VRNs (27.11.2011) – Sài Gòn – Nhạc sĩ Xilin Diweng viết ca khúc “Because you love me” [Vì anh (em) yêu em (anh)]. Lời ca viết rằng: “Nếu anh không nhìn thấy, em sẽ là mắt của anh; khi anh không thể nói, em sẽ là tiếng của anh…”. Đôi vợ chồng mù trong thôn bà ngoại tôi năm nay đã sắp sửa tám mươi tuổi, họ đã có một lũ con cháu.
Nghe bà ngoại kể lại, khi cưới nhau, chồng ngồi xe bò đi đón vợ. Tuy cô dâu chú rể đều không nhìn thấy màu sắc, nhưng chú rể vẫn sai người cuốn đầy lụa điều lên đầu bò và xe bò.
Đón cô dâu về nhà, chú rể dắt tay vợ mò mẫm từ nhà trên xuống nhà bếp, mò mẫm khắp lượt các ngóc ngách trong gia đình. Viêc khó hơn cả là múc nước ở cạnh giếng, lần nào cũng thế, hai người dắt nhau đi, vợ sờ thấy cây gỗ ở cạnh giếng, một tay ôm chặt cây, còn tay kia níu chặt tay chồng.
Chồng quỳ trên sàn giếng thả gầu xuống múc và kéo nước lên. Trong thôn có người giúp, hai người thường từ chối, họ bảo: “Quý vị có thể giúp được một giờ chứ không giúp được chúng tôi một đời”. Cứ như thế, hai vợ chồng luôn dắt tay nhau đi gánh nước cho đến khi đứa con đầu tiên có thể gánh nổi một gánh nước. Dân làng thấy lạ, đã có mười mấy đôi trai gái trẻ trong thôn từng vì đất trơn trượt mà ngã xuống giếng, nhưng hai vợ chồng này chưa bao giờ như vậy. Càng lạ hơn là dù có đông người đang cùng nhau nói chuyện rỉ rả, họ vẫn có thể nhờ vào tiếng hít thở dài mà nhận ra nhau.
Họ không nhìn thấy, nhưng người ta thường nhìn thấy họ dắt tay nhau đi, dù trời mưa gió. Làm việc gì, họ cũng tay trong tay. Hình ảnh tay trong tay đã được nhiều nhà văn viết đi viết lại, và hình ảnh đó đã xuất hiện suốt nửa thế kỷ ở cái làng nhỏ bé không ai biết đến kia.
Chồng là người thổi kèn trong ban nhạc của làng, ông thường đến các đám cưới của người khác thổi những bài như “Trăm con chim nhìn Phượng hoàng”, “Niềm vui đầy nhà”,… Dù đi thổi kèn ở đâu ông cũng chỉ có yêu cầu duy nhất là cho người vợ mù cùng đi. Khi chồng thổi kèn, vợ chỉ lặng lẽ ngồi nghe bên chồng, dường như những điệu nhạc vui nhộn này đều là thổi cho bà. Trên khuôn mặt người vợ mù thường đỏ ửng lên khiến ai cũng cảm thấy người đàn bà mù đang ngồi lặng lẽ kia xinh đẹp khác thường.
Về sau, hai vợ chồng đã già, không bao giờ đi ra ngoài nữa, chỉ quanh quẩn trồng hoa trong sân nhà mình, các loại hoa đều tươi màu rực rỡ. Đến kỳ hoa nở, cả sân đỏ rực. Một lần ông sơ ý bị ngã què chân. Trong những ngày ông nằm viện, bà không ăn một hạt cơm vào bụng suốt 4 ngày. Bà bảo: “Không sờ thấy bàn tay quen thuộc kia, tôi không còn hồn vía nào nữa”.
Con cái sáng mắt cũng đã từng vui đùa hỏi ba mẹ chúng: “Nếu Tạo hóa dành cho ba mẹ một cơ hội, liệu ba mẹ có định dùng mắt nhìn nhau không?” Bà mẹ mù trả lời: “Các con nhìn người bằng mắt, bố mẹ nhìn người bằng trái tim, tim sáng hơn mắt, thực sự sáng hơn mắt”.
Người cha mù bảo: “Dắt tay nhau một đời, có bao nhiêu đường vân trong lòng bàn tay mẹ con đều in vào trái tim ba. Ba chưa bao giờ trông thấy một người đẹp nhất, nhưng trong trái tim bố, mẹ con là người đẹp hơn cả. Cần mắt để làm gì, mắt là thứ tham lam nhất trần đời, nhìn cái gì cũng chia ra tốt hay xấu, xinh hay không xinh, nhìn cái gì cũng muốn có cái đó, trên mặt người ta có một cái rỗ cũng có thể để bụng suốt đời”.
Cũng có người nêu ra ví dụ: “Nếu vợ mù trông thấy mặt chồng bị bỏng thì sẽ cảm thấy thế nào?” Lại có người giả thiết: “Nếu chồng nhìn thấy hai tròng mắt vợ lõm hẳn xuống, liệu có hối hận lời mình nói không?”
Vì chúng ta có mắt nên khi chúng ta nhìn người khác, chúng ta chỉ dựa vào cách nhìn của mắt mà quên dùng trái tim. Đúng như người vợ mù đã nói: “Con mắt của trái tim mới sáng nhất, thực sự sáng nhất!”.
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ The Way of Seeing)