Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Phóng sự: Đất người Mơnông ở Đăk Nông bị cướp đoạt

VRNs (26.05.2011) – Đăk Nông – Kỳ 1: Du canh lạc hậu, định canh tiên tiến. Sự thật hay lừa cướp đất?



Những người dân tộc nói đó là đất họ, nhưng thực ra đó là đất rừng, do ngày xưa họ di canh di cư, làm một năm rồi bỏ, bây giờ trở lại nhận chứ đâu phải đất họ. Đó là nhận định của ông chủ tịch xã Đăk Ngo khi trả lời phóng viên Thomas Việt, VRNs, vào trưa 18/05/2011. Trong khi đó, trưa ngày 25/05/2011, ông Điểu Bẫy và người cháu của ông là Điểu Lý khẳng định đó là đất của làng ông cùng với bảy làng khác, đó cũng là đất lâu đời của gia đình ông. Ai đúng ai sai không phải là chuyện phán xét của giới truyền thông, nhưng chúng tôi ý thức mình có bổn phận giúp mọi người biết rõ sự thật.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu.

Du canh di cư ngày xưa ra sao?

Ông Y Dun Siu, một người Êđê kể : Ngày xưa nhà chúng tôi sống với làng, và cách nhau bằng những cánh rừng nhỏ. Sau một năm trồng lúa, mình cho đất nghỉ, nên đưa gia đình đi tìm một mảnh đất khác để tiếp tục gieo trồng cho năm mời. Đến đâu, mình và dân làng tìm cây làm nhà, sơ sài thôi, không làm nhà to và nhiều cây to như bây giờ đâu. Năm sau lại đi tìm mảnh đất khác. Theo ông Y Dun Siu, các con ông có đứa sinh ra trên mảnh đất này, đứa khác sinh ở mảnh đất khác. Cứ đi tìm đất như thế cho đến khi mỗi gia đình có được bảy mảnh đất. Đến năm thứ tám thì trở lại mảnh đất đầu tiên. Tuy đ ixa như thế, nhưng vẫn trong lãnh thổ của làng, các làng khác không ai đến xâm phạm, còn người làng mình cũng không ai đi xâm phạm đất của làng khác.

Khi chúng tôi hỏi, tại sao đất chỉ làm có một năm rồi bỏ ? Ông Y Dun Siu trả lời : Chúng tôi không bỏ đất, mà cho đất nghỉ ngơi, cho đất có giờ thở. Mới nghe, chúng tôi có cảm giác mê tín, lạc hậu, nhưng khi nghe giáo sư Võ Tòng Xuân, một ông thầy về cây lúa Việt Nam nói trên báo đài rằng ở Thái Lan và một vài nước có nền sản xuất lúa tiên tiến, họ không bao giờ làm lúa nhiều vụ trên cùng một thửa ruộng hay mảnh rảy, mà tối đa làm mỗi năm một vụ và vài năm thì cho đất được nghỉ. Hoạt động này giúp đất tự phục hồi, làm cho nông dân khi gieo trồng không cần phải dùng phân bón, cây trồng vẫn phát triển tốt, và nhất là không phải dùng đến tyộc trừ sâu, vì đất có đủ kháng thể giúp cây tự kháng các loại sâu rày.

Đất sau khi đã làm, người Jarai gọi là ksor, đất không canh tác chứ không phải đất hoang. Sau bảy tám năm, ngoài việc đầt tự phục hồi làm cho chất lượng của hạt gạo đủ dinh dưỡng, nơi mảnh đất này cũng tự mọc lên những cây cổ thụ. Khi trở lại trên mảnh đất này, người dân tộc thiểu số sẽ dùng ngay những cây này để làm nhà ở. Nhìn thấy họ đốt rừng làm rãy, nhưng không phải là đốt rừng, mà chỉ là đốt các cây trên trên đất ksor của mình để bắt đầu làm đất canh tác cho năm nay.

Sau này khi con cái lớn cưới chồng (dân tộc Mơnong theo mẫu hệ, nên chồng sẽ về nhà vợ) và ra ở riêng, thì cha mẹ trao cho một trong những mảnh đất đó. Sau đó gia đình mới bắt đầu hành trình khai phá thiên nhiên để tạo ra nguồn đất riêng cho mình và con cháu, cũng theo phong tục du canh di cư đó.

Khi chúng tôi bận tâm đến năng suất và sản lượng của cây lúa, một già làng thay vì trả lời vào câu hỏi, ông đã nói : Trước đây khi còn là đứa bé, tôi chẳng thấy đá, chỉ toàn là đất, còn bây giờ nhìn đâu cũng thấy đá to đá nhỏ. Đây là hậu của của định canh định cư. Con người ở lì một chổ thì không có gì có thể tồn tại được !

Phải chăng định canh định cư là tiến bộ ?

Theo những gì đã ghi nhận được ở trên thì du canh di cư trước tiên là bảo vệ đất, bảo vệ môi trường. Các đợt du canh là cơ hội cho đất cũ được phục hồi, không làm đất bạc màu, mà còn làm gia tăng chất lượng đất bởi lá cây, cỏ rụng sau bảy tám năm sẽ mục nát, trở nên vi lượng tự nhiên thấm vào đất, làm đất tốt hơn lên.

Vậy tại sao lại cấm du canh di cư ?

