VRNs (29.12.2011) – Sài Gòn – Ngày Lễ Giáng Sinh, người người hân hoan vui sướng vì “Tin Mừng trọng đại” đã được loan báo cho muôn dân từ hơn hai ngàn năm nay. Bởi vì Thiên Chúa là Chúa của vũ trụ và Chúa của lịch sử, cho nên mọi con người, mọi nơi chốn, mọi biến cố đều là nơi bàn tay Chúa đặt xuống. Và như vậy, Giáng Sinh cũng đi qua mọi nơi, mọi tâm hồn và qua mọi biến cố trên cuộc đời này.
Có lần tôi hỏi một giảng viên có chức vụ ở trường đại học: “Tại sao các nước văn minh nghỉ lễ Giáng Sinh mà chúng ta không được nghỉ?”. Thầy ấy vốn là trí thức thật nên không trả lời kiểu cù nhây như các vị bằng giả rằng “đó là lễ của Tây phương”, mà thầy lại nói: “Nếu nghỉ lễ Giáng Sinh thì cũng phải nghỉ lễ Phật Đản”. Cũng được chứ sao. Nhưng kiểu lập luận từ chuyện này nhảy qua chuyện kia để tránh vấn đề là cách nói của người có học trong xã hội “văn minh” thì phải (?!)
Giáng Sinh năm nay, nước Cuba cộng sản phóng thích hơn 2.900 tù nhân, đa phần là tù nhân lương tâm. Nhiều người cho rằng đó là món quà mà lãnh tụ cộng sản Cuba dâng tặng Đức Thánh Cha Benedictô nhân chuyến công du sắp tới của ngài. Số tù nhân được phóng thích lần này gấp mười lần số người mà Fidel Castro trả tự do nhân chuyến công du của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1998.
Chuyện nghỉ Lễ khắp nơi, chuyện tù nhân được phóng thích, chuyện người nghèo được quan tâm, chuyện người giàu ăn mừng… tất cả đều là dấu vết cho thấy Giáng Sinh đi qua. Ngôi Lời chọn lấy thân phận con người chỉ vì yêu thương, để từ đó, ai sống yêu thương là sống theo mầu nhiệm Giáng Sinh.
Điều cảm động là ở các trường học, dù ít trường nào cho nghỉ lễ Giáng Sinh (trừ các trung tâm ngoại ngữ có ánh sáng văn hoá Tây Âu), học sinh vẫn ăn mừng, đơn giản thôi, nhưng chan chứa tình thân yêu và sự đồng cảm.
Giáng Sinh năm nay người ta chứng kiến những chuyện bi hài. Chuyện một bài giảng rất vu vơ, lạc điệu, bị phê bình dữ dội. Chuyện những tấm lòng ngay thẳng chịu cảnh gian truân. Chuyện người nghèo vẫn còn bị ngược đãi. Chuyện nhiều Hội Thánh tin Chúa Giêsu không được mừng Sinh Nhật của Người. Gọi là bi vì quá buồn. Gọi là hài vì phải cười cái cảnh khác người, cười ra nước mắt mà vẫn phải cười.
Đành rằng Giáng Sinh đi qua là phủ xuống niềm vui, như mặt trời đi qua là toả nắng ấm. Nhưng trong từng phận đời đau đớn vẫn có dấu vết của Giáng Sinh. Bởi một lẽ đơn giản, Ngôi Lời đến là vì những cảnh đời ấy. Có thể ánh sáng bị chối từ, có thể ánh sáng bị những bàn tay gian hùng muốn che khuất. Nhưng hừng đông đã bừng lên thì dù có núi cũng phải cúi mình. Huống chi những mô đất nhấp nhô làm sao che nổi vầng hào quang chói lọi.
Sàigòn có một nét văn hoá đẹp nhưng đã bị dẹp bỏ nhiều năm nay. Ấy là phố bán thiệp Noel ở góc Hàn Thuyên gần Nhà thờ Đức Bà. Kể cũng tiếc thật, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể phá vỡ niềm vui Giáng Sinh. Bây giờ giới trẻ gửi e-card, chia sẻ hình ảnh, âm nhạc và lời chúc mừng trên các trang mạng xã hội. Thành ra, Internet cũng là nơi Giáng Sinh đi qua.
Nếu thời Đức Maria có email, mà Mẹ mệt quá, Mẹ có lẽ sẽ gửi email và ecard cho bà Ysave. Nếu gửi email Mẹ sẽ viết gì nhỉ. Chắc chắn sẽ là lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”. Bây giờ, con cái của Mẹ cũng chung lời ca ngợi Chúa cùng với Mẹ qua mạng lưới điện toán mỗi ngày.
Như thế, Giáng Sinh đang đi qua và sẽ còn đi qua cuộc đời này, đi qua các tâm hồn. Chúa là Thiên Chúa muôn cơ binh và cũng là Chúa của những tâm hồn thơ bé, Chúa đi qua để giãi chiếu ánh quang huy hoàng của ngày Cứu độ cho mọi tâm hồn.
Nhưng thời nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, có những người đau yếu sợ ánh nắng và có những tâm hồn bệnh hoạn sợ ánh sáng công chính của Đấng mà Isaia đã báo trước từ hàng ngàn năm trước. Có những thứ bệnh chữa được khi ra ánh sáng, mà có những thứ bệnh dị ứng với ánh sáng. Kẻ nào sống với bóng tối thì không hiểu được hoa quả sinh ra từ nơi Giáng Sinh đi qua.
Có những thứ bóng tối dễ nhận biết. Như khi điện bị cúp giữa khuya chẳng hạn. Nhưng cũng có những loại bóng tối khó nhận ra. Như việc thiếu kiến thức. Như việc sống với những mưu chước gian hùng. Như việc cướp bóc (dù giữa ban trưa vẫn là hành vi của bóng tối). Sống trong bóng tối mà cứ tưởng mình là ánh sáng trí tuệ thì quả là nghịch cảnh.
Mừng mầu nhiệm Giáng Sinh là mừng kính Ánh Sáng của muôn dân. Đồng thời những ai vui mừng cũng không quên anh em mình, đồng loại mình còn bám lấy đêm đen để làm nơi ẩn náu. Khi Giáng Sinh đi qua, chúng ta cùng nguyện xin Chúa Hài Nhi cho ân sủng của Người đổ xuống trên trần gian tối tăm này, để không ai và không nơi nào còn khước từ hồng ân bao la.
Và dường như, khi Giáng Sinh đã đi qua, trần gian lại phải hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống”, bởi vì còn nhiều mảnh đất quá cằn khô.
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs