VRNs (12.12.2011) – Kính tặng những người yêu mến Ðức Mẹ Vô Nhiễm
Chúng tôi lạy Thánh Thần Chúa Cả
Cho Ðức Bà phúc lạ ơn đầy
(Nho Sĩ Phạm Trạch Thiện (1818-1903)
Trong Vãn Dâng Hoa “Nghinh hoa tụng kỳ chương”)
“Người đầy ơn phúc” xuất hiện trong mấy trang ngắn ngủi mà êm đềm cũa Tin Mừng Luca, để ngày nay nhân loại còn nhớ mãi nhất là mỗi lần Mùa Vọng và Noel về. Nhưng Người không phải là trọng tâm của niềm tin Kitô Giáo. Niềm tin Kitô Giáo nói về tình yêu thương cứu chuộc của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô. Chỉ có điều trong quá trình lịch sử của Kitô Giáo, mỗi lần người ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Giêsu Cứu Thế, thì sớm hay muộn lại thấy Người Thiếu Nữ Ðầy Ơn Phúc xuất hiện đâu đó chung quanh Mầu Nhiệm ấy.
Ngày nay Ðất Thánh đang hỗn loạn vì những tranh chấp chết người dai dẳng không lối thoát giữa người Israel và người Palestine. Có lúc nào theo dõi tin thời sự quốc tế bạn nghe nói tới Thành Phố Nablus không? Ngày xa xưa, đó là Sikhem, một địa danh đầy âm hưởng Cựu Ước, là nơi có núi Garizim còn vang vọng lời đối thoại giữa Chúa Giêsu với người thiếu phụ Samari. Ðó cũng là nơi xuất thân của một danh sĩ thế kỷ đầu của Kitô Giáo, giáo phụ Justinô (khoảng 100-165), người đã để lại cho chúng ta một chứng tích vào loại cổ nhất sau thời các tông đồ về Ðức Mẹ Maria trong tâm tưởng của Hội Thánh. Justinô là người mê say chân lý về ý nghĩa và mục đích của kiếp người. Ông trăn trở đi tìm câu trả lời trong các nền triết lý đương thời, để rồi cuối cùng khám phá ra mạc khải Kitô Giáo, trở nên một triết gia truyền bá đức tin cho đến khi tử đạo. Trong tác phẩm “Ðói thoại với Trypho” ông đối chiếu Cựu và Tân Ước để tìm thấy nơi Bà Maria một Evà mới khởi đầu một nhân loại mới.
Sau ông ít lâu, một giáo phụ khác triển khai cũng một đề tài ấy nhưng còn sâu hơn và nhằm một mục đích khác. Justinô biện luận với người Do Thái nhằm thuyết phục Tryphô về chân lý của Ðạo Kitô. Còn Irênê (qua đời khoảng 202) thì bênh vực Ðúc Tin Kitô Giáo trước một trào lưu tư tưởng và tín ngưỡng mệnh danh là Ngộ Ðạo Thuyết (Gnosticism, Gnosticisme). Vì sao tranh luận? Hơn 17 thế kỷ sau, nho sĩ Việt Nam Nguyễn Văn Thích đón nhận đức tin vào Chúa Kitô đã viết:
Trời cao đất thấp gặp nhau,
Ðấng tôi yêu mến ngự vào lòng tôi
Irênê đấu tranh để bênh vực cả trời cao lẫn đất thấp. Vì Ngộ Ðạo Thuyết chẳng biết căn cứ vào những đâu, một đàng không nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa, mà cũng không nhận là Ngài đến để cứu thế gian này. Thế giới vật chất, con người bằng xương bằng thịt chỉ là một cõi gian tà, một nhà tù giam hãm tinh thần, cần phải phá tận tuyệt để đưa người ta về một cõi trời mông lung nào đó. Bề ngoài tưởng nó có thể gần với Kitô Giáo vì cũng có một bậc tiên thánh từ thượng giới mà đến để độ trì thế nhân; nhưng nhìn kỹ thì hóa ra không ngọn không rễ: không ngọn vì không lên tới Thiên Chúa, không rễ vì phủ nhận không muốn cưú độ con người bằng xương bằng thịt và thế giới nước non của con người.
Irênê đấu tranh chống Ngộ Ðạo Thuyết vì chính con người cụ thể này, chính thế giới vật chất hiện thực này được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Bằng chứng ở chỗ Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, chứ không phải chỉ có vẻ làm người như anh ngộ đạo nói. Từ đó, Irênê nhìn thấy Chúa thu họp nơi mình tất cả mọi giá trị nhân sinh, kể cả vật chất, để tái tạo những gì mà con người tội lỗi, con cháu Ađam, đã làm hư hỏng. Nơi Chúa Kitô, vạn vật hồi đầu (Mầu Nhiệm Recapitulatio) và được cứu độ.
