Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Thách đố lớn của tinh thần trách nhiệm

VRNs (11.01.2012) - Avvenire - Trong các ngày trung tuần tháng 12 năm 2011 triết gia Howard Gardner đã bắt đầu một loạt các buổi thuyết giảng về đề tài ”Giáo dục sống các nhân đức trong thế kỷ XXI”.



Hôm 14-12-2011 giáo sư đã thuyết giảng tại Trung tâm hội nghị Tổ chức Cariplo ở Milano bắc Italia, và ngày 15-12-2011 tại khách sạn Ambasciatori ở Roma. Triết gia Howard Gardner dậy môn các khoa học tri thức tại đại học Harvard bên Hoa Kỳ, và là tác giả nhiều sách, trong đó có cuốn ”Sự thật, vẻ dẹp và lòng tốt. Giáo dục sống các nhận đức trong thế kỷ XXI”. Trong khảo luận này, giáo sư Gardner gợi ý cần phải tin tưởng nơi các thế hệ trẻ. Người trẻ ngày nay không tốt hơn cũng không xấu hơn người trẻ trong qúa khứ. Họ khác với giới trẻ trong qúa khứ, và chúng ta là người lớn, chúng ta phải tin tưởng nơi khả năng của họ biết khám phá ra một thế giới mới luôn thay đổi. Trong hiện tình cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh như hiện nay, cần phải thiết lập các khoảng không gian, trong đó các phía khác nhau có thể đối chiếu, thảo luận và sửa sai, để tìm ra một giải pháp đồng thuận. Để chống lại các lạm dụng của thế giới tài chánh phải trở lại với các tiến trình đơn sơ và có thể hiểu được.



Giáo sư Howard Gardner sinh năm 1943 tại Scranton bang Pensylvania, Hoa Kỳ, và là giáo sư tại đại học Harvard. Ông là tác giả của hơn 20 cuốn sách được dịch ra 30 thứ tiếng trên thế giới. Giáo sư Gardner cũng là giám đốc ”Dự án Zero” của đại học Harvard, và từ năm 1995 là đồng giám đốc ”Dự án Công viêc tốt”. Ông nổi tiếng với ”Lý thuyết đa thông minh”, theo đó con người có nhiều cách thức học hỏi và thực hành việc thông tin tức, nhưng các phương thức này tương đối độc lập với nhau dẫn đưa tới chỗ ”đa thông minh”, như là đối nghịch với ”yếu tố thông minh tổng quát” liên quan tới các tài khéo của con người. Từ năm 1999 giáo sư Howard Gardner đã nhận diện 8 loại thông minh liên quan tới các lãnh vực: ngôn ngữ, luận lý toán học, âm nhạc, không gian, cử động thân thể, liên bản vị, bên trong bản vị, và duy thiên nhiên. Hiện nay giáo sư đang nghiên cứu loại thông minh thứ 9 là ”thông minh hiện sinh”, hay sự thông minh liên quan tới các ”vấn đề lớn” trong cuộc sống con người.

Trong thời gian theo học tại đại học Harvard, ông Gardner đã phát triển ngành tâm lý, và theo học ngành tâm lý não bộ. Ông làm việc với giáo sư Roger Brown chuyên viên tâm lý ngữ học; tiếp đến cộng tác với giáo sư Erik Erikson, chuyên viên phân tâm học. Trong nỗ lực tổng hợp hai lãnh vực nghiên cứu: thứ nhất là lãnh vực của sự hiểu biết và biểu tượng bằng cách dùng các năng khiếu của các trẻ em bình thường và các trẻ em có khiếu khác thường; thứ hai là lãnh vực bị hư não bộ nơi người lớn, giáo sư Gardner đã phát triển ”lý thuyết đa thông minh” trong cuốn sách tựa đề ”Các khung của trí tuệ” xuất bản năm 1983. Năm 1986 ông bất đầu dậy tại đại học Harvard. Giáo sư đi du hành rất nhiều và thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu, đặc biệt tại Trung Quốc suốt thập niên 1980. Tuy nhiên trong các năm trưởng thành trong nghề nghiệp, giáo sư đã sống tại Cambridge bên Anh quốc. Trong suốt 15 năm qua ông chú trọng vào ”Dự án công việc tốt”. Các nghiên cứu của giáo sư thường được miêu tả như là ”nỗ lực tìm hiểu và diễn tả các độ cao và rộng nhất, mà tư tưởng của con người có thể đạt được, và đặc biệt chú ý tới sự phát triển và suy sụp các khả năng thông minh của con người”.

Giáo sư Howard Gardner đã nhân được nhiều giải thưởng khác nhau. Năm 1981 ông được giải thưởng ”McArthur Fellowship”, năm 1990 ông là người Mỹ đầu tiên đoạt giải thưởng ”Grawemeyer về Giáo dục” của dại học Louisville. Năm 2000 ông nhận giải thân hữu của tổ chức ”John. Guggenheim Memorial”. Năm 2004 ông được chỉ định làm giáo sư danh dự của Đại học Đông Trung Quốc tại Thượng Hải. Trong hai năm 2005 và 2008 giáo sư Gardner đã được hai nguyệt san ”Foreign Policy” và ”Prospect” của Hoa Kỳ kể vào số 100 nhà trí thức có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Năm 2011 ông được giải thưởng khoa học xã hội ”Hoàng thân Asturias”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của triết gia Howard Gardner về cuốn sách nói trên và về tinh thần trách nhiệm như thách đố lớn đối với con người trong xã hội ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Gardner, giáo sư nghĩ gì về tương quan của con người với luân lý đạo đức?

