VRNs (23.10.2011) – Sài Gòn – Nhân ngày Truyền giáo, chúng ta cùng nhau đọc lại lời của Đức Chân Phước Gioan Phaolo II trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc” (08.12.1990)
Số 37 :
“(c) Những lãnh vực văn hóa: hình ảnh tân thời của Công Hội Viện Hy Lạp. Sau khi rao giảng ở một số nơi, Thánh Phaolô đến Nhã Điển, nơi ngài vào Công Hội Viện của họ và loan báo Phúc Âm bằng ngôn ngữ thích hợp, dễ hiểu trong các khung cảnh đó (x. Acts 17:22-31). Vào thời bấy giờ, Công Hội Viện là tiêu biểu cho trung tâm văn hóa của thành phần học thức ở Nhã Điển, và ngày nay nó có thể được coi như một biểu hiệu cho các lãnh vực mới cần phải được loan báo Phúc Âm.
Công Hội Viện đầu tiên của thời hiện đại là lãnh giới truyền thông, một lãnh giới đang liên kết nhân loại lại và đang biến nhân loại thành cái gọi là “khu làng hoàn vũ”. Phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi, đối với nhiều người, là phương tiện chính để trao đổi tin tức và giáo dục, để hướng dẫn và tác động hành vi cử chỉ nơi cá nhân, gia đình và trong xã hội nói chung. Nhất là đối với thế hệ trẻ trung đang lớn lên trong một thế giới được môi trường truyền thông vây bủa. Có lẽ thứ Công Hội Viện này đã bị bỏ bê ở một mức độ nào đó. Nói chung, chúng ta đã chú trọng đến các phương tiện khác để rao giảng Phúc Âm và để giáo dục Kitô hữu hơn, còn môi trường truyền thông thì bỏ mặc cho sáng kiến cá nhân hay cho các nhóm nhỏ nào đó, và đặt nó vào hàng thứ yếu trong chương trình mục vụ của mình. Thế nhưng, việc dấn thân vào môi trường truyền thông không phải chỉ để làm tăng cường thêm cho việc rao giảng Phúc Âm thôi. Còn có một thực tại sâu xa hơn chất chứa ở đó nữa: vì chính việc truyền bá phúc âm hóa cho văn hóa tân tiến ngày nay một phần lớn tùy thuộc vào ảnh hưởng của truyền thông, nên chỉ sử dụng truyền thông để quảng bá sứ điệp Kitô giáo và giáo huấn chân thực của Giáo Hội mà thôi chưa đủ. Cũng cần phải đưa sứ điệp vào “nền văn hóa mới” do các phương tiện truyền thông tân tiến tạo nên nữa. …”
Ba câu hỏi xin phép được đặt ra cho chúng ta:
1.Chúng ta có nong nả với công việc loan báo Tin Mừng hay không?
2.Chúng ta có thật sự quan tâm đến thế giới truyền thông và nhìn nhận đúng tầm quan trọng của thế giới này chưa ?
3.Chúng ta đang ra sức tạo nhiều kênh truyền thông và truyền tải Tin Mừng trên đó hay chúng ta chú ý đem sứ điệp Tin Mừng vào mọi phương tiện truyền thông đang có ?
Nhờ lời chuyển cầu của Chân Phước Gioan Phaolo II, xin Chúa ban cho chúng con nhận ra sứ mạng của chúng con trong thế giới hôm nay.
Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct.
Khánh nhât Truyền giáo 2011