Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Phẩm giá người tín hữu giáo dân (1)

VRNs (26.05.2011) – Roma, Italia



1 -Bối cảnh lich sử trong quá khứ

Một thúc đẩy khiến chúng ta suy nghĩ đó là vấn đề phẩm giá của người tín hữu giáo dân trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội.

Giáo Hội chỉ nhận thức được một cách rõ ràng trong thời gian gần đây, khi nhân loại khám phá ra thế giới như là thế giới chính đáng, một sự kiện mà chúng ta thường đặt tên là tiến trình thế tục hoá (sécularisation).
Tước hiệu của tiến trình vừa kể hàm chứa bên dưới cả một gia sản văn hoá.

Trong thời ” Chế độ Thủ Cựu ” ( Ancien Régime ), Giáo Hội được xem như là ” Thiên Chúa Giáo hoàn hảo ” ( Chrétienté parfaite), ” Xã hội Ki Tô giáo ” ( Société Chrétienne),
- như là tổ chức chỉ có liên hệ đến các giá trị thiêng thánh
- và những gì có liên hệ đến các giá trị trần thế được coi là ” trần tục hóa “, phạm thượng đến các giá tri thiêng thánh của mình.
Bởi đó chúng ta hiểu được cách tổ chức sống và hoạt động của Giáo Hội là cách hành xử tách biệt khỏi trần thế.

Nhưng chúng ta không có gì ngạc nhiên, việc ý thức đến việc người tín hữu giáo dân có một địa vị đáng kể nào đó, chỉ mới được phát sinh với các quan niệm và hiểu biết mới về trần thế.

Trong Giáo Hội thời tiên khởi và thời cổ , người tín hữu Chúa Ki Tô cảm nhận rằng Giáo Hội là
- ” không trần gian “.
- mà là khởi điểm thời cánh chung của Nước Thiên Chúa.
” Trần tục ” là vương quyền của tội lỗi, trần tục không được cứu độ.
Giáo Hội và thế gian là hai thực thể đối đầu nhau, như là thế giới được cứu rổi và thế giới không được cứu rổi.

Trong viễn ảnh thế giới vừa kể, người tín hữu Chúa Ki Tô được coi như là ” paroiko ” ( Hy Lạp, người ngoại quốc), đang ở giữa một thế giới thù địch với người tín hữu Chúa Ki Tô và đang bị thế giới bách hại.
Bởi đó người tín hữu Chúa Ki Tô, giáo sĩ cũng như giáo dân, tự nhiên coi mình là Dân Chúa , cùng đồng thuận nhau chống lại thế gian.
Tình hợp nhứt giữa các tín hữu Chúa Ki Tô bởi đó được cảm nhận thật mạnh mẽ.

Sự phân biệt do đó, không phải là phân biệt giữa hàng giáo phẩm và giáo dân, cho bằng giữa các Ki Tô hữu một bên và thế giới ở phía bên kia.

Tình trạng vừa kể bắt đầu được thay đổi vào thời các Giáo Phụ , nhứt là sau thời bình của hoàng đế Constantino.

Có ba yếu tố đưa đến cuộc thay đổi đó trong quan niệm về Giáo Hội và thế gian, sau khi các cuộc bách hại đã được tạm ngưng.

a) – Yếu tố thứ nhứt, trần thế dưới đôi mắt của người tín hữu Chúa Ki Tô mang một ý nghĩa khác, do việc sinh sôi nẩy nở đời sống tu viện.

Không còn có sự phân biệt giữa trần tục và Giáo Hội không trần tục. Trần tục không còn bách hại Giáo Hội nữa, mà chính thức nhận biết Giáo Hội, và trần tục bắt đầu trở thành ” thế giới Ki Tô giáo “.

Sự phân biệt cổ điển giữa Giáo Hội và trần thế giờ đây trở thành thực thể là
- ” Ki Tô hữu sống giữa trần tục ”
- và ” Ki Tô hữu sống theo cách sống đời sống tu trì “, tức là sống không thuộc về thế gian.

Từ đó,
- những gì mà trước kia được suy nghĩ và nói lên để ám chỉ Giáo Hội, giờ đây dần dần chỉ được áp dụng riêng cho các tu sĩ và các linh mục,
- trong khi đó thì phần còn lại, quan niệm cho rằng là những thành phần thuộc cuộc sống trần tục, được áp dụng cho các tín hữu Chúa Ki tô đang sống giữa đời.

