Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi

VRNs (29.12.2011) – Suy niệm Lời Chúa lễ Thánh Gia 2011



Có câu chuyện cổ “Lễ ban tuổi”, rằng: Ngày ấy, Thượng đế tổ chức lễ ban tuổi. Gọi anh lạc đà đến, Ngài nói:

-“Này anh lạc đà, trông anh khỏe, tôi cho anh sống 30 năm được không?” – “Hãy cho ít ít thôi, Ngài lầm rồi, thấy khỏe nhưng hai vai nặng gánh lắm, cực khổ lắm” – “Thế được. Tôi cho anh 18 năm tuổi thọ nhé” – “Cảm ơn Ngài”.

-“Này anh khỉ, trông anh hồn nhiên vui vẻ, 30 năm nhé?” -“Hồn nhiên gì! Thưa Ngài! chỉ là trò cười cho thiên hạ vì tôi như ông già cổ lỗ sĩ, xin Ngài cho thật ít thôi” – “Thế 12 năm nhé” – “Tạ ơn Ngài”

-“Này anh chó, trông anh nhàn nhã, rảnh rỗi, tôi cho anh 30 năm nhé” – “Thưa Ngài, nhàn nhã rảnh rỗi gì bữa đói bữa no, bữa ngủ đầu hè, bữa nằm xó bếp. Ngài cho ít thôi” – “Thế 10 năm nhé” – “Tạ ơn Ngài”.

-“Này con người, trông anh có trí khôn, thông minh, tôi cho anh 30 năm nhé?” “Ngài nói gì thế? Ngài hẹp hòi chi với tôi thế?! 30 năm tôi làm được cái gì?” – “Thế thì thêm 18 năm của con lạc đà nữa nhé?” – “Chưa được” – “Vậy thêm 12 năm của con khỉ nữa, chịu chưa?” – “Là 60 năm cuộc đời à, cũng là bao?!” – “Thôi được, tặng luôn cho nhà ngươi 10 năm của con chó” – “70 rồi hả. Tạm được. Cảm ơn Ngài”.

Thế là con người đã vào cuộc đời với ba mươi năm đầu chưa làm được gì, nếu có, chỉ là mới bắt đầu có chồng, có vợ! 18 năm sau đó, nặng gánh hai vai chất chồng, gian lao cực khổ vì vợ vì con. 12 năm tiếp theo, con cái lớn lên rồi cho nó ăn học giỏi giang, nó cười mình vì những hiểu biết cổ lỗ sĩ như ông già xưa lẩm cẩm. Và hẩm hiu nhất 10 năm cuối cùng số phận hẩm hiu, nằm đầu hè xó bếp, bữa cháo lạt, bữa cơm thiu, bữa nhịn đói….

Bạn và tôi, nghe xong câu chuyện này, có lẽ sẽ ngẫm nghĩ mà buồn cho kiếp người, cho thân phận làm cha mẹ trong tuổi già. Mới ngày nào còn trai tráng xuân thì khỏe mạnh sắc hương phơi phới! Mới ngày nào làm cha, làm mẹ hy sinh cho con không kể sớm trưa, nắng mưa, không kể tuổi xuân tàn tạ, sức khỏe hao mòn, không kể đi giữa hai lằn đạn của cuộc chiến, không kể sóng gió bão bùng miễn làm sao đem được con đi đến được nơi bình yên! Mà bây giờ, nỗi cô đơn gần như hẳn nhiên không tránh khỏi, nằm một chỗ bùi ngùi ở nhà dưỡng lão, hay ở xó bếp… thương thân trách phận và suy nghĩ miên man đến cảnh chung cuộc của hành trình trần gian như thể muốn cho hành trình ấy kết thúc sớm càng tốt. Tôi bỗng nhớ đến mấy dòng thơ tự sự:

Bước độc hành đêm dài cô đơn lắm
Đến một mình rồi cũng một mình đi
Cả trần gian dẫu có nghĩa, có nghì
Một thoáng xót, một hồi thương chóng vánh

(BUÔNG, TMT, ĐXT 66)

Tuy nhiên, không được phép thất vọng, vì trong cảnh cô đơn ấy, cũng có người ngộ ra phút tĩnh lặng dài hơn vạn lần 60 giây của sự cô đơn đáng quí để mà không còn dám trách con mình thờ ơ, nhưng là để gặp gỡ, mà kết hiệp với Chúa, mà chiêm niệm:

Nhìn lại mình thôi, lam tím bóng chiều
Có vui gì hơn vui nỗi hắt hiu
Hắt hiu nghe tự tình mình tình tự
Còn lại niềm vui yêu cảnh cô liêu
Bình an vỗ tay, bình an nói cười
Hay bình an trong tĩnh lặng tinh khôi
Em đã ngộ chuyện hai ngàn năm trước
Đêm bình an trầm lắng phía sau đồi

(Đêm bình an, TMT, ĐXT 66)

Vâng, có người đã tìm được bình an khi đón nhận sự cô liêu vắng vẻ và chiêm niệm sự cô liêu ấy với cảnh gia đình của Chúa trong “đêm bình an trầm lắng phía sau đồi”, đêm Con Chúa Giáng Sinh.