Trước khi đưa ra câu trả lời, chúng tôi xin mời quý độc giả tìm hiểu chút ít về vấn đề dân cư bản địa và dân nhập cư. Theo tiến sĩ Trương Minh Dục trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc và quan hệ dân tộc ở Tây Nguyên, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2005, thì « Cho đến ngày giải phóng, dân số Tây nguyên còn thưa thớt. Tính cả ba tỉnh Tây Nguyên lúc đó [sau 1975 Tây Nguyên chỉ có các tỉnh Gia Lai-Kontum, Đăklăk, và Lâm Đồng – NV] lúc đó cũng chỉ mới có trên một triệu người với mật độ dân số 20 người/km2, bằng 1/7 mật độ dân cư thời kỳ đó trên toàn quốc (148 người/km2) » (Trang 27).

Theo thống kê quốc gia năm 2009, dân số ở Tây Nguyên đã tăng gấp 5 lần (sau 34 năm). Hiện nay dân số Tây Nguyên là 5.124.900 người (x. http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=387&idmid=3&ItemID=9865).

Phải chăng tốc độ dân số tăng nhanh như vậy là do người dân tộc sinh đẻ quá nhiều ? Thưa không. Đó là do di dân người Kinh từ đồng bằng Miền Bắc vào, từ Duyên hải Miền Trung lên. Nhóm đầu tiên di cư vào Tây Nguyên là do « Đảng, nhà nước đã điều động hàng nghìn cán bộ đản, chính quyền từ miền Bắc, các tỉnh duyên hải miền Nam Trung Bộ tăng cường cho bộ máy chính quyền ở Tây Nguyên » (Sđd. Tr 28). Nhóm thứ hai « Đảng và nhà nước chủ trương chuyển một bộ phận dân cư ở đồng bằng duyên hải miền Trung và đồng bằng Bắc bộ đi xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên với sự tập trung cả vốn và lẫn cán bộ » (ibid). Chỉ tính từ năm 1976 đến năm 1980 đất Tây Nguyên đã phải đón nhận 450 ngàn người, tăng 40% dân số so với năm 1975. Từ năm 1981 – 1991 tăng thêm 125 ngàn người. Và cứ tiếp tục cho đến nay. Hiện nay số người Kinh trên Tây Nguyên đã chiến đến gần 70%, trong khi đó người bản địa chỉ hơn 30% một chút.

Một người dân tộc kể, khi cách mạng về, họ gôm chúng tội lại, chia cho mỗi gia đình vài trăn mét vuông đất thổ cư và vài xào đất rãy thay cho vài chục hecta của mỗi gia đình trước kia.

Vậy số đất trước đây của mỗi gia đình ai thu và dùng làm gì ?

Với chính sách đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước thay mặt quản lý đã trưng thu hết đất đó là đất công. Lưu ý công ở đây chỉ là một cách nói để trưng thu, còn thực tế là lấy để cấp cho những người khác. Trong đó các cán bộ từ ấp đến tỉnh có số đất rất rộng lớn, và vị trí đất lại là những vị trí tiện lợi giao thông, nguồn nước và mọi sinh hoạt. Một số đất được thu giao cho lâm trường trường rừng. Thực tế là phá rừng, kinh doanh rừng, vì trước 1975, Tây Nguyên toàn là rừng, còn bây giờ rừng rất thưa thớt. Nhiều khu rừng lúc đầu bị khai phá để cho ngành công nghiệp và xuất khẩn gỗ phát triển. Sau khi đã làm kiệt quệ rừng như ngày nay thì chính quyền bắt đầu đưa ra khái niệm « rừng nghèo », để tiếp tục bán lấy đất bán cho các doanh nghiệp trồng cao su.

Ngoài lý do chiếm đất của các sắc tộc thiểu số, một lý do được đưa ra để cấm du canh di cư là sợ dân ở sâu trong rừng sẽ không theo nhà nước, khi nhà nước ức hiếp họ.

Một cán bộ cấp huyện nói với chúng tôi: Một người trong phái đoàn Nhật sau khi tham quan Tây Nguyên đã phát biểu rằng nếu tôi được thuê Tây Nguyên này thì tôi đủ sức làm để trả tiền thuê và nuôi sống cả nước Nhật. Không biết lời kể chuyện này đúng ở mức nào, nhưng chắc chắn chính quyền Việt Nam đã chọn một sách lược khác. Một mặt đổ người Kinh ào ạt vài đất của người sắc tộc thiểu số, lấy hầu hết đất của người dân tộc trao cho người Kinh để đồng hóa và để đe dọa người các sắc tộc rằng họ nhỏ bé, lạc hậu, không đáng tồn tại nếu không sát nhập với người Kinh, mặt khác tạo cơ hội cho cán bộ bòn đất và tài nguyên thiên nhiên của người bản địa.

Đó là lý do tại sao chúng ta thấy cứ phải cứu đói cho người sắc tộc thiểu số, còn người Kinh trên vùng Tây Nguyên, nhất là cán bộ thì càng ngày càng giàu.

Vấn đề của ông Điểu Bẫy và 56 hộ Mơnong ở xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông như thế nào ? Báo chí lề phải đã nói không đúng như thế nào ? Xin mời quý độc giả đón đọc kỳ 2 vào ngày mai.

Thụy Minh, VRNs