VRNs (16.11.2011) – Úc Đại Lợi – Suy niệm Chúa Nhật thứ 34 thường niên Lễ Kitô Vua năm A 20.11.2011
“Em trở về đây với Bướm Xuân,
Cho tôi mơ ước một đôi lần.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Mt 25: 31-46
Hôm nay đây, Bướm Chúa của Mùa Xuân đã trở về với hình dạng của Đức Vua. Vua vũ trụ. Vua của mọi tâm hồn, như tình tự được thánh sử ghi nhanh ở trình thuật.
Trình thuật, nay có thánh sử rất Mátthêu ghi về đoạn cuối cuộc sống công khai của Đức Kitô, trước khi Ngài vào với nỗi thống khổ, và rồi sau đó, đã Phục Sinh, để vực dậy hết muôn người. Thánh Mátthêu làm công việc ấy bằng cung cách của người kể dụ ngôn về ngày sau hết, có phán xét. Đọc trình thuật hôm nay, hẳn rằng người nghe lại liên tưởng đến dụ ngôn của những chiên con và dê hiền. Phụng vụ Hội thánh lại dùng trình thuật hôm nay để mừng kính Đức Kitô Vua, tức Vị Chánh Án vào ngày phán xét cuối cùng.
Nhìn vào ngôn ngữ mà người Công giáo thường sử dụng xưa nay, thì chữ “Vua” không là từ ngữ dễ nghe và dễ chấp nhận cho bằng danh xưng khác. Đã có lúc, danh xưng “Vua” của Đức Chúa được coi như một biểu ngữ nhằm nói lên các giá trị đạo đức hầu đối chọi với ý nghĩa rất chúa của các vua quan ở đời. Thời nay, người người thấy mình không dễ gì thấy được sự khác biệt giữa tính chất rất “vua” của tín hữu Đạo Chúa.
Trình thuật thánh Mátthêu hôm nay, Đức Giêsu được gán tặng bằng nhiều danh xưng như Con Người, Chúa Chiên (tựa như vua Đavít), Đức Vua, Đức Chúa, Người Con ngự trên ngai vàng cùng Thiên Chúa Cha, vv… Bằng vào các danh xưng ấy, Đức Giêsu Kitô được con dân mọi người tôn kính như vị Chánh Án mọi dân tộc. Và hôm nay, người đọc sẽ thấy Ngài sử dụng quyền tài phán của Chánh Án. Đó là lý do mà thánh sử coi Ngài là “Đức Kitô rất Vua”. Và, điều đó ăn khớp với mọi hiểu biết của chúng ta khi nghĩ về vị Vua của vũ trụ. Bởi, Ngài chính là vị Chánh Án có trọng trách phán xét tất cả những gì con người làm, hoặc không làm.
Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicêa có nói Ngài sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Cũng thế, các bản văn tuyên tín khác cũng có nói dân con mọi người sẽ phải trả lẽ về những gì mình làm. Thánh Kinh của người Do Thái còn tỏ cho thấy “Ngày của Đức Chúa” là ngày mà vị Chánh án đứng lên để phán và xét. Thêm vào đó, truyền thống giáo hội còn dạy con dân phân biệt việc phán xét vào ngày chung cục cuộc đời của mỗi người với việc phán xét hết mọi người vào ngày thế tận. Nhưng, chẳng một ai, kể cả Đức Kitô, biết được thời điểm với nơi chốn xảy đến công cuộc phán xét chung cuộc ấy. Nên, việc này chỉ được kể bằng ngôn từ rất biểu trưng và thông thường rất dễ sợ.
Kể, bằng biểu trưng hay biểu tượng, là nói trước mọi việc trước khi việc ấy xảy đến. Và, trình thuật về sự việc này được giảng rao khắp nơi và khắp chốn, để người Do thái cũng như dân ngoại sẽ hồi hướng trở về. Cả Enoch lẫn Elijah cũng về lại. Ngày ấy sẽ là ngày Cánh Chung, Phản-Kitô sẽ ngự trị một thời gian. Và, không gian vạn vật sẽ chuyển đổi đến rối mù, lửa từ trong/ngoài địa cầu sẽ bốc cháy. Và rồi, có tiếng loa kèn phát lên báo hiệu sự sống lại của muôn loài và khi ấy Con Người cũng sẽ xuất hiện giữa mây trời, rất bảng lảng. Rồi, người người cứ như thể bảo nhau: ngày thế tận đã kề cận. Thế nhưng, lẽ thường tình của con người lại hay chống đối những chuyện như thế. Và, phần đông sẽ không tin rằng chuyện đó là sự thật như đinh đóng cột. Hay nhất là bảo: ta chẳng hiểu gì về việc ấy.
Chẳng hiểu, vì ngôn từ biểu tượng mà thánh Mátthêu sử dụng chỉ để kể về một gặp gỡ rất riêng tư thân tình giữa Đức Kitô và mỗi một người, khi ta chết. Vào lúc ấy, Ngài muốn biết, không chỉ mỗi việc cuộc sống của ta ra thế nào, nhưng còn nhắn nhủ rằng ta đã làm gì cho lịch sử của con người, tức đóng góp được bao nhiêu cho nhân loại. Lúc thánh Mátthêu viết lên trang sử này, lên giấy, ngài muốn tỏ bày lập trường để ta biết, là: mỗi người chúng ta cũng nên cải thiện lối hành xử của chính mình, ở đây. Bây giờ. Thánh nhân không mô tả những gì sắp đến cho bằng ngài muốn xác chứng những gì phải xảy ra, ngay bây giờ.
Thánh Mátthêu diễn tả việc ấy qua ảnh hình và biểu tượng về chiên lành và dê hiền. Ở Do thái thời xưa, chiên lành chịu đựng cơn lạnh hay hơn dê hiền. Bởi thế nên, dê hiền cần được bảo vệ nhiều hơn. Bằng vào mầu sắc, chiên con thường mầu trắng. Còn, dê hiền lại là mầu đen. Ở dụ ngôn, chiên lành đứng bên phải, tức phía rất phải. Còn, dê hiền ở bên trái tức trái rõ đành rành. Đặc biệt hơn, bằng vào biểu tượng thánh sử viết, thì thú đàn ở phía bên phải, vẫn phải lẽ. Còn dê hiền, là kẻ xấu nên mới trái. Thế nhưng, dưới tầm nhìn của Chúa, thú đàn dù có trái, vẫn rất phải.
Công việc của Chánh án, là tách chiên khỏi dê theo tiêu chuẩn nào đó. Tiêu chuẩn đây, không là 10 điều giáo luật, vì khi bị phán xét không ai bị cật vấn điều đó. Nhưng tiêu chuẩn phán xét, là phán đoán và xét nét về 6 công tác từ thiện rất cổ điển về lòng thương xót mà người Do thái có thói quen gọi đó là hành xử đầy yêu thương. Cũng chỉ là: lo cho cái ăn, thức uống, đón tiếp mời chào, cho áo mặc, trông nom chăm sóc và viếng thăm đỡ đần. Vấn đề là, người người được hỏi có làm thế trong đời mình không?
Thật ra, đó còn là nội qui cuộc sống cộng đoàn do thánh Mátthêu đặt, ở Tin Mừng chương 18: “Không được để con trẻ lạc lõng, mất mát. Không được để thành viên cộng đoàn bị bỏ rơi, cô độc”. Phán và xét, còn là hỏi: anh/chị có tuân giữ nội qui ấy không? Nếu có, anh/chị là chiên lành. Nếu không, anh/chị sẽ là dê hư. Ở đây, thánh Mátthêu và -Đức Giêsu- đặt tầm quan trọng vào nội qui giản đơn ấy cho cộng đoàn Kitô hữu thời tiên khởi. Để sau này, sẽ không có ai bị án phạt về những gì mình đã làm hoặc định làm; mà về những gì mình quên làm và không bao giờ chịu làm những việc như thế.
