VRNs(21.06.2011) – Hà Nội – Cuộc CCGD một khi đã chấp nhận cái mục tiêu mang chính tư tưởng của nó – hiện đại hóa – và kèm theo đó là các biện pháp thực thi vừa đơn giản, dễ thực hiện, vừa trung thành với mục tiêu và tư tưởng đã đề ra – những bản thiết kế để Thầy và Trò cùng nhau tổ chức thi công – thì việc lớn đầu tiên phải xác định là thay đổi hệ thống.
Thay đổi hệ thống không chỉ nhằm sửa chữa một cách làm việc “theo thói quen” được thể chế hóa (các cấp học, chương trình học và sách giáo khoa, trường sư phạm…).
Thay đổi hệ thống là xác định rõ ràng rằng trong nhiệm vụ giáo dục con em thì:
•Bậc học nào làm công việc gì ? và
•Toàn hệ thống có trách nhiệm đến đâu ?
Vậy là, việc thay đổi hệ thống như được đề xuất trong bản đề án này sẽ không chỉ là “thay đổi” theo nghĩa thêm vào bớt đi tùy “sáng kiến” hoặc “ý kiến chỉ đạo” của bất kỳ ai, mà sự thay đổi hệ thống cũng phải có nguyên tắc của nó, đó là công việc:
•Tổ chức lại các bậc học dựa trên tâm lý của lứa tuổi học trò ở mỗi bậc học,
•Từ đó mà chỉ ra được chương trình giáo dục nào thì đáp ứng tốt nhất cho từng lứa tuổi,
•Và cũng chỉ ra được cách dạy phù hợp nhất với cách học ở mỗi lứa tuổi đó.
Một điều cần lưu ý: Theo CCGD của bản đề án này thì tên gọi các bậc học cũng không được phép tùy tiện như cách gọi hiện nay: Tiểu học, Phổ thông cơ sở, Phổ thông Trung học – mà cách gọi tên một bậc học phải phản ánh được nhiệm vụ của bậc học ấy.
Bản đề án này dự kiến nền Giáo dục cải cách sẽ có các bậc học sau:
– Bậc Giáo dục phổ thông cơ sở (PTCS) gọi tắt là Trường phổ thông cơ sở học trong 8 năm.
Nói một cách ngắn gọn, đây là bậc học cung cấp cho trẻ em cách làm việc quan trọng của cả cuộc đời, tức là cách làm việc trí óc để sau bậc học này thì các em đã có thể bắt đầu bước vào đời bằng khả năng lao động chân tay lẫn lao động trí óc.
Ngoài việc chọn con đường nghỉ học và vào đời kiếm sống, xét trong phạm vi “nhà trường”, sau bậc GDPTCS 8 năm, thanh thiếu niên sẽ đi theo hai hướng tùy chọn.
Một hướng là:
– Bậc Giáo dục phổ thông hướng nghiệp (GDPTHN) gọi tắt là Trường phổ thông hướng nghiệp học trong 4 năm, chia làm hai khúc 2 năm + 2 năm, để sau mỗi khúc học sinh có thể vào loại trường Cao đẳng học nghề phù hợp hơn cả với chính mình.
Hướng kia là: Sau bậc GDPTCS là bậc học chuẩn bị kỹ lưỡng cho các em học tiếp lên bậc Đại học, bậc này sẽ có tên gọi là:
– Bậc Giáo dục phổ thông chuyên khoa cơ bản (GDPTCKCB) gọi tắt là Trường phổ thông chuyên khoa học trong 4 năm.
Sơ đồ tổ chức lại hệ thống giáo dục của cuộc CCGD này sẽ như sau:
Việc thay đổi hệ thống này mang trong lòng nó một triết lý giáo dục mới, có thể tóm gọn chỉ trong một mệnh đề: ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC.
Triết lý CCGD hiện đại hóa này có thể được lý giải như sau:
1./ Hạnh phúc đi học là một triết lý thay thế cho các “triết lý” khác, triết lý này đặc biệt phủ nhận hai triết lý cổ truyền đối lập nhau nhưng cùng vào hùa với nhau để làm khổ trẻ em: một quan niệm mơ hồ “học để làm người” và một quan niệm “học để trở thành nguồn lực phát triển đất nước”.
“Học để làm người” là một triết lý mơ hồ, nó dùng cái “Đức” để đè người; còn “học để trở thành nguồn lực phát triển đất nước” là một triết lý thực dụng sát mặt đất, nó dùng cái “Đói” để đè người; cả hai quan niệm này suy cho cùng đều là “lấy thịt đè người”.