Và cũng từ đó phát xuất ra thài độ khinh bỉ đối với các Ki Tô hữu sống giữa đời, tức là đối với các tín hữu giáo dân. Và như vậy, đồng thời tư tưởng đối nghịch nhau giữa trần thế và Giáo Hội trước kia trở thành cuộc đối chọi giữa giáo phẩm và giáo dân còn đang sống ” ở ngoài đời “, giữa trần thế.

b) – Ngoài ra, chúng ta cũng được biết rằng sau nền hoà bình của hoàng đế Constantino, quyền lực trần thế bắt đầu bảo bọc và che chở cho Giáo Hội: hàng giáo phẩm và tu sĩ được hưởng quy chế đặc quyền và miễn khỏi nhiều bổn phận trong cuộc sống thế trần. Điều vừa kể càng gây thêm việc chống đối giữa giáo sĩ và tín hữu giáo dân.

c) – Sau cùng, trong Giáo Hội thời cỗ,giáo sĩ và tu sĩ là những ơn gọi rõ ràng phân biệt nhau, nhưng sau những gì vừa kể, hai hình thức sống vừa kể rất có ảnh hưởng mãnh liệt đối với nhau.

Nhiều tu sĩ cũng trở thành linh mục, và rồi dần dần các linh mục cũng bắt chước theo cách sống của các tu sĩ: đời sống độc thân, mặc áo dòng. Các linh mục cũng có khuynh hướng sống đời sống linh mục trong cộng đồng, theo gương các dòng tu.

Về phía các tu sĩ cũng muốn đòi buộc dân chúng gọi mình là ” giáo sĩ ” ( clericus).

Như vậy, trên thực tế ” hàng giáo phẩm ” gồm
- các các thừa tác viên được truyền chức,
- cũng như các tu sĩ.
Và hai nhóm ” được đặc quyền ” đó đứng tách hẵn ra khỏi tín hữu giáo dân, trên lãnh vực cuộc sống nội bộ của Giáo Hội, cũng như trong các mối liên hệ với trần thế.

Trong những giai đoạn sau cùng của thời các Giáo Phụ, sau cuộc xâm lăng của quân Hung Nô ( Barbari ), một cuộc quấy động nặng nề xảy ra trong hệ thống giáo dục Tây Phương.

Trong những thế kỷ đầu các Ki Tô hữu không cảm thấy cần phải thiết lập trường ốc riêng tư, họ vẫn tiếp tục theo học các ” trường công lập “.
Nhưng vì lý do tình trạng hỗn loạn bị tạo ra do cuộc xâm chiếm của quân Hung Nô, ngành giáo dục công lập dường như bị tê liệt.
Bởi đó chính Giáo Hội đứng ra thành lập các trường tư của mình, và vào thời canh tân của Carolingia, ngành giáo dục tư thục của Giáo Hội cũng trở thành giáo dục công cộng.
Và như vậy, ngành giáo dục nằm trong tay Giáo Hội, và cũng từ đó Giáo Hội trở thành quyền lực văn hoá.

Điều đó đưa đến việc chỉ có hàng giáo phẩm, giáo sĩ và tu sĩ, mới là những người có dịp được học hành:
- hàng giáo phẩm trở thành đồng nghĩa với ” thành phần trí thức “, ” có văn hoá “,
- trong khi đó thì ” tín hữu giáo dân ” trở thành đồng nghĩa với thành phần ” không có văn hoá “; ” dốt nát “, ” mù chữ “.

Như vậy mối tương phản giữa giáo sĩ và giáo dân vốn trước kia đã sâu đậm, lại càng được khuếch đại hơn nữa, vì lý do nghịch cảnh xã hội tạo ra như vừa kể.
Người tín hữu giáo dân là hạng dân chúng thấp kém, dốt nát, hạng bét trong xã hội.

Điều vừa kể vẫn còn tồn tại trong suốt Thời Trung Cỗ và gốc rễ được đâm sâu vào tâm thức phát xuất từ hiện trạng vừa kể.

Trong khoảng thời gian đó, có người còn nặng lời cho rằng tín hữu giáo dân là ” laicorum genius bestiale ” ( loài giáo dân thú vật “, cách phát biểu theo tâm thức thông thường lúc đó có thể hiểu là hạng người có cách sống không có gì thanh lịch và không có lợi ích, thích thú gì để tiếp xúc với ” bọn đó “.

Đó là diễn tả theo ngôn từ hiện đại của chúng ta, nhưng đối với con người lúc đó, là hạng thấp hèn, thua kém, so với giới tu sĩ.

Điều vừa kể cho thấy trong thế giới với quyền năng giáo phẩm trị lúc đó, Giáo Hội được quan niệm là như là một tổ chức quyền lực của hàng giáo phẩm ( trong đó quyền tối thượng của hàng giáo phẩm được dành ưu tiên mọi đặc quyền).

Tình trạng vừa kể cho chúng ta hiểu Giáo Hội được đồng nghĩa với Ki Tô giáo và tín hũu giáo dân là thiểu số, dốt nát, thất học, chỉ là nhóm người mà hàng giáo phẩm cần phải chăm lo mục vụ cho.

Với quan niệm vừa kể, con người lúc đó quên mất đi mối tương quan giữa Giáo Hội và trần thế, quan niệm đã hiện hữu ngay trong thời cỗ. Ngay cả trong tư tưởng thời các Giáo Phụ mối tương giao căng thẳng giữa Giáo Hội và trần thế được hiểu như là mối tương giao đối nghịch giữa tu viện và thế giới trần tục, và thế giới được coi là ” phải xa lánh người Ki Tô hữu sống giữa trần thế “.

Quan niệm trên dần dần đưa đến mối tương phản giữa ” sacerdotium ” ( giáo sĩ ) và ” imperium ” ( vương quốc thế tục ).

Những người giáo dân duy nhứt được hàng giáo sĩ lưu tâm đến là vị hoàng đế, các vua chúa và các hoàng tử. Bởi đó chính Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII đã nói:

- ” Các người giáo dân là hạng người luôn luôn chống đối hàng giáo phẩm, thời cỗ đã dạy chúng ta và chúng ta đã có kinh nghiệm thật quá rõ ràng ngay trong thời đại chúng ta ” ( Bolla ” Clericis laicos “, 25.02.1296, ed. Friedberg, col. 1062).

Mối tương phản chống đối giữa giáo sĩ và giáo dân, trên thực tế, là mối đối nghịch giữa quyền lực trần thế và giáo quyền trong nền Ki Tô giáo duy nhứt.

Sau cùng là trong thời hiện đại của chúng ta, các chiều kích thuộc về chính lãnh vực trần thế được khám phá ra.

Chính Thánh Tôma d’Aquino đã đưa ra những nguyên tắc, nhưng trong Thời Trung Cỗ, chính tư tưởng Thánh Augustino mới là tư tưởng dẫn đầu.

Khởi dầu tiến trình hiểu biết cởi mở đó được khai triển trong lãnh vực khoa học thực nghiệm, với thành viên là nhà bác học Galileo.

Nhưng không lâu sau đó, tiến trình ” thế tục hoá ” ( secolarizzazione ) được phổ biến lan rộng và xâm chiếm cả cuộc sống con người.

Dần dần khuynh hướng đó được diễn biến thành quan niệm mới về nhân chủng học, trong đó con người nhận biết mình như là thực thể làm cho nhân loại và thế giới trở nên hoàn hảo.

Con người và thế giới được khám phá ra trong các chiều kích sống giữa thế giới của mình, trong các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, tâm lý và nhiều phương diện khác nữa.

Trật tự cuộc sống giữa trần thế là những gì thuộc về trách nhiệm của con người, không tùy thuộc vào việc con người tin hay không tin vào một Thiên Chúa là Đấng mạc khải Người cho họ.

Với nhãn quan mới vừa kể, người tín hữu giáo dân thình lình trở thành chủ thể chiếm hữu được một địa vị đáng kể .Họ là những người thiết định một định chế cho cuộc sống trần thế.

Bất thần vấn đề phẩm giá của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội cũng trở thành là chủ đề chính cho việc suy nghĩ về đức tin, bởi lẽ con người và trần thế được coi như là một lãnh vực nền tảng: người tín hữu giáo dân là con người và sống giữa lãnh vực trần thế.

Đặc tính trần thế trong tư tưởng nhân chủng học của từ ngữ làm cho khám phá ra đặc tính người tín hữu giáo dân theo quan niệm Ki Tô giáo, thần học.

Mối tương quan đó đưa đến việc khám phá ra đặc tính ” người tín hữu giáo dân giữa trần thế ” và ” người tìn hữu giáo dân trong Giáo Hội ” .