Đã đành tuổi già là như thế. Họ có thể chấp nhận kiếp đời hy sinh đã qua đi và bằng lòng tiếp tục hy sinh cho con cái được yên bề gia thất. Nhưng Chúa không muốn những người làm con không biết gì về thân phận của cha mẹ. Chúa đã dạy qua sách Huấn Ca: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm

phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người”. (Hc 3, 12)

Khi con gánh lấy tuổi già của Cha Mẹ mình bằng tình yêu thương thảo kính chân thành, thì người con ấy được Chúa chúc phúc rằng: “Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ” (Hc 3, 3-6).

Không ít gia đình đã chu toàn nghĩa vụ đối với vợ chồng, cha mẹ và con cái bắt nguồn từ lòng kính sợ Thiên Chúa. Ai yêu mến Chúa, giữ lề luật Chúa thì hẳn đã sống với nhau một đời sống gia đình đến mức tuyệt hảo, như Lời Chúa chúc phúc qua thánh vịnh đáp ca 127 “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người” “Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa”.

Lòng hiếu thảo đối với Cha Mẹ không chỉ là của dâng cho Cha, của biếu cho mẹ, không chỉ là những viếng thăm an ủi cùng với miếng ăn ngon, viên thuốc quí, không chỉ là những tờ tiền con đặt nơi mẹ nằm cho mẹ ấm lưng, mà điều cốt yếu là cha mẹ thấy được tình anh em huynh đệ thuận hòa, như thánh Phaolô dạy: “như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3, 12-14).

Thánh Phaolô còn nguyện chúc cho các gia đình biết đón nhận Lời Chúa và sẻ chia cho nhau nguồn bình an mà Lời Chúa mang lại “Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau.”. “Học hỏi và nhủ bảo”, tôi bỗng nhớ câu nói của Đức Hồng Y GB TGP SG những ngày gần đây, cũng một cách đề nghị các gia đình như thế: “Luật Yêu Thương soi sáng cho lòng người mở rộng cả hai van tim. Một van tim mở ra đón nhận ánh sáng chân lý và năng lượng tình yêu từ Thiên Chúa là cội nguồn mọi điều Thiện Hảo. Một van mở ra phản chiếu ánh sáng chân lý, sẻ chia năng lượng tình yêu cho nhau trong đời sống hôn nhân và gia đình, trong cộng đoàn giáo hội và xã hội”. Thêm vào đó, thánh Phaolô còn cẩn thận đề nghị thực hiện các giờ kinh gia đình để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa: “Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em”

Bài Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta một Thánh Gia Thất có thánh Giuse, Mẹ Maria, và Chúa Giêsu sống chan hòa hạnh phúc nhờ biết “Tôn sợ Thiên Chúa và bước đi theo đường lối Chúa” qua việc giữ Lề Luật Chúa, đưa con lên đền thánh để dâng cho Thiên Chúa: “Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ

Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con”. (Lc 2, 22-24).

Hạnh phúc ấy không phải là thứ hạnh phúc mà mỗi thành viên trong gia đình khát khao theo ý riêng mình, nhưng tất cả phải cùng khát khao chu toàn Thánh Ý của Thiên Chúa. Bởi vậy, hạnh phúc của Giuse, của Mẹ Maria là một loại hạnh phúc ngọt ngào đau khổ theo Thánh Ý của Thiên Chúa để mọi người được hưởng

ơn cứu độ. Lòng dạ nào không đau đớn khi nghe lời tiên tri Simêon nói rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”. Nhưng, để “tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”, để nhiều tâm hồn được giải thoát, ắt hẳn Đức Maria đã thấu hiểu ý định muôn đời của Thiên Chúa ban cho mình loại “Hạnh Phúc Hiến Dâng”.

Lời Chúa lễ Thánh Gia đã mời gọi chúng ta noi gương Thánh Gia Thất xưa mà tận hưởng hạnh phúc của người “biết tôn sợ Thiên Chúa và bước đi theo đường lối Chúa”. Như vậy, chính Tình Yêu Chúa, Lời Chúa và bình an của Chúa ngự trị trong tâm hồn, trong nhà chúng ta. Chúng ta sẽ không còn băn khoăn hay cô độc khi tuổi già đến, bởi vì, mỗi thành viên gia đình đều sống theo lề luật Chúa, trong đó có con cái sẽ chu toàn nhiệm vụ “gánh lấy tuổi già cha ngươi” với tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa thôi thúc việc hiếu thảo.

Nguyện xin Chúa ban cho các cụ ông, cụ bà, những cha mẹ già được ơn bình an và sẵn sàng thưa với Chúa như cụ Simêon rằng: “Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2, 29-32). A men.

PM. Cao Huy Hoàng, 28-12-2011