VRNs (12.11.2011) – Chúa Nhật 33 Thường Niên A
Tiếp nối bài Tin Mừng tuần trước, dụ ngôn được kể trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 25,14-30) đề cập đến một khía cạnh khác của sự canh thức mà chúng ta phải thực hiện trong khi chờ đợi Chúa chúng ta quang lâm.
Dụ ngôn bắt đầu với sự đi xa của một ông chủ và trách nhiệm của các đầy tớ của ông trong thời gian ông vắng mặt: “Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi” (cc.14-15).
Chúng ta gặp thấy một tình cảnh tương tự ở 24,45: ông chủ vắng mặt sau khi đã trao trách nhiệm cho các đầy tớ. Nhưng ở đây trách nhiệm đó được diễn tả bằng những yến bạc được ông chủ tín nhiệm trao cho mỗi người đầy tớ. Rất khó xác định giá trị của một talanton bạc (mà chúng ta tạm dịch là “yến bạc”), vì đây là một đơn vị đo trọng lượng. Nhiều người cho rằng mỗi yến bạc trị giá khoảng 6.000 quan tiền (một quan tiền tương đương tiền công lao động một ngày). Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là số lượng tiền, cho bằng tư cách là người quản lý một tài sản của ông chủ với nhiệm vụ phải làm cho tài sản đó sinh lợi như ông chủ đã tín nhiệm khi trao phó tài sản đó “tùy khả năng riêng của mỗi người”. Các yến bạc có thể được hiểu là biểu tượng của những ân ban, những đức tính, những tài năng, những tri thức, những cơ hội phát triển… Một vài người hiểu đây là biểu tượng của Tin Mừng được trao phó cho mỗi người. Tuy nhiên, vì “số lượng” được trao cho mỗi người mỗi khác nhau (năm yến, hai yến, một yến), nên cách hiểu đó có phần gượng ép. Và vì thế, nhiều người hiểu các yến bạc này là sự hiểu biết của mỗi người về Tin Mừng. Cách hiểu này chính xác hơn và dễ được chấp nhận hơn.
“Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ” (cc.16-18). Người đầy tớ thứ nhất và người đây tớ thứ hai đã “lập tức” thực hiện nhiệm vụ được trao phó. Dụ ngôn không nói họ làm thế nào để gây lời gấp đôi những gì đã được trao ban cho họ. Nhưng có lẽ đó không phải là điều quan trọng. Điều đáng chú ý là sự nhanh nhẹn, sự cần mẫn và hiệu năng tỏ tường mà họ đạt được, xứng với sự tín nhiệm của ông chủ đối với họ. Ngược lại, thay vì làm lời số vốn đã được trao phó cho mình, người đầy tớ thứ ba lại đem số bạc đã lãnh nhận đi chôn xuống đất.
“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ” (c.19). Ngữ đoạn “sau một thời gian lâu dài” trước hết nhằm cho thấy các đầy tớ có đủ thời gian để làm cho những yến bạc sinh lợi. Nhưng đồng thời, nó cũng phản ánh sự kiện cuộc quang lâm của Con Người chậm xảy đến, như được nói đến trong 24,48 (dụ ngôn người đầy tớ trung tín) và 25,5 (dụ ngôn mười trinh nữ). Các độc giả của Tin Mừng Mt hoàn toàn có thể hiểu chi tiết này như vậy. Theo nghĩa đó, sự kiện “ông chủ” (kyrios) trở về và tính toán sổ sách với các đầy tớ rõ ràng là hình ảnh của cuộc phán xét cánh chung.
“Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (cc.20-23).
Các đầy tớ lần lượt ra trước mặt ông chủ (cc.20.22.24). Trường hợp hai người đầy tớ đầu tiên thì hoàn toàn giống nhau, chỉ trừ số lượng yến bạc. Họ trình ông chủ số yến bạc ông đã giao cho họ và thêm vào đó là số yến bạc mà họ đã làm lợi được từ số vốn đã được giao. Ông chủ, ngỏ lời với từng người, khen họ là những đầy tớ tài giỏi và trung thành. Và tiếp theo những lời khen ngợi ấy, thì, cũng tương tự như ở 24,45-47, ở đây, ông tuyên bố: “Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh”. Sự ít (oliga) mà ông chủ nói đến ở đây không có nghĩa mỉa mai, nhưng có giá trị nhấn mạnh sự lớn lao vô cùng của lòng quảng đại của Thiên Chúa trong phúc lạc cánh chung mà Ngài sẽ ban cho những ai trung thành và khôn ngoan thực hiện nhiệm vụ mà Ngài đã tín nhiệm trao phó cho họ. Cuối cùng, ông mời gọi họ: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. Các độc giả của Mt trong Hội Thánh sơ khai chắc chắn đã hiểu niềm vui được nói đến ở đây theo nghĩa hạnh phục viên mãn cánh chung trong Nước Trời, chứ không phải niềm vui của một người giàu có của cải đời này. Số phận của hai người đầy tớ tài giỏi và trung thành, như vậy, là hạnh phúc lớn lao hơn hẳn những gì họ đã có thể làm ra được.
“Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” (cc.24-25).
