Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Giới tiến bộ Trung Quốc quá ư thận trọng?

VRNs (27.11.2011)- Hà Nội - Ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng đương nhiệm của Trung Quốc, khoảng một năm trở lại đây đã có những phát biểu công khai làm xôn xao dư luận tiến bộ trong và ngoài nước.



Ngày 14/03/2011, trong cuộc họp báo quốc tế nhân kết thúc một kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo đã dõng dạc khẳng định: “Không có cải cách chính trị thì cải cách kinh tế không thể thành công và các thành quả kinh tế chúng ta đã đạt được có thể sẽ mất hết.”

Cũng trong cuộc họp báo đó, ông Ôn Gia Bảo còn kêu gọi phải để cho người dân trực tiếp đi bầu để chọn ra người lãnh đạo và để “người dân có quyền giám sát và phê phán chính phủ.”

Gần đây nhất, ngày 14/09/2011, trong Diễn Đàn Kinh Tế Thế giới (World Economic Forum) tổ chức ngay tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo lại đưa ra những lời kêu gọi cải cách rất mạnh mẽ: “Nhiệm vụ khẩn cấp đối với đất nước (Trung Quốc) hiện nay là phải cải cách đảng (cộng sản) và hệ thống lãnh đạo quốc gia.” Ôn Gia Bảo cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất đối với một đảng nắm quyền là phải hành xử theo đúng qui định của hiến pháp và pháp luật, do đó “đảng nắm quyền không được đại diện cho nhà nước và không được nắm quyền một cách tuyệt đối và phải thay đổi sự tập trung quyền lực thái quá.”, “vì vậy cải cách hệ thống quyền lực của đảng và hệ thống lãnh đạo quốc gia là nhiệm vụ bắt buộc.”

Dưới góc độ dân chủ, những đề xuất cải cách của ông Ôn Gia Bảo là khá rõ ràng và cơ bản hơn rất nhiều những kêu gọi như đề xuất ra một bộ luật biểu tình và trong bối cảnh chính trị, xã hội hiện thời của Trung Quốc, đó là những phát biểu dũng cảm và hợp lòng dân. Nhưng phản ứng của giới đấu tranh và khát khao tiến bộ, dân chủ, nhân quyền cho Trung Quốc dường như không quan tâm tới những phát biểu đó. Họ gần như im lặng hoàn toàn, không thấy có những biểu hiện cổ vũ, kêu gọi xiển dương rầm rộ cho những lời kêu gọi đó.

Rất có thể giới đấu tranh cho tiến bộ Trung Quốc chỉ là những người bảo thủ và rụt rè. Nhưng cũng rất có thể họ đang phải vất vả, chú tâm kiếm tìm những nhân quyền, những tiến bộ khiêm tốn hơn, khả thi hơn nhưng là nền tảng cho các tiến bộ khác nên chưa dám mơ và tin vào những lời kêu gọi cải cách to tát của ông Ôn Gia Bảo. Vì họ vẫn đang phải vất vả để vượt qua tường lửa để đến được với những con chữ như “dân chủ”, “Thiên An Môn”, “Liu Xiao Bo”,…Họ vẫn phải mạo hiểm đối mặt với nhà tù và sách nhiễu của chính những nhân viên công lực của ông Ôn Gia Bảo khi họ lên tiếng thay cho những nạn nhân của bất công, của HIV, của sữa có melanin, của động đất, của đường tàu cao tốc bị “rút ruột”.

Hay phải chăng tất cả giới tiến bộ Trung Quốc đều đã bị biến thành những người quá nghi kỵ, thận trọng đến mức không biết chào đón, khích lệ, cổ vũ những dấu hiệu thay đổi tiến bộ (thực sự?) trong tư duy của giới lãnh đạo? Họ đã quá ư thận trọng nên không theo kịp tốc độ cải cách của xã hội, của giới lãnh đạo? Họ đã thiếu tự tin? Khó ai có thể trả lời thấu đáo ngay cho những câu hỏi này. Nhưng, dù thế nào, quá thận trọng, thiếu tự tin hay cả tin và nóng vội đều là những điều không tốt cho cải cách.

Phạm Hồng Sơn
Hà Nội, 26.11.2011