VRNs (16.11.2011) – Sài Gòn – Theo pháp luật hiện hành tại Việt Nam, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu dừng công trình trường Mầm Non 9, vừa mới khởi công xây dựng trong tháng 11 này.
Có người trưng dẫn Điều 1, Nghị quyết 23/2003/QH11 về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 như sau:
“Ðiều 1: Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1 tháng 7 năm 1991.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất” để nói Tỉnh DCCT VN không thể yêu cầu dừng công trình đang xây dựng trường Mầm Non 9 tại nhà-đất 86 đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 9 quận 3. Nhưng chúng tôi nhận thấy không hợp thời, tức là không còn đúng vì hai lý do.
Một là, xét về mức độ quan trọng và giá trị thì Nghị quyết Quốc hội (có giá trị pháp luật) không thể quan trọng và có giá trị cao hơn Luật do Quốc hội ban hành cùng về một vấn đề. Ở đây, Nghị quyết 23 được ra đời năm 2003 khi Luật nhà ở chưa ra đời, nó có tính tạm thời áp dụng, đợi luật sẽ giải quyết triệt để hơn.
Hai là, Luật nhà ở đã ban hành năm 2005, ở điều Điều 3. Áp dụng pháp luật ghi:
“1. Trường hợp có sự khác nhau của Luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở thì áp dụng quy định của Luật này”.
Điều này có nghĩa, nếu điều gì Nghị quyết 23/2003/QH11 bàn mà Luật nhà ở năm 2005 không bàn thì áp dụng theo Nghị quyết, nhưng những vấn đề Luật nhà ở đã bàn thì phải theo luật, Nghị quyết 23/2003/QH11, không được áp dụng nữa.
Trong Luật nhà ở, Điều 5. Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở đã ghi:
“1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu.
2. Nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hoá. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng nhà ở thì Nhà nước bồi thường cho chủ sở hữu nhà ở theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán và tạo điều kiện để họ tạo lập nhà ở khác”.
Ở đây Luật nhà ở nhấn mạnh: “Nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hoá”.
Như vậy, Tỉnh DCCT VN chỉ cần chứng minh căn nhà 86 Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, Sài Gòn là sở hữu của mình thì có quyền yêu cầu dừng dự án đang xây dựng trái phép trên nhà-đất của mình và có thể làm đơn khởi kiện Uỷ ban nhân dân quận 3 về tội phá hoại tài sản tổ chức tôn giáo, vì đã ra quyết định cho phép đập ngôi nhà 86 Bà Huyện Thanh Quan để xây dựng toà nhà mới.
Được biết, trong thư Khiếu nại lần 2, do cha Giuse Đinh Hữu Thoại, chánh văn phòng DCCT VN đã viết:
Đã có vài người gởi thư nặc danh cho rằng, ở Việt Nam, chỉ một mình DCCT là hay bày ra chuyện đòi đất, gây khó khăn cho công cuộc đối thoại. Khách quan mà nói, chúng tôi biết số thư gởi đến ủng hộ việc làm của DCCT VN, có ký tên hẳn hoi, nhiều hơn rất nhiều lần vài thư nặc danh đó.
Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy một vấn đề lớn hơn ở việc DCCT VN lên tiếng đòi quyền lợi của mình.
1. Việc mình bị cướp của, theo đúng các phạm trù của luật hiện hành mà không lên tiếng tố cáo kẻ cướp là không chu toàn bổn phận công dân, là làm gương xấu cho trẻ em. Lên án những người dám tố cáo cái xấu là bao che, thông đồng với cái xấu. Thường người ta chỉ thông đồng với cái xấu vì lợi ích của mình hoặc bị thế lực gây ra điều ác đang đe doạ đến mạng sống.
2. Chấp nhận hiện tượng “để lâu cứt trâu hoá bùn”, tức là cứ ăn cắp, chiếm dụng đi, lâu ngày rồi cũng qua, thành của mình. Như thế là cố tình tạo gương mù gương xấu cho trẻ em Việt Nam. Đây có thể là nguyên nhân trực tiếp (chứ không chỉ là triết thuyết vô thần), và cụ thể đẩy tình trạng xã hội Việt Nam đến suy đồi đạo đức nghiêm trọng.
Thuỵ Minh. VRNs
Công trình vi phạm pháp luật này bao giờ bị đình chỉ?