Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Thư gửi Toàn Quyền Canada David Johnston về nhân quyền Việt Nam

VRNs (12.11.2011) – Canada – Luật sư Vũ Đức Khanh, trưởng văn phong luật sự VDK LAW OFFICE vừa ra Thông cáo báo chí cho biết đã gởi đến ngài toàn quyền Canada David Johnston để tỏ bày quan ngại về vấn đề nhân quyền tại Việt nam, nhân chuyến công du của ngài toàn quyền đến ba nước Á Châu: Malaysia, Viet Nam và Singaore.

Trong thư có đoạn viết: “Chúng ta, là một quốc gia, đã cổ vũ dân chủ, và sự tôn trọng luật pháp quốc tế và nhân quyền. Sự tham gia của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Lester B. Pearson, vào Lực lượng Liên Hiệp Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng Kinh Đào Suez năm 1956, và những nỗ lực cũng như hy sinh sau đó của chúng ta tại Afghanistan là bằng chứng sự cam kết của chúng ta đối với những giá trị đó. Với sự phồn vinh và tài nguyên của chúng ta, chúng ta phải giúp đỡ những người, ví dụ tại Việt Nam, như Cha Nguyễn Văn Lý, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vị luật sư đáng kính Lê Công Định và còn nhiều những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền khác đang bị cầm tù vì niềm tin của họ, để giúp những người không thể tự giúp chính mình. Tuy nhiên quan trọng nhất, chúng ta phải làm điều đó vì chính chúng ta, những công dân Canada, để sống theo những giá trị của chúng ta và để lãnh đạo bằng cách làm gương”.

VRNs xin trân trọng giới thiệu Thông cáo báo chí và nguyên văn bức thư nói trên (Bản dịch Việt ngữ do một thân hữu tại Hà Nội thực hiện và được VDK Law Office gởi trực tiếp cho VRNs).

—————-



THÔNG CÁO BÁO CHÍ

(v/v Thư gửi Toàn Quyền Canada David Johnston nhân chuyến công du của ngài đến Malaysia, Việt Nam và Singapore từ ngày 12 đến 22 tháng 11 năm 2011)

Văn phòng Luật VDK Law Office chúng tôi trân trọng kính báo văn phòng chúng tôi hôm 9/11/2011 vừa đệ trình lên Toàn Quyền Canada, ngài David Johnston một lá thư với lời chúc mừng thành công cho chuyến công du của ngài đến Malaysia, Việt Nam và Singapore từ ngày 12 đến 22 tháng 11 năm 2011.

Văn phòng chúng tôi mạn phép đặc biệt lưu ý ngài đến tình trạng nhân quyền không mấy khả quan của Việt Nam và mong ngài tạo điều kiện cho Canada và Việt Nam sớm hợp tác để cải thiện tình trạng nhân quyền Việt Nam.

Văn phòng chúng tôi tin rằng Canada thích hợp một cách lý tưởng trong việc giúp đỡ một số nước trong đó có Việt Nam tiến tới xây dựng một quốc gia tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền hơn. Thượng tôn pháp luật, hòa bình, tự do, dân chủ và quản trị tốt là những yếu tố đã giúp hình thành một quốc gia Canada tiến bộ, văn minh và giàu mạnh; nó có thể cung cấp nền tảng cho sự ổn định, an ninh, và thịnh vượng trong tương lai tại Việt Nam.

Văn phòng chúng tôi trân trọng kính báo để các cơ quan truyền thông và đồng bào trong và ngoài nước được tường.

Kính chào thân ái.

Luật sư Vũ Đức Khanh

—————–

THƯ CỦA LUẬT SƯ VŨ ĐỨC KHANH GỬI TOÀN QUYỀN CANADA VỀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM



Ngày 9-11-2011

Văn phòng Luật Sư Vũ Đức Khanh

Kính gửi ngài David Johnston, Toàn Quyền Canada, Đại diện Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị
Rideau Hall, 1 Sussex Drive, Ottawa, Ontario K1A 0A1

V/v Chuẩn bị cuộc viếng thăm của ngài tới Malaysia, Việt Nam, và Singapore

Kính thưa Ngài Toàn Quyền David Johnston,

Tôi viết lá thư này cầu chúc ngài sức khỏe để chuẩn bị lãnh đạo phái đoàn Canada viếng thăm Malaysia, Việt Nam, và Singapore vào giữa tháng 11 này. Là một công dân Canada gốc Việt, tôi có thể cố gắng hết sức thưa với ngài chỗ nào ngài nên tới và những điều gì ngài nên quan sát; tuy nhiên, vì có thể ngài đã có lịch trình, vì vậy tôi sẽ để ngài tự khám phá Việt Nam nếu trước kia ngài chưa tới. Cũng như nhiều quốc gia chậm tiến trong vùng, Việt Nam là một nước có nhiều tiềm năng, cả về kinh tế lẫn thân hữu trên thế giới.