Đáp: Theo tôi, con người đã luôn luôn không có luân lý đạo đức, nhưng đã chưa bao giờ có nhiều kiểu không có luân lý đạo đức như ngày nay. Đồng thời trong thế giới vi tính chúng ta phải sáng chế trở lại ý nghĩa của các từ như: sự riêng tư, gia sản trí thức, sự nổi tiếng, cộng đoàn. Chúng là các thách đố quan trọng, và cho tới nay đã không có ai thành công trong việc thấy trước chúng ta sẽ ra khỏi đó như thế nào. Nhưng tôi xác tín rằng việc đương đầu với các vấn đề như thế cống hiến một cơ may rất lớn cho sự cộng tác giữa giới trẻ và người lớn. Giới trẻ thì hiểu biết nhiều hơn trong lãnh vực vi tính, còn người lớn thì có nhiều kinh nghiệm sống hơn và trong đa số các trường hợp họ cũng khôn ngoan hơn.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong bối cảnh hiện nay thì người ta có quan niệm nào về sự đồng quy?

Đáp: Tôi không tin rằng sự thật, vẻ đẹp và lòng tốt được chỉ định đồng quy giữa chúng với nhau. Trái lại, tôi coi chúng là các thực thể tách biệt, và được chỉ định ở yên như vây. Điều mà tôi xác tín đó là ngày nay, chúng ta ở trong các điều kiện giúp tới gần sự thật như chưa từng có trong qúa khứ, bằng cách đồng quy về những gì là thật sự một cách tràn đầy. Các bằng chứng và các phản bằng chứng đều nằm đó, để cho chúng ta sử dụng. Cố gắng lớn hơn là việc tách rời các khẳng định hàng loạt và đáng tin cậy khỏi các khẳng định mơ hồ và lừa dối.

Hỏi: Tại sao trong khảo luận của mình giáo sư lại cho vẻ đẹp tầm quan trọng lớn như thế?

Đáp: Tôi ý thức được sự kiện sự sống chung xã hội đòi hỏi trước hết phải có sự thật và lòng tốt, và trong một nghĩa nào đó chúng ta sẽ sống còn, cả khi không có vẻ đẹp. Tuy nhiên, trong các nước phát triển đa số dân chúng có đủ thực phẩm, có nhà ở, và có vài biện pháp an ninh. Vậy thì cái gì khiến cho chúng ta bám víu vào cuộc sống? Chúng ta tất cả đều phải biết: chỉ có kinh nghiệm về vẻ đẹp mới trao ban ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta, hay điều mà chúng ta kinh nghiệm qua thiên nhiên và nghệ thuật, cùng với gia đình của chúng ta, khi chúng ta nếm hưởng một bữa ăn ngon, hay khi chúng ta phiêu lưu trong một cuộc du hành gây xúc động. Một cuộc sống không có vẻ đẹp sẽ trống rỗng, và theo tôi, đó là sứ điệp các vở kịch của Samuel Beckett.

Hỏi: Trên bình diện các nhân đức dân sự, trái lại, hơn mọi người khác giáo sư hay quy chiếu về tinh thần trách nhiệm, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nó là thách đố quan trọng hơn mọi thách đố khác. Các chính quyền và các nhóm khác nhau trong các quốc gia có các tri giác khác nhau về ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm. Phương thế tốt nhất giúp đương đầu với đề tài này là nêu rõ các lý do của mỗi phía, rồi thảo luận chúng với nhau cho tới khi nào đạt được một giải pháp tốt nhất. Chúng ta có thể coi nó như là việc tạo dựng ra một thiện ích chung mới mẻ: một không gian đồng được chia sẻ, trong đó chúng ta có thể thẳng thắn bàn thảo một vấn đề, nhận định các sai lầm, và học cách sữa chữa các sai lầm đó, dựa trên nguyên tắc của việc trao đổi chứng từ với nhau.

Hỏi: Thưa giáo sư, đây có phải là cung cách cũng có thể áp dụng cho cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay trên thế giới hay không?

Đáp: Tôi đồng ý với phân tích của giáo sư Warren Buffett: đó là phải ngăn chặn mọi chuyển nhượng tài chánh qúa phức tạp để hiểu và để giải thích, cả đối với các chuyên viên tài chánh. Chúng ta không thể cho phép cuộc sống chung xã hội và kinh tế đi tới chỗ phức tạp tới độ thách đố khả năng hiểu biết của chúng ta. Ở đây các phương tiện truyền thông có thể nắm giữ một vai trò nòng cốt. Các nhà báo phải gây áp lực đối với các chuyên gia kinh tế và hàng lãnh đạo các tổ chức đầu tư, và bắt buộc họ giải thích bằng các từ ngữ đơn sơ cho mọi người hiểu họ đang làm gì, đâu là các nguy cơ, và ai là người sẽ phải trả giá cho các hậu qủa của một sự thất bại có thể xảy ra. Nếu giới chức tài chánh không thể đưa ra các giải thích đáng tin cậy, thì phải ngăn chặn họ tiến hành. Tôi xin đề nghị một khẩu hiệu mới ”Nếu qúa khó để hiểu, thì không được phép làm”, thay thế cho khẩu hiệu “qúa vĩ đại để có thể thất bại”, mà người ta vẫn dùng cho tới nay.

(Avvenire 14-12-2011)

Linh Tiến Khải
Radio Vatican – Tiếng Việt