VRNs (11.01.2012) - Washington, USA - Hang đá Kỳ Đồng, tấm ảnh tôi mới nhận được từ Việt Nam chuyển qua, tấm ảnh của một hang đá mà tôi gọi là hang đá Kỳ Đồng do một vị tu sĩ từ Việt Nam đã ưu ái gởi đến cho tôi qua email trước ngày lễ Hiển Linh vài hôm. Đây là hình ảnh một hang đá tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng Sài Gòn được dựng lên để đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh năm 2011.
Nhìn hang đá với một khung cảnh mới lạ qua lối trình bày khá độc đáo. Tôi ngậm ngùi, nhất là khi nhìn những hình ảnh trên tấm phông như đã thu gọn nổi đau của dân tộc Việt Nam hiện nay, tự nhiên tôi lại liên tưởng đến câu chuyện đã xẩy ra vào năm 1979 tại Tổng Giáo Phận Huế cũng vào dịp lễ Chúa Giáng Sinh, thời Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền. Lúc bấy giờ, tôi còn ở trong chốn ngục tù cộng sản. Năm 1979, nơi đất thần kinh Huế vào những tuần lễ gần kề ngày Chúa Giáng Sinh, nhà cầm quyền tỉnh Bình Trị Thiên đã huy động một lực lượng công an hùng hậu tấn công tiến chiếm Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện ở đường Đống Đa Huế, toàn bộ chủng sinh cùng các linh mục đều bị đuổi ra khỏi Tiểu Chủng Viện, đồ đạt nào là quần áo, dụng cụ, sách vở của các linh mục cũng như của chủng sinh còn lại trong Tiểu Chủng viện chưa thu dọn kịp đều bị vất tung toé ra ngoài do lưc lượng chuyên chính vô sản tiến vào chiếm Tiều Chủng Viện thực hiện. Trước sức mạnh của bạo lực, Đức TGM Nguyễn Kim Điềm rất đau khổ, ngài đã phải thốt lên lời quặn đau từ con tim: “Tiểu Chủng Viện là con mắt của Giám Mục, nay họ đã cướp mất mắt của tôi rồi”. Thế là vào dịp lễ Chúa Giáng Sinh năm 1979, ngài kêu gọi toàn thể dân Chúa trong Tổng Giáo Phận Huế đón Chúa Giáng Sinh trong một bầu khí hiệp thông với niềm đau về cái đại tang của Tổng Giáo phận: “Tiểu chủng viện Hoan Thiện đã bị bóp chết”. Toàn thể dân Chúa trong các giáo xứ, các họ đạo thuộc Tổng Giáo phận đều hưởng ứng lời kêu gọi này của vị chủ chăn và tất cả năm đó đã đón một lễ Giáng Sinh trong âm thầm không đèn hoa, không cờ xí, không một nhà giáo dân nào treo đèn Noel, tất cả đều bày tỏ sự hiệp thông với vị chủ chăn trong tinh thần cầu nguyện cho Tổng Giáo Phận.
Từ chuyện liên tưởng đến việc đón lễ Giáng Sinh trong đau buồn nơi Tổng Giáo Phận Huế năm xưa, tôi trở lại với tâm tình nguyện cầu và lắng đọng tâm hồn để suy niệm về tấm ảnh hang đá Kỳ Đồng. Từ hải ngoại, cá nhân tôi không được diễm phúc nhìn tận mắt để chiêm ngắm hình ảnh thực tại của hang đá này là nơi tượng trưng cho hang lừa máng cỏ mà xưa kia Ngôi Hai Giáng Trần đã dùng làm nơi trú ngụ. Tôi đã chăm chú nhìn hình ảnh hang đá và thấy có sự hiện của Đấng Hài Nhi, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse bên cạnh một loạt hình ảnh đầy nước mắt qua các biểu tượng như: một chiếc xe lăn dùng cho những người tàn tật, một chiếc xe đạp chở một chồng những tấm giấy các-tông được gom góp từ các thùng chứa hàng đã loại ra, đây là vật liệu để cho những người nghèo đem về che nắng, che mưa cho qua ngày đoạn tháng với cuộc sống lây lất trên các khu lao động, trong những xóm nghèo nàn, hai hình ảnh này đều gần được thiết kế cạnh nơi Ba Đấng ngự trị. Nói hang đá, nhưng thật ra đằng sau vị trí Ba Đấng gồm Hài Nhi, Đức Mẹ, Thánh Giuse là một tấm phông lớn trong đó ghi lại một số biểu tượng nói lên thảm cảnh mà dân tộc Việt Nam đang phải gánh chịu bởi những áp bức, bởi những bóc lột, bởi những đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam qua hình ảnh công an bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý mà tôi nhớ đó là phiên toà man rợ xử án LM Nguyễn Van Lý tại Huế vào ngày 30 tháng 3 năm 2007, hình những trẻ em nằm co quắp, hình một người chị cỏng đứa em lê la trên vệ đường, hình ba người đàn bà đang đi tìm công lý cho cái chết đầy oan ức của người chồng và đứa con trai, nhìn xa hơn là những mái nhà rách nát trống trơn bên cạnh những người buôn thúng bán mẹt kiếm ăn lê la hằng ngày rồi trở về căn lều mục nát để ngủ qua đêm sau một ngày vất vả kiếm cơm. Người thiết kế cũng không quên ghi lại hình ảnh rất thực của một chế độ bạo tàn, đầy bất công đang ngày đêm bao quanh đe dọa cuộc sống của dân lành, đó là hình ảnh 3 công an và một tên gọi là “quần chúng tự phát” đang kéo lê một thanh niên tham dự biểu tình chống Tàu cộng, ba tên bạn dân đang lôi kéo người dân biểu tình đẩy lên chiếc xe buýt và cùng lúc, một tên công an khác đã đưa chân đạp vào mặt người thanh niên này. Ngoài ra còn nhiều hình ảnh đau thương khác cũng được ghi lại bằng những nét chấm phá tượng trưng trên bức phông. Tất cả đã nói lên nổi đau của dân tộc Việt dưới thời cộng sản nắm quyền thống trị đất nước càng ngày càng lộ rõ tính tàn bạo, tính gian manh xảo quyệt của tập đoàn Bắc Bộ Phủ.
Hàng chữ nổi bật được ghi trên tấm phông: NGƯỜI ĐÃ ĐẾN NƠI NHÀ MÌNH, NHƯNG
Hang đá Kỳ Đồng năm 2011
… Nguyên văn câu (Ga 1,11) như sau: “Người đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Đây là câu của Thánh Gioan như được gởi gắm trên bức phông để nói lên thực trạng của một xã hội Việt Nam đang muốn từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngay cả trong nhiều gia đình Công giáo có khi cũng đã từ chối sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống nên cũng đã tham gia hưởng ứng vào chuyện phá thai do chế độ vô thần đang chủ trương và cổ vũ.
Theo dõi các tin tức trong nước, trong những ngày gần kề lễ Giáng Sinh, tại Vinh nhà nước cũng cố tạo cái vẻ rất mới về ngày lễ Giáng Sinh, đó là việc tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với lời mời gọi thanh niên, sinh viên học sinh Công giáo tham dự. Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn các cơ quan nhà nước cũng đã cố tình biến ngày lễ Chúa Giáng Sinh thành một ngày ăn chơi thỏa thích, cô chiêu cậu ấm tha hồ tung hoành khắp đường phố, nhiều người từ Việt Nam cho biết: “Đêm Noel người ta đi dạo phố tấp nập ngoài đường nhiều gấp mấy ngưòi đền nhà thờ”. Bên cạnh đó hằng năm nhà nước vẫn chủ trương tạo ra cái thông lệ mà các trường học đều thực thi răm rắp đó là việc bắt sinh viên sinh học sinh phải thi học kỳ trong những ngày lễ Giáng Sinh hằng năm. Năm nay rơi vào ngày Chúa Nhật không biết có bắt học sinh thi cử gì không?
Từ hang đá Kỳ Đồng nhân lễ Chúa Giáng Sinh năm nay, trở lại khung cảnh thực đầy thử thách nơi Giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng – Sài Gòn trong những tháng vừa qua, nhất là các linh mục DCCT luôn nhận chân được sự thật không mấy tốt đẹp của một nhà nước vô thần đối với các tôn giáo nhất là đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nên Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Sài Gòn cũng đã nói lên lòng trung thực của mình qua việc gởi văn thư đến Ban Tôn giáo – Dân tộc vào ngày 13 tháng 12 năm 2011 từ chối tiếp Ban Tôn Giáo – Dân tộc thành phố muốn đến thăm giáo xứ và nhà Dòng trong dịp lễ Giáng Sinh năm 2011 và năm mới 2012 với đoạn như sau: “Chúng tôi nghĩ rằng cuộc viếng thăm và chúc mừng nhân dịp lễ Giáng Sinh năm 2011 và Tết dương lịch năm 2012 của Quý Ban sẽ làm cho ngày Đại Lễ của chúng tôi mất vui”. Đúng vậy, sự hiện diện của những con người luôn sống đời dối trá, thiếu thiện tâm chắc chắn sẽ làm mất vui.
Tóm lại qua những hình ảnh được trình bày nơi hang đá Kỳ Đồng trong năm Chúa Giáng Sinh 2011 đã vẽ lên bức tranh thực và sống động của xã hội Việt Nam dưới thời cộng sản, tất cả là sự mời gọi hiệp thông để chia sẻ những nổi đau này. Dù mùa Giáng Sinh đã qua, nhưng Chúa vẫn luôn muốn mọi người hãy mở rộng tâm hồn để đón Chúa vì Chúa thực sự đang hiện diện trong mọi tầng lớp những người đau khổ này từ những người bị tù đày, những trẻ em bơ vơ nghèo đói, những người bị áp bức , những kẻ không nơi cư ngụ.
Hãy thường xuyên hiệp thông trong sứ vụ đòi công lý và sự thật cho quê hương Việt Nam cũng là góp phần chia sẻ nổi đau của dân tộc vậy.
Viết từ cao nguyên tình xanh vào ngày cuối mùa Giáng Sinh năm 2011.
Nguyễn An Quý