Chúng ta đã biết rằng người đầy tớ thứ ba này đã đào đất và chôn yến bạc ông chủ giao cho anh vào đó, chứ không làm cho số bạc đó sinh lợi. Bây giờ anh cũng tiến lại gần ông chủ. Nhưng khác với hai người đầy tớ thứ nhất và thứ hai, anh không bắt đầu bằng việc trình ông chủ yến bạc mà ông chủ đã trao cho anh trước kia. Anh bắt đầu bằng một lời bào chữa vụng về cho việc anh đã làm đối với yến bạc mà anh đã nhận. Anh bảo rằng anh biết ông chủ là một người cứng rắn. Anh thừa nhận sự lệ thuộc của anh đối với ông, nhưng anh không tin phục ông và càng không sẵn sàng làm theo ý ông. Ngay từ đầu anh đã có một tương quan không đúng đắn đối với ông. Anh bực tức vì coi sự lệ thuộc của anh vào ông chủ là một cái gì đó đáng sợ. Anh hiểu sai ý muốn và lòng tốt của ông chủ. Khi trao yến bạc cho anh, ông chủ vốn không tìm lợi cho bằng muốn tạo điều kiện để anh thể hiện sáng kiến, tài năng và sự trung thành của anh, ngõ hầu ông có thể trao phó cho anh cả cơ nghiệp của ông (x. 24,47) và đưa anh vào hưởng niềm vui của chính ông. Nhưng anh lại hiểu sai rằng ông là một kẻ áp bức, rằng ông là kẻ sống trên xương máu và công sức kẻ khác, rằng ông “hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Chính vì thế, anh từ chối phục vụ và không chịu làm theo ý muốn của ông chủ. Bây giờ anh nói với ông chủ: “Của ông đây, ông cầm lấy!”.
Thực ra, anh đầy tớ thứ ba này không hề phung phí tài sản được trao phó cho anh. Anh cũng không làm mai một chút nào khối lượng tài sản đó. Vấn đề cũng không phải là anh đã làm lợi ít hơn hai người đầy tớ kia. Vấn đề là anh nhất định không làm theo ý ông chủ. Sự giải thích sai bản chất sự việc và nỗi sợ hãi vô lối đã khiến anh ta hành động một cách vô trách nhiệm và sai trái. Anh chôn yến bạc xuống đất, một việc vất vả hơn nhiều so với việc đem yến bạc ấy gửi vào ngân hàng. Nhưng việc gửi yến bạc vào ngân hàng lại phiêu lưu hơn và do đó, đòi hỏi trách nhiệm nhiều hơn… Anh ta đã chôn giấu một thực tại vốn tự bản chất phải sinh lợi. Và như thế, không chỉ có một tương quan sai lạc đối với ông chủ, anh còn thực hiện một tương quan sai lạc với thực tại mà anh đã lãnh nhận: anh không cho phép thực tại đó được hiện hữu đúng với bản chất của nó.
“Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!” (cc.26-27). Đây là trường hợp duy nhất trong Mt, một đầy tớ bị mô tả là tồi tệ (ponēre). Anh ta tồi tệ vì không thực hiện đúng nhiệm vụ và tư cách của mình. Anh biếng nhác. Anh càng đáng trách hơn nữa khi anh cố ý không làm theo điều mà anh nghĩ là ông chủ chờ đợi nơi anh, vì ít nhất thì anh cũng có thể gửi số bạc của ông chủ vào ngân hàng để nó tự sinh lời.
Sau khi đưa ra nhận xét về thái độ sống của người đầy tớ này, ông chủ đi đến quyết định về số phận của anh ta. Ông bắt đầu bằng quyết định liên quan đến yến bạc. Trước hết, yến bạc sẽ được lấy khỏi tay người đầy tớ tồi tệ và biếng nhác để trao cho người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, người đã có mười yến: “Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến” (c.28). Lý do là: “Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (c.29). Động từ được chia ở thời tương lai, dạng bị động, nên nhiều người hiểu theo rằng chính Thiên Chúa là chủ thể của hành động “cho thêm” và hành động “lấy đi”.
Thứ đến, ông chủ đưa ra quyết định liên quan đến số phận của người đầy tớ xấu xa và biếng nhác: “Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (c.30). Tên đầy tớ xấu xa và biếng nhác bây giờ được xác định là kẻ vô dụng, tức là một kẻ không đem lại ích lợi gì cho ông chủ. Án phạt dành cho anh ta được diễn tả bằng hai công thức: anh ta bị quăng ra “chỗ tối tăm bên ngoài” (x. 8,12; 22,13) và “ở đó anh ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (x. 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51). Như thế là hoàn toàn trái ngược với số phận của hai người đầy tớ trung thành và khôn ngoan, vốn là “hãy vào” và “hưởng sự vui mừng của chủ anh”.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Dụ ngôn hôm nay không nhấn mạnh trên tính cách bất ngờ của cuộc trở về của ông chủ, tức là không nhấn mạnh trên tính cách bất ngờ của cuộc quang lâm. Câu chuyện hôm nay liên quan đến cuộc sống của chúng ta trong khi chờ đợi Chúa đến lại, nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng của sự canh thức: đang khi chờ đợi Chúa trở lại trong cuộc quang lâm của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô có trách nhiệm làm cho các ân huệ Ngài ban cho mình sinh lợi như Chúa muốn. Đặc biệt là ơn hiểu biết Tin Mừng.
2. Mỗi người đầy tớ trong dụ ngôn được ban cho một số lượng yến bạc khác nhau tùy theo khả năng của họ: năm yến, hai yến hay một yến. Nhưng điều quan trọng không ở số lượng yến bạc được trao phó, mà là ở sự thực hiện trách nhiệm đi kèm với ânhuệ đó. Thánh Phaolô viết: “Chúng ta nhận những ơn huệ khác nhau, tùy theo ân sủng được ban cho chúng ta. Được ơn làm ngôn sứ thì phải làm sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, hãy phục vụ. Ai dạy bảo, hãy dạy bảo. Ai khuyên nhủ, hãy khuyên nhủ. Ai phân phát, hãy chân thành. Ai chủ tọa, hãy có nhiệt tâm. Ai thực thi lòng thương xót, hãy vui vẻ. Lòng yêu mến không được giả dối. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, gắn bó với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ…; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sằng mà phụng sự Chúa” (Rm 12,6-11).
LM. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R