Cả quan niệm “làm người” lẫn quan niệm “nguồn lực” đều là những “luận điểm” chống lại trẻ em. Một quan niệm thì dọa trẻ em để buộc các em phải có cái “đức” của người có học (“nhân bất học bất tri lý”, “bất học Thi vô dĩ ngôn”), tưởng đâu phải đỗ đạt “có học” như ai kia, còn như mù chữ như nhiều bậc cha ông xưa, thì dù có biết bao công lao dựng nước và giữ nước, cũng vẫn cứ là những kẻ “chưa nên người” vậy! Quan niệm kia dùng miếng cơm manh áo để dọa trẻ em và lùa các em tới trường để sau này thành “nguồn lực” cho nền kinh tế. Chẳng nhẽ, việc học của trẻ em lại chỉ để phục vụ cho một chữ Tâm mơ hồ hoặc chỉ vì một cái Bụng thô thiển?
Hệ quả của quan niệm “học để làm người” hoặc học để thành “nguồn lực” là trẻ em bị bắt buộc phải đến trường dưới dấu hiệu kinh nghiệm chủ nghĩa: Bé không học, lớn làm gì?
Và trẻ em đến trường vì bị ép buộc. Người lớn cũng chẳng ngần ngại nói rõ sự ép buộc đó: Chứng cớ là từng có thời bậc tiểu học được gọi là “cưỡng bách” (Obligatoire /Compulsory).
Lịch sự hơn một chút, thay cho cách nói “cưỡng bách” là cách nói “phổ cập”, nhưng chẳng qua đó cũng chỉ như là thay vì nói “trứng gà” thì lại nói là “gà tiềm năng”! Bởi thế mà người ta đã khéo léo lý giải khái niệm “cưỡng bách” theo cách hiểu “cưỡng bách” là vì quyền lợi của trẻ em, còn “phổ cập” được lý giải là vì quyền lợi của mọi trẻ em chuẩn bị vào đời. Song, chắc gì trẻ em đã thấy sự “chăm sóc” phổ cập hoặc cưỡng bách đó như là nhu cầu thiết thân, như là một hạnh phúc?
Chẳng có lý do gì để bắt buộc trẻ em phải đến trường!
Trẻ em đến trường chỉ bởi vì các em được học trong một môi trường giáo dục bảo đảm hạnh phúc cho các em! Hạnh phúc đó nằm trong khả năng phát triển của các em!
2./ Hạnh phúc đi học là triết lý của một nền giáo dục tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em trong tư thế một thực thể tinh thần.
Trẻ em phát triển lên thì cân nặng thêm, nhưng nó “lớn lên” không chỉ vì cân nặng. Có những em gầy gò ốm yếu – còn ai có thể ốm yếu hơn nhà bác học Stephen Hawking kia chứ, song ông vẫn là một thực thể mạnh, và ông mạnh là bởi vì tinh thần của ông mạnh.
Nhà trường phổ thông, do đó, phải là nơi thỏa mãn nhu cầu phát triển tinh thần của trẻ em, phải là nơi coi sự phát triển tinh thần đó như là một tất yếu. Ngay cả môn thể dục và các trò chơi thể thao trong nhà trường phổ thông cũng phải được coi là để rèn luyện sự hiểu biết về đời sống của con người mang một tinh thần mạnh mẽ bên trong một cơ thể mạnh khỏe – và đây là lý do giáo dục phổ thông không đặt ra vấn đề ganh đua đến mức đánh mất tinh thần và nhân phẩm cốt giành “thành tích cao”.
Làm cách gì để đạt được mục tiêu đó? Làm cách gì để thỏa mãn thực thể tinh thần gửi trong từng trẻ em như thế đó? Trả lời: Bằng hai giải pháp, mà giải pháp đầu tiên là nghiên cứu CÁCH HỌC của trẻ em, thậm chí nghiên cứu cả cách học phi học đường của trẻ em.
Chỉ sau khi đã hiểu rõ cách học khác nhau trước ba đối tượng chính của nhà trường (khoa học, nghệ thuật, đạo đức), thì khi đó nhà trường mới đủ khả năng chuyển sang giải pháp thứ hai, đó là tổ chức CÁCH DẠY nương theo cách học của trẻ em, để cho em nào cũng học được, em nào cũng có thể học giỏi nhất so với tiềm năng của chính mình, và mặt khác thì mọi trẻ em đều phải có được những năng lực chung trên một mặt bằng chung.
Hiểu rõ cách học khác nhau của mỗi em và đồng thời tạo ra ở trẻ em những năng lực đồng đều là cơ sở để tổ chức cách dạy khu biệt hóa (différencié/ differentiated) giúp cho tất cả trẻ em cùng phát triển song không kìm chân nhau.
Một cách dạy như thế đã được nghiên cứu và phát triển rất mạnh trong thế kỷ 20. Có thể kể ra các công trình của Maria Montessori, của Jean Piaget, của Luria-Vygotski-Galperin, của Vasili Davydov, và của hệ thống Công nghệ giáo dục tại Việt Nam với người sáng lập là Tiến sĩ Tâm lý học giáo dục Hồ Ngọc Đại.