Trong quá trình ấy, Bà Maria là nơi tái tạo những gì đã đổ vỡ nơi Bà Evà. Ðấy là nơi nhân loại sau khi đã đi xuống vực sâu, bắt đầu leo lên đỉnh cao. Ngày nay, trong Kinh Nhật Tụng, phần chung Lễ Ðức Mẹ, Thánh Thi Kinh Chiều 2, ta đọc :
Chữ “Eva” Mẹ đảo vần
Thành “Avê” gửi bình an cho đời
Ðó không phải là một lối nói cầu kỳ, chẳng qua nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh cố gắng dịch thuật một ý tưởng đọng lại từ Thánh Irênê và Thánh Luca. Và nghĩ tới những điểm qui chiếu ấy, mỗi lần đọc hay hát “Avê Maria” mới thấy trong ấy cả trời cao đất sâu, cả người, cả cảnh vật, cả muôn vàn tình huống của nhân sinh.
Những suy nghĩ như của Thánh Justinô và Thánh Irênê đã ảnh hưởng rất nhiều đến các giáo phụ thời sau. Từ đó, những nhận thức về sự thánh thiện tuyệt vời của Ðức Mẹ Maria được các tầng lớp tín hữu và đặc biệt các giáo phụ hết lời ca tụng. Dù đó là Thánh Athanasiô, Cụ Origen, hay Thánh Ambrôsiô, Thánh Hirônimô, Hippôlitô Rôma ….và vô số tác giả khác, thì đều làm chứng về một tấm lòng mộ mến của Hội Thánh đối với Ðức Thiên Mẫu.
Chẳng biết kinh cầu Ðức Mẹ được soạn ra chính xác vào lúc nào. Nhưng những danh hiệu trong đó, đã được chuyển ý sang tiếng Việt và được bao thế hệ tín hữu Việt Nam thuộc lòng mặc dù không học thần học: những là “Ðức Mẹ cực thanh cực tịnh, Ðức Mẹ cực tinh cực sạch, Ðức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng, Ðức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ, Ðức Mẹ rất đáng yêu mến”, rồi nào là “Ðức Bà là gương nhân đức, Ðức Bà là tòa Ðấng Khôn Ngoan, Ðức Bà làm cho chúng tôi vui mừng, Ðức Bà như đền vàng vậy, Ðức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy, Ðức Bà như tháp ngà báu vậy, Ðức Bà như sao mai sáng vậy” …v..v….đều là những hình ảnh và ý tưởng đã có từ thời các giáo phụ.
Cả chục thế kỷ sau, đạo mới truyền tới Việt Nam. Bất chấp những khó khăn, cách biệt từ hai nền ngôn ngữ, bất chấp cả những lối diễn tả lần mò, không phải bao giờ cũng chính xác về mặt tín lý, đức tin chân chính cuối cùng cũng vẫn đi vào lòng người Việt, và, cùng với đức tin ấy, dung mạo của Người Ðầy Ân Phúc cũng bừng sáng lên. Người ta dư biết cõi đời này thường vơi ơn cạn phúc nên lại càng hướng về Người Ðầy Ơn với tấm lòng tha thiết.
Ở đầu bài này, có trích hai câu thơ của Cụ Phạm Trạch Thiện ca tụng Ðức Mẹ “phúc lạ ơn đầy”. Cụ Trạch Thiện là người đủ cốt cách để thành một nho gia danh sĩ của thế kỷ 19, chỉ vì đức tin mà trong thời cấm đạo cụ đã hy sinh cả công danh sự nghiệp. Nhưng cụ đã dể lại cho cộng đoàn Hội Thánh những lời kinh trau chuốt ngày nay vẫn còn phổ biến trong Giáo Phận Bùi Chu. Xin trích một doạn thay lời kết như để lắng nghe tiếng vọng xa xôi của tâm tình Giáo Hội hoàn vũ đối với Ðức Mẹ:
Chúng tôi lạy Chúa Cha nhân thứ
Ðã giữ lời phán hứa dủ thương
Dựng nên rất Thánh Nữ Vương
Gây nền mọi phúc treo gương muôn đời
Chúng tôi lạy Ngôi Hai xuống thế
Cứu loài người chẳng để cho hư
Lại thương giối Mẹ Nhân Từ
Ðể loài con mọn được nhờ mọi ơn
Chúng tôi lạy Thánh Thần Chúa Cả,
Cho Ðức Bà Phúc Lạ Ơn Ðầy
Cùng lòng rộng rãi nhân thay
Ðể con mọn được ăn mày phần thương…
(Kỳ sau : TỘI ÐẦU)
Vũ Khởi Phụng
(ÐI TÌM BÓNG NGƯỜI VÔ NHIỄM)