Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Sứ Điệp Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương Ngự Trị

VRNs (22.12.2011) – Giáng Sinh đã trở thành đại lễ chung cho mọi người. Ý nghĩa thâm sâu nhất của lễ Giáng Sinh không chỉ biểu hiện ở giá trị văn hoá, mà đặc biệt hơn, nó chứa đựng chiều kích tâm linh cao cả mà Ngôi Hai Thiên Chúa đem đến trần gian. Sự kiện Giáng Sinh nguyên khởi nói cho chúng ta về nét đặc trưng nhất của Đêm Hồng Ân mà muôn người nô nức mong chờ.



1. Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương Ngự Trị

Giữa đêm Bê-lem hiu quạnh năm xưa, chính Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, được “đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 7b) khiến cho nhiều người thời nay khó lòng tin nổi. Nhưng đó là sự kiện có thực, nói lên hoàn cảnh mà Đấng Cứu Độ đã hạ mình sinh xuống trần gian để cảm thông với nỗi khó khăn bần cùng của con người. Ngài muốn đồng cảm với nhân loại ngay từ tiếng khóc đầu tiên, với muôn ngàn nỗi éo le đặt ra cho một đời người.

Tuy nhiên, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Ngôi Hai thể hiện rõ chiều hướng lạc quan ngay từ thời khắc Hài Nhi Giêsu chào đời. Chính những con người “bần cùng áo rách” là đối tượng đầu tiên được nhận biết “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng” (Lc 2, 9b). Trong nỗi bất thần sợ hãi ấy, sứ thần Chúa đã trấn an và báo cho họ tin vui:

“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 9-12).

Như vậy, chính trong cái lạnh lẽo u tối của không gian và ngay trong chính lòng người, ánh sáng tình thương từ Trời cao đã xuất hiện, chiếu giãi, lan toả trên những con người bần hàn, cơ cực và trên toàn dân. Ánh sáng ấy không còn giới hạn trong phạm vi Bê-lem nhỏ bé, mà phổ quát trên hết thảy “đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9, 1). Chính do bởi tình thương, mà Con Thiên Chúa đã không ngại sinh xuống làm người, hầu cứu nhân loại khỏi “vùng bóng tối” tội lỗi và sự chết; làm cho họ “ tăng thêm nỗi vui mừng” (Is 9, 2) về ngày được giải thoát nhờ cuộc tận hiến diệu kỳ của Đức Kitô trên Thánh giá.

Đêm Bê-lem năm xưa đã mở ra triều đại của Công Lý ngự trị đến muôn đời.

“Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-di-an” (Is 9, 3).

“Thủ Lãnh hoà bình” được Isaia loan báo đã được hiện tỏ nơi Hài Nhi Giêsu. Nền công lý mà Ngài thiết lập không phải là thứ ‘công lý” của kẻ mạnh dùng để trấn áp những người thấp cổ, bé họng; nhưng đây là công lý của “Người gánh vác quyền bính trên vai”, công lý dựa “trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9, 5 – 6).

Như vậy, đêm Giáng Sinh không còn là đêm lễ hội bình thường như bao lễ hội văn hoá khác. Tham dự thời khắc trọng đại mừng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người, chúng ta cảm nghiệm được tình thương của Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Chính Ngài sẽ đồng hành cùng chúng ta trên nẻo đường truân chuyên cuộc sống với bao đắng cay, thử thách đang đặt ra. Trong đêm hồng phúc Giáng Sinh, mỗi người có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn nhờ Tin Mừng Tình Thương và Công Lý của Con Thiên Chúa Nhập Thể đem đến trần gian.

2. Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương nối dài

Đến nay, đã hơn hai ngàn năm kể từ đêm đầu tiên thiêng liêng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần “nằm trong máng cỏ” nghèo hèn, đơn sơ, bé nhỏ. Tình thương và công lý của Đấng Nhập Thể “đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2, 11). Chúng ta không đón nhận ân sủng ấy một cách thụ động, mà phải thể hiện thái độ tiếp nhận bằng nỗ lực sống sứ điệp Giáng Sinh.

Tình thương của Thiên Chúa làm người hướng chúng ta tới việc đồng cảm, sẻ chia với những phận người bần cùng, nhỏ bé quanh ta. Đêm Giáng Sinh sẽ nối dài vô tận khi mỗi người tự hoá thân thành những “Hài Nhi Giê Su”, biết nhìn tha nhân với ánh mắt thương cảm, và sẵn sàng cho đi phần đang có riêng mình, vì sự sống và nhân phẩm của anh em.

Hơn thế nữa, sứ điệp tình thương từ đêm Giáng sinh mà chúng ta kín múc được sẽ thật sinh động khi chúng ta biết vận dụng nó như nền tảng cho việc thực thi công lý và tình thương. Vì không thể có một nền công lý đích thực khi nền “công lý” ấy thiếu vắng tình thương.

Một xã hội mà người ta còn chủ ý không tôn trọng niềm tin và quyền lợi chính đáng của đồng bào mình thì đừng vội nói đến “công bằng” hay “hoà nhập” trong dịp Giáng Sinh.

Đêm Giáng Sinh thực sự là đêm tình thương – công lý nối dài, khi mỗi người biết đem sứ điệp Giáng Sinh vào trong cuộc sống đời thường để kiến tạo hạnh phúc cho bản thân và mọi người xung quanh. Điều này đòi hỏi nơi chúng ta một tinh thần hy sinh, dấn thân cao độ theo gương Đấng đã vì yêu thương mà chấp nhận sinh làm một trẻ nhỏ nơi máng cỏ đơn nghèo năm xưa.

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn