; vì họ đã có một tôn giáo thỏa đáng và tốt đối với họ.
Những ai nghiên cứu kỹ lưỡng các dân tộc bán khai đều nhìn nhận họ có một hình thái tôn giáo, ít nhiều đã được hình thành. Phủ nhận sự hiện hữu này có lẽ là một sai lầm lớn, và nếu không lưu tâm đến điều đó thì kết quả là giữ tôn giáo ấy trong tình trạng nguyên vẹn và chưa hoàn bị”.
Tâm thức tâm linh của người Jarai có ba bậc: Con người, Thần Linh và Ông Trời. Con người có linh hồn (bơngat) và cũng là một thực thể tồn tại sau cái chết của thân xác. Còn Thần Linh (Yang), những nhà truyền giáo trước gọi là ma quỷ, còn cha Dournes lại xác nhận là thiên thần: “Tôi cho là người Jarai khi nói chữ Yang thì gần như nghĩ đến những gì người Dothái gọi là Thiên Thần. Chính khi cố gắng phân định ý niệm Yang và quan sát người Jarai có tín ngưỡng, thì sự tương cận được đặt ra, ta thấy cái phong phú và dị nghĩa của cấp độ hiện hữu ấy. Đàng khác, ta biết thiên thần học trong Kinh Thánh có liên hệ với huyền thoại học của lương dân. Để minh hoạ cho nhận định này, cha Dournes đưa ra một lời chứng cụ thể: “Man, một dự tòng ở Plơi-Pa, đã hạ một bụi tre linh thiêng là nơi ở của một Yang nguy hiểm để làm ruộng; sau đó, anh ta mơ thấy Yang ấy phản đối: “Hãy để cho chúng tôi ! đất này là của chúng tôi. Chúng tôi cũng phục vụ ông trời”. Đây là một nhận xét đáng chú ý về sứ mạng của các Thần Linh”.
Khi cầu cúng người ta cũng gọi các Yang xấu (Yang Sat) như dịch ta, mất mùa, tai ương … để tống khứ để cấm đường không cho đến, tức là không phải thần linh để tôn thờ. Cha Dournes tóm lại chuyện này như sau: “Dưới thời Cựu Ước, thiên thần là đấng trung gian, đấng giải thích. Ở trung tâm lịch sử thế giới, chính Ngôi Lời nơi Đức Giêsu là Đấng Trung Gian giữa miệng của Chúa Cha và tai của những người con”.
Còn Ông Trời, còn được gọi là Ơi Adai, hay Ndu. Có lẽ câu chuyện của người Sre6 cũng phần nào minh hoạ hình ảnh Ndu:
“Một Chàng Mồ Côi (Orphelin) rất nghèo, chẳng có gì cả, chẳng có cái ăn cái mặc. Đến mùa gặt, chàng ấy đến với một ông chú giàu có để vay gạo. Bị xua đuổi, chàng trở về tay không. Trên đường về chàng gặp Chúa Ndu, ông hỏi chàng:
- Con đi đâu về đó ?
- Con đi xin gạo, nhưng họ không cho con gì cả !
Ndu tỏ lòng thương chàng và hứa sẽ giúp chàng; nhưng trước hết ông muốn thử người chú giàu có. Ndu hóa thân giống chàng, vác một bó rơm đã nhồi thành đệm đến nhà ông chú để đổi một chén cơm.
- Mầy trở lại đây làm gì ? Phải có chiêng và trâu tao mới cho gạo.
Bị xua đuổi mà không được gì, Ndu trở lại với chàng và cho chàng tạm một ít gạo.
- Bốn ngày nữa ta sẽ trở lại thăm con.
Giữ lời, Ndu trở lại gặp chàng và đổ đầy gạo vào mấy thùng chứa mà ông thấy trong túp lều nghèo nàn của chàng.
Đến vụ gieo, Ndu trở lại.
- Ta không có lúa giống để cho con. Nhưng con hãy cầm lấy mấy hạt bầu này đem gieo sau nhà con.
Đến ngày cúng lúa mới, Ndu thăm chàng:
- Mấy trái bầu của con sao rồi?
- Con đã hái và đã chất đầy kho rồi.
Cả hai vào trong kho. Chỉ thấy có lúa đầy tận nóc!
Trong làng cũng có một thiếu nữ nghèo cũng ở một mình. Ndu dắt cô đến nhà chàng mà không cho cô thấy Ndu.
- Con ơi, đây là vợ con, các con hãy sống với nhau.
Ndu xỏ một cái vòng vào cổ tay mỗi người. Khi đó, người phụ nữ mới thấy Ndu, nhưng rồi lại không thấy nữa. Chỉ có Chàng Mồ Côi tiếp tục thấy Ndu.
Ndu dạy chúng :
- Các con đã cưới nhau, hãy ở với nhau. Hãy nuôi dưỡng vợ con và hãy sống tốt.
Sau đó Ndu biến mất. Cả hai đều chẳng thấy Ndu nữa. Chúng rất sung sướng và tạ ơn Ndu.
Cho đến nay, người ta tiếp tục ca ngợi Ndu, dù họ không còn thấy ông nữa”.
Ndu là một Thần lớn hơn các thần. Người thiểu số trước khi học đạo cho rằng Ndu còn lớn hơn cả Chúa của người Công giáo. « Tôi biết Ndu có một bản tính khác các Yang, văn phạm diễn tả bằng cách dùng đại từ nhân xưng giống trung, khác với người và Thiên Thần. Ndu có địa vị cao nhất trong các hữu thể; người ta không nghĩ ra một hình ảnh nào về Ngài cả. Ndu xuất hiện dưới hình một người già, một con dơi, hay một ngọn lửa, điều đó làm cho trí tưởng tượng bị méo mó trong thuyết nhân hình».
Từ kinh nghiệm với người Srê, cha Dournes đã mạnh dạng gọi Thiên Chúa là Ơi Adai trong cộng đồng Jarai, và tức thì người Jarai đón nhận Thiên Chúa là Đấng chí tôn tuyệt đối. Ơi Adai là một từ như thể YHWH của dân Dothai, nên cũng rất ít thầy cúng của Jarai dám gọi tên Ngài, mà chỉ gọi vào một vài dịp gì đó quá đặc biệt mà thôi. Một người Jarai khi đã tòng đạo đã nói với cha Dournes như sau : « Một người Jarai ở Plơi-Blang-Yam, cách Cheoreo 100 km, đã giải thích cho tôi :“Chúng tôi cũng dâng cúng Ơi Adai và chỉ sau đó mới cúng các Yang. Nhưng điều này cũng không quan trọng. Thiên Chúa lớn hơn mọi Thần Linh; đó là Đấng Tạo Thành tất cả mọi sự’’.
Có thể tóm lại thế này : « Tôn giáo của người Jarai là một cuốn sách khoa học thường thức, nó cho biết quan niệm của họ về thế giới, mà trong đó mọi sự đều mang dáng dấp tôn giáo nhưng tất cả không thuần tuý tôn giáo. Họ không phân tích họ không phân biệt cấp loại nhưng coi vũ trụ là một tổng thể do các Thần Linh ban cho ».
Chúng ta là những nhà truyền giáo cần ý thức người thuộc các sắc tộc thiểu số có niềm tin. Bác bỏ niềm tin của họ là đẩy họ đến tình trạng vô thần, và như thế việc tín nhận Thiên Chúa cũng chỉ là khiên cưỡng.
Từ những kinh nghiệm nhờ dấn dâu trong kinh nghiệm tâm linh bản địa, cha Jacques Dournes đã đưa ra một tiến trình dự tòng.
+ Cha Antôn Vương Đình Tài chụp hình với một trong những gia đìnhJarai đầu tiên theo đạo
Tiến Trình Tòng Đạo
Cha Jacques Dournes ý thức rất rõ việc chuẩn bị cho những dự tòng. Ngài đã trích dẫn lời của Cyrille de Jérusalem, Procatéchèse, II : “Việc dạy giáo lý là thời gian trồng cây; phải đào sâu, bởi vì ta không thể trồng lại cây đã trồng sai.”