2 – Ngưòi tín hữu giáo dân trong Hiến Chế Lumen Gentium, số. 31

- ” Người tín hữu giáo dân được hội nhập vào Chúa Ki Tô với Phép Rửa và được cấu trúc thành Dân Chúa, tham dự vào phận vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Ki Tô.

- Với ơn gọi của mình, chính phận vụ của người tín hữu giáo dân là tìm kiếm Nước Chúa bằng cách hành xử các thực tại trần thế và xếp đặt chúng theo ý Chúa.

- Họ được kêu gọi cộng tác vào việc thánh hoá trần thế bằng cách hành xử phận vụ của chính mình, được hướng dẫn bằng tinh thần Phúc Âm,và như vậy, để bày tỏ Chúa Ki Tô cho người khác, nhứt là bằng nhân chứng trong đời sống của mình và bằng ánh sáng chiếu rạng của đức tin, niềm hy vọng và đức bác ái của mình “.

3 – Đời sống thiêng liêng của người tín hữu giáo dân trong Nghị Định Apostolicam Actuositatem , số 4

Kết quả tốt đẹp sung mãn việc tông đồ của người tín hữu giáo dân tùy thuộc vào mối thông hiệp đầy sức sống của họ với Chúa Ki Tô.
Đời sống thông hiệp mật thiết đó với Chúa Ki Tô được nuôi dưỡng trong Giáo Hội bằng những phương thức trợ lực chung cho mọi tín hữu,
- bằng cách tham dự tích cực vào Phụng Vụ,
- nhưng đồng thời cũng không tách biệt đức tin ra khỏi đời sống thường nhật.

Đàng khác cũng vậy, việc chăm lo gia đình, việc chuyên cần dấn thân vào các phận vụ xã hội, trong quá khứ cũng được quan niệm là ” không ăn thua ” gì đến đời sống thiêng liêng của mình.

Người tín hữu giáo dân phải sống đời sống
- đức tin ( được soi sáng bằng lời Chúa ),
- niềm hy vọng ( trong đoạn đường hành trình cuộc sống, ẩn mình vào Thiên Chúa với Chúa Ki Tô và được giải thoát khỏi nô lệ của giàu sang của cải, để định hướng mình đến đời sống bất diệt)
- và bác ái ( tỏ hiện Tám Mối Phước Thật đối với anh em mình).

Đặc tính thiêng liêng đó của người tín hữu giáo dân cũng phải được thể hiện cá biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, độc thân hay goá bụa, trong hoàn cảnh đau ốm, các hoặt động nghề nghiệp và xã hội.

- Mọi tín hữu giáo dân cần phải lưu ý đến
* thẩm quyền chuyên môn của mình,
* đến gia đình
* và đến ý nghĩa đời sống dân sự, đến các đức tính có liên quan đến các mối tương quan xã hội. Tức là đến những gì không thể không làm, tinh thần công bình, thành thật, cách đối tác lịch sự với người khác và sức mạnh của tinh thần, khi đứng trước lẽ phải cần phải bênh vưc.
Sức mạnh tinh thần vừa kể, nếu không được quan tâm, ngay cả đời sống Ki Tô giáo cũng không thể thực hiện được.

Khuôn mẫu tuyệt hảo của đời sống thiêng liêng và tông đồ vừa kể, chúng ta có Mẹ Maria làm gương. Mẹ là Nữ Hoàng của các Tông Đồ.

Mẹ đã sống cuộc đời trần thế như mọi người, đầy những điều phải lo nghĩ cho gia đình và việc làm, Mẹ vẫn luôn luôn thông hiệp thân tình với Con của Mẹ, và cộng tác một cách đặc biệt vào công trình cứu độ của Người.

4 – Nền thần học và đời sống thiêng liêng người tín hữu giáo dân trong Thông Điệp Christifideles laici

Có bốn chủ đề làm ” động lực ” nói lên mối liên hệ sâu đậm Thông Điệp về người tín hữu giáo dân (Christifideles laici ) với giáo lý của Công Đồng Vatican II:

a) Trước hết đó là chủ đề ” Mầu Nhiệm “.Chủ đề trình bày cho chúng ta Giáo Hội như là Thân Thể Chúa Ki Tô trong lịch sử và phẩm giá của người tín hữu giáo dân, do biến cố khởi đầu đời sống Ki Tô giáo, Phép Rửa, là người tham dự tích cực sống động vào các giá trị nền tảng của Mầu Nhiệm Giáo Hội trong lịch sử.
Bản thể chung của phẩm giá mỗi tín hữu là môn đệ Chúa Ki Tô:

Kế đến chính trong ánh sáng ” mysterium ” ( mầu nhiệm ), mà chúng ta có được đặc tính tuyệt đối mới lạ của người tín hữu giáo dân, đặc tính mới lạ đó là họ có gốc rễ căn cội của họ được đặt trong Phép Rửa:
- ” Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần …” ( Mt 28, 20).

Điều mới lạ đó cho biết căn tính bản thể của họ, trước khi nói lên đời sống mới mà họ có.

Chúa kêu gọi người tín hữu giáo dân tìm kiếm và xây dựng Nước Chúa từ bên trong và qua các thực tại trần thế khác nhau.

Phép Rửa không cất người tín hữu giáo dân ra khỏi thế gian,
- ” Anh chị em thân mến, mỗi người vẫn ở trước mặt Chúa trong tình trạng mà trong đó mình đang sống, khi được kêu gọi ” ( 1 Cor 7, 24), nhưng Chúa ủy thác cho họ một ” ơn kêu gọi Ki Tô giáo ” cho thế gian.

Bởi đó Thông Điệp Christifideles laici , n. 15 viết:
- ” Sống và hành động nơi trần thế đối với người tín hữu giáo dân là một thực tại không những nhân chủng học và xã hội học, mà còn và nhứt là thần học và giáo hội học. Thật vậy, trong tình trạng giữa trần thế của họ, Thiên Chúa tỏ ra đồ án của Người và thông ban cho ơn kêu gọi cá biệt ” tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách hanh xử các vật thể trần thế và sắp xếp chúng theo thánh ý Chúa ” ( Lumen gentium, 31).

b) Chủ đề ” Thông Hiệp ” làm nổi bậc lên đặc tính tham dự hơn của Giáo Hội. ” Mysterium ” ( mầu nhiệm ), Tự bản tính mình là Giáo Hội là Giáo Hội mầu Nhiệm Hiệp thông ” misterium communionis ” ( mầu nhiệm hiệp thông ).
Và ” communio ” ( hiệp thông ) tự bản tính mính là ” communio mysterica ” ( hiệp thông mầu nhiệm ).

Như tài liệu Công Đồng Vatican II xác nhận rõ rệt, sự hiệp thông không phải là hiệp thông xác thịt, hịệp thông bằng máu huyết, mà là hiệp thông được ban cho từ trên cao, hay là ơn sủng của Chúa ban cho.

Như vậy, sau khi đã vượt thắng được và đánh bật gốc rể cách đọc và giải thích phiến diện thực tại của Giáo Hội, giải thích đơn sơ theo nhãn quang xã hội học và tâm lý học, chúng ta có được

- ” Các mối liên hệ hợp nhứt các thành phần Dân Mới giữa họ với nhau – và trước tiên là với Chúa Ki Tô – không phải là những mối liên hệ xác thịt và máu mủ, mà là những mối liên hệ thiêng liêng, chính xác hơn là mối liên hệ của Chúa Thánh Thần, mà mọi người chịu phép rửa đều nhận được ” ( Christifideles laici, n. 19).

Qua cách dọc và diễn giải như vậy về ” mysterium communionis ” hay về ” communio mysterica ” chúng ta có thể hiểu được một vài đặc tính cá biệt trong Giáo Hội, nhứt là những ý nghĩa về phương diện ” khác biệt nhau ” và ” bổ túc cho nhau “.

Không phải ” đồng nhất rập khuôn ” , mà ” đa diện ” là cách sống và hành động trong Giáo Hội.

Đặc tính ” đa diện ” có mục đích nhằm bảo đảm và phát huy mối hiệp thông và hợp nhất.

Thông Điệp Christifideles laici chứa đựng một câu văn ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, đáng được suy nghĩ sâu xa hơn:
- ” Nhờ vào đặc tính khác biệt và bổ túc cho nhau, mỗi người tín hữu giáo dân được ở trong vị thế liên hệ với cả thân thể và cho thân thể đó hiến tặng chính nội dung của mình ” ( Christifideles laici n. 20).

c) Kế đến, chủ đế ” Sứ Mạng ” làm cho tất cả mọi tín hữu cảm thấy đồng trách nhiệm trong công trình lớn lao của cuộc cứu rổi trong lịch sử nhân loại.

Trên thực tế, sứ mạng của Giáo Hội được tổng kết và quy tựu tất cả trên Phúc Âm: nói một cách chính xác hơn, Phúc Âm cần phải được loan báo và sống.
” Cần phải loan báo “: từ đây chủ đề Phúc Âm cần phải được rao giảng;
” cần phải sống “: từ đây, chủ đế Phúc Âm là chủ đề phục vụ con người và phục vụ xã hội.

d) Sau cùng, chủ đề ” Đặc tính trần thế ” nhấn mạnh đến tính cách lữ hành của cộng đồng Dân Chúa ” in seculo”, hay giữa các biến cố lịch sử của mỗi thế hệ.

Nhưng đối với người tín hữu giáo dân, đặc tính trần thế có một ý nghĩa cá biệt, nói lên ý nghĩa đặc biệt sứ mạng của họ. Đặc tính trần thế

- không phải chỉ là thực thể bên ngoài và môi trường, đơn sơ, là một phương thức nhân chủng học và xã họi học,

- nhưng còn mang ý nghĩa thần học và giáo hội học. Trần thế ( hay thế gian ) với những vấn đề phức tạp trở thành nơi chốn đặc tính Ki tô giáo sống động và của động tác tông đồ của họ.
Thật vậy, người tín hữu giáo dân được Chúa mời gọi hãy cộng tác, như thể là từ bên trong, như men bột, để kiến tạo Nước Chúa,

- ” bằng cách hành xử đối với các sự vật trần thế và xếp đặt chúng theo thánh ý Chúa ” ( Lumen gentium, 31).

5- Ơn gọi người tín hữu giáo dân nên thánh

Chính trong đặc tính ” Giáo Hội Mầu Nhiệm ” làm cho chúng ta hiểu được cùng đích cao cả tối thượng mà mỗi thành phần Giáo Hội được nhằm tới:

- ” Bởi vì Giáo Hội trong Chúa Ki Tô là mầu nhiệm, nên Giáo Hội phải được xem là dấu chỉ và dụng cụ cho sự thánh thiện ( …). Các thánh nam nữ luôn luôn là nguồn mạch và căn nguyên của việc canh tân trong những hoàn cảnh khó khăn nhứt trong cả lịch sử Giáo Hội. Ngày nay chúng ta rất cần các thánh, mà chúng ta phải kiên trì van xin Chúa “.( Lumen gentium, 16).

- Như vậy thánh thiện được hiểu như là sự thành đạt cao trọng nhứt của phẩm giá Phép Rửa.

Thật vậy, thánh thiện không có gì khác hơn là chính phẩm giá đó được sống chính đáng và hoàn hảo:
” Vị thánh là chứng nhân huy hoàng nhứt phẩm giá được ban cho người môn đệ Chúa Ki Tô ” ( id.).

Và như vậy, thánh thiện là ơn gọi của ” tất cả thành phần Giáo Hội và của mỗi người trong họ “. Đó là lý do khiến cho Hiến Chế Lumen gentium xác nhận:
” Tất cả đều ở trong Giáo Hôi, chinh vì họ là thành phần của Giáo Hội, họ lãnh nhận và cùng tham dự vào ơn kêu gọi thánh thiện chung cho tất cả ” ( id.).

Trong tinh thần đó, chúng ta hiểu được trọng điểm lời xác nhận của Hiến Chế là
” thánh thiện là tổng thê dấu chỉ và nội dung của Giáo Hội thánh thiện “,
và đề nói theo nguyên ngũ của Thông Điệp Christifideles laici ,
” là một sự đòi buộc không thể thiếu của mầu nhiệm Giáo Hội “.

- Ngày nay chúng ta đang cần lấy lại được ý nghĩa chính đáng của quan niệm thánh thiện, nhứt là đối với người tín hữu Chúa Ki Tô.
Tinh thần Tám Mối Phước thật là những gì chung cho tất cả các môn đệ Chúa, cả cho các người tín hữu giáo dân ( Actuositatem apostolicam, 4 ).

Tinh thần thánh thiện đó phải được nhân chứng ra trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội, trong chính trị, trong kinh tế, trong mọi hình thức đời sống xã hội và văn hoá.

Điều vừa nói không phải dễ gì, nếu chúng ta nghĩ đến những ai dấn thân vào phục vụ chính trị và kinh tế.

Không có người tín hữu giáo dân sống giữa môi trường trần thế, ai có thể đứng ra thực hiện được?

Phẩm giá của người tín hữu giáo dân là vậy.

NGUYỄN HỌC TẬP