Thay vì vậy, tôi muốn trình bày mối quan hệ Canada với Châu Á, và đặc biệt là với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm tới, Canada sẽ kỷ niệm 35 năm mối bang giao giữa Canada và Hiệp Hội ASEAN, làm nổi bật vai trò quan trọng mà Canada đảm trách trong các công việc của Hiệp Hội ASEAN và ngược lại. Nếu thế kỷ này là dành cho Á Châu thì Canada sẽ ở vị trí thuận lợi để tận dụng sự thay đổi đó.

Tuy nhiên, trong chuyến đi sắp tới của ngài, ngài sẽ nhận thấy rằng còn có nhiều quốc gia thiếu dân chủ và không quan tâm tới nhân quyền. Những quốc gia độc đảng và độc tài là di sản hay phó sản của cuộc Chiến Tranh Lạnh, và cho tới ngày nay nhân dân của những quốc gia đó vẫn tiếp tục đau khổ. Đối với những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền, những hoạt động của họ nhằm làm cho cuộc sống của đồng bào họ tốt hơn, nhưng chính họ đang bị đàn áp bởi chính quyền. Những thủ tục pháp lý và nguyên tắc thượng tôn luật pháp đôi khi bị nhà cầm quyền bỏ qua nhân danh mục đích nào đó, nếu quả thực có mục đích đó.

Chúng ta, là một quốc gia, đã cổ vũ dân chủ, và sự tôn trọng luật pháp quốc tế và nhân quyền. Sự tham gia của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Lester B. Pearson, vào Lực lượng Liên Hiệp Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng Kinh Đào Suez năm 1956, và những nỗ lực cũng như hy sinh sau đó của chúng ta tại Afghanistan là bằng chứng sự cam kết của chúng ta đối với những giá trị đó. Với sự phồn vinh và tài nguyên của chúng ta, chúng ta phải giúp đỡ những người, ví dụ tại Việt Nam, như Cha Nguyễn Văn Lý, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vị luật sư đáng kính Lê Công Định và còn nhiều những nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền khác đang bị cầm tù vì niềm tin của họ, để giúp những người không thể tự giúp chính mình. Tuy nhiên quan trọng nhất, chúng ta phải làm điều đó vì chính chúng ta, những công dân Canada, để sống theo những giá trị của chúng ta và để lãnh đạo bằng cách làm gương.

Còn nhiều việc phải hoàn tất tại Đông Nam Á, đặc biệt là vì những việc đó liên hệ tới những giá trị nòng cốt của chúng ta; và tôi tin rằng Canada thích hợp một cách lý tưởng trong việc giúp đỡ một số nước chậm phát triển đó trở nên dân chủ hơn. Hòa bình, trật tự và quản trị tốt, những yếu tố đã giúp hình thành nước Canada, có thể cung cấp nền tảng cho sự ổn định, an ninh, và thịnh vượng trong tương lai tại Đông Nam Á.

Vì thế, khi ngài viếng thăm Malaysia, Việt Nam, và Singapore, thưởng thức những cảnh ngoạn mục và hương vị tuyệt vời, xin ngài hãy nhớ rằng Canada có nhiều điều có thể đề nghị giúp đỡ. Chúng ta quá may mắn, và chúng ta sẽ thiếu trách nhiệm tinh thần nếu chúng ta không giúp người khác khi chúng ta có khả năng làm điều đó.

Cuối cùng, tôi xin cám ơn ngài đã dành thì giờ quí báu xem xét lá thư này và tôi hy vọng rằng những lời lẽ này sẽ theo ngài trong suốt cuộc hành trình.

Trân trọng,

Khanh VU DUC, LL.L., LL.B., MPA
Barrister, Solicitor & Notary Public
VDK LAW OFFICE