Phải nói ngay, tiến trình Tòng đạo không phải là sáng kiến do chính cha Jacques Dournes đưa ra, nhưng là kinh nghiệm từ đầu của Giáo hội sơ khai, cộng với kinh nghiệm tiếp nhận con người của người Jarai mà hình thành nên. Một người khác lạ muốn bước lên nhà sàn để vào nhà người Jarai cần phải tìm hiểu, xem chủ nhà có cho phép mình lên không, nếu cầu thang úp xuống, tức là không sẳn sàng đón khách.
Ngài lưu ý những dự tòng bằng lời của văn sĩ Origène: « Tôi van nài anh em, anh em đừng đến với bí tích Rửa Tội cách bất cẩn hoặc thiếu ân cần, nhưng trước hết hãy cho thấy những hoa trái xứng đáng của lòng sám hối… Chúa muốn tìm thấy nơi anh em một con đường, để có thể đi vào trong tâm hồn của anh em, và để biến tâm hồn anh em thành con đường cho Ngài. Anh em hãy chuẩn bị cho Ngài một con đường mòn .
Tiến trình tòng đạo của cha như chính cha mô tả là : « Dự thính, dự tòng, tuyển chọn và tân tòng: đó là tiến trình mà chúng tôi đạt đến nhờ kinh nghiệm, từng tí một, sau những do dự, duyệt xét và hiệu chính không ngừng. Đó chính là phương pháp truyền thống của Giáo Hội. Tôi không tìm cách áp dụng cách tiên thiên phương pháp ấy, nhưng khi đụng chạm với cuộc sống, đối phó với thế giới ngoại giáo, qua những mò mẫm từ năm này qua năm khác, chúng tôi thấy phương pháp đó trẻ trung, thích hợp và hiệu quả – một cách thức tiến hành vừa tự nhiên vừa quan phòng. Hoàn cảnh đưa đẩy chúng tôi đến chỗ chọn theo đường hướng đó, từng chặng một, đồng thời theo não trạng tôn giáo Jarai và những bước tiến thích hợp với họ».
- Dự thính – Tui sem : tìm kiếm
- Dự tòng – Adring : ở hàng hiên
– ană (con), - Ană Adring (con ở bậc thềm) : Khách của Giáo hội
- Tuyển chọn – Ruah : tuyển chọn/cho phép/ chấp thuận
- Tân tòng – Mut sang : vào nhà/vùng tâm linh. –> Ană Sang (con cái trong nhà) : Người của Giáo hội
Mỗi giai đoạn đều có một nghi thức phụng vụ để đưa người ngoài dần bước vào thế giới Thiên Chúa và cũng là cách để họ có cơ hội chấp nhận cho Chúa từng bước can dự vào cuộc đời họ. « Việc thổi hơi, cầu khẩn, từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin dẫn người tân dự tòng vào con đường mà người đó đã nắm bắt được ý nghĩa; người đó không nói thuộc lòng, nhưng trả lời tự phát. Năm sau, nếu có tiến bộ, người đó sẽ đón nhận nghi thức ghi dấu thánh giá trên mình, rồi nghi thức bỏ muối” .
Nội dung giảng dạy trong ba năm dự tòng được cha sắp xếp như sau :
“năm 1: Giải thích nội dung Kinh Tin Kính, chúng tôi đưa ra ánh sáng những thay đổi mà Kinh Tin Kính đã tạo ra trong cuộc sống. Các dự tòng học cầu nguyện theo Kinh Mân Côi.
Năm 2: Kể lại Cựu Ước nhằm triển khai hai khái niệm đầu tiên này, lồng chúng vào trong một lịch sử, cho thấy chúng đang sống động trong ý thức tôn giáo, tương tự nơi bất cứ người nào sống trước khi Chúa Giêsu đến. Những người dự tòng làm quen với cách cầu nguyện bằng Thánh Vịnh.
Năm 3: Được trình bày giữa Cựu Ước và sự kéo dài của nó trong đời sống Giáo Hội, Tân Ước dẫn tới các bí tích khai tâm. Các dự tòng cầu nguyện, đào sâu và suy niệm Kinh Lạy Cha; họ tập cách thờ phượng Chúa”.