Người tốt lành không làm việc đó vì họ thấy người có nhu cầu như chính người anh, người chị của mình. Đức Giêsu nói: nếu người làm điều tốt lành ít là cho người anh, người chị ấy của mình, thì tức là làm cho Chúa. Họ là người thân của Chúa. Ta làm cho người của Chúa, chứ không phải cho người của ta. Thế nên, phán xét tích cực là phán và xét xem ta có mừng đón vào nhà mình, những người của Chúa, thuộc gia đình Ngài, vì họ nhìn ta như là người trong số họ.
Khi nói đến việc phán xét nói chung, ta bao gộp tất cả mọi người. Vậy thì, “nội qui của cộng đoàn” không chỉ là cho người Do thái hoặc cho cộng đoàn Mátthêu thời tiên khởi hoặc những người thuộc giáo phái nào đó, thôi. Mà là, tất cả. Nội qui ấy, là để mọi người biết mà thực hiện. Nội qui được viết trong tâm khảm của mỗi người. Cho mọi văn hóa, sắc tộc. Mọi thời khắc của lịch sử nhân loại. Nội qui rất chung và sẽ có phán xét cũng rất chung như thế.
Chúa có cách để giáo huấn để họ hiểu rằng cuộc sống đích thực không cần lời nói, hoặc thể chế, dù thể chế ấy là Hội thánh. Chúa thiết lập trong ta bản năng riêng của mội người. Cho mỗi người. Bản năng ấy, giúp ta mở lòng ra với người đang thiếu thốn, có nhu cầu. Dù ta là người thế nào đi nữa, Chúa cũng sẽ phán và xét chính ta, về tất cả điều đó. Phán và xét, xem ta có làm những việc giùm giúp như thế không. Chính đó là ý nghĩa của phán xét chung.
Chương 28 cuối Tin Mừng, thánh Mathêu viết: Đức Giêsu truyền lệnh cho nhóm người bé nhỏ của Ngài hãy ra đi mà trở nên đồ đệ của Ngài đến với muôn dân. Không cần biết họ thuộc sắc tộc nào. Có lý lịch ra sao. Họ từ đâu đến. Ngài dạy họ làm những việc như thế bằng cách quan sát xem họ có làm những điều Ngài dạy trong đời mình hay không. Tức, dạy họ sống biết giữ nội qui đề ra cho cộng đoàn của Ngài, như thánh Mátthêu từng ghi lại. Nếu họ làm theo điều Ngài dạy, thì Ngài sẽ ở với họ suốt mọi ngày, cho đến ngày thế tận.
Đọc trình thuật hôm nay, có thể có người nghĩ là thánh Mátthêu muốn tách chia chiên khỏi dê, để dễ bề phân biệt. Nhưng sự thật, đó không là phân và tách mà là đến với nhau như đàn trẻ lạc được tìm thấy. Là, ra đi mà tìm đến với họ. Ra đi, để ở giữa những người từng lỗi phạm nay bị bỏ rơi, quên lãng. Ra đi, giang tay mà chào đón tất cả mọi người, đưa họ về với hòa giải và hòa hoãn. Thế đó, không là tách chia, phân biệt. Mà là, thuộc về nhau. Ở với nhau. Mà là, tất cả ràng buộc vào với nhau để tiến vào với cộng đoàn Nước Trời Hội thánh.
Trong tâm tình cảm kích những điều thánh sử ghi về Đức Kitô Vua, ta lại ngâm lên lời rằng:
“Em trở về đây để nắng hồng,
Hồn xưa còn đẹp ý xưa không?
Trăng tình chưa nguyện lời Hoa Bướm,
Em chẳng về đây để ngỏ lòng.”
(Đinh Hùng – Bướm Xuân)
Là Bướm Xuân hay Bướm của Mùa Xuân, Ngài vẫn là Vua Vũ Trụ, nơi lòng người. Nay, Ngài trở về để Bướm và Xuân nên một. Một thân. Một mình. Thứ Mình rất thánh của Chúa Xuân.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch