Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Gioan Tẩy Giả

VRNs (12.12.2011) – Sáng nay, quanh bàn cà phê với một nhà điêu khắc Công Giáo, anh nói chuyện với những nội dung hết sức “sáng tạo”, những cái nhìn từ những góc cạnh bất ngờ, những nhận định ngộ nghĩnh mới lạ. Tôi thích những cuộc gặp gỡ như vậy, nó cho tôi những hình ảnh thú vị về Tin Mừng, kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ có nếp, làm cho những chiêm niệm Tin Mừng thêm sinh động.



Anh nói về tượng ảnh của giới Công Giáo, anh đặt câu hỏi Thánh Phêrô có thật là cục mịch vụng về không? Sao Thánh Phêrô có thể chỉ rút kiếm ra, lập tức tên đầy tớ bị mất tai, không ai kịp ngăn cản, mà lại chỉ mất có cái vành tai mà thôi, người vụng về cục mịch có thể làm được như vậy không? Anh hỏi có thật là Thánh Giuse làm nghề mộc, một thứ nghề mộc “thợ đụng” ai bảo đâu làm đấy, một người như vậy có thể đưa cả gia đình đi ra nước ngoài làm ăn sinh sống được không? “Tôi không nghĩ thế”, anh đưa ra ý kiến.

Riêng chuyện Thánh Gioan Tẩy Giả thì anh bạn bảo: “Tôi thấy trong Nhà Thờ mà không có tượng Thánh Gioan Tẩy Giả là một thiếu sót lớn, vì ông Thánh này đóng một vai rất quan trọng trong Tin Mừng của Chúa Giêsu. Tôi không phê bình nhưng trân trọng suy tư của anh, rõ ràng là kết quả của một quá trình hơn ba mươi năm trong nghề điêu khắc, nghiền ngẫm qua hàng ngàn lần dung mạo đối tượng thần thánh, rất đáng cho chúng ta lắng nghe và đón nhận.

Vâng, người nghệ sĩ điêu khắc ấy đã nhắc đến một con người đã để lại trong Giáo Hội một Mùa Vọng nặng dấu ấn. Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, trong buổi xuất hiện trước công chúng thứ tư ngày 4 tháng 12 vừa qua (http://www.vietcatholic.net/News/Html/94465.htm) tại quảng trường Thánh Phêrô, đã nói về con người này, một trong hai gương mặt của Mùa Vọng: Gioan Tẩy Giả và Đức Maria.

Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một sứ giả loan báo về Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Gioan Tẩy Giả nhanh chóng nổi tiếng lẫy lừng khắp miền Giudê và Galilê, nhưng lại kết thúc cuộc đời bằng một cái chết khá đơn giản, nếu không muốn nói là cái chết… vô ý nghĩa.

Chúng ta biết rồi, Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng khi nhà vua chiếm lấy vợ của anh mình, một cuộc hôn nhân hoàn toàn của một cá nhân, cho dù cá nhân ấy đang là một nhà vua, nói theo kiểu ngày nay đó là chuyện riêng tư. Hơn nữa, việc ngoại tình, loạn luân hay lấy vợ chồng của nhau vẫn là việc thường tình của thế gian tội lỗi. Có đáng cho một vị ngôn sứ phải lên tiếng không cơ chứ? Có đáng cho một vị Ngôn Sứ hy sinh cuộc đời của mình trong lao tù không cơ chứ?

Tại sao Gioan Tẩy Giả không “khôn ngoan” để chọn lựa hành xử thế nào hầu tận dụng thời gian và vị trí của mình có lợi cho việc loan báo về Đấng Cứu Thế? Sao không im lặng để có được sự an toàn cho bản thân? Lên tiếng để rồi ngồi tù có phải là thiếu “khôn ngoan” không? Gioan Tẩy Giả có cần phải học cho biết thế nào là cái thứ mệnh danh là… “thần học ngoại giao” không? Cứ sự thường, cần phải vun đắp mối thân thiện và đối thoại giữa tôn giáo với nhà cầm quyền để tìm một sự ổn định giả tạo cho xã hội, rõ ràng sẽ được lợi cho những hoạt động tôn giáo rầm rộ hoành tráng.

Một cuộc truy hoan được kết thúc bằng cái chết không một âm vang, cái đầu đặt trên mâm vàng được dâng lên vua để mua lấy sự vui lòng của một người phụ nữ, để thỏa mãn lòng căm thù ti tiện, để củng cố ngôi vị hoàng hậu. Gioan Tẩy Giả có dại dột không nhỉ? Chết như thế thì được cái gì? Vợ người ta vẫn cứ chiếm lấy, đất nước vẫn cứ sinh hoạt bình thường, dân đem vẫn cứ là dân đen, vua bù nhìn vẫn cứ là vua bù nhìn, hoàng hậu vẫn là hoàng hậu, Gioan Tẩy Giả chết là hết, chấm dứt một cuộc đấu tranh lên tiếng ”dại dột”, hết sức “thiếu khôn ngoan”! Có khi còn là do kẻ xấu chúng nó đứng bên ngoài giật dây, gây mất khối đoàn kết của dân tộc!

Nếu chúng ta sống vào thời kỳ ấy, hoặc ngược lại, nếu Gioan Tẩy Giả sống trong thời đại chúng ta, cái gì sẽ xảy ra khi ông lên tiếng cho Sự Thật? Các bậc kỳ mục nổi tiếng khôn ngoan trong dân sẽ phản ứng thế nào? Các bậc quyền cao chức trọng sẽ phản ứng ra sao? Có ai dám dâng lễ cầu nguyện cho Gioan Tẩy Giả không nhỉ? Những ý kiến phát biểu quanh các bàn cà phê, qua các trang mạng, qua các email, qua các buổi gặp gỡ… sẽ nói với nhau những gì đây? Bao nhiêu người sẽ ủng hộ chọn lựa của Gioan? Bao nhiêu người sẽ kết án cách thức lên tiếng của Gioan? Lại còn thêm bao nhiêu người trong bụng ủng hộ đấy, nhưng ngần ngại mà không dám nói ra? Và bao nhiêu kẻ sẽ vào hùa, thừa nước đục thả câu, rồi ném đá giấu tay?

Nhưng chắc chắn có những người ghi nhớ biến cố ấy trong lòng, suy đi nghĩ lại, âm thầm cầu nguyện, lãnh nhận ơn linh hứng của Thánh Thần, viết lại cho muôn thế hệ gẫm suy. Viết lại lập trường của Gioan, ghi lại những gương mặt múa may quay cuồng quanh cái chết của Gioan. Thế hệ sau này đọc, tôn vinh, học hỏi, và chắc không là chỉ ngưỡng vọng Gioan nhưng quyết theo chân cái “dại dột”, cái “thiếu khôn ngoan” của Gioan.

Trong những suy nghĩ ấy, tôi ủng hộ ý kiến của anh bạn điêu khắc gia đã kể ở trên, ấy là không thể thiếu pho tượng Gioan Tẩy Giả trong các Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam, nhưng chỉ là… tượng của Gioan Tẩy Giả thôi nhé, không cần và cũng không nên thêm một chữ nào ghi chú nữa.

Lm. VĨNH SANG, DCCT
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, 11.12.2011