Và thú vị hơn là cách trình bầy không như cách dạy giáo lý như chúng ta đã từng biết, mà là cách “Akhan” của người Jarai, cách kể chuyện truyền khẩu quanh bếp lửa ! Điều này không ngờ cuối thế kỷ 20 được lại được Liên hội đồng giám mục Á Châu khuyến khích áp dụng, như là cách truyền thụ chính của các dân tộc bản địa ở Châu Á.
Cần phải nói thêm, đến thời điểm cha Jacques Dournes truyền giáo cho người Jarai chưa hề có một văn bản nào bằng tiếng Jarai của Giáo hội Công giáo, do đó để làm trực tiếp thi hành sứ vụ, ngài đã phải học tiếng, làm tự điển, dịch thuật các câu chuyện Thánh Kinh, các lời nguyện truyền thống của Giáo hội…
Để cùng nhau mục kích rõ hơn về cách rao giảng của cha Jacques Dournes, chúng ta nên tiếp cận trực tiếp với một bài giáo lý của ngài.
“Ngôi mộ của Đức Kitô
Ở nhà mồ, người Jarai tìm kiếm một gia đình được đoàn tụ, một cộng đoàn đông đảo, trong niềm vui chung. Điều đó tốt. Người ích kỷ, người không tìm thấy niềm vui với những người khác, không thể vào Nước Trời. Cũng đúng là những người đã khuất và những người có mặt hợp thành một gia đình.
Nhưng người Jarai sai lầm khi họ tìm tất cả những sự ấy nơi pơsat; tệ hơn họ còn làm điều xấu nơi nhà mồ: lúc đó họ không tìm gì hơn là chính bản thân họ.
*… Vậy hãy nghe Lời Chúa: “Đừng trở nên những kẻ như đã được viết : dân đã ngồi xuống để ăn uống, rồi lại đứng lên chơi đùa. Ta đừng gian dâm, như một số trong nhóm họ đã gian dâm: nội một ngày, hai mươi ba ngàn người đã ngã gục… Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa … Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo bữa ăn riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người thì say” (1Cr).
“Một người dân trong thành bị quỉ ám…, anh ta không mặc quần áo,… ở trong đám mồ mả “ (Lc 8,27). “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Lc 9, 59).
“Người nghèo này chết (không lễ, không của cúng) và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham” (Lc 16,22). “Họ (những người đã phục sinh) không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa” (Lc 20, 36).
Giám mục Augustinô dạy rằng: “Các thánh, giống như các thiên thần, không muốn chúng ta dâng hy lễ cho các ngài, nhưng muốn chúng ta CÙNG VỚI CÁC NGÀI TRỞ NÊN MỘT CỦA LỄ CHO THIÊN CHÚA”(Civitate Dei 10, 19). “Tôi đã biết một số trong những người sùng bái mồ mả hay hình ảnh, những kẻ ham ăn uống trên những người chết, họ dâng những bữa tiệc cho xác chết, họ tự chôn chính mình trên những người đã được chôn này, và đổ lỗi cho tôn giáo cái say sưa và cái sa đà của họ” (De morib. eccl. 1, 75). “Họ làm mất lòng Thiên Chúa, những kẻ chạy quanh các mồ mả, dâng các bữa ăn của họ cho những xác chết hôi thối …”. “Thiên Chúa sẽ phá hủy cả lương thực, cả cái bụng; hãy chỉ tìm kiếm điều không bao giờ qua đi …”.
Thiên Chúa ở trước mặt chúng ta; Ngài muốn chúng ta ngẩng đầu lên, nhìn phía trước, không nhìn về phía sau, về điều đã qua đi.
* Đâu là tập quán của Giáo Hội?
Ngày xưa, Israel có thói quen chôn người chết; vì vậy có mộ của Abraham ở Hêbron, mộ của Đavid ở Sion (cũng x. Tôbia).