Các nhà sư phạm chân chính và tiên tiến càng đi sâu khám phá được vào các bí ẩn của việc học của trẻ em thì nhà trường càng có cơ may giúp cho trẻ em thấy đi học là hạnh phúc – khi đó, học sẽ là niềm vui, giáo dục sẽ trở thành tự giáo dục, học trở thành tự học.
3./ Người học hạnh phúc vì được học và hạnh phúc đó còn là vì được học theo khả năng phát triển của chính mình.
Phương diện tâm lý học phát triển này cần được chú ý không chỉ trong xử lý cách học và cách dạy, mà cả trong quan niệm về tổ chức hệ thống giáo dục.
Đi học là một nhu cầu của tất cả mọi người. Một nhà nước của dân, do dân, vì dân tất nhiên phải quan tâm đến hạnh phúc của dân, tất nhiên phải bảo đảm cho người dân “ai ai cũng đủ cơm ăn áo mặc, ai ai cũng được học hành”.
Nhưng được học là một chuyện, còn có học được hay không lại là một chuyện khác. Mỗi cá nhân có một năng lực học tập khác nhau và năng lực ấy có có liên quan đến sự phát triển tâm lý riêng của cá nhân. Sự phát triển này về bản chất không thể mang tính đồng loạt, mà bất luận thế nào cũng có sự khác biệt tương đối.
Cải tổ lại hệ thống giáo dục chính là để tạo cơ hội để dòng chảy học sinh không chỉ chạy vào một nơi duy nhất: trường đại học. Cải tổ lại hệ thống giáo dục phải xây dựng được những phân nhánh để đáp ứng đồng thời khả năng của người tổ chức nhà trường (Nhà nước, ngân sách) và đáp ứng tiềm năng của người thụ hưởng chính sách giáo dục (người học và năng lực học cá nhân).
Thầy trò 8X giật giải thi tay nghề thế giới
Hội thi tay nghề thế giới tổ chức tại thành phố Calgary, Canada vừa kết thúc. Đoàn Việt Nam giành bốn chứng chỉ nghề xuất sắc, trong đó có hai người là Nguyễn Văn Hòa và Lê Minh Bằng đoạt giải từ một nghề mới: cơ điện tử.
Cả hai học viên này đều đang đều đang theo học tại trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương – Quận 5 TP Hồ Chí Minh. Họ giành 514 điểm, đạt chứng chỉ nghề xuất sắc, cùng các thí sinh đến từ quốc gia hùng cường về công nghiệp điện tử như Nhật, Đức, Singapore.
Từ cuộc thi cấp trường đến thi thế giới, người luôn theo sát 2 cậu học trò cưng là thầy Phạm Phú Thọ. Là thầy trò nhưng cả ba đều tuổi 8X. “Chúng tôi phối hợp rất ăn ý để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” – Từ thành phố Calgary, Canada, nơi tổ chức hội thi tay nghề thế giới, thầy giáo Phạm Phú Thọ, nói.
Thầy Phạm Phú Thọ, nguyên là sinh viên khoa Vật lý – Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp, anh về trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương làm giảng viên. “Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ học sinh học nghề rất cao và họ phát triển được cũng là nhờ đội ngũ thợ lành nghề như thế”.
Sao cứ phải vào đại học
Nguyễn Văn Hòa sinh ra trong gia đình nông dân. Học hết lớp 7, bố mẹ từ Hưng Yên vào Nam lập nghiệp. Tuổi thơ của Hòa in đậm những ngày tháng theo mẹ ra đồng gặt lúa, thả vịt, chăm sóc hoa màu. Hòa thi trượt đại học. “Thất bại đó làm mình chán nản đến nỗi không muốn đi ra ngoài, không muốn gặp gỡ ai” – Hòa kể.
Còn Lê Minh Bằng ôm giấc mộng vào đại học ngay từ khi còn ngồi trên ghế cấp hai. Nhưng Bằng cũng trượt. Chỉ có điều khác Hòa, sau khi báo điểm, Bằng lao đi làm thêm ngay. Hai năm sau, kiếm đủ tiền có thể học được một nghề, Bằng nộp hồ sơ vào trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương.
Đôi bạn trẻ Bằng và Hòa gặp nhau ở đó. Chính họ cũng không thể tin họ có một cuộc đồng hành đầy thú vị từ hội thi tay nghề giỏi cấp trường đến thi tay nghề giỏi thế giới và cùng đạt những kết quả xuất sắc.
Từ Canada, Bằng nói qua điện thoại: “Ở nước mình, mùa thi đại học vừa kết thúc. Mình biết sẽ có nhiều bạn buồn vì không đậu đại học nhưng đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp”.
Châu Kim Bảo
(Tiền Phong Thứ Hai, 14/09/2009)
Cải tổ lại hệ thống giáo dục theo cách như vậy sẽ đem lại hạnh phúc cho trẻ em đến trường. Khi ấy ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC và MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG NÁO NỨC MỘT NGÀY VUI.
GS. PHẠM TOÀN
Tác giả đồng ý cho VRNs phổ biến