Chúa Giêsu đã theo tục lệ chôn cất của người Israel. Các Kitô hữu chôn người chết trong ngôi mộ đã được làm phép và họ cầu nguyện ở đó. Ngày xưa, người ta dâng lễ trên mộ các vị tử đạo, sau đó người ta dâng lễ trong nhà thờ, nhưng người ta đặt hài cốt các vị tử đạo trong bàn thờ….
Trên núi Tabor, Chúa Giêsu tôn vinh ông Môisen và ông Elia. Oâng Môisen không có mộ phần, ông Êlia đã được Thiên Chúa mang đi. Đức Maria cũng vậy. Những người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa không có mộ phần trên mặt đất này; đó là dấu Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn lên cao, chứ không phải nhìn xuống đất.
Người Kitô hữu làm lễ hwa pơsat như thế nào?
“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21). Không phải tử hệ theo xác thịt qua người mẹ làm tăng giá trị của chúng ta; người mẹ sinh ra những người nô lệ, những người tội lỗi; người ta không sinh ra đã là giàu có hay nghèo nàn, thông thái hay dốt nát.
Khi sinh lại bởi nước và Thần Khí, người ta trở nên con Thiên Chúa, người ta cùng bước vào trong một gia đình duy nhất; chính gia đình của các Kitô hữu này làm tăng giá trị của chúng ta, chính việc sinh ra lần thứ hai này cho ta quyền tham dự cuộc sống bí tích và cuộc sống vĩnh cửu mà cuộc sống trước là hình bóng.
Chúa Tể của Nhà mồ. “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24, 5). Chúa Giêsu, chủ gia đình chúng ta, đã phục sinh, Ngài đang sống và là nguồn mạch sự sống; tất cả các Kitô hữu đều sống – khi chúng ta nhớ đến tổ tiên vĩ đại của mình, là chúng ta nhớ đến những người sống.
Nhà thờ là pơsat mới. Trong nhà thờ, chúng ta tập họp đông đảo, với linh mục đại diện Chúa Giêsu, Chúa Tể của nhà mồ, với tất cả các Kitô hữu trên trần gian và những người đã đi vào Nước Trời. Nhà thờ là dấu chỉ của gia đình chúng ta và thay thế nhà mồ Jarai; nhà thờ và bàn thờ thì tạm thời, nó biểu thị thực chất của chúng ta: “một đền thờ cho Thiên Chúa”. Khi Giám Mục thánh hiến nhà thờ, Ngài đối xử với nhà thờ như một nhân vị (rảy nước thanh tẩy và xức dầu).
Các Kitô hữu hiệp lễ. Trong mọi nước, gia đình Kitô Giáo dâng lễ để tưởng niệm Chúa Giêsu chết và phục sinh. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người ta không dâng lễ, bởi vì Chúa Giêsu đã chết. Nhưng ngày thứ nhất, tức là Lễ Phục Sinh, người ta dâng lễ, vì Chúa Giêsu sống. Và mỗi Chúa nhật là ngày kỷ niệm. Vào mỗi dịp lễ kính thánh (vào ngày qua đời của ngài), người ta mừng ngày sinh nhật trên trời của ngài.
“Để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy” (Lc 22,30). Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta vương quốc này như một bữa tiệc tập họp các Kitô hữu đang sống trong vinh quang của Thiên Chúa. Cộng đoàn của chúng ta trên trái đất biểu thị vương quốc này; ở đó chúng ta thông hiệp với thân mình của Đức Giêsu, nguồn sự sống, bữa ăn trong yêu thương và hiệp nhất con tim của mọi Kitô hữu thuộc mọi thời đại… và mỗi lần chúng ta hiệp lễ, chúng ta được thắt chặt và củng cố trong gia đình Kitô giáo cho đến ngày ta vào Nước Trời.
* Hệ quả thực tế.
Chúng ta hãy nghĩ đến những người còn đang sống trên trần gian; chúng ta đừng chất đồ đạc trên mộ, nhưng hãy cho những người anh em chúng ta, cho tất cả những người nghèo. Sau lễ, chúng ta cùng ăn chung, dành một phần cho kẻ đói. Những gì chúng ta cho đi như thế: các Thiên Thần của Thiên Chúa “sẽ mang theo” và điều đó sẽ làm phong phú toàn thể Giáo Hội.
Chúng ta hãy nghĩ đến những người quá cố, để cầu nguyện và xin lễ. Ngày mồng 2 tháng 11, chúng ta tụ họp để cầu nguyện trên các phần mộ của họ. Lúc ấy ta khẩn cầu Thiên Chúa chứ không phải người chết.
Ước gì mỗi cuộc hội họp phụng vụ ngày Chúa nhật là một ngày lễ cho ta: ta hãy thanh tẩy tâm hồn và hãy ăn mặc đẹp. Và ta hãy làm một với mọi anh em ta…
Cũng như mỗi bài trong các bài học của chúng tôi, chương nói về Ngôi Mộ của Đức Kitô được xây dựng theo dàn bài sau đây: phần nhập đề để lồng chủ đề vào trong các sự kiện mà người Jarai đã biết, các ý tưởng quen thuộc với họ – tiếp theo là ba phần mang tính giáo khoa: giáo huấn của Kinh Thánh, khai triển thần học, áp dụng thực tế.
Chính từ nhà mồ của họ, mà tôi có thể giúp người Jarai tiếp xúc với mầu nhiệm sống động của lễ Phục Sinh, may mắn được mừng cùng thời gian với lễ nhà mồ – đây không phải là một sự trùng hợp. Tôi đã giải thích cách riêng hoạt động phát sinh sự sống của Đức Giêsu, khởi đi từ ngôi mộ của Ngài, lúc Ngài xuống ngục tổ tông, và trong tất cả đời sống bí tích của Giáo Hội. Vì pơsat là trung tâm đời sống tâm linh của người Jarai, nên họ đã được mở lối để tìm thấy mầu nhiệm Vượt Qua ở trung tâm của giáo huấn, của đời sống Kitô hữu, của tất cả lịch sử dân Thiên Chúa. Từ đó phát sinh các bài học về hiến tế của Thánh Lễ và về các bí tích được phát xuất từ hiến tế ấy.
Cách riêng Bí tích rửa tội được trình bày cho họ như Bí tích của sự sống và của gia đình Kitô giáo, nước là ngôi mộ và là lòng mẹ, Phép Rửa là sự phục sinh của chúng ta được báo trước. Các Kitô hữu khi trở lại thăm giếng rửa tội của mình, không thấy ở đó kỷ niệm của sự chết, nhưng là của sự sống họ, sự sống đó bắt nguồn từ ngôi mộ này. Phép Rửa diễn tả sự thay thế một người chết bằng một con người phục sinh; mỗi lần hiệp thông Thánh Thể đều nhấn mạnh đến sự thay thế này. Sự sống của ta không phải là sự sống kết thúc nơi ngôi mộ, nhưng chính là sự sống được giấu ẩn trong Chúa Giêsu; sự chết không chấm dứt sự sống, nó chỉ chấm dứt cái chết mà thôi.
Chúng tôi tìm cách theo đuổi việc thay thế ngôi mộ Jarai bằng ngôi mộ Kitô giáo trong mọi chi tiết.
Trên bình diện nguồn gốc huyền thoại, chúng tôi kể lại những câu chuyện Kinh Thánh, nhất là dụ ngôn anh Lazarô nghèo khó, thay cho câu chuyện người phụ nữ chết xin cơm. Việc trang trí mồ mả chấp nhận các mô hình Kitô giáo: thúng bánh sự sống, ông Giôna… Nơi chúng tôi, những lời than vãn của những phụ nữ khóc than sẽ là những khúc ngâm nga sám hối và hy vọng. Những vị tổ tiên vĩ đại được mừng kính là các thánh đã đem lại vinh quang cho gia đình Kitô giáo; tôi dạy cho các tân tòng lịch sử Giáo Hội qua lịch sử các hành vi của Chúa Giêsu trong Giáo Hội thể hiện nơi các thánh. Các bữa ăn trên mộ được dời về nhà các Kitô hữu, và tôi bảo họ mời những người nghèo, bởi vì của bố thí có giá trị giúp người quá cố.
Theo bản chất, chính Thánh Lễ phải thay thế mọi cúng tế, dù là cho các Yang hay cho những người quá cố; nhưng điều đó lại càng khó chấp nhận hơn. Người ta có thể dự kiến cử hành một Thánh lễ định kỳ, không phải trên chính ngôi mộ, nhưng trong một nhà nhỏ ở nghĩa trang, như một giai đoạn tạm thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi hoàn toàn. Hơn nữa, tôi mong rằng thánh lễ cầu cho những người đã chết của Kitô Giáo vào ngày mồng 2 tháng 11 có thể được dời vào một ngày thuận lợi để thế chỗ cho đại lễ nhà mồ, cũng như xưa người ta đã làm để ấn định ngày lễ Giáng Sinh.
Lễ Lều của người Dothái, cử hành hàng năm về sự đổi mới, là lễ bình dân nhất trong các đại lễ; nó được phụng vụ Kitô giáo lấy lại trong ba ngày của lễ Bốn Mùa vào tháng 9 – mặc dù vậy, thánh Gioan Kim Khẩu phàn nàn, nó còn tiếp tục lôi cuốn trên các Kitô hữu. Có lẽ đó cũng là dịp để cử hành và khôi phục giá trị cho ba ngày của pơsat Jarai.
Các dự tòng của chúng tôi phải cố gắng, đối với một số người còn phải là anh hùng, để khỏi quay lại với các lễ hội nhà mồ đầy hấp dẫn; họ đòi nơi chúng ta sự dịu hiền, nhẫn nại, và tiệm tiến trong những yêu sách của chúng ta. Họ biết họ có thể ăn thịt đã được cúng trên một ngôi mộ hay cho một Yang, nhưng thường là họ phải nhịn vì sợ gương xấu: người ngoại dò xét những yếu đuối của họ và có thể lợi dụng một hành vi như thế, để biến sự tham dự vật chất thành sự thông hiệp nghi lễ; lúc đó có lẽ họ sẽ quả quyết rất mạnh mẽ tính ưu việt về tín ngưỡng của họ, và các tiền dự tòng sẽ tưởng rằng có thể tiếp tục tham gia các buổi tiệc ấy khi đến với Kitô giáo.
Vấn đề còn nghiêm trọng hơn. Một dự tòng có thể dễ dàng từ bỏ các nghi lễ chỉ bó buộc gia đình mình: chúc lành, tăng sức và một số nghi lễ đồng áng; nhưng người đó sẽ rất khó từ bỏ những nghi lễ cộng đồng của buôn làng: lễ cấm kỵ của làng, các nghi lễ đồng áng mang tính tập thể, làm phép các nguồn nước. Người đó gần như không thể bỏ những nghi lễ của Pơsat, nếu các gia đình khác, những gia đình cùng chung pơsat này không trở lại đạo với anh ta, vì nghĩa trang là sở hữu chung của dân làng, các phần mộ gia đình có cùng một mái che. Không một thành viên nào trong gia đình không những có thể trốn tránh bổn phận giữ gìn mồ mả, mà còn phải tham dự vào các việc cúng tế nữa. Ai bỏ bê việc phục vụ Pơsat thì đặt những người khác trong một tình huống khó khăn: họ đã chôn người chết với anh ta, lúc đó họ đã chung chia sự ô uế với anh ta, và họ không thể thoát ra khỏi sự ô uế đó nếu không có anh ta. Tình thế gay cấn này một lần nữa cho thấy rằng, chúng tôi sẽ còn ở lại trong cái khó khăn tạm thời, bao lâu nhóm người ấy, trong toàn bộ, chưa đạt đến sự đổi mới trong một khóa dự tòng chung.
Ngay bây giờ và bất chấp tất cả những điều đó, vẫn có các Kitô hữu: dấu hiệu chắc chắn về sự hoạt động của Thiên Chúa, Đấng thích can thiệp khi con người chân nhận không còn một giải pháp nào khả dĩ.”
An Thanh, CSsR